Đau buồn như một bài tập thiêng liêng
Trong một quyển sách đáng chú ý, Tiếng nói bên trong của Tình yêu, The Inner Voice of Love viết trong lúc đang rơi vào trạng thái trầm cảm xúc cảm nặng, linh mục Henri Nouwen chia sẻ những lời sau: “Thử thách lớn nhất là sống với các tổn thương của mình thay vì xem xét chúng. Khóc thì tốt hơn là lo lắng, cảm nhận sâu sắc tổn thương của mình hơn là cố gắng hiểu chúng, tốt hơn để chúng đi vào im lặng của mình hơn là nói về chúng. Chọn lựa mà bạn phải liên tục đối diện là xem bạn đang xử lý các tổn thương này với cái đầu hay với quả tim. Trong đầu bạn, bạn phân tích chúng, bạn tìm nguyên do, hệ quả và bạn tìm chữ để nói và viết về chúng. Nhưng không có một chữa lành cuối cùng nào đến từ con đường này. Bạn phải đem các tổn thương của mình vào quả tim. Sau đó bạn đi theo chúng và khám phá chúng không hủy hoại bạn. Quả tim của bạn thì lớn hơn là tổn thương của bạn”.
Và cha Nouwen có lý; quả tim của chúng ta thì lớn hơn các tổn thương, dù chúng ta phải cẩn thận trong khi đối phó chúng. Các tổn thương có thể làm dịu quả tim chúng ta, nhưng nó cũng có thể làm quả tim chai cứng và đóng băng trong cay đắng. Vậy thì con đường nào ở đây? Cái gì làm quả tim ấm áp, cái gì làm quả tim lạnh lùng?
Trong một khảo luận đáng chú ý, Thảm kịch của em bé có năng khiếu đặc biệt, The Drama of the Gifted Child, bà Alice Miller, nhà tâm lý gia Thụy Sĩ giải thích cho chúng ta hiểu những gì làm chai cứng quả tim và những gì làm mềm quả tim. Bà mô tả một thảm kịch đặc biệt thường xảy ra trong nhiều cuộc đời. Theo bà, năng khiếu không phải là năng lực trí tuệ nhưng là năng lực của sự nhạy cảm. Đứa trẻ có năng khiếu là đứa trẻ nhạy cảm. Nhưng món quà nhạy cảm là một ân phúc có nhiều mặt. Mặt tích cực là nó làm cho chúng ta cảm nhận mọi thứ một cách sâu đậm để niềm vui trong cuộc sống có ý nghĩa hơn là người dửng dưng. Đó là mặt tốt của nó.
Tuy nhiên ngược lại, nếu nhạy cảm, chúng ta thường sợ làm người khác thất vọng, chúng ta thường sợ không được đánh giá đúng. Và việc chúng ta không đủ khả năng để tự đánh giá thường khơi dậy cảm nhận lo âu và mặc cảm trong người mình. Cũng vậy, nếu chúng ta cực kỳ nhạy cảm, chúng ta sẽ có khuynh hướng xóa mờ lỗi của mình, để người khác tự xoay xở, vì các nhu cầu riêng của mình không được thỏa mãn, rồi chúng ta tự lãnh các hệ quả. Cuối cùng, nếu chúng ta cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc, thì chúng ta cảm thấy mình bị tổn thương sâu đậm nhất. Nhược điểm của tính nhạy cảm và thảm kich mà bà Alice Miller gọi là “thảm kich của em bé có năng khiếu đặc biệt” là thảm kịch của người nhạy cảm.
Hơn nữa, theo quan điểm của bà, đối với nhiều người trong chúng ta, thảm kịch chỉ thật sự bắt đầu trong những năm ở tuổi trung niên và những năm sau đó, tạo nên thất vọng, bất mãn, giận dữ, cay đắng, khi các tổn thương thời thơ ấu và tuổi trưởng thành của chúng ta bắt đầu tan vỡ, đi qua và chế ngự các cơ chế bên trong mà chúng ta bắt đầu cự lại chúng. Ở giữa cuộc đời và già hơn, các tổn thương của chúng ta sẽ kêu mạnh hơn đến mức các cách thức phủ nhận và thích ứng theo thói quen chúng ta không còn hiệu quả nữa. Ở giữa cuộc đời, chúng ta nhận ra mẹ mình yêu chị mình hơn mình, cha mình không lo gì đến mình và tất cả công việc tổn thương bạn ngấm chịu vì bạn nuốt không trôi và bạn chơi trò khắc kỷ anh hùng còn cay đắng gặm nhắm bên trong bạn. Đó là cách tấn thảm kịch chấm dứt trong một quả tim giận dữ.
Vậy thì chúng ta ở đâu, Theo bà Alice Miller, câu trả lời nằm trong đau buồn. Các tổn thương của chúng ta là có thật và chúng ta không thể làm gì với chúng, chúng là thuần khiết và đơn giản. Đồng hồ không thể quay ngược lại. Chúng ta không thể sống lại cuộc sống của mình với các cha mẹ khác nhau, bạn bè tuổi thơ ấu khác nhau, kinh nghiệm khác nhau trên sân chơi, chọn lựa khác nhau và tính tình khác nhau. Chúng ta chỉ có thể dấn tới vượt quá các tổn thương của mình. Và chúng ta làm điều này bằng sự “để tang”. Bà Alice Miller xác nhận mọi nhiệm vụ tâm lý và thiêng liêng của tuổi ngoài bốn mươi và hơn nữa là “để tang” cho các tổn thương này, đau buồn cho đến tận nền tảng cuộc sống đủ để lay chuyển, đủ để có được một sự biến đổi.
Một vết sẹo tâm lý sâu đậm cũng như một phần cơ thể mình mang sẹo mãi mãi khi bị tai nạn. Bạn sẽ không bao giờ còn như cũ và sẽ không có gì làm thay đổi điều này. Nhưng bạn có thể có hạnh phúc lại; có lẽ còn hạnh phúc hơn bao giờ hết. Nhưng sự mất mát trọn vẹn này phải được đau buồn, nếu không nó sẽ thể hiện dưới hình thức giận dữ, cay đắng và hối tiếc ghen tuông.
Linh mục Dòng Tên Roc O’Connor, nhà soạn nhạc, nhà văn thiêng liêng chia sẻ cùng quan điểm này, cha nói thêm, tiến trình đau buồn đòi hỏi kiên nhẫn lâu dài, trong thời gian này chúng ta phải chờ lâu để sự chữa lành sẽ diễn tiến theo nguyên tắc riêng của nó, theo nhịp tự nhiên của nó. Ngài nói, phải ôm lấy tình trạng tổn thương nhân bản của chúng ta và không hành động. Ngài đề nghị, những gì hữu ích là khóc cho các hạn chế nhân bản của mình. Sau đó, chúng ta mới có thể chịu đựng đói khát, trống rỗng, thất vọng, sỉ nhục mà không cần tìm cách khắc phục nhanh chóng, ngay cả tìm giải pháp. Chúng ta không nên cố gắng lấp đầy sự trống rỗng của mình quá nhanh mà chưa chờ đợi đủ.
Và chúng ta sẽ không bao giờ giải hòa với các tổn thương của mình nếu chưa “để tang” cho đủ.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn