Tại sao lại cầu cho các linh hồn được nghỉ yên?

02-11-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Tại sao lại cầu cho các linh hồn được nghỉ yên? by

Tháng 11 được dành để cầu nguyện cho những người quá cố. Trong kinh đọc và các bài hát, chúng ta cầu xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi. Tại sao lại xin cho họ được nghỉ ngơi? Có phải tại vì sợ họ về quấy rầy chúng ta hay không?

Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta tin rằng sau khi chết thì hồn ma đi lưu lạc trên không trung, hoặc là để đi kiếm ăn hay là để đi quấy nhiễu. Vì thế mà những người sống phải làm lễ trừ tà, hoặc cúng cơm nước cho người qua đời. Tuy nhiên, ngay từ trong Cựu ước, người Do thái tin rằng nhưng hồn của người chết không lưu lạc đi hoang, nhưng họ được an nghỉ trong Chúa. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ sách Khôn ngoan chương 3 câu 1, mà chúng ta đã nghe đọc trong thánh lễ thứ ba ngày kính nhớ các linh hồn:

“Linh hồn của những người công chính thì ở trong tay Chúa”. Vì thế, không có chuyện cầu xin cho các linh hồn được nằm yên, đừng có về quấy nhiễu bà con.

Nhưng mà sách Khôn ngoan nói rằng: “Linh hồn những người công chính thì ở trong tay Chúa”. Thế còn linh hồn các người bất lương thì đi đâu? Chắc là họ đi lang thang nằm đầu đường xó chợ chứ gì?

Trong những tác phẩm cổ xưa của Cựu ước, người ta quan niệm rằng tất cả các người đã chết, dù tốt dù xấu, đều xuống dưới âm phủ. Vào thời các ngôn sứ, mới có sự phân biệt số phận khác nhau giữa người lành với người dữ: hoặc là trong âm ti, các người dữ nằm dưới các người lành nằm trên; hoặc là các người lành sẽ được Chúa cứu ra khỏi âm ti. Sang đến Tân ước, thì sự phân biệt lại càng rõ rệt hơn nữa. Các người dữ sẽ xuống hỏa ngục, còn người lành sẽ được lên thiên đàng. Dù sao thì không hề có chuyện hồn các người chết đi lang thang.

Nếu vậy thì cần chi phải cầu cho các linh hồn được an nghỉ? Họ nằm yên một chỗ rồi, đâu có động đậy gì nữa đâu?

Đúng rồi, khi đã chết thì con người buông tay nằm xuống bất động. Chúng ta gọi là an nghỉ, hay là ngủ giấc ngàn thu. Nếu chỉ có vậy mà thôi thì chẳng cần phải cầu nguyện làm chi! Tuy nhiên, các Kitô hữu thì nghĩ khác. Chúng ta tin rằng con người chết thật, nhưng cái chết của con người khác với cái chết của thú vật hay cây cỏ. Thân xác của con người nằm yên bất động thật đấy, nhưng phần linh thiêng của con người vẫn tồn tại. Nhiều tôn giáo cho rằng phần linh thiêng (gọi là linh hồn), hoặc là phảng phất trên không trung hay là đầu thai vào kiếp khác. Còn người Kitô hữu thì tin rằng linh hồn về với Chúa, nơi mà con người tìm được hạnh phúc tuyệt đối của mình. Và để diễn tả trạng thái hạnh phúc ấy, Kinh thánh cũng như phụng vụ đã sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau. Các từ ngữ này chỉ diễn tả được một phần nào thực tại mà không miệng lưỡi nào có thể tả được, như thánh Phaolô nói trong thư thứ 2 gửi Côrintô, chương 12 câu 4. Nói chung, người ta cố gắng hình dung thực tại bằng hai đường lối khác nhau. Một đàng là xóa bỏ những vết tích hữu hạn mà ta gặp thấy ở trên đời này. Đàng khác là phóng đại lên trăm ngàn lần những gì mà ta quan niệm là hạnh phúc.

Cha có thể cho vài thí dụ về đường lối thứ nhất được không?

Ở trên này, chúng ta đã có cảm nghiệm nhiều về buồn sầu, chia ly, bệnh tật, chết chóc, bất công, vv. Những cái đó làm cho con người phải đau đớn khổ sở, mất vui sướng hạnh phúc. Vì thế mà ta mong rằng trong thế giới bên kia, sẽ không còn vết tích của những bất toàn đó nữa. Ta có thể thấy một thí dụ ở sách Khải huyền, chương 21 câu 4: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng sẽ chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”. Một cách tương tự như vậy, ở chương 22, câu 5, sách Khải huyền viết: “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Thiên Chúa chiếu soi họ, và họ sẽ hiển trị đời đời.” Các mối phúc thật ở chương 6 của tin mừng thánh Luca cũng được diễn tả theo lối đó: mai sau sẽ không còn đói khát, khóc lóc, sỉ vả, oán hờn nữa.

Như vậy khi cầu xin cho các linh hồn được an nghỉ, tức là chúng ta trình bày một điều tiêu cực: ở đời này, mình đã lao động mệt nhoài rồi, hy vọng đời sau có thể an nghỉ, ngủ từ sáng đến tối luôn, có phải vậy không?

Không phải thế. Khi nào chị phải đi làm mệt nhọc thì chị mong được nghỉ. Nhưng mà khi chị được nghỉ một thời gian thì chắc là chị sẽ chán, muốn đi làm lại. Dù sao, tiếng an nghỉ được dùng trong phụng vụ mang một ý nghĩa khác. Nó đồng nghĩa với “bình an, hoà bình” (shalom trong tiếng Do thái). Từ này không phải là tiêu cực và cũng không phải là tĩnh. Bình an có nghĩa sống trong tình nghĩa với Chúa, vượt qua những chướng ngại do tội lỗi đã gây ra, tựa như hiềm thù, chết chóc. Bình an có nghĩa là thông hiệp, yêu thương.

Trong kinh cầu cho các người qua đời, chúng ta cũng cầu cho họ được về chiêm ngưỡng nhan Chúa, được về chầu Chúa. Đó là một ý niệm tiêu cực hay tích cực? Con nghĩ rằng mình mà chầu Chúa suốt ngày thì chắc là mệt và chán lắm.

Các từ “chầu Chúa, chiêm ngưỡng nhan Chúa, hưởng kiến” đều đồng nghĩa với nhau. Chúng chỉ là những lối dịch hoa mỹ của một từ được dùng trong Tân ước là “nhìn thấy Chúa”, mà chúng ta có thể đọc thấy ở thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi Côrintô, chương 13 câu 12: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt”. Thánh Gioan cũng viết tương tự như vậy trong thư thứ nhất, chương 3 câu 2: “Khi đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, và Người thế nào chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Cần phải hiểu các từ ngữ này theo nghĩa so sánh. Có lẽ trên đời này, đã có lần chúng ta đã nghe nói đến một danh nhân nào đó; chúng ta đã đọc những bài viết về nhân vật đó; và có lẽ chúng ta đã thấy một tấm hình chụp nhân vật đó. Chúng ta mong có dịp nào được nhìn thấy tận mắt nhân vật đó, và nếu được, thì tiếp xúc hầu chuyện với vị đó. Nói chi cho xa, chúng ta có thể lấy một kinh nghiệm từ đời sống gia đình thì đủ rõ. Khi phải xa mặt cha mẹ ta, hoặc vì phải đi xa để làm ăn hoặc là vì các ngài đã khuất bóng, ta mong có ngày gặp lại các vị, ở gần với những người thân yêu nhất trên đời. Thánh Phaolô và thánh Gioan đã muốn diễn tả tư tưởng đó trong hai đoạn văn vừa mới trưng dẫn. Ngày nay chúng ta chỉ mới biết Thiên Chúa nhờ đức tin; chúng ta chỉ mới biết Thiên Chúa qua lời chứng tá của Kinh thánh. Chúng ta mong sao cho tới ngày được diện kiến Thiên Chúa, được thấy dung nhan Ngài. Chiêm ngưỡng dung nhan, thấy mặt cần được hiểu theo nghĩa động chứ không phải là theo nghĩa tĩnh. Trong thánh vịnh, chúng ta đọc thấy nhiều lời khẩn nguyện xin Chúa tỏ dung nhan Ngài để cho chúng ta được sống. Chiêm ngưỡng dung nhan có nghĩa là chia sẻ tình thân với ai, một đặc ân chỉ dành cho những bạn thân tình. Ở trong xã hội cổ truyền, kể cả ở Việt Nam chúng ta, không ai được phép nhìn ngắm dung nhan của đức vua. Mỗi lần vua đi ngang qua, thì hết mọi người phải sụp lạy cúi đầu che mặt hết. Duy chỉ có các cận thần mới được chiêm ngưỡng long nhan mà thôi. Bởi thế, khi vịnh gia xin phép được chiêm ngưỡng nhan Chúa, ông ước ao được Chúa kể vào hàng cận thần, được sống kề bên Chúa mãi mãi, không bao giờ phải xa cách.

Nãy giờ, chúng ta chỉ bàn đến những từ ngữ xem ra trừu tượng, tựa như là “an nghỉ, bình an, ngắm nhìn Chúa”. Tại sao không dùng những từ ngữ cụ thể hơn. Có phải ở trên thiên đàng ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà lầu không cha?

Một vài tôn giáo đã hình dung thiên đàng theo những hình ảnh đó. Và chúng ta đừng vội trách họ là duy vật. Có lẽ đó chỉ là từ ngữ so sánh thôi, và chúng ta cũng có thể gặp ở trong Kinh thánh nữa. Thí dụ như từ “thiên đàng”, dịch bởi tiếng Pháp “Paradis”. Trong nguyên gốc Hy-lạp, nó có nghĩa là một vườn, nhắc lại nơi bồng lai tiên cảnh của nguyên tổ trước khi phạm tội. Con người đã bị trục xuất khỏi nơi ấy, nhưng vẫn mong được quay về. Thiên đàng là nơi mà con người sống hài hoà với thiên nhiên, với vũ trụ, nhất là với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nhưng mà đối với tâm trạng của người xưa, quen hình dung các thực tại với những hình ảnh cụ thể hơn là với các ý niệm trừu tượng, thiên đàng được mô tả như khu vườn nhiều hoa trái, với dòng sông tươi mát. Đối với một chàng du mục trên sa mạc khô cằn, gặp được một dòng suối có nước trong lành, có lùm cây xanh là thiên đàng rồi! Tuy nhiên, đối với anh chàng ngư phủ, thì dòng suối chẳng có ý nghĩa gì hết. Hạnh phúc của anh ta là sóng yên gió lặn, và một mẻ lưới đầy. Còn đối với một thương gia, thì hạnh phúc là kiếm được một viên ngọc quý, bán được nhiều tiền. Như vậy chúng ta thấy rằng ở trên đời này, chúng ta thấy rằng quan niệm về hạnh phúc thường bị đóng khung bởi những kinh nghiệm hữu hạn. Dù vậy, trong các dụ ngôn Phúc âm, Chúa Giêsu cũng dùng những kinh nghiệm đó để giải thích bản chất của Nước Thiên Chúa. Một hình ảnh khá quen thuộc trong kinh nghiệm của các tôn giáo là bữa tiệc. “Có thực mới vực được đạo” chứ. Tuy nhiên, Tản đà Nguyễn khắc Hiếu đã lưu ý rằng muốn ăn cho ngon thì nguyên đồ ăn ngon mà thôi thì chưa đủ, còn phải tính thêm chỗ ngồi ăn, giờ ăn và nhất là người cùng ăn nữa. Có những dụ ngôn ví Nước trời với bữa tiệc hay tiệc cưới cũng vậy đó. Bởi vì hạnh phúc không phải chỉ là vấn đề giải quyết nạn đói của bao tử, hay là đồ cao lương mỹ vị cho khoái khẩu; nhưng còn là không khí tưng bừng nhộn nhịp của buổi lễ, với sự tham dự của hết mọi người bà con thân thích nữa. Văn chương bình dân đôi khi cũng nghĩ rằng nếu có hai trái tim vàng thì ở mái nhà tranh cũng hạnh phúc rồi.

Như vậy, khi nói đến hạnh phúc đời sau, chúng ta chỉ sử dụng những lối so sánh, chứ không thể diễn tả cụ thể được phải không?

Đúng như vậy. Những kinh nghiệm hữu hạn của chúng ta hiện này không đủ khả năng để diễn tả những thực tại siêu phàm. Chúng ta chỉ biết chắc một điều: hạnh phúc của chúng ta chính là Thiên Chúa, sức sống vô biên. Nếu chúng ta được Thiên Chúa thì chúng ta được thông dự vào sự sống sung mãn, cùng với những ưu phẩm mà ngày này chúng ta cho là hạnh phúc: tình yêu, công bằng, tự do. Sự sống sung mãn bao gồm những hoạt động tinh thần ở cao điểm: hiểu biết, yêu mến. Sự sống sung mãn bao gồm sự liên kết với đồng loại và với vũ trụ. Trái lại, khi mất Thiên Chúa là chúng ta mất sự sống vĩnh cửu, mất tự do, mất yêu thương: con người trở nên cô độc, bị tù hãm trong chính mình, không còn khả năng thông hiệp với tha nhân nữa. Họ sống trong tuyệt vọng, đêm tối.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Nguồn: daminhvn.net

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW