Phần thưởng cho người trung tín – Bài giảng Chúa nhật XXXIII thường niên C
Đức tin Kitô giáo đã cho chúng ta câu trả lời: Sau khi chết, người trung tín sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa, những tội nhân sẽ phải trừng phạt đau khổ muôn đời.
Hôm nay, Chúa nhật 13-11-2016, một số giáo phận cử hành lễ kính trọng thể các thánh Tử đạo Việt Nam, vì Chúa nhật sau sẽ là lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Dù cử hành lễ kính các thánh Tử đạo hay lễ Chúa nhật 33 thường niên, Phụng vụ Lời Chúa đều mang nội dung giáo huấn về thân phận con người trong một thế giới đang dần qua đi, để từ đó, chúng ta kiếm tìm những giá trị vĩnh cửu là ân ban của Thiên Chúa và cố gắng sống trung tín với Ngài.
Con người sẽ ra sao sau khi chết? đó là câu hỏi không ngừng ám ảnh mọi thời đại. Trong cuộc sống trần thế, con người trồng tỉa, xây cất, tích trữ. Thế rồi, một lúc nào đó, họ nhận ra rằng những điều mình tích trữ ấy trở thành vô nghĩa, vì chẳng ai sống mãi mà hưởng thụ. Cuộc sống này có khởi đầu và có kết thúc. Ai cũng phải chết, và khi chết, họ phải để lại hết mọi sự. Đức tin Kitô giáo đã cho chúng ta câu trả lời: Sau khi chết, người trung tín sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa, những tội nhân sẽ phải trừng phạt đau khổ muôn đời.
Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, gọi ngày tận thế là “Ngày của Chúa” và được trình bày với lối văn chương khải huyền, tức là đi kèm với động đất, khói, lửa, chiến tranh bạo lực và tai ương ập đến. Những gì được coi là bền vững và vĩnh cửu như đền thờ Giêrusalem cũng sẽ có ngày sụp đổ. Tuy vậy, đối với những ai yêu mến Chúa và thực thi điều công chính, thì thời điểm đó lại là lúc họ được giải thoát và lĩnh phần thưởng (Bài đọc I). Họ tin Chúa là vị Thẩm phán công minh. Ngài xét xử vừa với sự công bằng vừa với lòng thương xót. Những ai mến Chúa yêu người sẽ được Ngài thưởng công.
Một câu hỏi khác luôn được đặt ra: “Khi nào thì tận thế xảy đến?”. Thiên Chúa khôn ngoan không cho con người biết trước lúc tận cùng của cuộc đời. Bởi lẽ, nếu họ biết trước ngày giờ của cái chết, họ sẽ khủng hoảng tinh thần, lo lắng bấn loạn và tiêu cực bất mãn. Có người mất tiền đi coi bói toán tử vi để biết bao giờ mình tận số, kết cục trở thành lo sợ ám ảnh đến mức điên loạn. Nếu Chúa không cho ta biết ngày giờ tận thế, cũng như giờ chết của mỗi người, thì Người lại kêu gọi ta hãy thận trọng, hãy tỉnh thức và luôn dọn mình sẵn sàng, bởi không biết giờ nào Chúa sẽ đến, bất ngờ như kẻ trộm. Khôn ngoan trong đời sống đức tin, Chúa cảnh báo chúng ta phải cẩn trọng trước những trào lưu giáo thuyết sai lạc, giả dối, nhằm mê hoặc và đánh lạc hướng con người.
Như thế, đối với những ai yêu mến Chúa, khi nào tận thế không quan trọng bằng việc chúng ta sống thế nào trong khi chờ đợi biến cố ấy. Chúa Giêsu hôm nay nhấn mạnh đến lòng trung thành của những ai muốn làm môn đệ Người. Trong hành trình đức tin, người tín hữu phải đối diện với biết bao cám dỗ thử thách. Có những khó khăn đến từ chính những người thân, vì họ thành kiến mặc cảm với Giáo Hội. Người tin Chúa nhiều khi phải chấp nhận những hy sinh về tình cảm, lợi lộc để giữ một niềm trung tín với Chúa. Các thánh tử đạo là mẫu mực cho chúng ta. Sinh ra ở đời, ai cũng muốn sống bình an, mạnh khỏe hạnh phúc và trường thọ. Tuy vậy, khi phải chọn lựa, giữa sự trung thành với Chúa hoặc lợi lộc trần gian, các ngài đã chọn lựa Chúa cho dù phải đổ máu. Sự chọn lựa ấy đã khiến các ngài phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Các ngài xác tín rằng: ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan; ai trung tín đến cùng, sẽ được Chúa ban thưởng. Chúa Giêsu hôm nay khẳng định với chúng ta: “Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”. “Bền đỗ” có nghĩa là kiên trì, trung tín và cậy trông vào lòng nhân hậu của Chúa và tin rằng, dù hoàn cảnh nào, Ngài cũng không bỏ rơi chúng ta.
Tin vào đời sau không có nghĩa là chúng ta bỏ bê trách nhiệm đối với cuộc sống hiện tại như nhiều người lầm tưởng. Thánh Phaolô đã phê phán quan điểm sai lầm của một số tín hữu ở Thêsanolica. Những người này không chịu làm việc vì họ nghĩ sắp tận thế rồi. Thánh nhân đã đưa ra nguyên tắc: “Ai không muốn làm việc thì đừng có ăn!”. Chính ngài đã cố gắng để sống bằng đôi tay của mình, không trở nên gánh nặng cho người khác (Bài đọc II).
Cuộc sống trần gian là một cuộc lữ hành. Chúng ta đang tiến dần về quê trời, nhưng không thờ ơ vô trách nhiệm với cuộc sống trần thế. Người tín Chúa vừa gắn bó với quê trời, vừa yêu mến cuộc sống hiện tại, vì nơi đây, Chúa mời gọi họ sống yêu thương thân thiện để làm chứng cho tình yêu của Ngài. Nếu khi chết, con người không mang theo được của cải, danh lợi, thì họ có thể mang theo những công phúc, lòng bao dung, tình yêu mến quảng đại và nhất là lòng mến Chúa yêu người. Hạnh phúc thiên đàng là kết quả của những nỗ lực cố gắng ấy. Biết khôn ngoan chọn lựa giữa những gì tạm thời và những gì vĩnh cửu, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc bất diệt Chúa dành cho những người trung tín.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org