Thời Thiên sai – Chúa nhật II Mùa Vọng A
Mỗi năm, khi Mùa Vọng về, Phụng vụ lại hướng chúng ta về thời Thiên sai. Đó sẽ là thời an bình. Trật tự hài hoà Thiên – Địa – Nhân, là trật từ vốn đã có từ thời sáng tạo, sẽ được tái lập. Ngôn sứ Isaia đã say sưa chiêm ngưỡng một xã hội thanh bình: “Sói ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái. Sư tử cũng ăn rơm như bò”. Qua ngòi bút của vị ngôn sứ, những loài động vật thường ngày vẫn “không đội trời chung” lại trở nên thân thiện và chung sống hài hoà. Ai trong chúng ta cũng đều nhận ra, vị ngôn sứ dùng hình ảnh thế giới động vật để diễn tả thế giới loài người. Khi Đấng Thiên sai đến, con người sẽ không còn thù ghét và chống lại nhau. Tất cả trở nên thân thiện. Sẽ không còn bạo lực và chém giết. Mọi người sống với nhau trong tình huynh đệ.
Đấng Thiên sai đã đến trong lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm. Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta. Bằng giáo huấn, và nhất là những phép lạ, Chúa Giêsu chứng minh Người là Đấng Thiên sai. Người được Chúa Cha sai đến trần gian để loan báo Nước trời và làm chứng cho tình thương của Chúa Cha. Những ai sẵn sàng dành cho Người một tình yêu trọn vẹn, sẽ trở nên môn đệ đích thực của Người, và sẽ cùng Người thừa kế gia nghiệp vĩnh cửu.
Mùa Vọng giúp ta suy gẫm việc Chúa Giêsu đã đến trong lịch sử. Người vẫn đang đến trong cuộc đời mỗi người. Những ai thiện chí và mở rộng tấm lòng, sẽ được đón Đấng Thiên sai. Giáo Hội mượn lời ông Gioan Tẩy giả để loan báo với chúng ta: Đức Giêsu, Đấng Thiên sai đã đến và đang đến. Lời kêu gọi sám hối của ông Gioan Tẩy giả cũng chính là lời rao giảng của Chúa Giêsu, khi Người khởi sự sứ vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc 1,15). Thông điệp của ông Gioan Tẩy giả vẫn mang tính thời sự đối với chúng ta. Bởi lẽ trong xã hội hôm nay, nhiều người vẫn khước từ giáo huấn của Chúa Giêsu. Họ dửng dưng với Thiên Chúa và với lương tâm. Con người cậy dựa vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật, để nghĩ rằng đã đến lúc mình có thể thay thế Tạo Hoá, và gạt bỏ Tạo Hoá ra khỏi cuộc đời này. Kitô hữu là người tuyên xưng Đức tin vào Thiên Chúa. Kitô hữu cũng là người xác tín Đức Giêsu đang hiện diện trong cuộc sống. Người hiện diện để đồng hành và đỡ nâng chúng ta trên mọi nẻo đường, thêm sức cho chúng ta trong những gian nan thử thách. Chúa Giêsu đã đến thế gian và hôm nay Người vẫn hiện diện giữa chúng ta. Người đã hứa với các môn đệ: “Này đây Thày ở cùng anh em cho đến ngày tận thế” (Mt 28, 20).
Những người Do Thái nghe theo lời kêu gọi của ông Gioan Tẩy giả, xếp hàng để được ông làm phép rửa, như cử chỉ sám hối chân thành. Trong lời rao giảng, ông Gioan cảnh báo những tai hoạ trong tương lai nếu không sám hối. Ông cũng phê phán thái độ một số người Do Thái cậy mình chủ quan, viện cớ mình là con cháu ông Abraham thì sẽ được cứu thoát. Ông khẳng định: Do Thái cũng như dân ngoại, điều quan trọng là phải sám hối ăn năn và đón nhận Đấng Chúa Cha sai đến. Vị ngôn sứ nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, là người dọn đường cho Đấng Thiên sai đến. So sánh với Đấng Thiên sai, ông không đáng xách dép cho Người. Vai trò của ông chỉ là người giới thiệu. Trước đám đông của những người hâm mộ, ông không dành vinh quang cho riêng mình, nhưng khiêm tốn nhận mình là người dọn đường. Hình ảnh ông Gioan vừa nêu bật sứ điệp sám hối, vừa diễn tả sự khiêm nhường của người loan báo Chúa Giêsu. Sau này, ông Gioan khẳng định với các môn đệ mình: “Người phải nổi bật lên, còn thày phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
Người thời nay đặt câu hỏi: “Tại sao thời Thiên sai đến rồi mà sói vẫn chưa ở chung với chiên con, dân này nước nọ còn xung đột chém giết và thế giới vẫn chưa có hoà bình?”. Chúa Giêsu không đem đến trần gian một nền hoà bình có sẵn như từ trên trời rơi xuống, mà Người đem đến trần gian những hạt giống của hoà bình. Người mời gọi mọi người hãy là những người gieo rắc hoà bình trong thế giới mình đang sống. Đó chính là thành tâm thiện chí sống theo giáo huấn Người rao giảng. Hơn nữa, thời Thiên sai Chúa Giêsu loan báo mới là chỉ khởi đầu và đang dần dần từng bước hoàn thành. Người mời gọi chúng ta cộng tác với Người để Nước Cha trị đến và ý Chúa Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, như nội dung lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy. Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở nên một Gioan Tẩy giả, loan báo việc Chúa Giêsu đến trần gian và minh chứng cho sự hiện diện đầy yêu thương của Người bằng đời sống cụ thể của mình. Như thế, thế giới mới sẽ được thiết lập.
“Anh em hãy sám hối vì Nước trời đã đến gần”. Hôm nay, ở thế kỷ 21 này, Giáo Hội vẫn tiếp nối lời kêu gọi của ông Gioan và của Chúa Giêsu, để khẳng định: Nước Trời đã đến gần. Nước Trời không phải là một không gian được cố định bằng biên giới, giống như các quốc gia trần thế. Nước Trời ở chính trong tâm hồn chúng ta, như lời khẳng định của Chúa Giêsu (x. Lc 17,20). Tâm hồn chúng ta sẽ là Nước Trời khi có Chúa hiện diện, và khi ta cố gắng giữ tâm hồn thanh thản an bình. Nước trời không có trong ta, khi lòng ta chất chứa mưu mô và tham vọng. Chúa luôn chờ đợi để đến với ta. Chúa đã hứa: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Mùa Vọng giúp chúng ta nhận ra Chúa đang hiện diện, đồng thời giúp chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đón Chúa đến trong đời sống cá nhân mỗi người. Nhiều người có thói quen coi nhẹ Mùa Vọng và chỉ chú ý đến Mùa Giáng sinh, với những trang trí lộng lẫy và những sinh hoạt sầm uất mang tính lễ hội. Niềm vui Giáng sinh chỉ trọn vẹn, khi chúng ta được đón Chúa đến tâm hồn, qua Bí tích Hoà giải và Bí tích Thánh Thể.
Trong Bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy đón Chúa qua việc đón nhận anh chị em đồng loại. Ngài viết: “Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta, nhưng đó là sự hiện diện vô hình huyền nhiệm. Những anh chị em bất hạnh cơ nhỡ nghèo đói, chính là hiện thân của Chúa Giêsu, vì Người đã đồng hoá với họ khi khẳng định: những ai giúp đỡ người nghèo là giúp đỡ chính Chúa. Lễ Giáng sinh sẽ có ý nghĩa tròn đầy, khi chúng ta vừa đón Chúa Giêsu Thánh Thể, vừa đón Chúa qua những anh chị em đau khổ bần hàn. Những nghĩa cử bác ái đối với anh chị em xung quanh, sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui.
Kính thưa anh chị em, Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta. Ngôi Lời đã làm người, để cho con người được trở nên con Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ viết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 1,31). Đây là sự trao đổi kỳ diệu, là sáng kiến đến từ tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Quỳ bên hang đá máng cỏ trong mùa Giáng sinh, chúng ta hãy tôn thờ, cảm tạ và cầu xin cho chúng ta xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy. Kính chúc Quý vị và anh chị em một Mùa Vọng đầy ân sủng và mùa Giáng sinh hạnh phúc vui tươi, trong bình an của Đấng Thiên Sai, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org