Niềm vui của tha thứ – Bài giảng Chúa nhật XXIV thường niên A

14-09-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Niềm vui của tha thứ – Bài giảng Chúa nhật XXIV thường niên A by

Khi tha thứ, ta mở cho người khác một con đường hướng tới tương lai. Giáo huấn Kitô giáo còn khẳng định: khi tha thứ là ta được thứ tha; khi cho đi ta sẽ nhận lãnh. Tha thứ sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, sự thanh thản và yêu đời.

Tác giả sách Huấn ca đã diễn tả rất chính xác quan niệm và lối sống của nhiều người chúng ta trong cuộc sống đời thường: một đàng nói mình tin Chúa, đàng khác vẫn dối trá hận thù; một đàng xin Chúa tha tội, đàng khác vẫn tranh chấp nhỏ nhen; vừa ca ngợi tung hô Chúa và cầu nguyện với Ngài, vừa nói xấu vu oan cho người khác. Đó là một thứ tôn giáo hình thức, một đức tin hời hợt và một lối sống không được thấm nhuần đạo lý Tin Mừng. Một cách thức sống Đạo như thế sẽ không có tác động tích cực trong cuộc sống hằng ngày.

Con người hôm nay khó chấp nhận tha thứ cho nhau. Vì vậy mà bạo lực dối trá lan tràn, thậm chí con cái kiện cha mẹ, anh em xung đột tương tàn, vợ chồng giết hại lẫn nhau. Trong một số ngôn ngữ Âu châu, "tha thứ" có nghĩa là chấp nhận "cho người khác một ân huệ". Đó là ý nghĩa của từ "Par-don" (tiếng Pháp) hay "For-give" (tiếng Anh). Khi tha thứ, chúng ta không cho đi một món quà vật chất ở bên ngoài mình, mà cho chính con người của mình. Nói cách khác, chúng ta chấp nhận hy sinh, bị xúc phạm để bỏ qua những lầm lỗi của người khác và làm hòa với họ. Quả vậy, theo dư luận người đời, tha thứ đôi khi bị coi là hèn kém, yếu thế. Vì thế, khi chấp nhận tha thứ, cũng là chấp nhận mình hèn kém và yếu thế trước mặt người đời. Đó chính là sự "cho đi" chính danh dự và bản thân, để sống hài hòa bao dung với người khác.

Câu chuyện dụ ngôn được Đức Giêsu kể hôm nay có một cái kết buồn. Đó là số phận bi thảm dành cho người đày tớ không biết tha thứ. Khi xiết nợ và tống ngục người bạn nợ mình có một trăm quan tiền, người đầy tớ này quên rằng mình với người kia là người bạn bè đồng cảnh, cũng là hạng đầy tớ như nhau. Anh cũng quên rằng mình vừa sấp mình xuống chân ông chủ, van xin ông tha nợ cho. Nhìn thấy hình ảnh người bạn đau khổ van xin, anh không nhận ra đó cũng chính là hình ảnh của mình trước đó. Vì thế, anh ta vừa được tha một món nợ rất lớn là "mười ngàn yến vàng", và giờ đây có một trăm quan tiền người ta nợ mình thì anh nhất quyết không tha. Nên lưu ý sự chênh lệch khác biệt giữa hai món nợ. Lòng tham lam ích kỷ đã che mờ con mắt lương tâm và làm cho trái tim anh trở nên chai đá. Kết cục, người đầy tớ tham lam và ích kỷ này bị đưa trở lại nhà tù, có nghĩa là ý định tha nợ trước đây của ông chủ đã thay đổi, vì anh ta xử tàn nhẫn với bạn bè. Đó cũng là số phận của những ai giữ lòng hận thù đối với người xung quanh.

“Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Bài đọc I). Bao dung nhân hậu, tha thứ yêu thương. Đó là cốt lõi của giáo huấn Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, nhất là trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Tha thứ cho người khác là điều kiện để chúng ta được lãnh ơn tha thứ. Đó chính là bài học rút ra từ câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã kể. Hãy tha thứ cho người khác vì chính bản thân chúng ta cũng đã hơn một lần yếu đuối phạm tội. Hãy tha thứ vì con người sống trên trần gian đều là bất toàn. Khi tha thứ, ta mở cho người khác một con đường hướng tới tương lai. Giáo huấn Kitô giáo còn khẳng định: khi tha thứ là ta được thứ tha; khi cho đi ta sẽ nhận lãnh. Tha thứ sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, sự thanh thản và yêu đời. Người Việt Nam chúng ta thường nói" đời có vay có trả", "gieo nhân nào gặt quả nấy". Điều này cũng chuyển tải những bài học sâu sắc như câu chuyện dụ ngôn hôm nay.

Trong hành trình cuộc đời, con người sống với và sống cho tha nhân. Chỉ khi nào ý thức được điều này, chúng ta mới tìm được hạnh phúc. Một cuộc sống biết chia sẻ cảm thông sẽ đong đầy niềm vui. Cũng vậy, ý thức sống hay chết đều thuộc trọn về Chúa sẽ giúp chúng ta cảm nhận được tình thương của Ngài giữa những khó khăn trắc trở trong cuộc đời (Bài đọc II). Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về tâm tình phó thác. Người cũng là mẫu mực cho chúng ta triết lý sống vì hạnh phúc của tha nhân. Trên cây thập giá, Chúa đã xin ơn tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, đó là đức yêu thương hoàn hảo.

"Cha trên trời cũng đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình". Chúa Giêsu đã kết luận và đưa ra bài học của dụ ngôn. Thiên Chúa Cha là trọng tài anh minh sáng suốt. Ngài sẽ xét xử con người về đời sống và hành vi của họ. "Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con", Chúa cũng dạy chúng ta cầu nguyện như thế, như một tâm niệm nằm lòng về sự tha thứ của Chúa đối với mình và về sự tha thứ của mình đối với anh chị em.

Đừng bao giờ để mình chìm trong thịnh nộ; bởi nó giống như mài thanh kiếm để tự đâm vào ngực mình, hay giết bạn mình (Akhenaton).

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: vietvatican.com

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW