Hãy trỗi dậy! – Chúa Nhật Phục Sinh
Thánh sử Luca kể lại: sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, những người phụ nữ đạo đức ra nơi phần mộ đã an táng Chúa Giêsu. Họ muốn thực hiện những nghi thức tẩm liệm theo phong tục của người Do Thái, vì buổi chiều thứ Sáu, việc tháo đanh và táng xác được thực hiện quá vội vàng, nên họ chưa làm được. Khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, họ đã bước vào và không thấy xác Chúa Giêsu, nhưng lại thấy hai người đàn ông mặc y phục sáng chói. Hai người này nói: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi…” (x. Luc 24,1-7).
“Trỗi dậy!” là động từ được dùng để diễn tả việc Chúa Giêsu phục sinh. Động từ này vừa có nghĩa “thức dậy”, vừa có nghĩa “vùng lên”. Một người đang nằm, trỗi dậy, tức là người đó tự mình ngồi dậy hay đứng lên mà không cần nhờ đến sự can thiệp hay giúp đỡ của người khác. Chúa Giêsu phục sinh là tự Người trỗi dậy từ trạng thái của một người đã chết. Chúng ta cũng có thể nói như thánh Phêrô trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần: Thiên Chúa đã làm cho Người ((Đức Giêsu) sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi (x. Cv 2,24). Chúa Giêsu vừa “được” Thiên Chúa làm cho sống lại, vừa tự “trỗi dậy” từ nấm mồ tối tăm để phục sinh vinh quang, vì Người là chủ của sự sống. Chính Người đã tuyên bố: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10,18).
Chúa Giêsu trỗi dậy từ nấm mồ. Đây là khởi điểm của một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ. Có tác giả so sánh Chúa Giêsu an nghỉ trong mộ, giống như Ađam ngủ say ở khởi đầu lịch sử. Trong lúc Ađam ngủ, Thiên Chúa đã rút chiếc xương sườn của ông để làm nên người phụ nữ. Chính trong giấc ngủ của Chúa Giêsu mà Giáo Hội của Người được sinh ra và khởi đầu. Khi Ađam tỉnh giấc, ông nhìn thấy bà Evà và tuyên bố: đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Điều đó nói lên sự bình đẳng, ngang hàng và gắn bó. Khi Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, Người kéo cả nhân loại, từ Ađam, từ âm ty (còn gọi là ngục tổ tông hay nơi ở của những người đã chết, theo quan niệm của người Do Thái) cùng trỗi dậy với Người. Vết thương tự cạnh sườn Chúa đã chữa lành vết thương ở cạnh sườn của Ađam. Cái chết của Chúa trên thập giá đã tiêu diệt sự chết nơi toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu là Ađam mới. Nếu Ađam thứ nhất là nguyên nhân của sự chết, thì Ađam mới, hay Ađam sau cùng như lối nói của một số nhà thần học, lại là nguồn mạch của sự sống.
Khi trỗi dậy khỏi nấm mồ tăm tối, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng cho nhân loại. Quả vậy, qua sự phục sinh sáng láng của Người, chúng ta nhìn thấy tương lai của chính mình. Tương lai đó là sự phục sinh thân xác vào ngày tận cùng của thời gian. Tương lai đó cũng là sự sống vĩnh cửu Chúa dành cho những ai tin cậy, phó thác và yêu mến Người. Cuộc phục sinh của Chúa cũng nói với chúng ta về phẩm giá của con người. Bởi lẽ con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Cuộc sống này không thể chỉ kết thúc ở nấm mộ. Một số người Do Thái đã giết hại Chúa vì họ cho rằng Chúa là một người phản loạn. Giết được Chúa Giêsu, các kỳ lão và biệt phái vui mừng vì diệt được một đối thủ. Tuy vậy, Chúa Giêsu không ngủ yên trong nấm mộ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những bất công và mưu mô, dù mạnh mẽ đến mấy, cũng không thể trường tồn trên thế gian. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Chân lý đã chiến thắng dối gian. Chúa Giêsu phục sinh khẳng định với thế giới rằng, những mưu mô nhằm vu oan và làm hại người khác xem ra có đem lại thành công trước mắt, nhưng không đứng vững lâu dài. Những gì dối trá tất yếu sẽ bị vạch mặt và mưu mô gian ác phải cáo chung.
Người Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến ý nghĩa đời sống của người tín hữu, đó là chết với Chúa Giêsu để được sống lại với Người. Trong các tác phẩm của mình, Thánh Phaolô không nhắc lại một phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông luôn nhấn mạnh tới biến cố Phục sinh. Dưới cái nhìn của một người được đào tạo bài bản trong truyền thống biệt phái, ông nhận ra hình ảnh của chiên vượt qua, xuyên qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua mới. Từ nay, chiên vượt qua mà người Do Thái giết trong Đền thờ chiều ngày thứ Sáu, trước ngày Sa-bát, không còn ý nghĩa gì nữa, hoặc nếu còn thì chỉ là biểu tượng ôn lại quá khứ. Chính Chúa Giêsu là Chiên Vượt qua đích thực đã chịu sát tế. Máu người đổ ra, không chỉ giúp cho người Do Thái thoát chết khi Sứ thần đi ngang qua trong đêm Thiên Chúa giải phóng người Do Thái khỏi Ai Cập, nhưng máu Chiên Vượt Qua mới sẽ thanh tẩy toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ hay bất cứ dị biệt nào.
“Hãy trỗi dậy những ai ngủ mê!”. Người Kitô hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn từ đầu Mùa Chay để cử hành lễ Phục sinh. Như thế, Phục sinh không phải một ngày hội, cũng không phải một nghi thức tưởng niệm một biến cố đã lùi vào dĩ vãng xa xưa. Phục sinh là một tiến trình cải hóa bản thân, canh tân cuộc đời. Kết thúc chuỗi dài của những ngày sám hối, khổ chế, canh tân là được sống lại với Đức Giêsu trong một cuộc sống mới, chan hòa yêu thương thay chỗ cho giận ghét hận thù, đầy ắp hy vọng thay vì ảm đạm chán chường, gắn kết liên đới thay vì ích kỷ tầm thường. Người tín hữu, khi mừng lễ Phục sinh cũng được mời gọi trỗi dậy với Chúa Giêsu. Như trên đã nói, Chúa Giêsu vừa được Thiên Chúa cho sống lại, vừa tự Người trỗi dậy từ nấm mồ. Trong tiến trình nên hoàn thiện, người tín hữu luôn cậy trông vào sự nâng đỡ của Chúa, nhưng đồng thời họ cũng cộng tác phần mình bằng thiện chí cố gắng nỗ lực. Bởi lẽ, “khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Người không cần đến chúng ta. Nhưng khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc chúng ta, Người lại cần đến sự cộng tác của chúng ta” (Thánh Augustinô). Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa bất lực, nhưng muốn nói lên sự tự do cộng tác của con người trong tiến trình hoàn thiện. Tình yêu không phải là điều bắt buộc, cưỡng ép, nhưng là tự nguyện chấp nhận với trái tim rộng mở chân thành. Tình yêu chỉ đạt tới viên mãn, khi có thiện chí từ hai phía, nếu không, mãi mãi chỉ là tình yêu đơn phương.
Năm nay, chúng ta mừng lễ Phục sinh trong một bối cảnh rất đặc biệt chưa có tiền lệ, do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Tính đến hôm nay (11-4-2020), trên thế giới đã có khoảng 1,6 triệu người dương tính với virus Corona. Số người chết đã lên tới trên 100 ngàn người. Trên toàn thế giới, lễ nghi Tuần thánh và Phục sinh được cử hành cách đơn giản. Các tín hữu dự lễ qua trực tuyến. Tuy vậy, nếu không có những cuộc rước ồn ào, thì mỗi chúng ta lại có thể lắng đọng tâm hồn trong tĩnh lặng để suy tư và lắng nghe tiếng Chúa rõ hơn. Là những người tin vào quyền năng Thiên Chúa, chúng ta phó thác nhân loại trong cánh tay yêu thương của Ngài. Như Đức Giêsu đã trỗi dậy từ ngôi mồ tăm tối, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sớm đẩy lùi dịch bệnh. Sớm muộn thì dịch bệnh cũng qua đi, điều còn lại sẽ là rất nhiều thay đổi trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Có những thay đổi tích cực, nhưng cũng có những thay đổi tiêu cực. Dịch bệnh toàn cầu COVID-19 làm cho chúng ta nhận ra cuộc sống này rất mong manh nhưng thật là quý giá. Trong những ngày này, các thành viên trong gia đình liên kết gắn bó với nhau hơn. Người ta sống có trách nhiệm hơn đối với môi trường và công ích. Giữa những khó khăn đại nạn, có nhiều nghĩa cử nhân ái, đậm tính nhân văn để giúp đỡ nhau, nhất là nâng đỡ những người sa vào cảnh khó khăn vật chất trong lúc dịch bệnh. “Trỗi dậy” trong ngày lễ Phục sinh, chính là thay đổi quan niệm khô khan và buồn tẻ về cuộc sống, để cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống, ban cho ta gia đình và những người bạn bè để chia sẻ yêu thương. “Trỗi dậy” cũng chính là những nỗ lực cố gắng để cùng với mọi người xây dựng một xã hội nhân ái, chứa chan tình Chúa và thấm đậm tình người.
Lễ Phục Sinh năm 2020
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org