“Phúc cho ai không thấy mà tin” – Bài giảng Chúa nhật II Phục Sinh năm B
"Phúc cho ai không thấy mà tin", chúng ta tuyên xưng vững vàng Đức Giêsu "ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại". Quả vậy, trước một vấn đề mà con mắt thể lý chúng ta không nhìn thấy, chúng ta cần có đức tin. Vì nếu nhìn thấy rồi, thì đâu cần tin nữa. Chấp nhận tin như thế được Chúa tuyên bố là người có phúc.
Trong xã hội hiện đại hôm nay, việc kể lại một người đã chết ba ngày rồi sống lại sẽ bị coi là chuyện cổ tích hay ảo tưởng. Tuy vậy, sự kiện Chúa phục sinh từ cõi chết là sự kiện lịch sử và là nền tảng đức tin cho các Kitô hữu. Hai ngàn năm sau cái chết của Chúa Giêsu, có nhiều người xác tín vào sự phục sinh của Chúa, nhưng vẫn có những người phủ nhận sự sống lại của Người. Người ta dựa vào những chứng lý của khoa học và dựa vào kinh nghiệm đời thường để không tin Chúa đã sống lại. Đối với chúng ta là Kitô hữu, dựa trên lời Chúa: "Phúc cho ai không thấy mà tin", chúng ta tuyên xưng vững vàng Đức Giêsu "ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại". Quả vậy, trước một vấn đề mà con mắt thể lý chúng ta không nhìn thấy, chúng ta cần có đức tin. Vì nếu nhìn thấy rồi, thì đâu cần tin nữa. Chấp nhận tin như thế được Chúa tuyên bố là người có phúc.
Tin vào Chúa phục sinh không phải là ảo tưởng và mù quáng. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng quyền năng, từ hư vô Ngài đã dựng nên trời đất, con người và muôn vật. Nếu ở khởi đầu của lịch sử, Chúa đã lấy bùn đất mà nắn thành con người, thì nay, Chúa Cha đã cho Con của Ngài từ cõi chết sống lại là điều dễ dàng và có thể hiều được. Nhiều người phủ nhận Chúa phục sinh, bởi họ chỉ dựa trên lý luận theo kiểu của con người, mà không tin rằng Chúa quyền năng có thể làm mọi sự. Đối với Ngài, mọi sự đều có thể.
Tôma, một trong mười hai tông đồ, là người đã lý luận theo kiểu con người. Ông đòi phải có những điều kiện này nọ mới tin. Nói cách khác, ông chỉ tin vào những gì ông nhìn thấy. Đây là một cách lý luận nơi nhiều người, do ảnh hưởng thuyết duy vật hôm nay. Họ chỉ tin vào vật chất và phủ nhận những thực tại thiêng liêng. Đối với họ, những gì liên quan đến thế giới siêu hình đều bị coi những điều nhảm nhí, chỉ dành cho một số người lạc hậu và dân trí thấp. Vẫn còn đó xung quanh chúng ta những Tôma, tức là những người hoài nghi sự hiện hữu của Thiên Chúa và chỉ tin vào những gì mà họ kiểm chứng bằng giác quan.
Chúa Giêsu đã đáp trả những thách thức của Tôma. Tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Người đã hiện đến với các tông đồ, cùng với những thương tích trên thân thể Người. Trước đó, Tôma đã ra điều kiện để tin, như tận mắt thấy những vết thương của Chúa, thì nay Người đã cho ông thấy rõ ràng. Ông chẳng còn lòng dạ nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Đúng hơn, ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa đang ở trước mặt ông bằng xương bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Qua lời nói với Tôma, Chúa Giêsu phục sinh muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Thông điệp ấy vẫn có giá trị đến ngày hôm nay. Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta được thấy Chúa trực tiếp. Chúng ta chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin. Con tim và lý trí mách bảo chúng ta Chúa đang hiện diện và những ai tin vào Người thì sẽ không phải thất vọng. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Tôma không còn biết nói gì khác hơn là một lời tuyên xưng quyền năng của Thiên Chúa với niềm xác tín nơi Ngài. Đó là lời tuyên xưng Đức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục. Đó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em mình.
Ngày hôm nay, xung quanh ta, Chúa Giêsu vẫn hiện diện với những thương tích do cuộc khổ nạn thập giá. Đó không còn phải là một con người mang dấu đinh và vết thương ở cạnh sườn, nhưng đó là những anh chị em đang bầm dập vì cuộc sống đầy gian nan thử thách. Cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã sớm nhận ra Chúa hiện diện trong Giáo Hội và nơi những người nghèo. Vì thế mà họ chuyên cần cầu nguyện, hăng hái chia sẻ và quan tâm đến những người bất hạnh. Chính Đấng Phục sinh đã dạy họ thực thi những điều đó, và liên kết họ trong tình bác ái thân thương, để rồi, qua những nghĩa cử bác ái đó, họ càng nhận ra sự hiện diện của Chúa một cách cụ thể hơn (Bài đọc I). Thánh Gioan tông đồ đã quảng diễn tình yêu dành cho Chúa và đức bác ái dành cho tha nhân đi song song với nhau không thể tách rời. Hơn thế nữa, những ai tin vào Chúa và thực thi lời dạy của Người sẽ chiến thắng thế gian và sẽ được an bình giữa biển cả ba đào đầy gian nguy thử thách (Bài đọc II).
Tin vào Chúa phục sinh được kể là người có phúc. Đó là phần thưởng cho người tin. Trong chúng ta, chưa ai nhìn thấy Chúa Phục sinh như ông Tôma và các tông đồ, nhưng chúng ta tin chắc điều đó, vì Chúa là Đấng có thể làm được mọi sự. Nhờ niềm xác tín này, chúng ta được chúc phúc, giống như Đức Trinh nữ Maria, qua lời chào của bà Elisabeth: "Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (Lc 1, 45). “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Chúa Giêsu Phục sinh đang nói điều đó với tôi, với bạn và với cả thế giới hôm nay.
"Tất cả những gì không thể hiểu được, ít nhằm để người ta không hiểu được cho bằng để người ta hiểu nhiều hơn" (Blaise Pascal).
“Đức tin là sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa, chắc chắn và vững bền tới mức một người có thể cược cả đời mình cho nó hàng nghìn lần” (Sưu tầm).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org