Cùng đích cuộc đời – Bài giảng Chúa nhật 28 Thường niên năm A

08-10-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Cùng đích cuộc đời – Bài giảng Chúa nhật 28 Thường niên năm A by

Tiệc cưới chính là hình ảnh để diễn tả cùng đích cuộc đời. Ông chủ là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta và mong muốn cho chúng ta được hạnh phúc.

Cuộc đời con người rồi sẽ kết thúc ra sao? Đâu là tương lai hậu vận của con người? Những người làm việc lành và những kẻ ác nhân liệu sẽ có một kết thúc khác nhau? Đó là những vấn nạn được đặt ra ở mọi thời đại, mọi nền văn hoá và mọi giai tầng xã hội. Để trả lời, Kinh Thánh khẳng định với chúng ta: tương lai con người sẽ giống như một tiệc cưới. Ai cũng được mời, nhưng không phải ai cũng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong ngày vui đó.

Hình ảnh tiệc cưới được sử dụng nhiều lần trong giáo huấn của Đức Giêsu. Tiệc cưới diễn tả niềm vui của người tin Chúa ngay khi họ còn sống ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu mà sau này họ sẽ đạt được. Trong Cựu Ước, hình ảnh tiệc cưới hoặc bữa tiệc vui cũng diễn tả mối tương quan thân thiết giữa Thiên Chúa với con người, làm cho con người được hạnh phúc trọn vẹn và lâu dài. Đích điểm tối hậu của đời sống con người là được sống với Chúa. Khi ấy, niềm vui sẽ tràn đầy, như trong một bữa tiệc thịnh soạn, đầy đủ rượu ngon, thịt béo, không còn khóc lóc và tang chế nữa. Đó cũng là hình ảnh diễn tả sự can thiệp của Thiên Chúa để giải phóng dân tộc Do Thái khỏi cảnh lưu đày (Bài đọc I). Khung cảnh bữa tiệc thịnh soạn và chan chứa niềm vui còn được nhắc tới trong Thánh vịnh 22 được hát lên trong Phụng vụ hôm nay (Đáp ca).

Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh bữa tiệc cưới để nói về Nước Trời với công thức quen thuộc: Nước Trời giống như… Ai ai cũng được mời dự bữa tiệc trọng đại này, dù họ thuộc về nền văn hóa hay ý thức hệ nào. Hình ảnh bữa tiệc cưới mà Chúa Giêsu nói đến là bữa tiệc cưới của một vị vua, tổ chức cưới cho hoàng tử là người sẽ kế vị mình. Vì là tiệc cưới của con vua, nên mọi sự chuẩn bị rất cẩn trọng và chu đáo. Những thực khách đã được ông chủ trân trọng mời trước, nay đến ngày tổ chức tiệc, họ được mời lại lần nữa. Một điều thật trớ trêu, đó là sự chu đáo và trân trọng của chủ được đáp lại bằng thái độ coi thường, thậm chí bằng bạo lực. Nhiều thực khách viện đủ cớ để vắng mặt trong bữa tiệc, có những lý do lãng xẹt, chứng tỏ sự coi thường trước thịnh tình của chủ tiệc. Sự vô ơn của họ còn được thể hiện qua hành động côn đồ và dã man, đến mức bắt các đầy tớ của vua để hành hạ và giết chết. Điều này đã khiến nhà vua nổi cơn thịnh nộ. Những kẻ ngang ngược đã bị tru diệt. “Rượu mời không muốn, lại muốn rượu phạt”, khiến ông chủ nổi giận. Tấm thịnh tình của ông biến thành cơn giận. Đám cưới đã được chuẩn bị chu đáo từ lâu, biến thành đẫm máu do sự gian trá và độc ác của một số thực khách vô luân.

Đọc lịch sử Cứu độ, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa dùng nhiều cách thế để kêu gọi con người sống thánh thiện. Lời mời gọi của Chúa được nhiều người đón nhận, nhưng cũng có nhiều người khước từ. Họ yêu vật chất và vinh hoa trần thế hơn là đời sống thánh thiện mà Thiên Chúa đề nghị. Họ ngại phải từ bỏ. Họ sợ phải hy sinh. Họ không muốn bước ra khỏi vỏ bọc của sự ích kỷ và tham lam của mình. Họ giống như những thực khách được mời, kiếm cớ để từ chối lời mời rất trân trọng của ông chủ tiệc. Việc đi tham dự tiệc cưới là một vinh dự, mà bị họ coi như gánh nặng và nô dịch. Việc sống đạo đức là một niềm vui, mà bị họ coi như những hủ tục nhàm chán lỗi thời. Trải qua mọi thời đại, vẫn còn đó những người khước từ lời mời gọi nên thánh để được hưởng Nước Trời.

Nơi người Do Thái vào thời Chúa Giêsu, vẫn tồn tại một não trạng “tự tôn”, cho rằng Thiên Chúa là của riêng họ và chỉ có họ mới được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Qua dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giêsu muốn khẳng định: Người Do Thái hay dân ngoại, bất kỳ ai tin vào Chúa và thực thi Lời Ngài thì sẽ được vào dự “tiệc cưới”, tức là được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Như thế, là người Do Thái không có nghĩa đương nhiên được một “tấm vé” để vào Nước Trời, nhưng hạnh phúc Nước Trời là kết quả của một cuộc đời cố gắng không ngừng để diệt trừ tội lỗi, gia tăng nhân đức.

Giáo huấn của Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời được gửi đến cho toàn thể nhân loại. Chính Người là Tin Mừng cho muôn dân. Tất cả mọi người đang sống dưới gầm trời này, dù muốn dù không, họ cũng thuộc về Thiên Chúa. Ai ai cũng được mời gọi gia nhập Dân Chúa là Giáo Hội, để đón nhận giáo huấn của Chúa và làm cho sinh hoa kết trái trong cuộc đời, tức là được dự tiệc cưới Thiên Chúa sẽ tổ chức vào lúc tận cùng thời gian. Có nhiều người dù chưa được rửa tội, nhưng họ cũng thuộc về Chúa khi họ sống theo tiếng nói của lương tâm và sống công bằng ngay thẳng trong cách đối xử với anh chị em. Họ là những người đang kiếm tìm Thiên Chúa qua việc kiếm tìm Chân Lý và những giá trị vĩnh cửu làm tâm điểm cho cuộc đời mình. Thánh Phaolô là một mẫu gương cho chúng ta trong đời sống Đức tin. Người đã khẳng định: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Quả vậy, nhờ cậy trông vào Chúa, chúng ta sẽ vượt thắng mọi gian nan, chấp nhận mọi hoàn cảnh và kiên trì trong mọi quẫn bách (Bài đọc II).

Được đọc dưới ánh sáng Phục Sinh, dụ ngôn tiệc cưới còn giúp cho các độc giả liên tưởng đến hình ảnh Chúa Giêsu là vị Hoàng Tử của Thiên Chúa Cha. Ngày hôm nay, Chúa Cha vẫn đang tổ chức tiệc cưới cho Con Một mình. Ai trong chúng ta cũng được mời. Tuy vậy, một điều kiện không thể thiếu khi dự tiệc cưới là chúng ta phải có y phục lễ cưới. Y phục lễ cưới mà Chúa Giêsu muốn nói tới, đó là tâm tình yêu mến, sự tuân phục Thánh ý Chúa và tình huynh đệ đối với anh chị em mình. Y phục lễ cưới được nhắc tới trong bài Tin Mừng như một điều kiện và một kiến thức căn bản, không ai có thể biện minh rằng mình không biết. Điều đó cho thấy, mỗi chúng ta đang sống trong Giáo Hội, “y phục lễ cưới” chính là tình trạng thường xuyên của một tâm hồn thánh thiện, mến Chúa yêu người và mong muốn những điều tốt đẹp cho anh chị em đang sống xung quanh mình. Ngày lãnh nhận phép Thanh Tẩy, chúng ta được vị linh mục chủ sự mặc cho một chiếc áo trắng với lời nhắn nhủ hãy “mặc lấy Chúa Kitô – Mặc lấy con người mới” (x. Ep 4,24). Như thế, chiếc áo cưới chúng ta mặc hằng ngày là chính Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương ta và chịu chết vì ta. Nhờ tấm áo cưới này mà chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Trở lại với những vấn nạn được đặt ra ở trên, chúng ta tìm thấy câu trả lời: tương lai của chúng ta là hạnh phúc Nước Trời. Số phận kẻ dữ và người lành không giống nhau. Tiệc cưới chính là hình ảnh để diễn tả cùng đích cuộc đời. Ông chủ là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta và mong muốn cho chúng ta được hạnh phúc.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW