Lời chủ chăn Tháng 01/2019
TÌM LẠI ĐIỀU THIẾT YẾU CỦA ĐỜI SỐNG
VÀ CÔNG TÁC TÔNG ĐỒ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Khởi đầu năm mới là thời điểm thích hợp để chúng ta nhìn lại cuộc sống dâng hiến cũng như sứ mạng tông đồ của chúng ta, hầu định hướng và canh tân cuộc sống cũng như công việc tông đồ sao cho phù hợp hơn với ý định và đường lối của Chúa. Trong ý hướng đó, tôi muốn chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi điều cần được quan tâm trong đời sống và dấn thân tông đồ của chúng ta là những người đã dâng hiến tất cả cuộc đời cho Chúa và cho chương trình cứu độ của Ngài. Đề tài chia sẻ là “Tìm lại điều thiết yếu của đời sống và công tác tông đồ”.
1. Nhu cầu khám phá lại điều thiết yếu
Có hai đặc tính của thế giới ngày nay đang gây rất nhiều khó khăn cho đời sống Đức Tin và công tác truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Đặc tính thứ nhất là những hứa hẹn của công nghệ kỹ thuật về một cuộc sống tốt đẹp chứa đầy ma lực quyến rũ mê hoặc lòng người và những thú vui, tiện nghi của xã hội tân tiến có sức lôi cuốn mãnh liệt dễ biến con người thành nô lệ cho đam mê đủ loại. Vì vậy, khi nói đến các quyến rũ của thú vui và tiện nghi, nhiều người còn thêm cụm tự “vũ bão” để diễn tả sức mạnh khó kháng cự của chúng. Đặc tính thứ hai là những ý tưởng mới lạ đến từ các ngành khoa học khác nhau kể cả thần học, mục vụ và tu đức gây ấn tượng, nhưng lắm khi mang tính cách một chiều, hàm hồ và khập khiễng gây ra tâm trạng hỗn độn và mâu thuẫn trong cuộc sống cũng như trong hoạt động tồng đồ.
Đứng trước những đặc tính trên đây của thế giới, vấn đề lớn của việc sống Đức Tin và thực hiện công tác mục vụ không phải là thiếu tư tưởng, thiếu phương tiện hay thiếu sáng kiến, nhưng là thiếu khả năng làm chủ các dục vọng, các đam mê và thiếu khả năng phân biệt phải trái cũng như thiếu năng lực hòa hợp được các luồng tư tưởng và các dự án mục vụ khác nhau thành một thực tại an hòa hợp nhất theo thánh ý Chúa. Vấn đề khó khăn này đã được Viện Trưởng Đại Học UCO, Ông Dominique Vermersch, phân tích tỉ mỉ trong cuốn “La Raison Prodigue”[1]. Tác giả có ý tưởng độc đáo khi lấy hình ảnh hai người con trong dụ ngôn “Người Cha nhân từ” (x. Lc 15,11-32) cũng được gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng” để diễn tả đặc tính của tư tưởng ngày nay. Đó là “tư tưởng hoang đàng” lang thang khắp chốn và sa đọa vì không còn nhận Đức Tin như nhà ở và điểm xuất phát, có khác chi đứa con thứ trong Dụ ngôn, bỏ nhà Cha đi xa, tiêu xài phung phí nên trụt giốc và sa đọa.
Vấn đề bỏ Đức Tin như điểm xuất phát và điểm tựa thiết yếu cho đời sống và Hoạt Động Mục Vụ có thể được diễn giải qua kinh nghiệm sống đã được Tôi tớ Chúa, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận kể như sau: tại Đại Hội Thánh Thể của Tổng Giáo phận Genova (Italia) mà ngài đã tham dự, vào ngày kết thúc Đại Hội, người ta tổ chức buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa trước Thánh Lễ bế mạc. Khi đoàn rước đã bắt đầu, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Genova tiến đến bàn thờ, đón nhận Mặt Nhật để kiệu Mình Thánh Chúa. Khi tới bàn thờ, ngài nhìn Mặt Nhật rồi gọi Đức Ông Trưởng ban Tổ chức và hỏi: “Đức Ông Luigi, Chúa đâu?” Người ta đã quên đặt Bánh Thánh vào Mặt Nhật! Tất cả mọi yếu tố phụ thuộc của cuộc rước đều đầy đủ và cuộc rước đang tiến hành tốt đẹp, nhưng yếu tố trọng tâm là Bánh Thánh lại thiếu. Rước kiệu tôn kính Thánh Thể mà không có Bánh Thánh! Nếu Đức Hồng Y Tổng Giám Mục không nhận ra và không nói, có lẽ mọi người cứ rước kiệu kính Thánh Thể mà không hề biết là thiếu Thánh Thể, yếu tố căn bản của cuộc rước kiệu.
Sự kiện thiếu Bánh Thánh trong cuộc rước kiệu tôn kính Thánh Thể có lẽ ít khi xảy ra, nhưng vấn đề được diễn tả có thể xảy ra không ít lần trong đời sống đức tin và trong các sinh hoạt mục vụ ở nhiều nơi. Điều này xảy ra khi người ta chú tâm đến một vài khía cạnh nào đó của Tin Mừng, tùy theo sự nhậy cảm riêng tư hay “thời trang” mục vụ của thời đại và xã hội mà coi thường hay bỏ qua yếu tố căn bản của Tin Mừng hoặc khi người ta quan tâm đến một khía cạnh nào đó của Tin Mừng mà không đặt nó trong tương quan với yếu tố nền tảng của Tin Mừng. Do đó, đời sống đức tin mất sức sống và công tác tông đồ thoái hóa, biến thành những hoạt động phản Tin Mừng. Điều này đã được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nói rất dài trong tông thư “Evangelii Nuntiandi” về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay.[2]
2. Điều thiết yếu và khởi nguồn của Đức Tin và Sứ Vụ Tông Đồ
Tất cả đời sống và sứ mạng tông đồ của Giáo Hội bắt đầu và đặt nền tảng trên một sự kiện lịch sử được các Thiên Thần loan báo đêm Giáng Sinh:
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
Sứ điệp trên đã được ngôn sứ Isaia loan báo trước và sau này đã được Thánh Mathêô ghi lại:
“Người (Đức Giêsu) bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,12-16).
Đây là sự kiện nền tảng cho đời sống của Giáo Hội và là sứ điệp độc đáo mà Giáo Hội phải thông truyền cho thế giới trong mọi thời đại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Từ ngày nguyên tổ phạm tội phản nghịch Thiên Chúa, loài người sợ hãi và trốn tránh Chúa (x. St 3,8-24). Hậu quả là loài người trở thành cớ vấp phạm cho nhau, rồi áp bức, chém giết lẫn nhau (x. St 4,1-8) và sống trong lầm than cơ cực (x. St 4,9-13). Càng giẫy giụa, loài người càng lún sâu trong tội lỗi, trong các tệ nạn, trong thù hằn và áp bức nhau – nhất là đối với những người yếu kém, cô thân, cô thế – vì loài người bất lực, không có khả năng giải thoát chính mình, càng không có khả năng giải thoát người khác khỏi sự dữ.
Chính trong hoàn cảnh này, sứ điệp các Thiên Thần loan báo cho những người chăn chiên trong đêm Giáng Sinh làm bừng lên trong lòng nhân loại nguồn ánh sáng chiếu soi vào sự u mê tăm tối của lòng trí con người và khơi lên trong họ niềm hy vọng chắc chắn sẽ được cứu độ. Thiên Chúa là Đấng cứu độ loài người; Ngài giải thoát và cứu độ con người bằng sức mạnh của tình yêu. Đây là sứ điệp nền tảng, là suối nguồn và là khuôn thước cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Do đó, một số yếu tố nền tảng cần được các linh mục và tu sĩ quan tâm trong công tác mục vụ:
- Chỉ có Chúa mới là Đấng Cứu Thế. Vì vậy, ưu tiên tối hậu trong việc tông đồ phải là hướng dẫn đoàn Dân Chúa cũng như anh chị em Lương dân đến với Chúa và gặp được Ngài. Chính Ngài mới cải hóa được lòng người và biến đổi thế giới. Do đó, một đàng các linh mục và tu sĩ cần nhớ mình không phải là vị cứu thế, nhưng là tông đồ, là trung gian để Chúa có thể đến được với dân chúng và biến đổi những ai đón nhận Ngài trở thành Con Thiên Chúa (x. Ga 1,12). Đàng khác, các cử hành Phụng Vụ và các sinh hoạt đạo đức phải có vị thế ưu tiên trong công tác tông đồ. Nhưng quan trọng là cần giữ cho các cử hành Phụng Vụ và các sinh hoạt đạo đức trở thành những giây phút gặp gỡ thâm sâu với Chúa, chứ không là những nghi thức vô hồn, những cử hành chiếu lệ và cằn cỗi.
- Cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Chúa phải là nguồn mạch thúc đẩy người môn đệ đưa Chúa vào cuộc đời trong các hoàn cảnh cụ thể, trong các mối tương quan với tha nhân và trong trách nhiệm của mỗi người. Điều quan trọng là các hành động, nếu muốn trở thành hoạt động tông đồ, phải kín múc sức mạnh từ cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa, phải được chiếu soi bởi ánh sáng mầu nhiệm của Chúa. Điều này đã được ĐTC Phanxicô xác định như sau: “Một người truyền giáo đích thực biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình… Nếu không nhìn thấy Ngài hiện diện tại tâm điểm sự dấn thân truyền giáo của chúng ta, lòng phấn khởi của chúng ta sẽ sớm nhạt nhòa và chúng ta không còn chắc chắn mình đang thông truyền điều gì; chúng ta sẽ thiếu sinh lực và lòng hăng say”[1].
- Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại bằng tình yêu vì Ngài là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Do đó, mọi công tác tông đồ, vì phát xuất từ Chúa, phải mang chất tình yêu. Để được như vậy, các linh mục, tu sĩ phải để cho tình yêu thấm nhuần tâm trí của mình để trở thành chất xúc tác của mọi ý nghĩ và hoạt động của mình. Tình yêu đích thực là căn bản, định đoạt tính cách trung thực của việc tông đồ và của chính người tông đồ: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Co 13,1-7). Những tính chất của tình yêu được Thánh Phaolô nêu ra ở trên đã đủ để giúp chúng ta phân biệt tình yêu đích thực và tình yêu giả dối. Tuy vậy, trong một thời gian rất lâu dài, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta đã nhân danh tình yêu đối với một nhóm người mà gây hận thù đối với một nhóm người khác. Nhưng tình yêu đích thực, phát xuất từ Thiên Chúa thì yêu thương phổ quát vì bản tính của tình yêu là thương yêu. Thiên Chúa thương yêu mọi người dù đó là người tốt hay xấu để cứu độ, cải hóa và thăng tiến họ:“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,43-45)
3. Sứ điệp được thông truyền từ cuộc sống
Giữa việc tông đồ và người tông đồ có một mối liên hệ mật thiết: việc tông đồ tùy thuộc vào người tông đồ. Khi nói đến tính chất của việc tông đồ, nhất thiết phải nói đến con tim và tinh thần của người tông đồ. Nếu mục đích ưu tiên của việc tông đồ là trình bày Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ nhân loại và tình yêu phải là yếu tố nền tảng của công việc tông đồ thì các linh mục, tu sĩ là những tông đồ, cần phải là người sống thân tình với Chúa đến độ có thể nói: “Tôi đã gặp Ngài, tôi biết Ngài” (x. 2Tm 1,12) và phải là người biết thương yêu mọi người. Trong mối tương quan thân tình đó, người tông đồ nhận biết thực sự Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế của mình và của toàn thể nhân loại; đồng thời người tông đồ cũng là người mang tình yêu Chúa trong con tim và để cho phẩm chất tình yêu Chúa thấm nhuần vào những tình cảm, ý nghĩ và hành động của mình.
Trong ý hướng trên, chúng ta cần nhìn lại mối tương quan của mình với Chúa Giêsu, đặc biệt thời lượng và phẩm chất của những giờ dâng Thánh Lễ, đọc Kinh Thần Vụ, giờ nguyện gẫm, những phút giây viếng Thánh Thể và cầu nguyện riêng, vì chỉ khi “hiệp nhất với Đức Kitô, chúng ta tìm điều Ngài tìm và yêu điều Ngài yêu… Chúng ta cần vượt lên mọi sở thích và lợi ích riêng, mọi hiểu biết và động cơ của mình để loan báo Tin Mừng vì vinh quang cao cả của Cha, Đấng yêu thương chúng ta” [1]. Cùng một ý hướng này, tôi muốn nhắc lại dụ ngôn mang đề tài “Môn đệ chân chính” trong Tin Mừng Thánh Mathêô mà tôi đã một lần chia sẻ: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23).
Áp dụng vào các công tác tông đồ hôm nay, chúng ta có thể diễn tả dụ ngôn như sau: “Lạy Chúa, con đã chẳng từng làm việc bác ái, thăm viếng người bệnh tận nhà, làm nhà mục vụ và xây nhà thờ tôn vinh Chúa sao? Con đã chẳng từng giảng giải hùng hồn và còn nhân danh Chúa can đảm nói công khai bênh đỡ người nghèo và chống bất công sao?” Liệu lúc đó, Chúa có nói với ai trong chúng ta những lời đáng ghê sợ của bài dụ ngôn không: “Ta không hề biết ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi tên làm điều gian ác!” Lý do căn bản của lời kết án khủng khiếp trên là người ta đã lợi dụng Chúa cho những tính toán và tình cảm cá nhân, mà thiếu hẳn phẩm chất tình yêu Chúa trong các suy nghĩ, tình cảm và việc làm.
Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ này với lời cầu xin dâng lên Mẹ Maria để xin Mẹ hướng dẫn các Linh mục và Tu sĩ của Giáo Phận trong nỗ lực canh tân đời sống và dấn thân tông đồ. Nhờ đó, đoàn Dân Chúa trong Giáo phận sẽ được khơi nguồn sức sống đức tin và hăng say thực hiện chương trình mục vụ năm 2018 – 2019, biến Giáo phận thành “Thánh địa lòng thương xót” và các gia đình trở thành “Dấu chỉ lòng thương xót của Chúa” cho mọi người, đặc biệt cho các đối tượng ưu tiên là những gia đình gặp khó khăn và anh chị em Lương dân.
Thân mến chào quý Cha và anh chị em Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc