Vấp ngã vì thập giá – Bài giảng Chúa nhật XXII thường niên A

02-09-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Vấp ngã vì thập giá – Bài giảng Chúa nhật XXII thường niên A by

Nếu thập giá là biểu tượng của yêu thương và tha thứ, thì thập giá cũng là cớ vấp ngã đối với nhiều người. Khi đối diện với thập giá, tức là những đau khổ, nhiều người đã phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, đã “hận” Ngài vì nghĩ rằng Ngài gây đau khổ cho họ.

Trong bài huấn từ sau nghi thức ngắm đàng Thánh giá, nhân Ngày quốc tế Giới trẻ tại Balan năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu bằng một loạt câu hỏi mà những người của thời đại chúng ta đang đặt ra: “Chúa ở đâu khi các Kitô hữu miền Trung Đông bị sát hại? Chúa ở đâu khi những người vô tội đã chết vì khủng bố? Chúa ở đâu khi những người Syria và Ly Băng phải bỏ quê hương để tìm nơi lánh nạn vì đất nước của họ chiến tranh triền miên? Chúa ở đâu khi hằng năm biết bao người chết hoặc trở nên nghèo đói do thiên tai lũ lụt?”. Sau khi đặt câu hỏi, chính Đức Thánh Cha đưa ra câu trả lời: “Chúa đang hiện diện trong chính cuộc đời những người đau khổ vừa được nêu, để nâng đỡ họ và giúp họ có nghị lực vươn lên giữa bao thử thách của cuộc đời. Bởi lẽ, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Đấng vô tội, cũng đã vác thập giá, đã chịu đánh đòn và đã chịu chết do bàn tay tàn ác của con người.

Nếu thập giá là biểu tượng của yêu thương và tha thứ, thì thập giá cũng là cớ vấp ngã đối với nhiều người. Khi đối diện với thập giá, tức là những đau khổ, nhiều người đã phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, đã “hận” Ngài vì nghĩ rằng Ngài gây đau khổ cho họ. Nhiều người tín hữu đã chán nản, thậm chí mất đức tin, khi thấy đời mình những đau khổ truân chuyên, gian nan khốn khó. Trước Chúa Giêsu 6 thế kỷ, ngôn sứ Giêrêmia cũng đã nản chí và định bỏ cuộc, vì mỗi khi ông nói Lời Chúa thì bị phản đối và vu khống, thậm chí còn bị đe dọa giết chết. Tuy vậy, vào những lúc ông định bỏ cuộc, thì lòng ông lại nóng như lửa đốt. Ông đã trung thành với sứ mạng ngôn sứ cho đến cùng (Bài đọc I).

Thánh Mátthêu trong Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về sự yếu đuối của Phêrô. Vừa khi nghe Chúa nói đến cuộc khổ nạn, ông lập tức can ngăn Thày mình. Ông chưa sẵn sàng để hiểu biết và đón nhận việc Chúa chị đau khổ, mặc dù Chúa đã nói rõ: “Ngày thứ ba sẽ sống lại”. Vì vậy mà Chúa quở trách ông là Satan, đồng thời Chúa đuổi ông: “Hãy lui lại đàng sau”. “Lui lại đàng sau” không chỉ thể hiện vị trí hay nơi chốn trong không gian, nhưng còn nói lên sự yếu đuối và bất xứng với Thày, khi nuôi dưỡng những tư tưởng ngược lại với sứ mạng thiên sai của Thày. Cần nhắc lại là liền trước đó, Chúa đã khen ông vì lời tuyên xưng đức tin: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và Chúa cũng vừa trao cho ông quyền ràng buộc và tháo cởi. Ấy vậy mà Chúa lại nặng lời khiển trách ông. Điều đó cũng cho thấy sự yếu đuối và đổi thay nơi mỗi con người chúng ta. Đứng trước thập giá, chúng ta dễ chán nản, ngã lòng và có nguy cơ từ chối Chúa.

Thập giá không chỉ là câu chuyện của lịch sử xa xưa. Thập giá đang đi ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta. Thập giá hiện diện nơi những gia đình ly tán, mâu thuẫn xung đột. Thập giá cũng tồn tại nơi những gương mặt của anh chị em đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì bất an bất ổn. Thập giá cũng đang đi ngang qua cuộc đời của biết bao Kitô hữu bị bách hại trong những nước có chiến tranh, xung đột. Trong xã hội văn minh của chúng ta, vẫn còn đó những cuộc giết chóc dã man, những cuộc hành hình ghê rợn mà các tín hữu vô tội phải gánh chịu, chỉ vì lý do vì họ là Kitô hữu. Suy tư trong nghi thức Ngắm đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha muốn hiện tại hóa mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống hôm nay. Ngài mời gọi những người đau khổ hãy nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời họ. Ngài hiện diện để cùng với họ vác thập giá bước đi. Tin vào sự hiện diện của Chúa, thập giá cuộc đời sẽ trở nên nhẹ nhàng, đau khổ sẽ trở thành niềm vui, bị quan sẽ thành niềm hy vọng. Bởi lẽ, con người không chỉ có đời này, mà còn có đời sau, đó là lúc “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

Kitô hữu là người tin Chúa và là người cùng với Chúa vác thập giá đời mình. Chính vì muốn chuẩn bị chúng ta khỏi vấp ngã trước thập giá, mà Chúa đã dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống vì Thày, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Chúa còn đưa ra một so sánh để chúng ta thấy đời sống vĩnh cửu quan trọng như thế nào: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”. Thánh Inhaxiô Loyola đã trở thành một tu sĩ và người sáng lập Dòng Tên nhờ câu Kinh thánh này. Ngài đã từ bỏ mọi sự, chỉ thao thức làm cho nhiều người biết Chúa và tin Chúa.

Trong “Hạnh các Thánh tử đạo Việt Nam”, có chép về một Thánh tử đạo là Augustinô Nguyễn Văn Mới. Quan dụ dỗ: “Nếu anh bước qua thập giá thì ta cho một nén bạc”. Người anh hùng đức tin không trả lời. Quan nói tiếp: "Vậy thì một nén vàng” – “Dạ bẩm quan chưa đủ”. “Vậy anh muốn bao nhiêu?” – “Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khoá thì quan lớn phải cho tôi đủ vàng bạc để tôi mua được một Linh hồn khác! Vâng làm sao mà có đủ vàng bạc để mua được một linh hồn”. Vị Thánh của chúng ta đã thấm nhuần lời Chúa dạy: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì có lợi gì?”. Lời ấy đã giúp ngài trung thành với Chúa đến cùng, và như lời khuyên của Thánh Phaolô, ngài đã trở nên “của lễ sống động và thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa” (Bài đọc II).

“Anh em hãy canh tân lòng trí, để hiểu biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo”. Xin cho chúng ta biết nhìn thập giá với cái nhìn mới mẻ. Một khi đón nhận thập giá với tâm tình yêu mến và cậy trông, chúng ta vừa có thể vác thập giá đời mình, đồng thời giúp anh chị em trong hành trình thập giá của họ. Amen.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW