Công bố Sứ điệp của Đức Thánh cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 2021
Sáng ngày 17/12/2020, Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54, sẽ được cử hành ngày 1/1 năm 2021 tới đây, với chủ đề là: “Nền văn hóa chăm sóc như hành trình hòa bình”.
Sứ điệp của Đức Thánh cha gồm chín đoạn, trong đó sau khi gởi lời chúc mừng các chính quyền, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế, các lãnh đạo tinh thần và tín hữu nhân dịp năm mới, Đức Thánh cha nhắc đến cuộc đại khủng hoảng về y tế gây thiệt hại to lớn cho các lãnh vực xã hội trên thế giới, cũng như những khủng hoảng về khí hậu, lương thực, kinh tế, di cư, tạo nên những đau khổ và khó khăn trầm trọng. Ngài cũng nhận xét rằng “bên cạnh bao nhiêu chứng tá bác ái và liên đới, rất tiếc là cũng có sự lan tràn nhiều hình thức mới của chủ nghĩa quốc gia, kỳ thị chủng tộc, bài người nước ngoài, và cả những chiến tranh và xung đột gieo rắc chết chóc và tàn phá. Những biến cố ấy và các biến cố khác đánh dấu hành trình của nhân loại trong năm 2020, dạy chúng ta về tầm quan trọng của sự chăm sóc cho nhau và cho thiên nhiên, để xây dựng một xã hội dựa trên những tương quan huynh đệ. Vì thế – Đức Thánh cha viết – tôi đã chọn đề tài cho Sứ điệp này là: “Nền văn hóa chăm sóc như hành trình hòa bình”. Nền văn hóa chăm sóc để đánh tan văn hóa dửng dưng, gạt bỏ, và đụng độ, thường trổi vượt ngày nay”. (1)
Từ hướng đi tổng quát trên đây, trong Sứ điệp, Đức Thánh cha lần lượt trình bày “Thiên Chúa Tạo Hóa, là nguồn mạch ơn gọi chăm sóc của con người” (2); Đấng Tạo Hóa là mẫu gương chăm sóc (3). Trong đoạn thứ bốn, Đức Thánh cha nói về việc chăm sóc trong sứ vụ của Chúa Giêsu (4), tiếp đến là “Văn hóa chăm sóc trong đời sống các môn đệ của Chúa Giêsu” (5).
Trong đoạn thứ sáu, Đức Thánh cha trình bày “Các nguyên tắc đạo lý xã hội của Hội thánh, như căn bản của nền văn hóa chăm sóc”. Trong đoạn này, ngài mô tả sự chăm sóc là một sự thăng tiến phẩm giá và các quyền con người, việc chăm sóc công ích, việc chăm sóc qua tình liên đới, chăm sóc và bảo tồn thiên nhiên.
Sứ điệp của Đức Thánh cha, trong đoạn số bảy, phác họa địa bàn cho một hành trình chung, đó là các nguyên tắc xã hội như tình huynh đệ, tôn trọng nhau, liên đới và tuân hành công pháp quốc tế. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng công pháp quốc tế về nhân đạo, trong các cuộc chiến tranh và xung đột. Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha chống lại sự phí phạm tài nguyên vào việc sản xuất hoặc mua sắm võ khí, nhất là võ khí hạt nhân, thay vào đó, các tài nguyên ấy cần được sử dụng ưu tiên vào việc bảo đảm an ninh cho con người, thăng tiến hòa bình và sự phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đó, bảo đảm các nhu cầu y tế.
Trong đoạn số tám của Sứ điệp, Đức Thánh cha khai triển đề tài “Để giáo dục về nền văn hóa chăm sóc”: nền giáo dục này bắt nguồn từ trong gia đình, tiếp đến là trường học và đại học, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội; vai trò của các tôn giáo trong nền giáo dục này, các chính quyền và các tổ chức quốc tế.
Trong đoạn chín là đoạn cuối cùng, Đức Thánh cha khẳng định rằng “không có hòa bình nếu không có nền văn hóa chăm sóc. Đây là một sự dấn thân chung và liên đới, với sự tham gia của nhiều người, để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá, thiện ích của tất cả mọi người; giáo dục về chăm sóc là làm sao để có sự quan tâm, chú ý, cảm thông, hòa giải và chữa lành, tôn trọng và đón nhận nhau, đó thực là một con đường ưu tiên để xây dựng hòa bình.”
Và Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Trong thời kỳ hiện nay, con thuyền nhân loại bị bão tố khủng hoảng làm dao động, tiến bước khó khăn trong việc tìm kiếm một chân trời yên hàn và thanh quang hơn, bánh lái của phẩm giá con người và “địa bàn” các nguyên tắc xã hội cơ bản có thể giúp chúng ta hải hành với một hướng đi chắc chắn và chung với nhau. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta hướng nhìn về Đức Trinh Nữ Maria là Sao Biển và là Mẹ Hy vọng. Tất cả chúng ta cùng cộng tác với nhau để tiến về một chân trời mới yêu thương và an bình, huynh đệ và liên đới, nâng đỡ nhau và đón nhận nhau. Chúng ta đừng chiều theo cám dỗ không quan tâm tới nhau, nhất là tới những người yếu thế nhất, không rơi vào thói quen ngoảnh mặt đi nơi khác, trái lại chúng ta dấn thân mỗi ngày một cách cụ thể để “hình thành một cộng đoàn gồm các anh chị em đón nhận nhau, chăm sóc cho nhau” (9).
(Rei 17-12-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P