“Cần có một tấm lòng” – Bài giảng Chúa nhật XXXII thường niên B
Tấm lòng của bà đã được ghi nhận, của cho không bằng cách cho. Khi nhắc lại cách công đức của bà góa nghèo, Chúa Giê-su khẳng định: cùng với tặng vật, người cho cần có một tấm lòng.
Trong ngôn ngữ "nhà Đạo", câu nói "Đồng tiền của bà goá" đã trở thành thông dụng, ám chỉ những điều rất nhỏ mọn và đơn sơ nhưng được thực hiện với thiện ý và tấm lòng chân thành.
Lời Chúa hôm nay nói đến hai người phụ nữ goá bụa. Một người ở thành Sarepta thời ngôn sứ Elia, một người thời Chúa Giêsu. Mỗi người một cách, cả hai đều quảng đại và chân thành. Trong truyền thống Do Thái thời xưa, người phụ nữ goá bụa bị coi như đồ bị chúc dữ (x. Tb 3,7-9). Họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi trong đời sống hằng ngày và trong những sinh hoạt cộng đồng. Vậy mà Lời Chúa hôm nay lại muốn khẳng định với chúng ta: họ là những người đáng tôn trọng, bởi họ đã có những nghĩa cử đẹp. Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước đều diễn tả Thiên Chúa là Đấng yêu thương bênh vực những người goá bụa, cô nhi và kẻ cô thân cô thế. Ngài là chỗ dựa cho họ. Các ngôn sứ và các tác giả Thánh vịnh còn khẳng định rõ: ai đối xử bất công với những người thiệt thòi này sẽ bị Thiên Chúa báo oán.
Người phụ nữ thời ngôn sứ Elia, nghèo đến mức chỉ còn một chút bột và chút dầu trong bình, nhưng cũng sẵn sàng làm cho vị ngôn sứ tấm bánh. Tấm bánh mà bà tặng cho vị ngôn sứ là tất cả những gì bà có, là niềm hy vọng cuối cùng của hai mẹ con bà. Vậy mà bà hy sinh tất cả. Sự hy sinh của bà đã được ghi nhận và thưởng công ngay lập tức. Từ đó, hũ bột của bà không vơi và bình dầu của bà không cạn cho đến khi mưa xuống trên xứ sở. Đó chính là sự thưởng công “nhãn tiền” mà bà được hưởng, do lòng rộng rãi của bà đối vị ngôn sứ.
Người phụ nữ thứ hai được nhắc đến trong Tin Mừng cũng là người đàn bà goá nghèo. Bà công đức vào Đền thờ chỉ vẻn vẹn hai đồng tiền kẽm, là số tiền rất nhỏ so với giá trị tài chính đương thời, nhưng Chúa Giêsu khẳng định: bà đã dâng cúng tất cả mình có với lòng quảng đại và như thế có nghĩa bà bỏ nhiều hơn những người giàu có. Tác giả Tin Mừng cũng nhắc đến sự tương phản trong thái độ và y phục của những người cùng bước vào Đền thờ hôm ấy: trước hết là những kinh sư súng sính trong bộ áo thụng để phô trương và biểu diễn, rồi đến những người giàu có vênh vang khoe sự giàu sang. Bên cạnh họ, người đàn bà goá khiêm hạ, chỉ công đức được một chút tiền bạc. Tấm lòng của bà đã được ghi nhận, của cho không bằng cách cho. Khi nhắc lại cách công đức của bà góa nghèo, Chúa Giê-su khẳng định: cùng với tặng vật, người cho cần có một tấm lòng.
Lời Chúa hôm nay muốn lưu ý chúng ta hãy thay đổi cách nhận định về một con người hay một sự việc. Thông thường, chúng ta hay quan sát và đánh giá theo những dáng vẻ bên ngoài. Tuy vậy, con người phải được tôn trọng trước hết là vì nhân phẩm của họ, rồi đến tư cách đạo đức và tấm lòng chân thành của họ đối với những người xung quanh. Sự thận trọng trong nhận định sẽ giúp ta tránh mọi sai lầm đáng tiếc, và tránh những thiệt hại cho những người có liên quan. “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, súng sính trong bộ áo thụng…, họ thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc… nuốt hết tài sản của các bà góa”. Những lời cảnh báo này nhắc chúng ta phải nhìn lại chính mình, để rồi chúng ta có cách hành xử cho đúng đắn.
Lời Chúa cũng nhắc bảo chúng ta, nghĩa cử chia sẻ luôn có giá trị trước mặt Chúa và giúp bản thân chúng ta nên hoàn thiện. Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh. Những gì chúng ta giúp đỡ người bất hạnh, sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an thanh thản trong tâm hồn. Nghĩa cử chia sẻ của chúng ta giống như lửa, càng cho đi, càng lan rộng mà không hề mất đi.
Tác giả thư Do Thái mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đức Giêsu Thượng tế. Người đã hy sinh vì tội lỗi nhân loại. Người đã mang trên thân mình tất cả những đau khổ đáng lẽ chúng ta phải chịu, để nhờ đau khổ của Người mà chúng ta được hạnh phúc và bình an. Noi gương Chúa, chúng ta hãy hy sinh, chia sẻ, cho đi chính sức lực, thời gian, tinh thần, vật chất, để đem lại cho cuộc sống này nhiều niềm vui.
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” – Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã diễn tả điều này trong một nhạc phẩm nổi tiếng. Quả vậy, không có tấm lòng, mọi sự đều trở nên vô nghĩa, hay nói theo Thánh Phao-lô, thiếu đức ái, những gì ta làm, dù lớn lao và hoành tráng đến mấy, cũng chỉ giống như thanh la não bạt, vang dội mà rỗng tuếch.
Khi một người chết đi, anh ta nắm trong tay chỉ những gì mình đã cho đi khi còn sống. When a man dies he clutches in his hands only that which he has given away during his lifetime (Sưu tầm).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org