Chạnh lòng thương – Bài giảng Chúa nhật VI thường niên B
Qua việc giơ tay chạm vào người bệnh nhân, Chúa Giêsu đã vượt qua mọi định kiến của truyền thống cũng như của quan niệm tôn giáo. Chúa Giêsu không chỉ giáo huấn bằng những bài giảng thuyết, Người còn “chạnh lòng thương” và chạm tới nỗi đau của con người để chữa lành.
Xuất phát từ một chủ đề chung là bệnh phong cùi, bài đọc trích sách Lêvi và bài Tin Mừng Thánh Máccô hôm nay nêu lên sự khác biệt giữa giáo huấn của Cựu ước và giáo huấn của Tân ước. Xưa cũng như nay, bệnh cùi là một trong những chứng bệnh nan y. Bệnh nhân không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn đau đớn về tinh thần, vì bị mọi người khiếp sợ xa lánh. Sách Lêvi quy định rõ: những ai bị bệnh này phải trùm đầu, phải sống xa khu dân cư và nếu gặp ai, phải hô lớn tiếng để cho người ta biết mà tránh (Bài đọc I). Nếu những người phong cùi bị kết án là “ô uế” thì quyền năng của Con Thiên Chúa đã làm cho người ấy nên thanh sạch. Qua việc giơ tay chạm vào người bệnh nhân, Chúa Giêsu đã vượt qua mọi định kiến của truyền thống cũng như của quan niệm tôn giáo. Chúa Giêsu không chỉ giáo huấn bằng những bài giảng thuyết, Người còn “chạnh lòng thương” và chạm tới nỗi đau của con người để chữa lành. Qua việc tiếp xúc trực tiếp với những người đau khổ bệnh tật, Chúa truyền cho họ sức mạnh và tình thương. Nơi khác trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa chạm tay vào chiếc quan tài của người đã chết, làm cho người thanh niên sống lại và cầm tay trao cho người mẹ đang đau khổ (x. Lc 7,11-18). Sứ mạng thiên sai của Chúa là đem lại cho con người niềm vui và hạnh phúc, giúp họ hòa nhập với cộng đồng xã hội và hướng tới phần thưởng đời đời Thiên Chúa dành cho người công chính.
Người cùi không chỉ được chữa lành bệnh tật thể xác, mà anh còn được tái hòa nhập với cộng đồng xã hội. Với việc đi trình diện các tư tế, anh được những người có trách nhiệm trong tôn giáo công nhận là thanh sạch. Anh được quyền tham dự các nghi lễ ở Đền thờ và Hội đường. Anh cũng sẽ có một tương lai như biết bao người khác cùng chung sống trong các làng mạc và thành phố. Anh sẽ không bị mọi người xa lánh phân biệt, và trở thành một công dân bình thường. Chúa Giêsu đến trần gian để mời gọi con người hãy đón nhận nhau trong tình huynh đệ, không phân biệt nhơ uế hay thanh sạch, tội lỗi hay thánh thiện, giàu hay nghèo, vì tất cả là đều là anh chị em với nhau.
Thánh Máccô cũng nhấn mạnh đến một hành động của người phong cùi, đó là “đến gặp Chúa Giêsu”. Đối với anh, đến gặp Chúa Giêsu là một hành động bạo dạn và được thúc đẩy bởi lòng tin. Bởi lẽ, như đã nói ở trên, những người phong cùi không chỉ bị cấm tiếp xúc với người khác, mà còn phải hô lớn tiếng “ô uế! ô uế!” mỗi khi gặp người đi ngang qua. Để đến được với Chúa Giêsu, người cùi cũng phải vượt qua mọi quan niệm khắt khe, mọi rào cản của phong tục tập quán. Lòng tin mạnh mẽ đã giúp anh đến với Chúa Giêsu, vì anh tin rằng Người là Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự.
Hành động “đến gặp Chúa Giêsu” của người cùi là lời mời gọi thôi thúc chúng ta hãy mạnh dạn đến với Chúa. Có nhiều người vì lý do này hay lý do khác ngại ngùng không muốn đến với Chúa và như thế, càng ngày họ càng xao lãng Đức tin. Hãy đến với Chúa, dù còn nhiều khiếm khuyết bất xứng. Chúa Giêsu vẫn đang chờ đợi chúng ta đến với Người để ban ơn phúc và dẫn dắt chỉ lối cho chúng ta trên đường đời. Người phong cùi có một quyết định quan trọng là đến với Chúa, và quyết định này đã thay đổi cuộc đời, đem lại cho anh một tương lai. Chúng ta cũng vậy, nếu dứt khoát trút bỏ những yếu hèn tội lỗi để về với Chúa, chúng ta sẽ được Người đỡ nâng và ban sức mạnh.
Người phong cùi, một khi được chữa lành đã trở thành người loan báo Tin Mừng. Anh muốn hét to lên niềm vui được khỏi bệnh. Anh như người đã chết mà được cứu sống, đã bị loại trừ khỏi xã hội mà nay được tái hòa nhập vào cộng đồng những người thân. Anh muốn nói cho mọi người biết Đức Giêsu là vị Ngôn sứ, là Đấng Thiên sai và là Thiên Chúa quyền năng. Noi gương người phong cùi, mỗi chúng ta, một khi đã lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, cũng hãy là những chứng nhân của lòng thương xót Chúa. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta “hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. Thánh nhân cũng cảnh báo chúng ta đừng làm gương xấu cho bất kỳ ai, nhưng hãy nên gương sáng trong mọi hoàn cảnh (Bài đọc II).
Trong những ngày này, chúng ta chuẩn đị đón xuân mới Mậu Tuất. Mùa xuân đem lại sự ấm áp yêu thương của các gia đình và các cộng đoàn. Tuy vậy, nếu có những người vui niềm vui sum họp, thì vẫn còn những người đang tìm một mái ấm hoặc đang khao khát tình thương. Qua việc Chúa chữa người phong cùi, chúng ta nhận được bài giáo huấn quan tâm chia sẻ tinh thần vật chất đối với những người bất hạnh. Xuân đến, có nhiều người không có tết vì quá nghèo hoặc bị bỏ rơi. Những cử chỉ bác ái khi tết đến xuân về là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhất là khi những chia sẻ ấy được thực hiện trong tinh thần bác ái Kitô giáo. Xin cho chúng ta trở nên hiện thân của Chúa Giêsu giữa đời, để đem tình thương và lòng bao dung của Người đến với anh chị em, nhất là những người bất hạnh. Khi quảng đại chia sẻ, chúng ta sẽ làm cho mùa xuân lan tỏa trong cuộc sống hôm nay.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org