Đau khổ và sự chết – Chúa nhật XIII Thường niên
Những vấn nạn lớn nhất của con người mọi thời đại, đó là sự dữ và sự chết. Kể từ khi hiện hữu, con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn này. Tại sao có sự dữ? Tại sao con người phải đau khổ và phải chết? Sau khi chết con người sẽ về đâu? Bên kia sự chết là gì? Người ta tìm mọi cách can thiệp cho con người thoát khỏi cái chết, nhưng vô hiệu. Đối diện với đau khổ và sự dữ, nhiều người đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài.
Thiên Chúa không làm ra cái chết. Ngài chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Thiên Chúa cũng không là tác giả của sự dữ. Sách Khôn Ngoan khẳng định với chúng ta như thế (Bài đọc I). Sách Khôn Ngoan được viết khá muộn, khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, tức là rất gần với Chúa Giêsu. Nội dung cuốn sách này là những suy tư về thân phận con người, khuyến khích lòng hiếu thảo và nhất là nhằm củng cố đức tin nơi người Do Thái. Ngài luôn yêu thương con người, và đã thể hiện tình yêu ấy bằng công cuộc sáng tạo cũng như bằng những điềm thiêng dấu lạ trong lịch sử. Khi khẳng định: Thiên Chúa không làm ra cái chết và sự dữ, tác giả nói với chúng ta: cái chết là nguyên nhân của quỷ dữ ghen tỵ; đau khổ nhiều khi đến từ chính con người.
Sự chết cũng gắn liền với kiếp sống nhân sinh. Con người đã có ngày sinh ắt có ngày tử. Chẳng ai sống mãi trên thế gian này. Nhìn theo khía cạnh nhân sinh, cái chết cũng là điều may mắn đối với con người. Bởi lẽ nếu mọi người từ tạo thiên lập địa mà không chết thì không biết thế giới sẽ ra sao?
Đã là con người hiện hữu trên trần gian, không ai tránh khỏi đau khổ. Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đã trải qua đau khổ như chúng ta và đã phải chết. Chúa Giêsu đón nhận đau khổ trong tình yêu thương nhân loại. Tình yêu sẽ hóa giải đau khổ, hoặc ít ra sẽ giúp chúng ta nghị lực để vượt lên đau khổ. Một số người đã tự tìm đến cái chết khi đối diện với đau khổ. Họ đã không tìm được niềm hy vọng và ý nghĩa cuộc đời.
Đức Giêsu đến trần gian để khẳng định: Thiên Chúa làm chủ sự sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là của kẻ chết. Ngài tạo dựng con người không phải để trở về với cát bụi, nhưng để sống hạnh phúc mãi mãi. Như thế, nếu quỷ dữ ghen tương gây nên cái chết, thì Thiên Chúa tình yêu sẽ ban cho con người được sống. Để chứng minh Thiên Chúa có quyền năng trên sự chết, Chúa Giêsu đã làm cho bé gái 12 tuổi, con ông trưởng hội đường tên là Gai-ô, đã chết được sống lại. Thân nhân gia đình và hàng xóm của ông khi thấy bé gái đã chết, liền khuyên can đừng mời Chúa Giêsu đến nữa, vì họ không tin một người đã chết có thể sống lại. Đức Giêsu đã làm cho bé gái sống lại trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Thánh Mác-cô diễn tả ông trưởng hội đường như một người có đức tin vững vàng, qua lời van xin: “Con bé nhà tôi sắp chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Lời van xin này cho thấy, ông tin chắc vào quyền năng của Chúa Giêsu, và dù con ông có chết, cũng sẽ được hồi sinh. Cùng một chủ đề đức tin, tác giả đan xen hai phép lạ trong một trình thuật. Đó là người phụ nữ bị bệnh đã mười hai năm, các thầy thuốc đều đã bó tay. Trong tình trạng đó, bà tin chắc rằng nếu bà chạm tới áo Chúa Giêsu, thì bà sẽ được chữa lành. Sự thể đã xảy ra như vậy. Bà đã được chữa lành ngay tức khắc. Cả hai người – ông trưởng hội đường và người phụ nữ – đều là những gương mẫu về đức tin cho chúng ta.
“Lòng tin của con đã chữa con”. Lời Chúa Giêsu cho thấy điều kiện duy nhất để đón nhận ơn Chúa là lòng tin. Liền sau đó, Chúa cũng nói với ông trưởng hội đường, khi người ta báo tin con ông đã chết: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Đức tin luôn là điều kiện cần thiết để ta đón nhận ơn Chúa, kể cả trong những lúc gian nan nhất của cuộc đời. Đức tin Kitô giáo khẳng định với chúng ta: sự chết thực ra chỉ là sự biến đổi trạng thái hiện hữu. Sự chết cũng là cánh cửa mở ra để ta bước vào thế giới mới. Những ai sống tốt lành thánh thiện, sau khi chết sẽ được hưởng vinh quang Chúa hứa cho những người công chính. Chỉ có hạnh phúc đời sau mới lý giải được sự công bằng trong đời sống con người. Như thế, dưới lăng kính Kitô giáo, sự dữ và sự chết bớt đi màu sắc ảm đạm thê lương, và bừng lên niềm hy vọng nơi tình thương nhiệm màu của Thiên Chúa.
Dù cắt nghĩa thế nào đi nữa, đau khổ và sự chết vẫn đè nặng trên mỗi chúng ta. Sự chết đến từ ghen tương của quỷ dữ, nhưng sự chết cũng đến từ chính chúng ta, hoặc do chính bản thân hoặc do người khác gây ra. Quả vậy, khi gieo rắc hận thù, bạo lực, chiến tranh là gieo rắc đau khổ sự chết. Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên: mỗi người góp phần giảm thiểu đau khổ bằng những nghĩa cử chia sẻ bác ái (Bài đọc II). Ngài khuyên giáo dân Cô-rin-tô, lúc đó khá ổn định về vật chất, hãy quan tâm đến những người đang lâm cảnh túng thiếu. Khi cùng nhau cổ võ những việc thiện, chắc chắn cái ác sẽ bị đẩy lui.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org