Dòng nước tái sinh – Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa
Nhờ dòng nước tái sinh, Thiên Chúa muốn giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi quyền lực của sự dữ, để chúng ta sống lại với Đức Kitô và như thế, chúng ta là con Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu đã khai mở sứ vụ thiên sai với việc lãnh nhận phép rửa từ ông Gioan, thì nhờ Bí tích Thanh tẩy, người Kitô hữu cũng khởi đầu một hành trình mới.
Khởi đầu mùa Thường niên, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta vị Ngôn sứ thành Nagiarét, tức là Đức Giêsu. Với việc lãnh nhận phép rửa từ tay ông Gioan, Đức Giêsu đã khai mở sứ vụ thiên sai của Người. Thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu, được giới thiệu long trọng, không chỉ do lời chứng của Gioan Tẩy giả, mà do chính Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, thể hiện qua lời nói của Chúa Cha từ trời cao: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”, và hình chim bồ câu là tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.
Nghi thức thanh tẩy bằng nước thường thấy ở nhiều dân tộc và tôn giáo. Bởi nước là sự sống và nước cũng có chức năng tẩy rửa. Ông Gioan Tẩy giả là thành viên của phong trào những người theo chủ chương “thanh tẩy”. Nghi thức của ông mang tính sám hối. Lời giảng của ông đã nói lên mục đích ấy. Ông đã làm phép rửa ở sông Giordan, là dòng sông hiếm hoi ở Do Thái, một đất nước đa số là sa mạc. Những người tuốn đến với ông đủ mọi thành phần: quân nhân, nông dân, thương gia, quan chức. Họ thành tâm sám hối, nhận mình là những tội nhân để xin ơn tha tội đến từ Thiên Chúa.
Tại sao Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng vô tội, lại lãnh nhận phép Rửa của ông Gioan? Chúng ta thường đặt ra câu hỏi ấy. Việc Chúa lãnh nhận phép Rửa không phải vì Chúa mang tội, nhưng thể hiện sự khiêm tốn hạ mình, như Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Đức Giêsu hoà mình vào dòng người đang bị lên án gay gắt là những tội nhân và cúi mình xin được nhận lãnh phép rửa. Chính ông Gioan cũng ngạc nhiên và do dự khi thấy Người đến với ông. Trước sự chần chừ của ông Gioan, Chúa Giêsu nói: “Chúng ta làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Khi bước xuống dòng sông Giordan, Chúa Giêsu muốn chứng minh: Người muốn liên đới với con người tội lỗi. Sau này, Chúa khẳng định: “Tôi không đến vì người mạnh khoẻ, nhưng vì những người đau yếu”. Qua việc lãnh nhận phép rửa, Chúa cũng cho thấy ước vọng của Người là cứu chữa hết mọi người, kể cả những tội nhân, và khẳng định với họ: mọi người đều có quyền hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài là Cha yêu thương.
Theo Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, qua việc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa ở sông Giordan, Người đã thiết lập Bí tích Rửa tội, hay còn gọi là Bí tích Thanh tẩy. Nghi thức tẩy rửa của ông Gioan và Bí tích Thanh tẩy của người Kitô hữu hoàn toàn khác nhau. Trong khi nghi thức tẩy rửa chỉ là hành vi sám hối, thì Bí tích Thanh tẩy lại tha thứ các tội, đồng thời làm cho người thụ tẩy trở thành tạo vật mới và là nghĩa tử của Thiên Chúa. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, người thụ tẩy cũng được gia nhập Giáo Hội là cộng đoàn tín hữu đang hiện diện khắp nơi trên trái đất này.
Thông thường, khi chúng ta hỏi một người tín hữu về ngày họ được rửa tội, hầu hết đều nói rằng họ không biết. Trong khi đó, ngày chúng ta được rửa tội mang một ý nghĩa rất quan trọng, bởi đó là ngày chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Nhờ dòng nước tái sinh, Thiên Chúa muốn giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi quyền lực của sự dữ, để chúng ta sống lại với Đức Kitô và như thế, chúng ta là con Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu đã khai mở sứ vụ thiên sai với việc lãnh nhận phép rửa từ ông Gioan, thì nhờ Bí tích Thanh tẩy, người Kitô hữu cũng khởi đầu một hành trình mới. Đây là hành trình của sứ mạng theo Chúa Giêsu, sống theo giáo huấn và lời răn dạy của Người. Vì mang danh Kitô hữu, người đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy cũng có sứ mạng giống như sứ mạng của Đức Kitô: đó là trở nên ánh sáng trần gian, soi chiếu vào những góc khuất của cuộc đời và làm cho cuộc sống này thấm nhuần chân lý Phúc âm.
“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Hôm nay, Chúa Cha đang nói với mỗi người chúng ta như vậy, bởi nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta được trở nên những người con yêu dấu của Ngài. Nhờ tình yêu của Chúa cư ngụ trong chúng ta, chúng ta có thể trở nên chứng nhân của Chúa và chứng nhân về niềm hy vọng nơi cuộc sống vĩnh cửu.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org