“Hãy có lòng nhân từ” – Bài giảng Chúa nhật VII thường niên năm C
Thiên Chúa nhân từ. Con người cũng phải sống nhân từ đối với nhau để xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa. Người xưng mình là Kitô hữu mà không thực thi lòng nhân từ, thì đó sẽ là một thứ Kitô hữu giả mạo.
Từ ngày 8-12-2015 đến ngày 20-11-2016, Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được cử hành trong Giáo Hội Công giáo. Đây là thời điểm đầy ý nghĩa giúp cho các tín hữu tái khám phá lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với con người. Năm Thánh cũng là lời mời gọi con người hãy thực thi lòng thương xót đối với nhau, bởi lẽ lòng nhân từ hay đức bác ái là giáo huấn cốt lõi của Kitô giáo. Thiên Chúa nhân từ. Con người cũng phải sống nhân từ đối với nhau để xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa. Người xưng mình là Kitô hữu mà không thực thi lòng nhân từ, thì đó sẽ là một thứ Kitô hữu giả mạo.
“Anh em hãy có lòng nhân từ…”. Lời mời gọi ấy trải dài qua mọi thế hệ, đến với mọi tầng lớp trong xã hội và còn vang lên giữa chúng ta hôm nay. Đoạn Tin Mừng được đọc trong thánh lễ Chúa nhật này là một trong những áng văn chương tuyệt vời của Tân Ước, bởi nó diễn tả lòng nhân từ Kitô giáo một cách đặc biệt. Nội dung bài Tin Mừng có thể chia ra làm ba phần.
– Yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù. Đây là điểm đặc thù trong giáo huấn Kitô giáo. Trong Do Thái giáo, đức yêu thương chỉ được thực hiện giữa những người cùng chủng tộc. Trong quan niệm thông thường, người ta chỉ quý mến những người có liên hệ máu huyết, bạn bè, ân nghĩa. Đức Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù. Thực ra, đối với người nhân từ, thì chắng có ai là kẻ thù cả, bởi họ luôn tha thứ điều ác mà người khác đã làm cho mình.
– Làm phúc giúp đỡ. “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Ai trong chúng ta mà chẳng muốn người khác làm điều tốt cho mình. Vậy, Chúa dạy chúng ta hãy làm những điều tốt đẹp cho tha nhân. Chính khi chúng ta làm những điều thiện hảo cho người khác, là chúng ta nhận lãnh niềm vui cho mình. Đó là phần thưởng và là công phúc Chúa ban cho chúng ta. Sự giúp đỡ Chúa Giêsu đề nghị là sự giúp đỡ vô tư, không nhằm lợi lộc hay lời vinh danh theo kiểu người đời.
– Đừng xét đoán. Thông thường trong các cuộc gặp gỡ, chúng ta có thói quen nói về người vắng mặt với những xét đoán đôi khi vừa không chính xác vừa hàm chứa nhiều ác ý. Chúa Giêsu dạy chúng ta, Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền xét đoán. Bổn phận của chúng ta là hãy cố gắng sống trung thực, ngay lành và bác ái. Chúa là Đấng thấu hiểu và phán xét những hành vi cử chỉ của chúng ta, để rồi Ngài ban thưởng hay trừng phạt những hành vi ấy.
“Ai gieo gió, sẽ gặt bão”; “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, các bận Tiền nhân của chúng ta đã dạy như vậy. Chúa Giêsu cũng dùng lối nói bình dân của thời đại Người để nói với chúng ta: “Đong đấu nào, nhận đấu ấy”. Ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần kinh nghiệm điều này. Vì thế, người Việt chúng ta mới khẳng định: “Ông Trời có mắt!”, hoặc “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”.
Phụng vụ hôm nay giới thiệu với chúng ta một gương sáng của lòng nhân hậu. Đó là vua Đavít (Bài đọc I). Ông đang bị vua Sa-un truy bắt, vì vua cho rằng Đavít có ý định chiếm ngôi vua. Trong cuộc truy bắt này, có một thời điểm mà Đavít có thể giết vua dễ dàng, nhưng ông không làm thế, vì ông tôn trọng vua là người được xức dầu. Đavít đã thể hiện lòng nhân hậu của mình, khi ông tuyên bố: “Hôm nay, Đức Chúa đã nộp vua vào tay tôi, nhưng tôi không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong”.
Giữa một xã hội bon chen và đầy lường gạt toan tính, người tin Chúa được mời gọi sống nhân từ bao dung, coi mọi người là anh em huynh đệ và người thân kẻ nghĩa. Đây quả là một thách đố lớn lao, vì chấp nhận tha thứ đôi khi bị coi là “hèn”. Thánh Phaolô đã đặt song đối giữa ông Ađam và Chúa Giêsu. Ông Ađam thuộc về đất, Chúa Giêsu thuộc về trời (Bài đọc II). Trong chúng ta có hai con người, luôn cạnh tranh khốc liệt. Một bên muốn hướng về trọn lành, một phía muốn nghiêng về tội lỗi. Một bên mang sức mạnh của Thiên Chúa, bên kia mang sức mạnh của thế gian. Ân sủng của Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng, nếu chúng ta cậy dựa vào sức mạnh siêu nhiên.
Hãy yêu mến cả kẻ thù. Điều này cũng có nghĩa là đừng trở thành kẻ thù của ai. Tha thứ luôn đòi phải can đảm, vượt lên chính cái tôi của bản thân. Trong tiếng Pháp, tha thứ (Pardonner) có nghĩa là “Cho đi một quà tặng – Par-un-don”. Điều này cũng có chung một ý nghĩa trong tiếng Anh (forgive – For-a-gift). Quà tặng ở đây không phải là vật chất, nhưng là chính bản thân mình. Quả vậy, chấp nhận tha thứ là chấp nhận cho đi chính mình, chấp nhận mang lấy những lời thị phi và phê phán của người đời. Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận những lời thị phi và thậm chí cái chết trên thánh giá, nhưng rồi Người đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi và hạnh phúc đời đời cho những ai thành tâm thiện chí.
“Người đầu tiên biết nói lời xin lỗi là người dũng cảm nhất. Người đầu tiên biết cách tha thứ là người mạnh mẽ nhất. Và người đầu tiên biết cách quên đi quá khứ đau buồn là người hạnh phúc nhất” (Sưu tầm).
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org