Vì sao cần loại bỏ một số ảo tưởng trong hôn nhân?
Đối với phần đông các bạn trẻ chưa lập gia đình hoặc mới kết hôn thì hôn nhân là một viễn ảnh phủ đầy màu hồng rất đáng yêu, đáng mơ ước. Cuộc hôn nhân của họ, nhờ gắn kết bởi tình yêu nồng thắm ban đầu giữa hai người, đã trở nên một “lâu đài tình ái” đáng mơ ước. Tuy nhiên, liệu lâu đài mơ ước ấy có bền vững lâu dài hay không thì lại là chuyện khác.
Những người từng trải kinh nghiệm trong đời sống hôn nhân gia đình đã không ngại khẳng định rằng: “Chỉ khi nào bạn đi được nửa đường hôn nhân, bạn mới nhận thấy thực ra hôn nhân (marriage) chỉ là ảo ảnh (mirage)”. Thật là bi quan! Hôn nhân là ảo ảnh vì nó không có thực chất. Đó chỉ là một thực tế ảo trong đó tình yêu và hạnh phúc là những khái niệm mơ hồ do người ta tự gán ghép. Có người đã ví von thế này, “Tình yêu trông xa lấp lánh như hạt kim cương, nhưng lại gần đó chỉ là hạt lệ”. Tình yêu đôi lứa xem ra chỉ đẹp trong mơ mà thôi…Thực vậy, “Người ta mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau” (Poppée).
Nhìn vào thực tế, ta thấy rằng hiện nay tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng gia tăng, kể cả những đôi bạn mới cưới nhau. Người ta đã dùng thuật ngữ “Ly hôn xanh” để chỉ các đôi vợ chồng ly hôn sau một thời gian ngắn chung sống, trong khoảng từ 1 đến 5 năm. Sự tan vỡ của các cặp này chứng tỏ rằng người ta đã vỡ mộng sau đám cưới. Vỡ mộng vì trước đó người ta nuôi dưỡng quá nhiều ảo tưởng về tình yêu, về hôn nhân, về người bạn đời, về đời sống chung vợ chồng, về trách nhiệm và bổn phận trong gia đình vv.
Những ai theo dõi chương trình “Vợ chồng son” chiếu trên HTV7 mỗi tối khuya Chúa nhật hàng tuần, sẽ nhận ra rằng tất cả các đôi vợ chồng (khách mời) đều có chung một tâm trạng như nhau, đó là ai cũng cảm thấy thất vọng về cuộc hôn nhân và về người bạn đời mình. Những ưu điểm thì ít mà những nhược điểm, tật xấu thì quá nhiều, đến nỗi có người khẳng định là ngồi cả giờ kể cũng không hết! Điều đó cho thấy một thực tế đáng buồn: “Có chồng như gông đeo cổ”, hoặc “Lấy vợ như mang nợ vào thân”. Lúc này cả hai đều cảm thấy thấm thía với câu nói sau: “Hôn nhân là mồ chôn tình ái” (Chamfort).
Thực ra, một cuộc hôn nhân thất bại không phải vì nó tạo ra đau khổ và cay đắng cho con người. Xét thực chất, hôn nhân là một điều thiện hảo, nó là món quà đặc biệt xuất phát từ Thượng Đế. Nhưng con người đã phạm những sai lầm cơ bản khi họ nuôi dưỡng nhiều ảo tưởng về một hôn nhân toàn hảo mô phỏng theo những ý nghĩ chủ quan của họ. Thực vậy, bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng có thể tan vỡ trong thất vọng một khi người ta ảo tưởng và kỳ vọng quá nhiều vào những điều không thực tế.
Vậy để cuộc hôn nhân được bền vững và hạnh phúc lâu dài, chúng ta phải sáng suốt và kiên tâm loại bỏ một số ảo tưởng sau đây.
1. ẢO TƯỞNG VỀ TÌNH YÊU
Rất nhiều bạn trẻ quan niệm tình yêu là sự chiếm đoạt. Hôn nhân là cơ hội để người ta chiếm hữu nhau trọn vẹn. Vợ chồng sở hữu nhau như người ta sở hữu một món đồ quý giá. Do đó, khi món đồ xuống cấp, hết hạn thì người ta vứt bỏ đi, không xài nữa. Tình yêu như vậy thì rất mong manh, vì đó chỉ là thú vui đam mê nhất thời. Bạo lực thường xảy ra trong gia đình cũng xuất phát từ suy nghĩ ấy.
Thực ra, tình yêu trong hôn nhân có một ý nghĩa sâu xa, đó là sự dâng hiến, trao ban, chia sẻ. Với tình yêu chân chính, đôi bạn sẽ tự do dâng hiến cho người yêu. Dâng hiến, nghĩa là cho đi những gì thuộc về mình, không phải chỉ là những thứ bình thường như của cải vật chất, của cải tinh thần, mà ngay cả sự sống và những gì liên quan tới nó cũng được trao ban. Trong hôn nhân, sự dâng hiến thật là cao cả, vĩ đại và không gì so sánh được.
Thêm vào đó, sự dâng hiến của vợ chồng Kitô hữu không chỉ hiểu đơn giản là sự trao thân gửi phận, hay là sự trao tặng thân xác cho nhau, nhưng trên hết phải dõi theo sự tự hiến của Đức Kitô cho Hội thánh là hiền thê của Ngài. Chính Đức Kitô đã nói: “Không có tình thương lớn hơn tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Thực vậy, “Dâng hiến sẽ không còn nặng tính toán ích kỉ. Dâng hiến không còn hệ lụy ở việc ‘trao thân cho nhau’ mới là dâng hiến đúng nghĩa. Dâng hiến phải bắt đầu từ trong tình yêu thực sự, đó là một tình yêu tất cả vì hạnh phúc của người mình yêu. Tình yêu đó khi hiến dâng là trao ban tất cả mà không cần nhận lại, là gìn giữ cho nhau và hướng đến một tương lai chung thủy hạnh phúc. Dâng hiến đúng nghĩa cũng mang trong nó đau thương của Thập Giá, đó là sự hi sinh những đòi hỏi của xác thịt nặng nề, sự kiềm chế những ước muốn dung tục và chiến đấu với những cạm bẫy quyến rũ của Satan…” [1]
2. ẢO TƯỞNG VỀ HÔN NHÂN
Nhiều bạn trẻ lấy nhau một cách vội vàng. Họ không dành thời gian để chuẩn bị cho tương lai, để tìm hiểu người bạn đời của mình. Họ nghĩ rằng cứ cưới nhau về rồi mọi sự sẽ ổn cả thôi. Chỉ cần một vài cái liếc mắt đưa tình, một vài cuộc hẹn hò là người ta yên tâm đem nhau ra phường (xã) đăng ký kết hôn. Đối với họ, hôn nhân đơn giản là một hợp đồng tình yêu. Vui thì ở với nhau, chán thì chia tay. Khi giàu có thì người ta tay trong tay, nhưng khi nghèo túng thì đường ai nấy đi.
Ngày nay người ta cũng cho rằng hôn nhân chẳng cần có lý tưởng hay mục đích gì ngoài việc phóng lao phải theo lao. Hôn nhân chẳng qua là sự may rủi. Như một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là con đường dắt ta vào địa ngục hay đưa ta vào thiên đàng” (Balzac).
Thực ra, những hiểu biết sai lầm về hôn nhân đã đẩy hai bạn rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Hôn nhân không tình yêu thì không hạnh phúc. Cưới nhau không hạnh phúc thì chẳng thà bỏ nhau còn hơn.
Vậy ta sẽ phải làm gì để hôn nhân không rơi vào tình cảnh thất bại và đau đớn?
Trước hết đôi bạn phải xác định một điều này là hôn nhân là một biến cố quan trọng nhất trong đời mình. Nó tùy thuộc vào sự chọn lựa tự do, nghiêm túc và trách nhiệm của họ. Đó không phải là một trò chơi hay hay một canh bạc nhưng là một công trình mà cả hai người phải chung tay kiến tạo suốt đời (André Maurois). Tục ngữ VN có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấy”. Hôn nhân là hôn ước trong đó hai người cùng thỏa thuận chia sẻ trách nhiệm với nhau, và đảm nhận bổn phận cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Có người đã nói, “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber).
Sự hợp tác song phương giữa đôi bạn trong cuộc sống lứa đôi là yếu tố cực kỳ quan trọng nhờ đó hạnh phúc gia đình được đảm bảo chắc chắn. Thêm vào đó, trong cuộc sống lứa đôi, hai bạn phải cùng chung chí hướng. Một văn hào Pháp đã nói, “Yêu nhau không là ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhau hướng về một lý tưởng” (Antoine de St Exupéry). Vợ chồng phải theo đuổi và cùng nhau xây dựng một mục tiêu chung cho cuộc sống hôn nhân và cho gia đình mình. Hạnh phúc sẽ không đến từ sự mơ mộng rủi may nhưng là đến từ sự thuận hòa đầy yêu thương giữa hai vợ chồng.
3. ẢO TƯỞNG VỀ VIỆC CHỌN BẠN TRĂM NĂM
Có thể nói, trong việc chọn bạn trăm năm, người ta rất dễ mắc sai lầm, ảo tưởng nhất. Nhiều bạn khi kết hôn đã bỏ qua cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn bạn đời của mình. Họ nghĩ đơn giản rằng người mình yêu hay người yêu mình chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho họ. Mặc dù họ biết rằng con người không ai là hoàn hảo, và việc chọn lựa của họ là do tình yêu mách bảo. Tuy nhiên có nhiều khi chúng ta chọn lựa theo chủ quan hoặc do cảm tính mà chúng ta không hay biết.
Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sống với nhau chỉ vài ba năm là quyết định ly hôn. Tại sao vậy? Bởi có những bạn trẻ khi yêu nhau họ không thoát khỏi những ảo tưởng và sai lầm về hôn nhân, về người bạn đời mà họ sắp kết hôn. Có người chỉ vì ham mê chút ngoại hình mà chấp nhận ăn đời ở kiếp với người mà họ nghĩ rằng sẽ là bạn đời đích thực của mình. Như có câu: “Đừng tham da trắng tóc dài, / Đến khi nhỡ bữa chẳng mài mà ăn” hay “Biết bao đàn ông chỉ yêu một má lúm đồng tiền mà dại dột cưới nguyên cả một cô gái” (S. Leacock).
Tình yêu chính đáng phải xuất phát từ con tim và trở về con tim. Và tình yêu đẹp nhất, bền vững nhất là tình yêu của những trái tim tự do. Hãy sáng suốt chọn lựa một nửa của mình bằng một tình yêu trong sáng, tự do, chân thực.
Lý tưởng nhất vẫn là chúng ta lựa chọn một nửa kia sao cho phù hợp với mình. Phù hợp không có nghĩa là đồng nhất với mình trong mọi sự nhưng là người có thể thấu hiểu mình, có thể chia sẻ tâm sự với mình, có thể đồng cảm với mình trước những biến cố hay sự thay đổi nào đó trong cuộc sống, có thể yêu thương mình mà không đòi hỏi một điều kiện gì.
4. ẢO TƯỞNG VỀ ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG
Nhiều bạn trẻ thường nuôi ảo tưởng rằng cứ yêu nhau, lấy nhau, rồi sống với nhau, tự khắc mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Một mái tranh với hai quả tim vàng là viễn ảnh đem lại cho họ hạnh phúc lâu dài.
Nhưng khi đụng chạm với thực tế trong đời sống vợ chồng, người ta sẽ vỡ mộng. Có người đã than thở thế này, “Hôn nhân là lấy nhau, sống với nhau và sau đó là cãi nhau”. Người khác thì nhận định: “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull). Cuộc sống chung vợ chồng không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái cả đâu. Những khó khăn, thử thách, xung đột sẽ ùa đến. Nào là sự nhàm chán thường ngày, nào là những bất đồng lớn nhỏ, nào là những trục trặc trong đời sống tình dục, nào là tính cố chấp, nào là sự thiếu tin tưởng và tôn trọng nhau vv.
Mặt khác, ai cũng biết rằng trong một cuộc hôn nhân bình thường thì quyền lợi của hai vợ chồng phải chịu thiệt đi mỗi người một nửa, trong khi nghĩa vụ của họ cần phải nhân đôi lên. Vì khi lập gia đình, đôi bạn nam nữ không còn sống cho mình và chết cho mình nữa, trái lại họ phải sẵn sàng chu toàn nhiều bổn phận nặng nề trong gia đình, phải hy sinh vì người khác, cho người khác. Vậy mà trong nhiều trường hợp, họ sống vô trách nhiệm. Người chồng quên rằng mình là gia trưởng. Người vợ quên rằng mình là nội tướng. Họ dành thời gian, công sức, tiền bạc cho những mục đích riêng tư cá nhân hơn là cho gia đình.
Một khi hai người không còn quan tâm đến gia đình, đến bổn phận vợ chồng nữa thì hậu quả sẽ là nghèo túng, thiếu thốn, mâu thuẫn, bất đồng và ly tán. Lúc đó cả hai đều vỡ mộng.
Vậy để cuộc sống vợ chồng của chúng ta thực sự êm ấm, hạnh phúc thì ta nên nhớ điều này là hôn nhân là bổn phận, là trách nhiệm, là hy sinh, là gian khổ. Như có người đã từng nói: “Hôn nhân không phải là luống hồng mà là bãi chiến trường”. Những người sống quá ảo tưởng mà không biết thích ứng với thực tế đời sống chung vợ chồng chắc chắn sẽ là người thất bại trong hôn nhân.
5. ẢO TƯỞNG VỀ TÌNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG
Rất nhiều bạn cho rằng trong hôn nhân tình yêu và tình dục là một. Lý do hai bạn nam nữ đến với nhau, lúc đầu là do họ có tình cảm với nhau. Dần sau đó là yêu thích, quyến luyến, nhớ nhung nhau. Sau nữa là xu hướng đam mê, kích thích tình dục do bản năng khác biệt giới tính thúc đẩy, lôi kéo người nam đến với người nữ. Lúc này người ta thiên về tình yêu nhục dục.
Tuy nhiên cần phân biệt tình yêu khác với tình dục. Trong hôn nhân, tuy tình dục giữ một vai trò cực kỳ quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tình dục khẳng định tình yêu và tăng cường gia vị cho tình yêu nhưng nếu không yêu nhau chân thực thì đó chỉ là cách trả món nợ đồng sàng mà thôi. Hạnh phúc đích thực sẽ đến từ trái tim và khối óc hơn là từ những cảm xúc nhất thời. Sự hòa hợp về thể xác luôn đòi hỏi cả sự hòa hợp về tâm hồn, như thế mới làm nên bản nhạc cuộc đời được. Sinh hoạt tình dục trong đời sống vợ chồng đến một lúc nào đó sẽ già nua và xuống cấp theo thời gian, nhưng tình yêu thì mãi xanh tươi. Cuộc sống hạnh phúc của các đôi vợ chồng già sẽ không còn tùy thuộc vào những sinh hoạt tình dục như hồi trai trẻ nhưng thông qua một thứ ngôn ngữ kỳ diệu của trái tim, đó là tình yêu.
Liên quan tới vấn đề tình yêu-tình dục trong hôn nhân, chúng ta cũng nên nói đến xu hướng sống thử của một số bạn trẻ ngày nay. Họ cho rằng sống thử mới biết có hợp với nhau không. Thực tế, các cặp vợ chồng chấp nhận sống thử rồi mới kết hôn thường có tỷ lệ xảy ra mâu thuẫn cao hơn so với những cặp vợ chồng khác. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng, việc sống thử trước khi kết hôn sẽ khiến cho cả hai bên đều cảm thấy việc tổ chức hôn lễ là điều không cần thiết. Trong suy nghĩ của họ, hôn nhân chỉ còn là thủ tục, vì thế, người phụ nữ cảm thấy bị coi thường, bị xuống giá thảm hại sau khi kết hôn.
Một cuộc hôn nhân quá coi trọng chuyện tình dục sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng ngoại tình hay nói môm na là “Ông ăn chả, bà ăn nem”. Khi chuyện tình dục giữa hai người có “vấn đề”, nghĩa là xảy ra khủng hoảng tình dục vợ chồng, chẳng hạn sự mất hòa điệu tình dục, sự nhàm chán chuyện chăn gối, sự lạnh nhạt do nhiều nguyên nhân, khiến cho hai vợ chồng xa cách, chán nản và có thể nghi ngờ lòng chung thủy của nhau, lúc đó sẽ dễ dàng xảy ra chuyện ngoại tình. Bên cạnh đó sẽ xảy ra những xung đột, cãi vã, bất hòa giữa hai vợ chồng và nếu những mối bất hòa này không được giải quyết kịp thời thỏa đáng thì sẽ dẫn đến đổ vỡ, ly hôn.
6. ẢO TƯỞNG VỀ SỰ HÒA HỢP VỢ CHỒNG
Khi mới kết hôn, đôi bạn thường cho rằng họ yêu nhau nên hiểu nhau, họ hiểu nhau nên cuộc sống vợ chồng sẽ thật êm ả, dễ chịu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, họ bắt đầu vỡ mộng. Bởi vì cuộc sống chung quả là khó khăn, phức tạp. Một trong những điều khiến họ dễ rơi vào khủng hoảng nhất, đó là sự khác biệt quá lớn giữa hai vợ chồng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự mất hòa hợp vợ chồng.
Trước hết, muốn sống hòa thuận với nhau, đôi bạn phải xác định một điều căn bản này, đó là nam nữ khác biệt nhau hoàn toàn. Nam là nam, nữ là nữ. Đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà. Chồng là chồng, vợ là vợ. Nhưng khác biệt mà vẫn hấp dẫn nhau và vẫn cần có nhau. “Tôi với mình tuy hai mà một… Mình với tôi tuy một mà hai ”. Khi kết hợp với nhau thành vợ chồng, đôi bạn sẽ có điều kiện bổ túc, chia sẻ, hỗ trợ nhau về mọi mặt. Kẻ mạnh nâng đỡ người yếu. Người giỏi giang khuyến khích kẻ kém cỏi. Kẻ lanh lợi hỗ trợ người chậm chạp vv… Luật bù trừ trong hôn nhân là như vậy. Chẳng hạn, nếu chàng là người nói ít và trầm tĩnh thì hãy chấp nhận nàng nói nhiều và hay than vãn. Nếu chàng là người có đầu óc thực tế, quyết định nhanh chóng, dứt khoát thì cũng thông cảm bạn đời mình hay mơ mộng, ướt át tình cảm. Nếu chàng thích ra tay nghĩa hiệp bảo vệ người khác thì cũng nên chấp nhận nàng yếu đuối, thích được bảo vệ, thích nhờ vả giúp đỡ v.v.
Một khi chúng ta đã nhận ra sự khác biệt tất yếu giữa nam nữ, thì chúng ta phải biết tôn trọng người bạn đời của mình với tất cả thực tế cá nhân của họ. Mặc dù giữa nam và nữ luôn tồn tại muôn vàn khác biệt, nhưng họ chấp nhận hôn ước để kết hợp thành đôi-vợ-chồng, để sống với nhau suốt đời. Tình yêu chân thực là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho đôi bạn chấp nhận nhau, nương tựa nhau, khích lệ nhau. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là cuộc hôn nhân trong đó hai người nam nữ, thay vì loại trừ nhau do khác biệt giới tính, thì lại bổ sung cho nhau. Họ chấp nhận “tương khắc” chứ không “xung khắc”. Ca dao VN có câu: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Nhận ra sự khác biệt của nhau để đôi bạn thoát ra khỏi ảo tưởng rằng sự hòa hợp vợ chồng là điều gì đó tự nhiên mà có, đồng thời biết sẵn sàng đón nhận nhau dễ dàng hơn. Khi cộng tác với nhau lo cho gia đình, các bạn phải hiểu nhau, cảm thông và nhất là giúp nhau phát huy điểm mạnh, đồng thời sửa chữa khiếm khuyết và bỏ qua những sai sót của nhau. Có một nguyên tắc thế này: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson). Nguyên tắc này chắc chắn sẽ giúp hai bạn tránh được rất nhiều nguy cơ đổ vỡ do những bất đồng thường nhật xảy ra ./.
Aug. Trần Cao Khải
Nguồn: giaophanlangson.org
[1] Peter Thái Hùng, “Hiến dâng đúng nghĩa Ki-tô giáo”,