“Hai con đường” – Bài giảng Chúa nhật 6 Thường niên năm C

10-02-2022 Chức năng bình luận bị tắt ở “Hai con đường” – Bài giảng Chúa nhật 6 Thường niên năm C by

Hạnh phúc hay bất hạnh, được cứu rỗi hay bị trầm luân, được khen thưởng hay bị kết án… tất cả đều do chúng ta chọn lựa. Trước mặt chúng ta luôn có hai con đường. Nếu chúng ta chọn lựa con đường thánh thiện, Chúa sẽ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

Khi đọc Thánh Kinh, nhất là phần Tân ước, chúng ta thấy các tác giả thường trình bày những nhân vật hay hình ảnh đi cặp đôi với nhau, ví dụ: hai con đường, một con đường hẹp và một con đường rộng; hai người con, một người con bỏ nhà đi hoang, một người con ở nhà với cha; hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thu thuế và một người biệt phái… Chúa Giêsu thường dùng cách diễn tả này để nói với chúng ta: con người có tự do chọn lựa một trong hai lối sống, giữa trung thành và phản bội, giữa thánh thiện và tội lỗi. Đó là hai con đường mà chúng ta tự do lựa chọn, một dẫn tới hạnh phúc và một dẫn tới bất hạnh. Một khi đã lựa chọn, chúng ta phải lãnh trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Thiên Chúa không tạo dựng nên sự dữ. Sự dữ là sản phẩm do tội lỗi và ích kỷ của con người. Thiên Chúa cũng không định cho ai phải đau khổ. Ngài không gò ép ai, nhưng để con người tự do chọn lựa. Đây cũng là quan điểm của dân gian Việt Nam: ai gieo gió ắt sẽ gặt bão, trồng cây nào, ăn quả nấy.

Những ai tin vào người đời, gạt bỏ Thiên Chúa và coi những giá trị trần tục như lý tưởng, giống như cây mọc trong sa mạc. Cây trong sa mạc sẽ khô cằn, không sinh hoa kết trái. Những ai tin tưởng phó thác vào Chúa, xa tránh những hành vi bất hảo và chọn Chúa làm gia nghiệp, giống như cây mọc bên bờ suối, bốn mùa quanh năm đều cành lá xanh tươi và hoa trái dồi dào.

Từ hai ngàn năm, chứng từ về sự phục sinh của Chúa Kitô được rao giảng cho mọi người. Có rất nhiều người đón nhận với thành tâm thiện chí, nhờ đó mà trở nên hoàn hảo. Trái lại, có những người lại nghi nan chối từ, cho đó là chuyện hão huyền, vì vậy mà trở nên bất hạnh. Trong thư gửi giáo dân Corintô, thánh Phaolô khẳng định: Chúa đã sống lại. Sự phục sinh của Chúa là nền tảng Đức tin đối với Kitô hữu, đồng thời mặc cho phẩm giá con người một ý nghĩa mới, tức là con người sẽ được sống lại với Chúa sau khi đã kết thúc cuộc sống trần gian.

Tác giả Thánh vịnh thứ nhất tiếp nối dòng suy tư của ngôn sứ Giêrêmia. Ông ca tụng những người khôn ngoan, biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Những người này giống như cây trồng bên suối nước, quanh năm ra hoa kết trái. Ông cũng phê phán những người chỉ biết có đời này, và đắm chìm trong ăn chơi sa đoạ. Họ giống như vỏ trấu, sẽ bị gió cuốn đi. Tương lai của họ là hư vô.

“Hạnh phúc thay! Bất hạnh thay!”. Đó là những lời mở đầu mà Chúa Giêsu đã dùng để diễn tả những người thiện chí và những người dửng dưng với Nước Trời. Nếu thánh Matthêu ghi lại tám mối phúc thật, là phần khởi đầu của bài giảng trên núi, thì thánh Luca lại ghi lại bài giảng của Chúa Giêsu với một hình thức khác. Nội dung của Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bốn mối phúc và bốn mối hoạ được trình bày song đối với nhau. Thực ra, những lời được gọi là “chúc dữ” không hẳn là những lời nguyền rủa khi người ta giận dữ và muốn “trù ẻo” người khác. Thiên Chúa tự bản chất là Đấng tốt lành, không lẽ Đức Kitô lại buông những lời nguyền rủa đối với con người, mặc dù họ xấu xa và tệ hại đến đâu đi nữa. Để dễ hiểu hơn, thay vì dịch “Khốn cho các ngươi…”, nên dịch là “Thật bất hạnh cho các ngươi…”. Vì đây là những lời than vãn và luyến tiếc cho những con người đáng lẽ ra phải sống tốt lành, nhưng trong thực tế lại không được như vậy. Đây cũng là những lời cảnh báo vì thấy trước những nguy hiển đang chờ đợi họ ở tương lai, là kết quả của lối sống vô tín đối với Chúa và vô trách nhiệm đối với tha nhân.

Nguyên nhân của những than vãn hay của những lời chúc dữ ấy là gì? đó là sự cậy dựa vào sức mạnh phàm nhân. Theo lời Chúa Giêsu, đó còn là sự kiêu ngạo, cậy vào của cải trần thế. Họ là những người giàu có, no nê và đang vui cười. Dường như họ không cần đến Thượng Đế, vì họ tự cho mình có sức mạnh vô song, có khả năng làm mọi sự. Có một thời, ở Việt Nam, người ta cho rằng niềm tin vào Thượng Đế đã lỗi thời và lạc hậu. Vì vậy, con người có thể “thay trời làm mưa”. Người ta cũng thường rêu rao “bàn tay ta làm nên tất cả”. Đây là lối suy nghĩ ảnh hưởng thuyết vô thần duy vật, coi con người như những “thượng đế” và tự quyết định tương lai, không cần đến thần linh hay Đấng Cao Cả nào khác. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy một xã hội loại trừ Thiên Chúa sẽ trở nên bất hạnh. Hậu quả là bạo lực, dối trá, lường gạt tràn lan mọi lãnh vực của cuộc sống.

Chúng ta vừa vui mừng đón xuân mới Nhâm Dần. Mùa xuân là thời điểm cây cối đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân cũng tượng trưng cho sức sống, tình yêu và hy vọng. Ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta đâm chồi nảy lộc trong đời sống thiêng liêng và trong những nghĩa cử bác ái.

Hạnh phúc hay bất hạnh, được cứu rỗi hay bị trầm luân, được khen thưởng hay bị kết án… tất cả đều do chúng ta chọn lựa. Trước mặt chúng ta luôn có hai con đường. Nếu chúng ta chọn lựa con đường thánh thiện, Chúa sẽ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW