Vị Thuyền trưởng tuyệt hảo – Bài giảng Chúa nhật XII thường niên B
Giáo Hội luôn phải đối phó với cuồng phong bão táp, nhưng luôn vững vàng vì có Chúa Giêsu là vị Thuyền trưởng tuyệt hảo. Người là Đấng thiết lập Giáo Hội và luôn hiện diện trong Giáo Hội để ban cho Giáo Hội nghị lực siêu nhiên.
Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, một vị Giám mục miền Bắc muốn diễn tả tình trạng khó khăn của Giáo Hội, đã cho vẽ trên bìa Lịch Công giáo hình ảnh một chiếc thuyền đang lênh đênh trên biển, trước bão tố cuồng phong, mây đen phủ kín bầu trời, chiếc thuyền bị sóng xô đẩy. Trên đỉnh của chiếc buồm là cây thánh giá. Trên mũi thuyền là một vị thuyền trưởng, vẫn vừng vàng trước cuồng phong. Bên dưới bức hình này có dòng chữ: tròng trành mà không đắm.Nhà cầm quyền lúc đó không hài lòng, cho là bêu xấu chế độ, nên đã khiển trách phê phán. Thực ra, bức hình vừa được kể trên không chỉ diễn tả hình ảnh Giáo Hội Việt Nam của thập niên 60, nhưng là hình ảnh Giáo Hội của mọi nơi, mọi thời. Giáo Hội luôn phải đối phó với cuồng phong bão táp, nhưng luôn vững vàng vì có Chúa Giêsu là vị Thuyền trưởng tuyệt hảo. Người là Đấng thiết lập Giáo Hội và luôn hiện diện trong Giáo Hội để ban cho Giáo Hội nghị lực siêu nhiên.
Cuộc sống này được sánh ví như một đại dương mênh mông. Con người sống trên trần gian là những người đang vượt biển. Mục đích của họ là đến bến bờ bên kia của đại dương. Bến bờ ấy là thế nào, mỗi tôn giáo có một cách diễn tả. Nhờ mạc khải, người Kitô hữu tin rằng, nơi bến bờ ấy, Chúa đang chờ đợi chúng ta và ban cho chúng ta hạnh phúc vì chúng ta đã can đảm vượt thắng mọi phong ba, đồng thời kiên trì cậy tin vào Người. Không chỉ chờ đợi chúng ta ở bến bờ bên kia, Chúa còn hiện diện và đồng hành với chúng ta, như chính Người đã hứa: "Này đây, Thày ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Lúc "tận thế" là lúc chúng ta kết thúc hành trình vượt biển và cập bến. Đó cũng là lúc chúng ta được gặp Chúa. Cuộc gặp gỡ này là hân hoan vui mừng đối với những ai sống công chính, nhưng lại là thảm họa đối với những ai sống dửng dưng vô cảm đối với anh chị em mình.
Khi so sánh cuộc đời với đại dương, chúng ta nhận ra Thiên Chúa luôn điều khiển đại dương mênh mông ấy với quyền năng vô biên của Ngài. Tác giả sách Gióp đã suy tư về điều này. Thiên Chúa có quyền năng thu hồi và ngăn giới hạn của nước biển (Bài đọc I). Trong truyền thống Do Thái, biển tượng trưng cho sức mạnh của thần dữ và của hủy diệt. Thiên Chúa thống trị biển khơi, làm cho nó trở nên hiền lành và đem lại ích lợi phục vụ con người.
Quyền năng vô biên của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Tác giả Mác-cô đã kể lại "chuyến đi bão táp" của các môn đệ. Biển đang yên lành bỗng nhiên dậy sóng. Một trận cuồng phong nổi lên, có nguy cơ nhấn chìm chiếc thuyền và những người trên đó. Đối diện với cơn bão tố trên biển hồ, các môn đệ tưởng mình như đã đến ngày tận số. Các ông hoảng loạn và kêu xin Chúa cứu. Giữa cơn khốn khó của họ, Chúa Giêsu đã tỏ rõ quyền năng của Người đối với biển khơi. Với kiểu nói: “Người ngăm đe gió và truyền cho biển: ‘Im đi! Câm đi!’, Thánh Mác-cô muốn diễn tả biển khơi giống như một con quái vật hung dữ đang tấn công các môn đệ. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã đến thế gian để trừ diệt quyền năng của sự chết. Người thiết lập trật tự mới trong ân sủng và bình an. Phép lạ dẹp yên sóng gió là dịp để các môn đệ nhận ra quyền năng của Thày mình. Họ hỏi nhau: “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Thế ra, từ khi theo Chúa Giêsu cho đến tận bây giờ, các ông vẫn chưa hiểu rõ Thày mình là ai. Chỉ đến khi chứng kiến phép lạ ngoạn mục, các ông mới ngỡ ngàng và thấy rằng Thày mình không phải là một người trần gian bình thường.
Mỗi người chúng ta đang vượt biển cuộc đời. Có muôn hoàn cảnh khác nhau, vì thế cũng có muôn cách vượt biển khác nhau. Có điều, đích điểm chỉ là một. Nơi đó Chúa chờ đợi chúng ta. Có những lúc chúng ta cảm thấy như Chúa vắng bóng trong cuộc đời, và chúng ta đã thốt lên như các môn đệ ngày xưa: “Thày ơi, chúng con chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”. Khi kêu lên những lời đó, các ông nghĩ rằng Chúa đang ngủ và bỏ rơi các ông. Tuy vậy, vào lúc các ông đang gặp gian nguy, Chúa đã can thiệp. Biển trở lại an bình, và "con tim đã vui trở lại".
Giữa trăm chiều thử thách, chúng ta hãy vững vàng cậy trông. Chúa thấu hiểu những khó khăn của chúng ta. Người không "ngủ", cũng không dửng dưng với những bất hạnh mà chúng ta gặp phải. Chúa Giêsu chính là vị Thuyền trưởng tuyệt hảo đang hướng lái con thuyền cuộc đời của mỗi người, vì Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Giấc ngủ mà Thánh Mác-cô nhắc tới, có thể là sự thử thách của Chúa để chứng minh lòng cậy trông của chúng ta, khi gặp gian truân. Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta kiên vững trong đức tin, để rồi "từ đây, chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây, chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa" (Bài đọc II). Nhận ra Chúa Giêsu đang dẫn dắt cuộc đời, chúng ta sẽ an tâm và cuộc đời này sẽ có ý nghĩa hơn.
"Quá khứ hãy trao cho lòng thương xót của Thiên Chúa, hiện tại thuộc về lòng trung thành của chúng ta, còn tương lai thì phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa" (Thánh Francis de Sales).
"Hãy gieo mình vào vòng tay Thiên Chúa và hãy vững tin, nếu Người muốn anh em làm gì, thì Người nhất định sẽ làm cho anh em thích hợp với công việc ấy và sẽ ban sức mạnh cho anh em"(Thánh Philip Neri).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org