Lời chủ chăn Tháng 12/2016
MÙA VỌNG TRÔNG ĐỢI ĐẤNG CỨU THẾ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Bước vào Mùa Vọng, tâm hồn mọi người đều hướng đến lễ Chúa Giáng Sinh, mầu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Tuy nhiên, lòng trí người tín hữu nhiều khi chỉ dừng lại ở những lễ nghi, mà không vươn tới Chúa Cứu Thế, Đấng thiết lập và đang hoạt động trong lễ nghi phụng tự. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu để đi vào chiều sâu tinh thần của Mùa Vọng. Điều này càng quan trọng đối với anh em linh mục trong nhiệm vụ mục tử và với các tu sĩ, cộng tác viên của các mục tử, chúng ta còn có trách nhiệm hướng dẫn đoàn Dân Chúa sống theo tinh thần của mùa phụng vụ này nữa.
Trong ý hướng đó, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi điều về thái độ của Thánh Gioan Tẩy Giả và của Đức Maria, như mẫu gương hướng dẫn chúng ta trong hành trình thiêng liêng của Mùa Vọng. Những suy tư này, tôi múc nguồn từ đoạn sách Tin Mừng theo Thánh Luca và Thánh Matthêô dưới đây.
Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilêa, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1,26-38).
Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3).
1. Sứ điệp cứu độ và tâm tình, thái độ của Thánh Gioan Tẩy Giả
“Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Sứ điệp trên đây mạc khải cho chúng ta biết chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể của chính Con Thiên Chúa. Áp dụng vào hoàn cảnh của dân Do Thái đang trông chờ Đấng Cứu Độ và cho con người thời đại ngày nay, sứ điệp trên đây có ý nghĩa gì?
Trong bối cảnh dân Do Thái lúc đó, sứ điệp này xem ra vô nghĩa và có thể làm họ thất vọng. Đây là một dân tộc đang quằn quại dưới ách thống trị của đế quốc Roma, và phần đông dân chúng là những người bần cùng, khốn khổ, thì lòng họ chắc chắn đang nôn nóng trông chờ một phép lạ kinh tế, một hành động chính trị ngoạn mục giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người Roma. Vậy mà sứ điệp Thiên Thần đem đến lại là việc ‘thụ thai’ một em bé ! Một trẻ thơ sinh trong một gia đình bình dân, tại một làng quê hẻo lánh, tầm thường. Liệu Trẻ thơ này có thể đáp ứng được lòng mong đợi của dân chúng không? Sứ điệp này có thể thắp lên được hy vọng gì nơi lòng người dân Do Thái lúc đó?
Tâm trạng nghi nan và dửng dưng của dân Do Thái cũng có thể là tâm trạng của nhiều tín hữu, có khi ngay cả nơi các linh mục, tu sĩ và các nhà truyền giáo ngày nay. Tâm trạng này ẩn tàng trong tâm hồn khi Chúa Giêsu chỉ là lý thuyết trừu tượng, là “đồ trang sức”, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hằng ngày của người tín hữu ; với các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên, nếu Chúa Giêsu chỉ được nhắc đến như công thức trong các bài giảng, bài dạy giáo lý, mà không là một Đấng Hằng Sống, một Tình Yêu đã được cảm nghiệm và trao ban ; đối với các nhà thừa sai truyền giáo, vấn đề xảy ra khi Chúa Giêsu bị che lấp dưới “chiếc áo” bác ái, đối thoại tôn giáo… Trong bối cảnh này, đoạn sách Tin Mừng Thánh Matthêô nói về Thánh Gioan Tẩy Giả có thể đem lại ánh sáng chiếu soi hành trình tâm linh Mùa Vọng: Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” (Mt 11,2-3).
a) Phó thác cuộc sống trong bàn tay Chúa Quan Phòng
Ở thời đại nào, cuộc sống con người cũng có những khó khăn. Đứng trước những khó khăn, những người có lòng tin, tự nhiên hướng lòng trí lên Chúa và kêu cầu ơn trợ giúp để thoát khỏi nguy nan thử thách. Từ ngày có Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, nhiều người đến đây hành hương và để lại những lời kêu xin tha thiết và rất chân thành. Sau đây là một lời trong trăm ngàn lời kêu xin:
“Lạy Chúa, con rất đau khổ và tuyệt vọng, gia đình con lâm vào đường bế tắc, chồng con đi ngoại tình đánh đuổi 3 mẹ con con ra khỏi nhà. Con phải lo cho 2 con ăn học mà khi ra đi không có một đồng tiền nào Chúa ơi ! Chồng con ngang nhiên ăn ở với người đàn bà khác mà không hề quan tâm tới mẹ con con sống chết ra sao? Cứ hết tiền là về nhà hằn học đòi tiền để mang đi cho người đàn bà kia. Chúa ơi ! Bây giờ con phải làm sao để giải quyết cho êm đẹp để kéo anh ấy về ? Xin Chúa thương xót đến con, cho công việc của con được trôi chảy để con có tiền nuôi các con của con. Xin Chúa cho việc buôn bán của con được bình an, cho khách hàng của con thật thà, đừng lừa gạt con. Con cám ơn Chúa và Mẹ Maria.”
Ngẩng đầu lên kêu cầu Chúa trong cơn đau khổ để xin Chúa giải thoát là tâm tình và thái độ của người có lòng tin và là điều rất đáng trân trọng. Nhưng Thánh Gioan Tẩy Giả lại mời gọi chúng ta vươn lên cao hơn. Ngài đang bị cầm tù, nên nhu cầu căn bản của ngài lúc đó là được giải thoát khỏi tù ngục. Thế mà, thay vì sai môn đệ đi tìm người giải thoát mình khỏi cảnh tù ngục, thánh Gioan lại sai môn đệ đến với Chúa Giêsu, không yêu cầu xin Chúa làm phép lạ giải thoát ngài mà chỉ hỏi đơn giản: “Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải chờ ai khác ?” Câu hỏi của Thánh Gioan cho thấy sự chuyển động tâm linh rất sâu xa nơi ngài: thay vì tìm kiếm Sự cứu độ, ngài tìm kiếm Đấng Cứu Độ.
Tinh thần của Thánh Gioan sẽ giúp chúng ta, trong hành trình Mùa Vọng, biết coi nhẹ những vấn đề của cuộc sống hằng ngày, phó thác tất cả mọi khó khăn nơi bàn tay quan phòng của Chúa, để trông chờ Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa cho nhân loại từ thuở đời đời, vì có Chúa là có tất cả. Ngài không những sẽ dẫn đưa chúng ta mà còn ban sức mạnh để chúng ta đi xuyên qua những vùng tăm tối của cuộc sống với tâm hồn an bình.
b) Đón chờ Đấng Cứu Thế vì Ngài yêu thương chứ không chỉ vì Ngài ban ơn
Đấng Cứu Thế được loan báo không chỉ đơn giản là một người hoàn hảo, một siêu nhân, cũng không phải chỉ là một Thiên Thần hay Tổng lãnh Thiên Thần, mà là Con Thiên Chúa xuống thế làm người vì thương yêu loài người. Đây là một Tin Vui, một sự kiện hoàn toàn mới mẻ. Chẳng ai dám nghĩ, cũng chẳng dám mơ tưởng là Thiên Chúa xuống thế và trở thành một người, trong thân phận của một con người. Dân thành Listra, khi chứng kiến những điều Thánh Phaolô làm, họ hô lên: “Các thần linh đã xuống giữa chúng ta trong hình ảnh người phàm” (Cv 14,11). Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã xuống trần gian, không phải chỉ trong hình dáng người phàm, nhưng Ngài đã nhập thể, trở thành một người. Đây là hành động của tình yêu sâu thẳm, thứ tình yêu muốn chia sẻ và thông phần vào điều kiện sống của người mình thương yêu.
Do đó, Đấng Cứu Thế được đón nhận chỉ vì Ngài thương yêu chứ không phải vì Ngài hữu ích hay Ngài giải quyết các vấn đề của mình. Niềm vui hạnh phúc trào dâng lên vì được đón tiếp Ngài chứ không phải vì được nhận ơn ban của Ngài. Thánh nữ Josephina Bakhita, người Sudan, đã từng bị bắt cóc và bán làm nô lệ rồi sau được tự do, được biết Chúa, trở lại đạo và đi tu. Khi một người hỏi ngài: “Chị sẽ làm gì, nếu bây giờ Chị gặp lại những người đã bắt cóc và bán Chị làm nô lệ ?” Thánh nữ đã trả lời ngay, không chút do dự: “Nếu tôi gặp lại những người đã bắt cóc và bán tôi làm nô lệ, những người đã hành hạ tôi, tôi sẽ không ngần ngại quỳ xuống hôn tay họ, vì nếu không xảy ra những điều đó, làm sao tôi biết được Chúa Giêsu, trở thành kitô hữu và bây giờ làm nữ tu !” Trong lòng thánh Josephina Bakhita, chính Chúa và tình yêu của Ngài là kho tàng, là viên bích ngọc và đã thay đổi tất cả: điều bị coi là bất hạnh, là thảm kịch lại được thánh nữ coi là ân huệ và dịp may, vì nhờ nó, ngài gặp được Chúa và khám phá ra tình yêu của Ngài.
2. Đức Mẹ và tâm tình Mùa Vọng
Nơi Đức Mẹ, chúng ta có thể tìm được 3 yếu tố hướng dẫn chúng ta sống hành trình thiêng liêng của Mùa Vọng. Đó là lời chào của Thiên Thần, thái độ đối thoại của Đức Mẹ với Thiên Thần và lời đáp trả “Xin vâng” của Đức Mẹ.
a) Lời chào của Thiên Thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” và lời đáp trả “Xin vâng” của Đức Mẹ
Lời chào của Thiên Thần “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” cho thấy đặc tính định nghĩa căn tính của Đức Mẹ: Ngài là Đấng đầy ơn Chúa, là Đấng luôn có Chúa ở cùng.
Mỗi người có một đặc tính đến độ có thể trở thành yếu tố định nghĩa người đó. Chẳng hạn một người có thể được định nghĩa là người tài giỏi, tốt bụng, dễ thương, quảng đại, có lòng thương người nghèo, v.v. và người này hài lòng, hãnh diện về những điều đó, nhất là khi được người đời ca ngợi. Còn Đức Mẹ, khi muốn nói về đặc tính của Mẹ thì Thiên Thần nói Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, là Đấng luôn có Chúa ở cùng. Mẹ luôn được Thiên Chúa yêu thương và Mẹ hạnh phúc về điều đó ; Ngài trân trọng và luôn tỉnh thức giữ gìn.
Sống Mùa Vọng theo gương Đức Mẹ là đi vào hành trình khám phá và trân trọng tình nghĩa của Thiên Chúa, hơn là ân huệ của Chúa. Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận có lần đã nói: “Con hãy tìm Chúa hơn là tìm công việc của Chúa”. Dĩ nhiên, tất cả những đức tính, những việc phục vụ Chúa đều là những điều quý giá và đáng trân trọng, nhưng yếu tố nòng cốt là chính Chúa trong tình yêu thương vô bờ bến của Ngài. Chỉ trong tương quan với Chúa, các đức tính, các công việc phục vụ mới biểu lộ được giá trị đích thực. Vì vậy, khi chúng bị tách ra khỏi tình nghĩa của Chúa, nhất là nếu chúng thay thế chỗ của tình nghĩa của Chúa, chúng sẽ bị biến thể và đánh mất vẻ đẹp nguyên thủy. Trong trường hợp này, công việc mục vụ sẽ bị giới hạn trong việc thực hiện các giá trị, chứ không giới thiệu Chúa Giêsu cho tha nhân, hoặc Chúa Giêsu có được nhắc đến thì cũng chỉ là “đồ trang sức” và có khi còn bị lợi dụng để thực hiện những “việc tốt”.
Để khám phá được niềm vui của tình Chúa yêu thương, người tín hữu phải biết hy sinh những chuyện nho nhỏ hằng ngày vì Chúa và sẵn sàng chịu thiệt thòi vì Ngài. Đó chính là tinh thần “Xin vâng” của Đức Mẹ.
b) Nhạy bén với tiếng Chúa trong thinh lặng lắng nghe
Đọc đoạn sách Tin Mừng Thánh Luca, người ta cảm thấy lan tỏa một bầu khí thinh lặng thánh thiêng, trong đó Đức Mẹ lắng nghe và đối đáp với Thiên Thần để nhận ra và đón nhận ý định của Thiên Chúa. Nhờ đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế, nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại.
Lắng nghe Thiên Chúa, nhận ra được tiếng của Ngài và tin tưởng vâng theo là điều cốt tuỷ của ơn gọi kitô, nhất là ơn gọi linh mục và thánh hiến. Nhưng đây lại là điều hết sức khó khăn vì trong nội tâm mỗi người có nhiều thứ tiếng ồn ào. Bên cạnh tiếng nói của Chúa, còn có tiếng nói của sự khôn ngoan loài người, tiếng chào mời của thú vui, dục vọng, tiếng của ma quỷ cám dỗ và lừa đảo. Mặc dù những tiếng nói đó có khi cùng vang lên một lúc, nhưng mỗi thứ tiếng có đặc tính riêng, nên một người có lòng thành, năng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, tuân theo hướng dẫn của Giáo Hội, sẽ biết nhận ra tiếng Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể.
Cúi xin Đức Mẹ, Đấng đã hoà nhịp với Dân của Ngài trong niềm đợi trông Đấng Cứu Thế, Đấng đã nhận ra và vâng theo ý định của Thiên Chúa, chỉ bảo và trợ giúp chúng ta trong trách nhiệm mục tử hướng dẫn đoàn Dân Chúa sống tinh thần Mùa Vọng.
Với lòng quý mến và trân trọng, tôi kính chúc quí Cha và quý Tu sĩ một Mùa Vọng đầy ân sủng và niềm vui ! Cùng nhau chúng ta kêu xin: Maranatha – Lạy Chúa, xin hãy đến !
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc