“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” – Bài giảng Chúa nhật XXII thường niên B

31-08-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” – Bài giảng Chúa nhật XXII thường niên B by

Tâm bình thế giới bình”. Tập luyện để có được tâm hồn bình an, đó là điều kiện quan trọng để góp phần xây đắp an bình trong cuộc sống và trong xã hội.

Một người khi được hỏi: Trên đời sợ gì nhất? đã trả lời: sợ nhất là con người. Con người vừa cao cả vừa thấp hèn, vừa đáng kính vừa đáng sợ. Con người là tác nhân làm nên những kỳ vĩ, nhưng cũng là lý do gây nên bao đau khổ. Trí thông minh của con người có thể đem lại những kỳ tích giúp thăng tiến và phát triển, đồng thời cũng có thể gây tai họa hủy diệt chết chóc hoàng loạt. Con người vừa là điểm kết nối yêu thương, vừa là nguyên nhân gây chia rẽ bất hòa. Chính vì vậy mà con người trở nên “đáng sợ” nhất. Nhiều khi người ta đem hình ảnh ma quỷ ra để đe dọa người khác. Tuy vậy trong thực tế, chưa bao giờ thấy ma quỷ hiện hình giết người, mà chỉ có những người đang sống giết nhau một cách dã man. Lòng đố kỵ, tham lam đã khiến con người đoạt mạng sống của đồng loại một cách không thương tiếc, để lại những hậu quả khôn lường. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra đâu là nguồn gốc của tội lỗi. Tội lỗi không phải là điều gì từ bên ngoài, nhưng xuất phát từ trong chúng ta. Chính con người là nguyên nhân gây ra tội lỗi và đau khổ cho bản thân và cho đồng loại. Trong kinh “Cải tội bảy mối” chúng ta thấy những “mối tội đầu” đều đến từ tà ý và ích kỷ của con người: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, lười biếng việc đạo đức. “Tâm bình thế giới bình”. Tập luyện để có được tâm hồn bình an, đó là điều kiện quan trọng để góp phần xây đắp an bình trong cuộc sống và trong xã hội.

Vào thời Chúa Giêsu, một số lớn những kinh sư và người biệt phái thường chú trọng tới những thủ tục bề ngoài mà coi thường tinh thần của lề luật và lãng quên đức bác ái.  Chúa đã nhắc lại giáo huấn của ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.Rồi Chúa kết luận: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Kinh sư và biệt phái là những người học hành uyên thâm, họ có uy tín trong các cộng đoàn Do Thái, và có vị trí quan trọng trong các buổi hội họp. Chính những “bậc vị vọng” ấy đang bị Chúa kết án nặng nề và coi họ như những kẻ đạo đức giả. Họ lạm dụng khái niệm thánh thiêng và trần tục, và đã tự đặt ra rất nhiều quy định rườm rà và tỉ mỉ. Những quy định này, thay vì giúp cho con người nên thánh, lại đặt trên vai họ những gánh nặng không kham nổi. Những công việc bình thường hằng ngày như rửa tay, rửa chén, rửa bát, họ đã biến thành những nghi thức tôn giáo để kết tội người dân. Chúa Giêsu đã phê phán quan niệm ấy, và mời gọi họ chú trọng đến nhân vị, tức là chính con người. Bởi lẽ, những quy định, luật lệ được thiết lập là phục vụ con người và giúp họ hướng thượng và nên trọn lành.

Cũng giống như những kinh sư và người biệt phái ngày xưa, nhiều khi chúng ta chỉ chú trọng tới những gì là “xã giao”, “lễ nghi”, “thủ tục” mà quên đi mục đích quan trọng của lề luật, đó là giúp ta nên thánh trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em. Vì quá chú trọng đến những thủ tục và truyền thống, nhiều khi những tương giao của chúng ta trở nên giả hình, gượng ép, thậm chí là giả dối.

Niềm tự hào của dân tộc Do Thái ngày xưa, cũng là niềm vinh dự của người Kitô hữu hôm nay, đó là được Chúa luôn hiện diện giữa cộng đoàn những người tin vào Người. Ông Môisen nhắc người Do Thái đừng quên điều ấy. Giáo Hội hôm nay cũng nhắc chúng ta như vậy. Trải qua những sóng gió trong cuộc lữ hành sa mạc, trên đường về Đất Hứa, người Do Thái càng nhận ra quyền năng của Chúa cũng như tình yêu thương Ngài dành cho họ. Trước tình thương ấy, Ông Môisen đã dặn dò: “Anh em phải giữ và đem ra thực hành những mệnh lệnh của Đức Chúa, vì nhờ đó mà anh em em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh”. Nhờ tin vào Chúa mà dân tộc Do Thái trở nên vĩ đại. Hôm nay, Giáo Hội của Chúa như cây nho vươn cành ra khắp thế giới, bao phủ địa cầu và đang sinh hoa kết trái, trở thành một vương quốc vĩ đại của Thiên Chúa.

Biết bao lần chúng ta tham dự các nghi thức phụng vụ mà tâm hồn chúng ta xa Chúa. Có nhiều khi chúng ta giống như những người kinh sư và người biệt phái, chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài mà coi nhẹ tâm tình cầu nguyện, là điều cốt lõi để làm thành việc tôn thờ đích thực. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời được gieo vào lòng chúng ta… Hãy đem Lời ấy ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Bài đọc II). Đối với thánh nhân, lòng đạo đức thật phải sinh ra hoa trái là lòng bác ái và dấn thân phục vụ người nghèo, giúp họ tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Vì tội lỗi đến từ con người. Nếu mỗi chúng ta chú tâm đến việc canh tân đổi mới cuộc đời, cuộc đời này sẽ bớt đi những mâu thuẫn hận thù và bạo lực. Với tư cách là Kitô hữu, hãy thắp sắng cuộc đời bằng những nhân đức và bằng tình yêu thương, để rồi cuộc sống chan hòa và thấm đượm tinh thần Tin Mừng yêu thương. Trái tim an bình và thánh thiện là điều kiện không thể thiếu để kiến tạo hòa bình xung quanh chúng ta.

Sống không giậnkhông hờnkhông oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống chan hòa với những người chung sống
Sống là động mà không xao động
Sống là thương mà chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi ta coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến (Sưu tầm).

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW