“Tiền nhiều để làm gì?” – Bài giảng Chúa nhật XVIII Thường niên C
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, cùng với việc kiếm kế sinh nhai để bảo đảm cuộc sống cách lương thiện, chúng ta cũng phải lo lắng cho tâm hồn, để đến lúc Chúa đến gọi, chúng ta sẵn sàng và thanh thản về với Ngài.
Từ vài tháng nay, trong ngôn ngữ thường ngày hoặc các bài viết trên báo mạng, người ta trích dẫn một câu nói đã trở thành “nổi tiếng”: “Tiền nhiều để làm gì?”. Đây là phát ngôn của một vị đại gia có tiếng tăm trong thương trường, được người ta tôn làm “vua” và sở hữu một tài sản khổng lồ. Điều đáng nói là vị đại gia ấy, tuy nhiều tiền, mà hạnh phúc lại long đong. Thế nên, sau nhiều năm chung sống, đôi vợ chồng ấy có nhiều bất đồng và phải ra tòa ly dị. Báo chí tốn khá nhiều giấy mực về việc ly hôn của cặp vợ chồng này. Vụ án xem ra chưa có hồi kết thúc, vì còn nhiều bất đồng về việc chia tài sản.
Cùng với vụ ly hôn đình đám vừa nêu, xung quanh chúng ta có biết bao tranh chấp thường xuyên xảy ra và đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đó là những xung đột, kiện cáo nhau ra tòa. Nhiều vụ việc mà đương đơn và bị đơn là những người có mối liên hệ rất gần gũi thiêng liêng, thậm chí là cha mẹ với con cái. Những điều này cho thấy không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho con người hạnh phúc.
“Tiền nhiều để làm gì”, khi mái ấm không còn, tình yêu biến thành thù hận, vợ chồng thành kẻ thù? Đây là một trải nghiệm cay đắng. Bởi lẽ tiền bạc rất quý, nhưng không phải lúc nào nó cũng đem cho chúng ta hạnh phúc.
Dù không trực tiếp đặt câu hỏi chính xác như trên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng ngầm hỏi anh phú hộ: “Tiền để làm gì?” qua lời kết án: ““Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Anh phú hộ đáng trách không phải vì anh giàu, mà vì anh sống ích kỷ, khép kín và không quan tâm đến người khác. Anh nghĩ rằng tiền bạc sẽ đem lại cho anh tất cả, và nhất là cho anh được hạnh phúc. Nhưng thực tế không phải như vậy. Trong khi anh tự cho mình là giàu có và những người khác trầm trồ khen ngợi anh là khôn ngoan, thì Thiên Chúa lại bảo anh ta là “đồ ngốc”. Anh mải mê tính toán và quá tự tin vào kho tàng của mình, nhưng điều quan trọng là sự sống con người thì anh lại chẳng giữ được.
Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Thông điệp mà Chúa muốn gửi cho chúng ta qua hình ảnh người phú hộ quá rõ ràng: có nhiều người giàu có về của cải mà nghèo nàn về tình người. Họ cũng sẽ phải chịu số phận như anh phú hộ trên đây. Nếu chỉ lo tích cóp nhiều của cải, khi chết nào có mang được gì đâu.
Cuộc đời là phù du. Tác giả sách Giảng Viên có lối hành văn của một lãng tử. Ông coi mọi sự như rơm rác và cho rằng mọi sự dưới gầm trời này chỉ là “sắc sắc không không”. Tất cả chi là hư vô. Trăm năm trước chẳng có ta; trăm năm sau cũng thế. Cuộc đời sẽ rất nhàm chán và đơn điệu nếu như không có Chúa. Ngài là lý tưởng của đời sống chúng ta. Tin vào Ngài làm cho cuộc này đậm đà hương vị và ý nghĩa ngọt ngào. Tin vào Chúa giúp ta mở rộng tâm hồn để chia sẻ và cảm thông với tha nhân, và như thế cuộc đời bớt đi vẻ đơn điệu. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy một cuộc sống ích kỷ, khép kín dù có phú túc mà thiếu niềm vui, dù có dồi dào mà không hạnh phúc. Khi kết luận mọi sự để hư vô, tác giả sách Giảng Viên khuyên chúng ta hãy tìm đến những giá trị bền vững, kiếm tìm những của cải không ai lấy mất được.
Thực ra, ai trong chúng ta cũng cần tiền và ai trong chúng ta cũng phải có tiền mới sống được. Tiền bạc giúp chúng ta có cuộc sống ổn định và xứng với phẩm giá con người. Tuy vậy, những ai tham lam và kiếm tiền bằng những phương pháp trái với lương tâm và luật Chúa, sớm hay muộn cũng sẽ thất bại. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, cùng với việc kiếm kế sinh nhai để bảo đảm cuộc sống cách lương thiện, chúng ta cũng phải lo lắng cho tâm hồn, để đến lúc Chúa đến gọi, chúng ta sẵn sàng và thanh thản về với Ngài.
“Hãy hướng lòng trí về thượng giới!”. Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy (Bài đọc II). Bởi lẽ cuộc sống này chắng phải là quê hương vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã sống lại, như một bảo chứng của quyền năng Thiên Chúa. Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là mặc lấy Đức Kitô. Ngược lại với thường giới là hạ giới, tức là những nết xấu đang tồn tại trong con người chúng ta: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam dối trá. Khi loại bỏ được con người hạ giới, chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thản để theo Đức Kitô và thuộc trọn về Người.
“Tiền bạc chưa bao giờ và không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu” (Benjamin Franklin)
+TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org