Lời chủ chăn Tháng 10/2018

03-10-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn Tháng 10/2018 by

TÂM TÌNH THÁNG MÂN CÔI

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Mỗi độ tháng Mân Côi về, các Linh mục, Tu sĩ, nhất là các cha chính xứ, thường nhắc nhở và khích lệ các giáo hữu siêng năng lần chuỗi Mân Côi để tôn vinh Đức Mẹ và cầu khẩn xin Mẹ che chở gia đình, giáo xứ, giáo phận và toàn thể Giáo Hội. Vì vậy, khắp nơi trong Giáo phận, người ta được nghe vang lên lời kinh Mân Côi các tín hữu sốt sắng dâng lên Mẹ tại các nhà thờ giáo xứ, giáo họ và trong các gia đình.

Cùng với lời cám ơn quý Cha và quý Tu sĩ về những sáng kiến mục vụ để duy trì và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp đọc kinh Mân Côi tôn vinh Đức Mẹ, tôi muốn gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ đôi tâm tình thiêng liêng được khơi lên từ hai câu trong kinh Mân Côi: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” và “Cầu cho chúng con là kẻ có tội”.

1. Kính mừng Maria đầy ơn phúc 

Trong ngày Truyền Tin Thiên Thần đã chào Đức Mẹ: “Kính mừng Maria,Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1,28).

Lời chào của Thiên Thần được diễn tả như một định nghĩa về Đức Mẹ, nói lên căn tính của Ngài là người “đầy ân phúc”. Ngay sau khi nói Đức Mẹ là người “đầy ân phúc”, Thiên Thần còn nói Đức Mẹ là người có Thiên Chúa ở cùng và đẹp lòng Thiên Chúa.  “Đầy ân phúc”, “Có Thiên Chúa ở cùng”, “Đẹp lòng Thiên Chúa” là ba cụm từ bổ túc lẫn nhau, nói lên căn tính của một người thuộc về Thiên Chúa, có nghĩa cùng Chúa, được đầy tràn Thiên Chúa, “được quyền năng Đấng Tối Cao bao bọc” (Lc 1,35) và được xưng tụng như “Hòm bia Thiên Chúa” (Kinh cầu Đức Bà). Đây chính là yếu tố căn bản và nền tảng, là suối nguồn, là sự cao đẹp và quí báu nhất nói lên căn tính thực sự của Đức Mẹ.

Về phần mình, Đức Mẹ ý thức và trân trọng tình nghĩa của Thiên Chúa như kho tàng quý giá, như nền tảng của cuộc đời mình và hạnh phúc vì được Thiên Chúa che chở, bao bọc và thương yêu. Vì thế, Đức Mẹ đã thốt lên lời ca tán tụng: “Linh hồn tôi ngượi khen Thiên Chúa… Vì Thiên Chúa đã nhìn đến phận hèn của nữ tỳ Ngài” (Lc 1,46-48). Nữ tỳ là người tôi tớ, thuộc về chủ, được định nghĩa trong mối tương quan với chủ. Mẹ Maria ý thức về mối tương quan này và trân trọng, hạnh phúc được ở trong mối tương quan này.

Suy niệm về Đức Mẹ giúp chúng ta, các Linh mục và các Tu sĩ của Chúa, khám phá lại và ý thức về căn tính của chúng ta. Linh mục và Tu sĩ là người môn đệ được Chúa Giêsu chinh phục để thuộc về Chúa, tham dự vào sứ mệnh của Chúa, lấy ao ước và tâm tư của Chúa làm ao ước và tâm tư của chính mình.

Để sống đúng căn tính của mình, chỉ tin có Chúa thôi, chưa đủ; chỉ biết mình là Linh mục hay Tu sĩ của Chúa thôi, cũngchưa đủ. Cần phải học nơi Đức Mẹ, sống hạnh phúc trong tình nghĩa của Chúa, hãnh diện vì được thuộc về Chúa và sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa, để phục vụ Chúa với tất cả tâm hồn của mình. Đây là thách đố của thế giới vàcủa chính Chúa Giêsu dành cho các Linh mục và các Tu sĩ hôm nay.

Dĩ nhiên, noi theo mẫu gương của Đức Mẹ chắc chắn không phải là việc dễ dàng, nhưng chúng ta được khích lệ vì trong lịch sử của Hội Thánh, nhiều vị thánh, có những vị xem ra rất “bình thường”, đã đi trước chúng ta và thành công trong hành trình noi gương Đức Mẹ. Tôi xin được ghi lại đây ba vị thánh quen thuộc:

Thánh Phaolô

Đọc các thư của Thánh Phaolô, chúng ta dễ dàng nhận thấy những nét phản chiếu gương sáng của Mẹ Maria trong tâm tình trân quí tình nghĩa của Chúa, sẵn sàng chịu thiệt thòi vì Chúa và từ bỏ mọi sự cho Chúa. Điều này được Thánh Phaolô bày tỏ rõ ràng trong nhiều lá thư, đặc biệt trong thư ngài gửi tín hữuPhiliphê: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Phil 3,7-9; x. 1Co 1,1; 2Co 2,1; Gal 1,1; Eph 1,1; Eph 3,1; Phil 1,1; Col 1,1; 1Tim 1,1; Tit 1,1; Phm 1).

Thánh Josephine Bakhita

Thánh Josephine Bakhita, người gốc nước Sudan thuộcPhi Châu. Ngay khi còn tuổi thơ ấu, em Bakhita đã bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ. Bị mua đi bán lại qua nhiều gia đình quí phái và sau cùng được đưa đến nước Ý, ở đó Bakhita được thả tự do, được rửa tội và đi tu dòng các nữ tu Canossiane.

Dĩ nhiên, ai cũng có thể hiểu được những nỗi đau đớn, nhiều khi rợn rùng, những nỗi cơ cực và nhục nhã của một người nô lệ. Thế mà trong một cuộc gặp gỡ sinh viên người Ý tại Bologna, khi được hỏi:

“Chị sẽ có thái độ nào nếu gặp lại những người đã bắtcóc chị và bán chị làm nô lệ?”
Chị Josephine Bakhita đã không ngần ngại trả lời:

“Nếu tôi gặp lại những người đã bắt cóc tôi và bán tôi làm nô lệ, tôi sẽ không ngần ngại quỳ xuống hôn tay họ vì nếu không có họ và không có những sự việc như đã xảy ra cho tôi thì làm sao tôi có thể biết được Chúa Giêsu và trở thành nữ tu?”.

Đúng là một tâm hồn đầy ơn phúc và biết trân trọng tình nghĩa của Chúa. Thảm cảnh đã được coi là dịp may và những kẻ thù nghịch hung bạo đã được coi là ân nhân, chỉ vì qua họ và qua các thảm cảnh đó, chị được biết Chúa Giêsu.

Chân Phước Anrê Phú Yên

Vị thánh thứ ba gần gũi với chúng ta hơn. Đó là Chân phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Khi Quan Tòa dụ dỗ, rồi đe dọa bắt phải chối Chúa, cậu Anrê Phú Yên đã trả lời: “Làm sao tôi có thể chối Chúa Giêsu được. Ngài đã chết vì tôi, thì tôi cũng phải chấp nhận chết vì Ngài. Tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống đáp trả mạng sống”.

Cha Đắc Lộ tường thuật thái độ của Thầy Giảng Anrê Phú Yên vào giờ tử đạo như sau: “Tới nơi xử hồng phúc, Thầy Anrê tốt lành quỳ gối xuống ngay; Thầy  chào từ giã mọi tín hữu, đồng thời khuyên bảo họ hãy trung thành với Thiên Chúa và tín thác trong đức tin. Về phần Thầy, họ chẳng nên đau buồn làm chi, nhưng hãy cầu xin Chúa cho Thầy được trung thành đến cùng (giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi thở, cho đến trọn đời)”.

2. Cầu cho chúng con là kẻ có tội

Trong hành trình theo Chúa Kitô, các Linh mục, Tu sĩ, cũng như mọi tín hữu, chúng ta thường phải trải qua những kinh nghiệm đau đớn về tội lỗi và những yếu đuối của mình. Trong kinh nghiệm sống này, Mẹ Maria hiện diện như niềm cậy trông, như nơi ẩn náu vững chắc và an toàn cho các kẻ có tội. Vì vậy, các tín hữu khi đọc kinh Mân Côi, không ngớt kêu xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa cho mình là kẻ có tội: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

