Tìm kiếm Chúa – Bài giảng Chúa nhật XXXI Thường niên C
Hành trình cuộc đời cũng là hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Nhờ nỗ lực tìm kiếm Chúa mà chúng ta có thể nên giống Ngài ngay khi còn sống ở thế gian này, là bảo đảm sẽ được nên giống Ngài hoàn toàn ở đời sau.
Lúc con người bước vào đời cũng là lúc khởi đầu hành trình kiếm tìm Thượng Đế. Hành trình tìm kiếm này khác nhau nơi mỗi người: có người thì thuận lợi, có người thật khó khăn; có người thật lâu dài, lại có người rất đơn giản ngắn gọn. Mục đích của việc kiếm tìm Thượng Đế là để gặp gỡ Ngài, được Ngài chia sẻ tính thần thiêng và vinh quang của Ngài. Có nhiều cách trình bày Thượng Đế khác nhau, tùy truyền thống văn hóa hay quan niệm tôn giáo tín ngưỡng. Người Kitô hữu được mặc khải cho biết Đấng Cao Cả có một tên gọi: Thiên Chúa. Hành trình cuộc đời cũng là hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Nhờ nỗ lực tìm kiếm Chúa mà chúng ta có thể nên giống Ngài ngay khi còn sống ở thế gian này, là bảo đảm sẽ được nên giống Ngài hoàn toàn ở đời sau.
Ông Giakêu là một người tìm kiếm Chúa. Dưới ngòi bút của thánh Luca, Giakêu là một người khá giả và là một thủ lãnh của những người thu thuế. Tuy vậy, sự giàu có và sung túc của ông không làm cho ông được thỏa mãn. Vì vậy, khi nghe nói có vị ngôn sứ tên là Giêsu đi ngang qua, ông đã vượt qua mặc cảm tự ti về vóc dáng, sẵn sàng trèo lên cây vả để nhìn rõ vị ngôn sứ sắp đi ngang qua. Vóc dáng ông tuy lùn, nhưng ý chí của ông lại cao. Dù là một thủ lãnh thu thuế, ông không ngại những lời chê bai đàm tiếu của công chúng. Cử chỉ trèo lên cây cho thấy nỗ lực tìm kiếm Chúa của ông.
Nếu con người mọi thời đang nỗ lực tìm kiếm Chúa, thì Chúa cũng chủ động kiếm tìm con người. Chúng ta thấy điều này nhiều nơi trong Tin Mừng thánh Luca. Những dụ ngôn “người chủ chiên đi tìm chiên lạc”, “người đàn bà tìm đồng bạc bị mất” đều diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Đang khi ông Giakêu còn loay hoay ngồi trên cây, thì Chúa Giêsu chủ động đề nghị: “Ông hãy xuống mau, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”. Một vinh dự không ngờ! Giakêu chỉ nghĩ leo lên cây để nhìn Chúa đi ngang qua, nhưng Chúa lại đích thân đến nhà ông. Không phải chỉ có chúng ta ngạc nhiên, mà những người Do Thái đương thời cũng ngạc nhiên không kém. Không những ngạc nhiên, họ còn ganh tỵ với ông Giakêu và xầm xì với nhau. Đó là tâm lý thường thấy nơi con người. Khi thấy người ta hơn mình điều nọ điều kia thì tìm cách bới móc những khuyết điểm của họ để hạ thấp giá trị của họ xuống. Không chỉ ganh tỵ với ông Giakêu, những người đương thời còn tỏ ra bất bình với Chúa Giêsu, vì “nhà người tội lỗi mà ông ta cũng đến trọ”.
Trong khi những người Do Thái xầm xì với nhau, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố ông Giakêu là người được ơn Cứu độ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm ông thay đổi cuộc đời. Từ một người thu thuế hay gian lận tham lam, ông trở thành người quảng đại, sửa lỗi bằng cách sẽ đền bù cho người bị thiệt và chia cơm sẻ áo cho người nghèo. "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham". Lời tuyên bố của Chúa Giêsu đã giúp ông vượt lên mọi thành kiến xã hội, lấy lại tự tin và niềm hy vọng. Việc Chúa đến thăm nhà giúp ông xua tan mọi mặc cảm về nghề nghiệp cũng như thân phận của mình. Những gì ông thưa với Chúa cho thấy một sự đổi đời tận gốc rễ. Ông Giakêu, một người thu thuế đã thực sự trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, một người con đích thực của Abraham, người công chính. Ông Giakêu đại diện cho vô vàn vô số những người nam nữ già trẻ trong mọi thời đại đang tìm kiếm Chúa. Họ tìm kiếm Chúa như hoa hướng dương tìm về mặt trời, như suối tìm về nguồn và như chim tìm về tổ. Con người không ngừng tìm kiếm Chúa mặc dầu họ chưa biết rõ về Ngài. Tin Mừng Thánh Luca là “Tin Mừng của lòng thương xót”, vì vậy tác giả thường trình bày Chúa Giêsu như một vị Ngôn sứ rao giảng và diễn tả lòng bao dung. Hãy nhớ lại điều người cha ngỏ với con mình trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31). Hoặc lời Chúa Giêsu trên thập giá: “Tôi bảo thật, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Thiên Chúa là Đấng hay thương xót. Đó là một điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn của Cựu ước. Đoạn sách trích từ sách Khôn ngoan hôm nay (Bài đọc I) là một ví dụ. Thiên Chúa thương xót hết mọi người. Ngài nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của họ để mong họ sám hối trở về và được cứu rỗi. Chúa luôn giang rộng vòng tay ôm lấy các tội nhân, nếu họ thành tâm trở về với Ngài. Như thế, người tín hữu cần vững lòng trông cậy vào lòng từ bi Chúa. Niềm trông cậy phải được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, qua cách ăn nết ở của chúng ta – Thánh Phaolô khuyên các tín hữu như vậy (Bài đọc II). Người trông cậy Chúa sẽ không hoang mang lo sợ trước những lời đồn đại và những tư tưởng lầm lạc, vì họ tin vào quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa.
Cuộc tìm kiếm Chúa mặc dù còn nhiều gian nan, nhưng chắc chắn những ai nỗ lực tìm Chúa sẽ được gặp Ngài. Chúa đang hiện diện trong cuộc đời và trong chính tâm hồn chúng ta. Việc gặp Chúa thực ra rất đơn giản: tin tưởng, yêu mến và cậy trông vào Ngài, tất yếu sẽ được gặp Ngài và được Ngài ban trọn niềm vui.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org