“Sứ giả của hy vọng” – Bài giảng Chúa nhật II Mùa Vọng năm B
Sự gian dối và bạo lực trong mọi lãnh vực xã hội làm cho con người hôm nay chao đảo mất niềm tin vào hiện tại và mất hy vọng vào tương lai. Giữa bối cảnh đó, người Kitô hữu được mời gọi trở nên những sứ giả của hy vọng bằng chính đời sống của mình.
Cuộc sống xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay còn nhiều tiêu cực ở mọi lãnh vực: gia đình, công sở, xã hội, nhà trường. Ngay trong môi trường giáo dục, là nơi đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước, cũng tồn tại những gian dối, điển hình như vụ việc nâng điểm thi tại Hà Giang năm 2018 đã gây nhiều bức xúc trong xã hội. Những vụ án mạng thương tâm xảy ra thường xuyên, trong đó có những trường hợp thủ phạm và nạn nhân đều là thành viên của một gia đình. Hiện trạng này cho thấy, con người càng ngày càng trở nên hung bạo, thậm chí hoang dã đối với nhau. Sự gian dối và bạo lực trong mọi lãnh vực xã hội làm cho con người hôm nay chao đảo mất niềm tin vào hiện tại và mất hy vọng vào tương lai. Giữa bối cảnh đó, người Kitô hữu được mời gọi trở nên những sứ giả của hy vọng bằng chính đời sống của mình. Thực vậy, khi cố gắng sống tốt lành và phản ánh tinh thần Tin Mừng, mỗi người tín hữu sẽ như ngọn hải đăng giữa đại dương, như ánh nến toả sáng giữa đêm trường và như niềm hy vọng giữa những bi quan chán nản.
Lời Chúa trong Phụng vụ hôm nay là lời của hy vọng. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất như một tiếng reo vang đem lạc quan cho mọi người. Vào thời đó, dân Do Thái đang sống kiếp lưu đày. Họ bi quan buồn chán vì phải sống tha hương. Không có Đền thờ, chẳng còn nghi thức tế tự và các lễ hội truyền thống. Chính lúc này, Isaia được Chúa sai đến để tuyên bố: Chúa sẽ an ủi dân Ngài. Ngài sẽ can thiệp để nỗi buồn trở thành niềm vui và chán chường trở nên hy vọng. Chắc chắn lúc đó sẽ có người chế nhạo vị ngôn sứ vì họ cho đó là điều không tưởng. Tuy vậy, Isaia vẫn can đảm, giống như người lội ngược dòng, để nói những gì Chúa đã truyền lệnh cho ông. Lời ông như một lời hiệu triệu gửi đến toàn dân: Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi, hãy đi đến các thành miền Giuđa. Hãy hét lên rằng: Thiên Chúa đang đến. Ngài không dửng dưng với nỗi khổ của con người, nhưng ra tay can thiệp cứu vớt họ khỏi cảnh khốn cùng.
Vâng, Thiên Chúa đang đến để an ủi dân Ngài. Hôm nay, mỗi Kitô hữu chúng ta đều là sứ giả để chuyển tải thông điệp mà Chúa đã trao gửi cho ông Isaia năm xưa. Những người thời đại chúng ta đang đặt ra câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, lũ lụt thiên tai cướp đi nhiều sinh mạng và xung đột đang đe doạ nhấn chìm nhân loại trong bom đạn và chiến tranh. Mỗi người tín hữu được trao sứ mạng để khẳng định: Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài sẽ can thiệp, sẽ an ủi Dân Ngài. Mùa Vọng chính là thời điểm để chúng ta suy tư về sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử và trong hiện tại, tức là ngày hôm nay, trong một thế giới đầy xung đột và bất an. Chính mỗi người tín hữu là chứng nhân của hy vọng, chia sẻ cho đồng bào tình thương Thiên Chúa bằng những nghĩa cử bác ái và lời nói yêu thương. Qua những cộng đoàn đức tin, người không cùng tôn giáo và những người đang cơ nhỡ cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện giữa cuộc đời, mặc dù trong biến cố và hoàn cảnh nào. Khi con người biết thiện chí cộng tác với ơn Chúa và lắng nghe lời Ngài, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, nạn nhân lũ lụt sẽ được nâng đỡ, hoà bình sẽ được thiết lập và chiến tranh sẽ chấm dứt.
Có tiếng hô: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”. Kitô hữu là những người dọn đường cho Chúa đến trong cuộc đời. Con đường ấy không chỉ ở phố phường đô thị, mà là con đường trong sa mạc, là con đường đầy sỏi đá gập ghềnh khó đi. Mở những con đường trong sa mạc cho thấy cần phải cố gắng kiên trì, vì nhiều khi cảm thấy như vô ích. Mỗi năm, khi Mùa Vọng về, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta hình ảnh của thánh Gioan Tiền Hô, cùng với lời kêu gọi sám hối. Các bài Tin Mừng được đề nghị đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng cho cả ba năm A,B,C đều nhắc tới vị ngôn sứ này. Điều đó cho thấy, chủ đề chính của Lời Chúa trong Chúa nhật này là lời mời gọi sám hối để dọn mình xứng đáng đón Chúa đang ngự đến.
Theo thánh sử Marcô, việc Gioan Tẩy giả xuất hiện là ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho con..”. Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của mình trước mặt Chúa và đối với anh chị em. Sám hối cũng là nhìn nhận tận căn của sự dữ đang hoành hành trong xã hội để cùng chung tay làm cho giảm bớt những hành động tiêu cực, đang phá hoại môi trường thiên nhiên, môi trường đạo đức của cuộc sống chúng ta. Đây là một điều kiện cần thiết để có thể đón Chúa đến trong cuộc đời. Khi tâm hồn chúng ta đầy những tham vọng vật chất và hận thù, làm sao ta còn có chỗ để đón Chúa đến trong ta? Ngôn sứ Isaia đã dùng những hình ảnh rất sinh động để diễn tả tâm tình sám hối: Hãy nắn thẳng những con đường, hãy lấp đầy những thung lũng, hãy san phẳng những núi đồi… Chỉ khi nào khiêm tốn chấp nhận thay đổi tận căn của cuộc đời như thế, chúng ta mới được gặp gỡ Chúa và chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài. Đối với ai thành tâm kiếm tìm Chúa, cuộc gặp gỡ ấy sẽ là sự an ủi ngọt ngào, sẽ là niềm hạnh phúc bất tận. Dáng vẻ đơn sơ, lòng nhiệt thành và nhất là niềm xác tín của vị Tiền Hô đã làm nhiều người đương thời cảm động. Dân chúng đến với ông rất đông. Họ sám hối và khiêm tốn bước xuống dòng sống Giorđanô, xin được tẩy rửa để tỏ lòng sám hối, để tâm hồn họ được bình an.
Năm nay, Quê hương đất nước chúng ta, cụ thể là miền Trung, phải gánh chịu liên tiếp những cơn bão và lũ lụt. Thiên tai đã gây những hậu quả đau thương về sinh mạng và vật chất. Các nhà chuyên môn kết luận: lũ lụt là hậu quả của việc phá rừng và khai thác tài nguyên một cách vô trách nhiệm. Mẹ Thiên nhiên đã nổi giận trước sự vô ơn và tàn nhẫn của con người. Khi phá hoại thiên nhiên là con người tự huỷ diệt chính mình. Con người đang biến thế giới này thành hoang mạc.
Nhưng một tình trạng còn nghiêm trọng hơn nữa là hoang mạc hóa đời sống tinh thần nơi con người. Nếu như cuộc sống vật chất hôm nay đang dần được cải thiện rất nhiều để đáp ứng nhu cầu của con người, thì cuộc sống tình cảm lại đang dần chai cứng đến mức vô cảm. Sự vô cảm này là “lớp cặn nổi trên bề mặt xã hội” theo kiểu nói của một vị tiến sĩ khoa học, nghĩa là nó cho thấy một xã hội suy thoái nghiêm trọng về căn bản. Con người sống trong cuộc đời có liên đới với nhau. Nếu không quan tâm đến ích lợi của người khác, thì chính sự an toàn của mình cũng không được bảo đảm. Một xã hội hoang hóa là hậu quả của thái độ dửng dưng với Thiên Chúa và khước từ giáo huấn của Ngài.
“Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”. Mỗi Kitô hữu chúng ta hãy là một cây nến trong cuộc sống, để chiếu rọi ánh sáng thần linh là Đức Kitô, Đấng là Ánh sáng thế gian. Ánh sáng của Người là sự thánh thiện, bao dung, công bằng, nhân hậu và khiêm nhường. Khi trở nên ánh sáng giữa đời, chúng ta sẽ đem niềm hy vọng cho thế giới, bạo lực và hận thù sẽ bị đẩy lui và lòng nhân ái sẽ phủ đầy cuộc sống. Thánh Phêrô tông đồ khuyên chúng ta hãy kiên nhẫn và cậy trông vào lòng từ bi của Thiên Chúa. Ngài nhân từ và bao dung, không muốn cho ai phải diệt vong. Lòng nhân từ của Chúa đã khiến Ngài kiên nhẫn chờ đợi tội nhân sám hối trở về. Giữa những hoang mang xáo trộn của cuộc sống, người tin Chúa phải sống đạo đức và thánh thiện, với niềm xác tín, Chúa sẽ thưởng công cho những ai trung tín thực thi Lời Ngài.
Nếu mỗi Kitô hữu cố gắng để trở nên sứ giả của niềm hy vọng, thì chúng ta sẽ làm cho sa mạc nở hoa. Giữa một xã hội mà tỷ lệ người Công giáo còn quá thấp, sứ mạng của chúng ta càng quan trọng và cấp thiết, để nói với thế giới hôm nay rằng: Thiên Chúa đang đến, Ngài là Đấng Emmanuel và là Đấng yêu thương con người.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org