Khó khăn trong việc nhận ra tình trạng tội lỗi của mình

Nhiều khi trong lòng mỗi người có một bức màn che lấp không cho người ta nhìn thấy chính mình. Bức màn ấy nhiều khi cũng cản trở chúng ta trong việcgặp gỡ tha nhân với con tim rộng mở và ngăn cản chúng ta nhận ra Chúa Giêsu và nghe đượcnhững lời đầy âu yếm của Ngài: “Này đây, Ta đứng ở cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà nó, dùng cơm tối với nó và nó với Ta” (Kh 3,20); “Hỡi dân ta, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay là Ta đã làm gì phiền lòng ngươi? Hãy trả lời cho Ta…” (Mi 6,3-4). Nhiều khi người môn đệ không còn khả năng chạnh lòng trước những lời âu yếm của Chúa. Vì thế, lời cầu nguyện “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội” trở thành lời cầu: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con biết nhận ra mình là kẻ có tội”.

Trong hành trình thiêng liêng, người ta giống như người mù, không nhận ra tình trạng đáng thương của mình. Vì vậy, cần phải học theo người mù thành Giêricô mà kêu van xin Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con được thấy.” (Lc 18,41).Thánh Inhaxiô Loyola khi hướng dẫn tĩnh tâm (linh thao), trong bài suy niệm về tội, thường khích lệ người tĩnh tâm cầu xin “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ơn cảm nghiệm sâu sa tình trạng tội lỗi của mình.”

Trong lời khuyên của thánh Inhaxiô, có ba điều cần được chú ý. Điều thứ nhất, thánh Inhaxiônói phải cầu xin với từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, có nghĩa là phải nài nỉ, van xin. Điều này cần thiết không phải vì Thiên Chúa khó ban ơn, nhưng vì lòng người không thật tình, hay thật tình mà không sâu đậm khi xin ơn biết mình. Điều thứ hai là không chỉ xin ơn “biết” mà ơn “cảm nghiệm sâu sa” tội lỗi của mình. Nếu chỉ biết, người ta khó có thể đi đến quyết định chừa bỏ, nhưng cái “biết” cùng với cái “cảm” sẽ thúc đẩy người ta quyết định. Điều sau cùng là không chỉ xin biết được các tội mình đã phạm, nhưng cảm nghiệm sâu sa tình trạng tội lỗi của mình.

Cầu nguyện cho các kẻ có tội

Là môn đệ của Chúa, nhất là trong trách nhiệm mục vụ, chúng ta không chỉ quan tâm đến tội lỗi của chúng ta, mà còn phải mở trí lòng ra với toànthể Giáo Hội và thế giới, nhất là những người chúng ta có trách nhiệm mục vụ trực tiếp. Chúng ta cần mời gọi mọi người cầu nguyện, ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và đồng hành với họ trong hành trình cải thiện đời sống của họ.Hơn nữa, chúng ta cần phải hy sinh, hãm mình để đền tội thay cho họ.

Tại Lộ Đức và tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi cầu nguyện cho các kẻ có tội được ơn ăn năn hối cải và ăn chay, hy sinh hãm mình để đền tội thay cho các kẻ có tội.

Tại Lộ Đức, Đức Mẹ nói với em bé Bernadette: “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc, nhưng ở đời sau. Ở đời này, con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho những người có tội được ơn ăn năn trở lại không?” Em bé Bernadette đã chấp nhận.

Tại Fatima, cùng với việc kêu mời đọc kinh Mân Côi, Đức Mẹ cũng kêu gọi hy sinh hãm mình đền tội thay cho các kẻ có tội: “Các con hãy cầu nguyện, các con hãy cầu nguyện thật nhiều và hãy hy sinh hãm mình để đền thay cho kẻ có tội. Bởi vì, sẽ có nhiều người bị sa vào hỏa ngục, do không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ” (Lần hiện ra thứ 4).

Kính thưa quí Cha và quý Tu sĩ,

Tôi chỉ còn một điều muốn nói. Đó là chúng ta hãy khích lệ nhau, thúc đẩy nhau noi gương Đức Mẹ, nhất là trong tháng Mân Côi, tìm kiếm Chúa Giêsu, say mến Ngài, trân trọng tình nghĩa của Ngài, sống xứng đáng với tình yêu của Ngài và cố gắng giữ gìn thế nào để tình yêu dành choNgài không bao giờ bị hao mòn.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW