“Xin cho con được thấy!” – Bài giảng Chúa nhật XXX Thường niên B

25-10-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở “Xin cho con được thấy!” – Bài giảng Chúa nhật XXX Thường niên B by

“Xin cho con được thấy!” Xin Chúa mở mắt tâm hồn chúng ta để chiêm ngưỡng những kỳ công Ngài đang thực hiện hằng ngày xung quanh chúng ta, và để nhận ra mỗi người đang cùng chung sống là một quà tặng do chính Chúa ban.

Ai trong chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận được những thiệt thòi của người mù. Họ không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Họ cũng không cảm nhận được niềm vui nỗi buồn nơi khuôn mặt những người thân. Thế giới đối với họ là đêm tối trường kỳ. Tin Mừng hôm nay nói đến một người mù đứng ăn xin tại cổng thành Giêricô. Trong lúc Chúa Giêsu và các môn đệ từ trong thành đi ra, Người đã trông thấy, và, trước lời van xin của anh, Chúa đã chữa lành, cho anh được nhìn thấy như bao người khác.

“Xin cho tôi được thấy!”. Đó là lời van xin của anh mù, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, lối vào thành Giêricô. Khát vọng của anh mù là được nhìn thấy. Bởi lẽ, mù con mắt là sự thiệt thòi rất lớn, như người ta thường nói: giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Đôi mắt được sánh như gia tài, giúp cho con người trở nên giàu có và thịnh vượng. Trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”, anh mù lập tức thưa: “Thưa Thày, xin cho tôi được thấy!”. Đây là nỗi khát vọng anh ôm ấp trong lòng, nay được cơ hội để diễn tả với hy vọng mãnh liệt sẽ được nhìn thấy như bao người khác trong cuộc đời.

“Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Mặc dù bị người ta ngăn cản, anh mù không nản lòng và vẫn hăng hái tiến về phía trước. Việc lao về phía trước đối với một người mù, là chấp nhận nguy hiểm, vì anh không nhìn thấy gì. Lời kêu van này, vừa diễn đạt quyền năng của vị ngôn sứ đang đi ngang qua, vừa gửi gắm niềm tín thác, chắc chắn vị ngôn sứ ấy sẽ chữa cho mình được lành. Lời van xin ấy đã đến tai Chúa, và mặc dù đám đông ồn ào vây quanh, Người vẫn gọi anh và chữa anh lành.

Trong hành trình cuộc đời, mỗi người chúng ta cũng giống như anh mù đang đứng bên cổng thành Giêricô. Bởi lẽ chúng ta – dù có con mắt sáng – cũng chỉ nhìn thấy một phần những gì đang tồn tại, kể cả những vật hữu hình. Cả một thế giới vô hình mênh mông trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta không có khả năng cảm nhận. Vì vậy, mỗi người cần khát vọng tiến cao tiến xa hơn trong lãnh vực siêu hình thiêng liêng. Tùy theo quan niệm văn hóa và tôn giáo mà định nghĩa lãnh vực thiêng liêng này là gì. Đối với người tin Chúa, mỗi ngày sống trên trần gian phải là những bước tiến tới gần Chúa hơn để gặp Ngài, vì đích điểm của cuộc đời là cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa, mặt đối mặt, không còn như trong gương. Trong cuộc sống trần gian, chúng ta chỉ cảm nhận Chúa một cách tương đối, mờ nhạt và phiến diện.

“Xin cho con được thấy!”. Xung quanh ta còn biết bao điều ta không có khả năng thấy, hoặc cố tình không thấy. Đó có thể là những kỳ công của Chúa, qua đó, Chúa tỏ bày vinh quang của Ngài và chứng minh Ngài đang hiện diện. Đó cũng có thể là những người nghèo nàn bất hạnh đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Con người trong xã hội hiện đại ngày càng vô cảm với tha nhân, vì thế, đây đó, vẫn còn những người bị bỏ rơi quên lãng. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã viết: “Những ai chỉ tin vào những gì mình thấy bằng con mắt thể lý, thì họ vẫn là những người mù.

“Xin cho con được thấy!”Đó là lời cầu xin của chúng ta để nhận ra tình thương của Ngài đang ấp ủ đồng hành chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Ngôn sứ Giêrêmia diễn tả niềm vui lớn lao, như một tiếng thét vui mừng trước những điều kỳ diệu Thiên Chúa sẽ thực hiện vì yêu thương dân Ngài. Ông loan báo cuộc hồi hương của dân Israen, sau những năm tháng lưu đầy đau khổ nhục nhằn. Thiên Chúa sẽ giải phòng dân Ngài. Người Do Thái sẽ được về với quê cha đất tổ. Trong số đó, có cả những người đui mù, què quặt và bệnh tật. Trong quan niệm thông thường, những người này bị khinh bỉ và coi thường, không được kể đến trong các buổi hội họp. Nay họ cũng được Chúa yêu thương. Họ sẽ không bị bỏ rơi và quên lãng nơi đất khách quê người vào lúc Thiên Chúa giải phóng dân Ngài. Ngài là Đấng giàu lòng thương xót.

Thiên Chúa không dừng lại ở việc chúc lành, ban ơn che chở dân Ngài. Ngài còn sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến trần gian để ở với chúng ta. Tác giả thư Do Thái đã diễn tả vị Thượng tế siêu phàm, đã mặc lấy thân phận tôi tớ của chúng ta. Vị tư tế này, không giống như các tư tế của Cựu ước. Người đã dâng chính mình làm của lễ trên thập giá để đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại mọi thời mọi nơi. Ngày hôm nay, qua Giáo Hội, Người vẫn tiếp tục dâng hy tế để giao hòa thế gian với Thiên Chúa và giao hòa con người với nhau, xây đắp tình huynh đệ giữa gia đình nhân loại.

“Xin cho con được thấy!” Xin Chúa mở mắt tâm hồn chúng ta để chiêm ngưỡng những kỳ công Ngài đang thực hiện hằng ngày xung quanh chúng ta, và để nhận ra mỗi người đang cùng chung sống là một quà tặng do chính Chúa ban. Amen.

“Đời người giống như việc đi đường vậy, một bên là gian khổ, một bên là cảnh đẹp. Ánh mắt bạn phóng được đến đâu, đó chính là cảnh giới của cuộc đời bạn. Nếu thường xuyên nhìn thấy những người ưu tú hơn mình, điều đó cho thấy bạn đang trên đường lên dốc; Còn nếu thường xuyên nhìn thấy những người không bằng mình, điều đó cho thấy bạn đang xuống dốc và người khác đang phải cố gắng để lên dốc. Thay vì oán thán, thà thay đổi cách nghĩ, mọi chuyện sẽ bớt nặng nề đi rất nhiều!” (Sưu tầm)

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW