Giới răn trọng nhất – Bài giảng Chúa nhật 30 thường niên – Năm A
Mến Chúa và yêu người thường đi đôi với nhau và làm nên một đức mến hoàn hảo. Nói cách khác, mến Chúa mà không yêu người thì chỉ là lý thuyết suông; yêu người mà không đặt trên nền tảng vì Chúa sẽ thiếu đi khía cạnh siêu nhiên và có nguy cơ trở thành tình yêu ích kỷ. Yêu mến tha nhân là cụ thể hóa lòng yêu mến Chúa.
Khi xếp hạng một điều gì là "nhất", thông thường điều được gọi là nhất ấy chỉ có một mà thôi. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại khẳng định cả hai điều được coi nhà nhất. Quả vậy, sau khi trích dẫn quy định của luật Cựu ước: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi", Người nói: "Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất". Tiếp theo Người khẳng định: "Điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi". Như vậy, mến Chúa yêu người có vẻ như hai điều răn, nhưng thực ra chỉ một giới răn duy nhất, giống như hai mặt của cùng một tấm huân chương, vì cả hai đều mang tầm quan trọng như nhau. Giới răn này là tình yêu mến nhằm tới hai đối tượng: Thiên Chúa và tha nhân. Mến Chúa và yêu người thường đi đôi với nhau và làm nên một đức mến hoàn hảo. Nói cách khác, mến Chúa mà không yêu người thì chỉ là lý thuyết suông; yêu người mà không đặt trên nền tảng vì Chúa sẽ thiếu đi khía cạnh siêu nhiên và có nguy cơ trở thành tình yêu ích kỷ. Yêu mến tha nhân là cụ thể hóa lòng yêu mến Chúa.
Tại sao phải yêu mến Thiên Chúa? Tình yêu đâu có phải là một lệnh truyền hay một điều bắt buộc? Nhiều người đã đặt ra câu hỏi này. Tình yêu mến dành cho Thiên Chúa được coi như một giới răn từ thời Cựu ước, bởi vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là Đấng giải phóng con người. Mỗi người Do Thái được dạy ngay từ thuở còn thơ để nhận ra Thiên Chúa là Đấng che chở hướng dẫn dân riêng của Ngài. Vì thế, tình yêu mến mỗi con dân Do Thái dành cho Chúa vừa là lòng hiếu thảo như đối với đấng sinh thành, vừa là lòng biết ơn vì Ngài đã giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ Ai Cập để đưa về miền đất hứa.
Đối với chúng ta hôm nay, là dân Israen mới, lòng yêu mến Thiên Chúa xuất phát từ việc chân nhận Ngài là Đấng dựng nên vũ trụ và dựng nên con người. Lòng yêu mến mà chúng ta dành cho Chúa vừa là lòng biết ơn, và là lời tôn vinh quyền năng cao cả của Ngài. Đó không phải một thứ yêu mến vị lợi, nhưng xuất phát từ trái tim chân thành, như con thơ đối với cha mẹ.
Tại sao lại phải yêu mến tha nhân? Nếu tìm trong giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy câu trả lời của chính Chúa Giêsu: tha nhân là anh chị em với chúng ta, vì hết thảy chúng ta có cùng một Cha trên trời là Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn bênh vực và đứng về phía người nghèo, người góa bụa và cô nhi. Đó là một trong những điểm nhấn trong giáo huấn của Cựu ước, như Bài đọc I đã diễn tả: "Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van". Được trình bày trong lối văn chương và quan niệm của Cựu ước, Thiên Chúa còn sẵn sàng ra tay đối với những ai ức hiếp người nghèo.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu còn khẳng định: Người đồng hóa và hiện thân nơi những người bất hạnh, đến nỗi những ai xúc phạm người nghèo là xúc phạm Chúa, những ai giúp đỡ người nghèo là giúp đỡ Chúa (x. Mt 25). Chúa dạy chúng ta không chỉ yêu mến người làm ơn cho mình. Tình yêu mến này vượt qua mọi ranh giới, thậm chí yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Yêu thương kẻ thù là bằng chứng của lòng bao dung và sự tha thứ đích thực.
Đức mến là cốt lõi của Đạo Chúa. Đức mến cũng là nội dung chính của Luật Môi-sen và sách các Ngôn sứ, như lời Chúa Giêsu đã quả quyết. Sau này, Thánh Phaolô cũng diễn tả một cách rất xác tín: "Yêu thương thì chu toàn Lề luật" (Rm 13,10).
Đức mến mà chúng ta đang bàn tới không chỉ dừng ở lý thuyết, nhưng phải được thể hiện và chứng minh qua việc làm. Thánh Phaolô đã khen ngợi cộng đoàn tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, vì những việc tốt lành họ đã làm để sống đức tin, qua việc đón tiếp các anh chị em đồng đạo và qua việc từ bỏ ngẫu thần, chuyên tâm phụng thờ Thiên Chúa. Nói cách khác, cộng đoàn tín hữu này được khen ngợi vì họ mến Chúa yêu người.
Như chúng ta vẫn đọc trong câu kết của kinh Mười điều răn: "Mười điều răn ấy tóm lại hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy", lòng mến là cốt lõi của Đạo Chúa và tóm lược toàn bộ giáo huấn của Ngài. Khi thực thi tình mến một cách đích thực, chúng ta trở nên quảng đại, khước từ những toan tính mưu cầu lợi ích riêng. Tình yêu đích thực sẽ làm cho con người được tự do, vì sẵn sàng hiến thân và hy sinh vì lợi ích của Nước Trời và lợi ích của tha nhân. Tình yêu hướng chúng ta về những người đang sống xung quanh mình, quan tâm tới họ và giúp cho họ hạnh phúc. Mến Chúa yêu người, đó là giới răn trọng nhất.
“Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân” (Thánh Augustinô).
“Yêu là tìm hạnh phúc của mình trong chính hạnh phúc của kẻ khác” (Léibnitz).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org