Ngày rửa tội là lễ của thụ tạo mới
Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mời gọi mọi kitô hữu nhớ tới Bí Tích Rửa Tội của chính mình, qua đó chúng ta đã trở thành các thụ tạo mới, được mặc lấy Chúa Kitô và tháp nhập vào trong tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha. Cần nhớ ngày rửa tội, bởi vì đó là ngày lễ, là ngày khởi đầu sự thánh hoá chúng ta, là ngày Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta Thần Khí, là Đấng thúc đẩy chúng ta tiên bước, là ngày của ơn tha thứ lớn lao.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Trước đó lúc 9 giờ 30 sáng ĐTC đã chủ sự thánh lễ trong nhà nguyện Sistina, và ban bí tích Rửa Tội cho 34 trẻ em nam nữ. Cùng đồng tế với ĐTC có 4 Tổng Giám Mục và Giám Mục. Tham dự thánh lễ có 280 người thân của các gia đình có con em được rửa tội.
Giảng trong thánh lễ ĐTC khẳng định rằng việc đưa con đi lãnh bí tích Rửa Tội là bước đầu trong nhiệm vụ của cha me là thông truyền đúc tin cho con cái. Để có thể thông truyền đức tin là ơn của Chúa Thánh Thần, anh chị em đem con tới rửa tội để chúng nhận lấy Chúa Thánh Thần, nhận lấy Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha Con và Thánh Thần sẽ ngự trong trái tim chúng.
Nêu bật kiểu cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái với sư trợ giúp của Thiên Chúa ĐTC nói:
Việc thông truyền đức tin chỉ có thể được làm trong thổ ngữ của gia đình, trong thổ ngữ của cha, của mẹ, của ông, của bà. Nhiệm vụ của anh chị em là thông truyền đức tin nhưng thông truyền với ngôn ngữ riêng của tình yêu thương trong nhà của anh chị em. Tiếp đến sẽ có các giáo lý viên giúp khai triển việc thông truyền đức tin đó với các tư tưởng, và giải thích. Các trẻ em trong lúc này ngoan ngoãn không lên tiếng, nhưng chỉ cần một em khóc là có dàn nhạc tiếp theo ngay. Nhưng đó là ngôn ngữ riêng của trẻ em. Chúng ta đừng quên là Chúa Giêsu dậy chúng ta phải như các trẻ em. Các trẻ em nói thứ ngôn ngữ của chúng như chúng có thể, nhưng đó là thứ ngôn ngữ Chúa Giêsu ưa thích, và trong lời cầu nguyện của mình anh chị em cũng hãy đơn sơ như các trẻ em. Hôm nay các em nói với tiếng khóc. Ngôn ngữ riêng biệt của cha mẹ là ngôn ngữ của tình yêu giúp thông truyền đức tin, và cha mẹ phải tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ em. Nếu các em bắt đầu buổi hoà nhạc, thì đó là vì các em không thoải mái, nóng quá hay đói. Nếu chúng đói xin cho chúng bú sữa. Đừng sợ gì cả, cứ cho chúng ăn. Vì đây cũng là ngôn ngữ của tình yêu.
Hai trong số 4 vị Giám Mục đã giúp ĐTC xức dầu thánh và trao áo trắng cho các em. Và như ĐTC đã nói, nhiều em đã thi nhau khóc trong buổi lễ.
Trong bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin ĐTC nói: ngày lễ Chúa chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh và mời gọi chúng ta nghĩ tới bí tích Rửa Tội của mình. Chúa Giêsu đã muốn nhận phép rửa do Gioan Tẩy Giả ban trong sông Giordan. Đây là phép rửa sám hối: những người đến lãnh nhận diễn tả ước muốn được thanh tẩy khỏi tội lỗi, và với sự trợ giúp của Thiên Chúam, họ dấn thân bắt đầu một cuộc sống mới.
Khi đó chúng ta hiểu sự khiêm nhường lớn lao của Chúa Giêsu. Đấng không có tội lại xếp hàng với các kẻ sám hối, lẫn lộn giữa họ để được rửa trong nước sông. Chúa Giêsu khiêm nhường biết bao nhiêu! ĐTC giải thích cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:
Khi làm như thế Ngài đã biểu lộ điều chúng ta đã cử hành trong lễ Giáng Sinh: sự sẵn sàng của Chúa Giêsu tự dìm mình trong dòng sông nhân loại, nhận lấy trên chính mình các thiếu sót và yếu đuối của loài người, chia sẻ ước muốn của họ được giải thoát và thắng vượt tất cả những gì khiến xa rời Thiên Chúa và trở thành xa lạ với các anh chị em khác. Như tại Bếtlêhem cả dọc theo bờ sông Giordan, Thiên Chúa duy trì lời hứa nhận lấy số phận là người và Chúa Giêsu là Dấu chỉ vĩnh viễn có thể sờ mó được. Ngài đã gánh tội thay cho tất cả chúng ta, gánh tội thay cho tất cả chúng ta, trong cuộc sống, mọi ngày.
Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu “khi ra khỏi nước đã trông thấy trời mở ra và Thần Khí xuống trên Ngài như chim bồ câu” (Mc 1,10). Thánh Thần, Đấng đã hoạt động ngay từ đầu việc tạo dựng và đã hướng dẫn ông Môshê và dân Do thái trong sa mạc , giờ đây xuống tràn đầy trên Đức Giêsu để ban cho Ngài sức mạnh chu toàn sứ mệnh trong thế giới. Chính Thần Khí, là Đấng hiện thực việc thanh tẩy của Chúa Giêsu và của cả chúng ta. Ngài mở con mắt trái tim cho sự thật, tất cả sự thật. Ngài thúc đẩy cuộc sống chúng ta trên con đường của lòng bác ái. Ngài là ơn mà Thiên Chúa Cha đã ban cho từng người trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Chính Thần Khí thông truyền cho chúng ta sự dịu hiền ơn tha tội của Chúa. Và cũng chính Ngài làm vang lên trong chúng ta Lời mạc khải Thiên Chúa Cha. “Con là Con Cha: (c.11).
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mời gọi mọi kitô hữu nhớ tới bí tích rửa tội của mình. Tiếp đến ĐTC hỏi mọi người có nhớ ngày rửa tội của mình khi còn nhỏ không. Nếu không biết, thì về nhà hỏi mẹ, hỏi bà, hỏi bác, hỏi ông, hỏi cha mẹ đỡ đầu. Chúng ta phải nhớ ngày này, vì đó là ngày lễ, là ngày thánh hóa ban đầu của chúng ta, là ngày trong đó Thiên Chúa Cha đã ban Thánh Thần cho chúng ta, là Đấng thúc đẩy chúng ta bước đi, là ngày của ơn tha thứ. Xin anh chị em đừng quên hỏi ngày rửa tội của mình.
Chúng ta hãy khẩn nài sự che chở hiền mẫu cùa Mẹ Maria Rất Thánh để mọi kitô hữu có thể ngày càng hiểu biết ơn của bí tích Rửa Tội và dấn thân sống nó trung thực, bằng cách làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin ngài đã chào tín hữu và mọi người hiện diện đặc biệt đoàn tín hữu Nam Hàn, và vùng Biella Italia. ĐTC cho biết ngài đã ban bí tích Rửa Tội cho 34 trẻ em và ngài khẩn nài sự trợ giúp của Mẹ Thiên Chúa để các em được cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu trợ giúp lớn lên như môn đệ của Chúa. Ngài chúc mọi ngưòi một ngày Chúa Nhật an lành trong năm mới vừa bắt đầu, và dặn mọi người đừng quên bài tập ở nhà là hỏi cho biết ngày rửa tội của mình.
Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican.com