“Con là Con Cha yêu dấu!” – Bài giảng Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa
Chúa nhật đầu tiên này, cũng giống như bước khởi đầu của hành trình theo Chúa nơi người tín hữu, Phụng vụ muốn giới thiệu với chúng ta về Đức Giêsu. Người là ai? Câu trả lời đến từ chính Chúa Cha: « Con là Con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về Con ». Đây là lời Chúa Cha đến từ trời, không chỉ nhằm nói với Đức Giêsu, mà còn như một lời giới thiệu với dân chúng, để họ nhận biết Người là Đấng Thiên Sai, đồng thời mở lòng đón nhận những giáo huấn của Người.
Từ hôm nay, chúng ta bước vào mùa Phụng vụ mới, được gọi là « Mùa thường niên » hay « Mùa quanh năm ». Trong mùa này, chúng ta không cử hành một mầu nhiệm đặc biệt nào của cuộc đời Đấng Cứu thế, mà cùng nhau chiêm ngắm Đức Giêsu ở nhiều khía cạnh, khi Người thực hành sứ vụ thiên sai, loan báo Tin Mừng Cứu độ.
Chúa nhật đầu tiên này, cũng giống như bước khởi đầu của hành trình theo Chúa nơi người tín hữu, Phụng vụ muốn giới thiệu với chúng ta về Đức Giêsu. Người là ai? Câu trả lời đến từ chính Chúa Cha: « Con là Con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về Con ». Đây là lời Chúa Cha đến từ trời, không chỉ nhằm nói với Đức Giêsu, mà còn như một lời giới thiệu với dân chúng, để họ nhận biết Người là Đấng Thiên Sai, đồng thời mở lòng đón nhận những giáo huấn của Người. Trình thuật của thánh Luca cho chúng ta thấy đây là một cuộc « thần hiện », tức là Thiên Chúa tỏ mình cho loài người được nhìn thấy. Ở đây, chúng ta thấy hình ảnh Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha thể hiện qua lời phán, Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu; Chúa Con là Chúa Giêsu, được chính Chúa Cha long trọng giới thiệu. Cuộc thần hiện này còn vĩ đại hơn cả việc tỏ mình cho ba đạo sĩ mà chúng ta đã long trọng cử hành Chúa nhật trước.
Đức Kitô là ai đối với chúng ta? Thưa, Người là Con Thiên Chúa, là Đấng các ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa. Nơi Chúa Giêsu, tóm gọn tất cả những gì mà Thiên Chúa Cha muốn nói với loài người, vì Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Tuân theo giáo huấn của Chúa Giêsu, tức là đang từng bước tiến gần tới gặp gỡ Chúa Cha, vì « ai thấy Thầy là thấy Cha », « ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thày ». Kitô hữu đích thực là người chuyên tâm lắng nghe và tuân giữ giáo hấn của Chúa Giêsu, để từng bước nên đồng hình đồng dạng với Người, ngay khi còn sống ở đời này.
Nhân vật Gioan Tẩy giả được nhấn mạnh trong Mùa Vọng, hôm nay lại xuất hiện. Trong dòng sông Giorđan, Chúa Giêsu đã lãnh nhận phép rửa bởi « vị ngôn sứ cuối cùng » này. Giữa sa mạc khô cằn, một dòng chảy là biểu tượng cho sự canh tân phục hồi. Đây cũng là biểu tượng của sự sống. Phép rửa ông Gioan và các môn đệ ông thực hiện chỉ là nghi thức sám hối. Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng người khiêm nhường nhận mình là những tội nhân, để được ông Gioan rửa, mặc dù Người là Thiên Chúa chí thánh, Đấng không hề biết đến tội lỗi, như thánh Phaolô đã viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài" (2 Cr 5, 21).
Giáo Hội dạy chúng ta, khi nhấn mình trong dòng nước sông Giordan, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thanh Tẩy, để rồi những ai được tẩy rửa trong dòng nước thánh, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sẽ được trở nên tạo vật mới và là nghĩa tử của Thiên Chúa. « Vì được dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta được mai táng với Người. « Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới » (Rm 6,4). Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay nhắc cho chúng ta vinh dự lớn lao của người tín hữu. Được rửa tội có nghĩa là lịch sử đời chúng ta được chìm đắm trong dòng chảy tình yêu của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđitô viết: "Sau khi lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, đời tôi thuộc về Chúa Kitô chứ không thuộc về tôi nữa… Được Chúa tháp tùng, vâng, được Chúa đón nhận vào tình yêu của Người, tôi được thoát khỏi sợ hãi. Chúa bao bọc tôi và mang tôi đi tất cả nơi nào tôi đi. Người chính là sự sống" (Youcat, tr. 168).
Là Kitô hữu, đó là vinh dự lớn lao. Tuy vậy, đó không phải là một danh hiệu suông, nhưng gắn liền với bổn phận phải thực hành để nên giống Đức Giêsu mỗi ngày. Lời mời gọi sám hối qua ngôn sứ Isaia luôn mang tính hiện tại trong cuộc đời tín hữu chúng ta: mọi thung lũng hãy lấp cho đầy ; mọi núi đồi hãy bạt cho thẳng… khi nào con người thực sự thiện chí để làm những điều này, vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện, vương quốc an bình Chúa hứa sẽ trở thành hiện thực. Một cách cụ thể hơn, thánh Phaolô khuyên chúng ta từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống công chính đạo đức ở trần gian. Những cố gắng khổ chế sẽ giúp tâm hồn chúng ta nên thanh thản, và như thế, chúng ta sẽ được gặp Chúa ngay khi còn sống ở đời này.
« Con là Con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về Con ». Đó là lời Chúa Cha nói với Chúa Giêsu. Ước chi đó cũng là lời Chúa Cha nói với mỗi chúng ta, ngay ngày hôm nay, và nhất là vào lúc sau hết của cuộc đời.
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaipphong.org