Chủ đề Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013

18-05-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Chủ đề Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 by

Chỉ còn 68 ngày nữa, Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ diễn ra hân hoan tại Rio de Janeiro, Brazil, với chủ đề “Hãy ra đi và làm muôn dân thành môn đệ của Thầy” (Mt 28:19). Đây là chủ đề được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nêu ra cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm nay, chỉ mấy ngày sau khi bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2011 tại Madrid. 

TOÀN VĂN SỨ ĐIỆP

Các bạn thân mến, 

Cha hân hoan và âu yếm chào mừng tất cả các con. Cha chắc chắn rằng nhiều người chúng con từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Madrid trở về càng “được vun trồng và xây đắp trong Chúa Giêsu Kitô, vững vàng trong đức tin” (xem Cl 2:7) nhiều hơn. Năm nay, trong các giáo phận, chúng ta đã cử hành niềm vui được làm Kitô hữu, với chủ đề “Hãy luôn luôn hân hoan trong Chúa” (Pl 4:4). Và giờ đây, chúng ta chuẩn bị Ngày Giới Trẻ Thế Giới sắp tới, sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 7 năm 2013. 

Trước mọi việc khác, cha muốn mời gọi các con một lần nữa tham dự biến cố quan trọng này. Bức tượng thời danh Chúa Kitô Cứu Chuộc nhìn xuống kinh thành Brazil xinh đẹp sẽ là biểu tượng hùng hồn cho tất cả chúng ta. Hai tay giang rộng của Chúa Kitô là biểu hiệu Người muốn ôm lấy tất cả những ai đến với Người, và trái tim Người tượng trưng cho tấm tình yêu vô biên của Người đối với tất cả và mỗi một người trong các con. Hãy sáp gần lại Chúa Kitô! Hãy cảm nhận cuộc gặp gỡ này cùng với mọi người trẻ khác sẽ tựu về Rio tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới kế tiếp! Hãy chấp nhận tình yêu của Chúa Kitô và các con sẽ là các chứng nhân rất cần cho thế giới này. 

Cha mời gọi các con chuẩn bị Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro bằng cách suy niệm ngay từ bây giờ chủ đề của ngày hội: “Hãy ra đi và làm muôn dân thành môn đệ” (Mt 28:19). Đây là mệnh lệnh truyền giáo vĩ đại được Chúa Kitô ban cho toàn thể Giáo Hội, và ngày nay, hai ngàn năm sau, mệnh lệnh này vẫn khẩn trương như ngày nào. Mệnh lệnh này cần được dóng lên một cách mạnh mẽ trong tâm hồn các con. Năm chuẩn bị cho cuộc tụ họp tại Rio trùng hợp với Năm Đức Tin, là năm bắt đầu với Thượng Hội Đồng Giám Mục chuyên bàn về “ việc tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Cha rất vui khi thấy các con, những người trẻ yêu quí, cũng tham dự vào cố gắng dấn thân truyền giáo này cùng với toàn thể Giáo Hội. Làm cho Chúa Kitô được biết đến là quà phúc quí giá nhất mà các con có thể tặng cho người khác. 

1. Lời kêu gọi khẩn thiết

Lịch sử cho thấy nhiều người trẻ, qua việc hiến thân một cách quảng đại, đã đóng góp lớn lao ra sao cho Nước Thiên Chúa và việc phát triển thế giới nhờ việc công bố Tin Mừng. Lòng đầy hứng khởi, họ mang theo Tin Mừng của Tình Yêu Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Kitô; họ sử dụng các phương thế và khả thể có thể có, là những phương thế và khả thể kém hơn so với các phương thế và khả thể hiện có của chúng ta ngày nay. Một điển hình xuất hiện trong đầu óc chúng ta là Chân Phúc José de Anchieta. Ngài là một Tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi người Tây Ban Nha, thuộc thế kỷ 16, từng tới truyền giáo tại Brazil trước khi được 20 tuổi và đã trở thành vị tông đồ vĩ đại của Tân Thế Giới. Nhưng cha cũng nghĩ tới nhiều người trong chính các con từng hiến thân một cách quảng đại cho sứ mệnh của Giáo Hội. Cha đã thấy chứng cớ tuyệt vời của việc đó tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid, nhất là trong buổi gặp gỡ các thiện nguyện viên.

Nhiều người trẻ ngày nay nghiêm chỉnh tự hỏi liệu cuộc đời có phải là một điều tốt đẹp hay không, và đã gặp nhiều thời khắc khó khăn trong việc dò tìm đường đi. Tuy nhiên, nói một cách chung hơn, người trẻ ngày nay nhìn vào các khó khăn của thế giới và tự hỏi: có điều gì tôi làm được không đây? Ánh sáng đức tin soi sáng cho những khoảnh khắc đen tối này. Nó giúp chúng ta hiểu ra rằng mọi cuộc sống nhân bản đều vô giá cả vì mỗi người chúng ta đều là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi người, cả những ai rời xa Người hay bất kính đối với Người. Thiên Chúa chờ đợi một cách nhẫn nại. Quả thế, Thiên Chúa đã cho Con của Người chết và sống lại để giải phóng ta khỏi sự ác từ căn gốc. Chúa Kitô đã sai các môn đệ của Người ra đi đem sứ điệp cứu rỗi đầy hân hoan và sự sống mới này đến cho mọi người khắp mọi nơi. 

Giáo Hội, khi tiếp tục sứ mệnh phúc âm hóa này, cũng trông vào các con. Những người trẻ yêu quí, các con là những nhà truyền giáo đầu tiên giữa những người cùng thời với các con! Vào cuối Công Đồng Vatican II, mà năm nay chúng ta đang mừng kỷ niệm 50 năm, Tôi Tớ của Chúa là Đức Phaolô VI đã gửi một sứ điệp cho tuổi trẻ thế giới. Sứ điệp này khởi đầu như sau: “Chính các con, thanh niên nam nữ của thế giới, là những người Công Đồng muốn gửi sứ điệp sau cùng của mình. Vì chính các con phải tiếp nhận ngọn đuốc từ tay các niên trưởng của các con và sống trong thế giới vào một thời kỳ có những biến đổi ồ ạt nhất chưa từng thấy trong lịch sử. Chính các con, một khi đã tiếp nhận gương sáng và lời dạy tốt đẹp nhất của cha mẹ và thầy dạy, các con sẽ lên khuôn cho xã hội ngày mai. Một là các con sẽ được cứu thoát, hai là sẽ bị diệt vong với nó”. Sứ điệp ấy kết thúc bằng những lời như sau: “Các con hãy hứng khởi xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta hiện có ngày nay!” (Sứ Điệp Cho Người Trẻ, 8 tháng 12, 1965). 

Các bạn thân mến, lời mời gọi trên vẫn còn hợp thời. Chúng ta đang trải qua một thời kỳ hết sức đặc biệt trong lịch sử. Các tiến bộ kỹ thuật đã đem lại cho chúng ta các khả thể chưa từng có để tương tác giữa người với người và giữa các dân tộc với nhau. Nhưng việc hoàn cầu hóa các tương quan này sẽ chỉ tích cực và giúp thế giới tăng trưởng trong tình người nếu nó được đặt nền tảng trên tình yêu, chứ không trên chủ nghĩa duy vật. Tình yêu là điều duy nhất có thể đong đầy trái tim ta và đem con người lại với nhau. Thiên Chúa là tình yêu. Khi ta quên Thiên Chúa, ta sẽ đánh mất hy vọng và trở thành hết khả năng yêu người khác. Đó chính là lý do ta cần phải chứng thực sự hiện hữu của Thiên Chúa để người khác cảm nhận được sự hiện hữu ấy. Việc cứu rỗi nhân loại cũng như việc cứu rỗi mỗi người chúng ta tùy thuộc ở điều này. Ai hiểu được điều này chỉ có thể kêu lên với Thánh Phaolô rằng: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9:16).

2. Thành môn đệ Chúa Kitô

Ơn gọi truyền giáo này đến với các con cũng vì một lý do khác nữa, đó là nó cần cho chính cuộc hành trình bản thân của ta trong đức tin. Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết rằng: “đức tin được tăng cường khi được trao ban cho người khác!” (Redemptoris Missio, 2). Khi công bố Tin Mừng, chính các con lớn lên nhờ được bén rễ sâu hơn vào Chúa Kitô và được trưởng thành trong tư cách Kitô hữu. Dấn thân truyền giáo là chiều kích chủ yếu của đức tin. Ta không thể là tín hữu đích thật nếu không phúc âm hóa. Công bố Tin Mừng chỉ có thể là kết quả của niềm vui được gặp gỡ Chúa Kitô và thấy nơi Người nền đá để xây dựng đời ta. Khi các con cố gắng giúp đỡ người khác và công bố Tin Mừng cho họ, thì đời các con, một đời thường vỡ vụn vì mải mê hành động, sẽ tìm được thể thống nhất trong Chúa. Các con cũng sẽ xây đắp chính bản thân các con, sẽ lớn lên và trưởng thành trong tình người. 

Là nhà truyền giáo, điều đó có nghĩa gì? Trên hết, nó có nghĩa là làm môn đệ Chúa Kitô. Là lắng nghe như mới lời mời gọi bước chân theo Người và hướng về Người: “Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền từ và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). Môn đệ là người chú tâm lắng nghe lời Chúa Giêsu (xem Lc 10:39), là người biết nhìn nhận rằng Chúa Giêsu là Thầy, là người yêu ta đến nỗi đã hiến mạng sống cho ta. Cho nên, mỗi người trong các con phải để mình được lời Chúa lên khuôn hàng ngày. Điều này sẽ biến các con thành bạn bè của Chúa Giêsu Kitô và làm ta có khả năng đưa dẫn những người trẻ khác về làm bằng hữu của Người. 

Cha khuyến khích các con nghĩ tới các ơn phúc các con đã nhận được từ Chúa để đến lượt mình, các con có thể thông truyền chúng cho người khác. Các con hãy học cách đọc lại lịch sử đời mình. Các con hãy ý thức di sản tuyệt diệu từng được các thế hệ đi trước truyền lại cho các con. Có biết bao con người lòng đầy đức tin đã can đảm chuyển giao đức tin dù gặp thử thách và thiếu hiểu biết. Ta đừng bao giờ quên rằng ta là những móc xích trong sợi dây chuyền vĩ đại gồm những con người nam nữ từng thực hiện sứ vụ chuyển giao chân lý đức tin và mong chờ ta chuyển giao nó cho người khác. Làm một nhà truyền giáo giả thiết phải biết đến di sản ấy, tức đức tin của Giáo Hội. Điều cần thiết là các con phải biết điều mình tin, để có thể công bố chúng. Như cha đã viết trong bài dẫn nhập cuốn YouCat, tức Sách Giáo Lý cho Người Trẻ, mà Cha đã trao cho các con tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid, “các con cần biết đức tin của mình một cách chính xác như một chuyên viên IT biết cách vận hành bên trong của một chiếc máy vi tính. Các con cần biết nó như một nhạc sĩ biết nhạc cụ ông ta trình diễn. Đúng thế, các con cần bén rễ sâu hơn vào đức tin, hơn thế hệ cha ông các con, để các con có thể đương đầu với các thách đố và cám dỗ của thời nay một cách mạnh bạo và cương quyết”. 

3. Hãy ra đi ! 

Chúa Giêsu sai các con ra đi truyền giáo với mệnh lệnh sau: “Hãy đi khắp thế gian và công bố tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu rửa tội sẽ được cứu rỗi” (Mc 16:15-16). Phúc âm hóa là đem Tin Mừng cứu rỗi đến cho người khác và giúp họ hiểu rằng Tin Mừng này là một con người, đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Khi tôi gặp Người, khi tôi khám phá ra Thiên Chúa yêu thương và cứu rỗi tôi ra sao, tôi bắt đầu cảm thấy không những một ước muốn, mà còn là một nhu cầu phải làm cho Thiên Chúa được người khác biết đến nữa. Ở đầu Tin Mừng Thánh Gioan ta thấy Thánh Anrê, ngay sau khi gặp Chúa, đã vội chạy đi dẫn anh mình là Thánh Phêrô tới (xem Ga 1:40-42). Phúc âm hóa luôn bắt đầu với việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Những người từng đến với Chúa Giêsu và cảm nhận được tình yêu của Người, lập tức muốn chia sẻ cái đẹp của cuộc gặp gỡ và niềm vui phát sinh từ tình bạn của Người. Càng biết Chúa Kitô, ta càng muốn nói về Người. Càng nói với Chúa Kitô, ta càng muốn nói về Người. Càng được Chúa Giêsu nắm giữ, ta càng muốn được tới gần Người hơn.

Qua Phép Rửa, là phép đem lại cho ta sự sống mới, Chúa Thánh Thần cư ngụ trong ta và nung đốt tâm trí ta. Người dạy ta cách biết Thiên Chúa và mỗi ngày mỗi bước sâu hơn vào tình bạn với Chúa Kitô. Chính Chúa Thánh Thần khuyến khích ta làm điều tốt, phục vụ người khác và biết hiến thân. Qua Phép Thêm Sức, ta được tăng cường bằng ơn Chúa Thánh Thần để ta có khả năng làm chứng cho Tin Mừng một cách mỗi ngày một trưởng thành hơn. Do đó, chính Chúa Thánh Thần của tình yêu là sức mạnh thúc đẩy đứng đàng sau việc truyền giáo của ta. Chúa Thánh Thần thúc giục ta ra khỏi con người mình và “ra đi” rao giảng Tin Mừng. Các người trẻ thân mến, các con hãy để mình được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa hướng dẫn. Hãy để tình yêu ấy thắng vượt khuynh hướng tự khóa kín mình trong thế giới riêng với các nan đề và thói quen riêng của các con. Hãy can đảm “ra ngoài” chính các con để “ra đi” hướng tới người khác và chỉ cho họ con đường gặp gỡ Thiên Chúa. 

4. Tụ tập muôn dân 

Chúa Kitô sống lại sai các môn đệ ra đi làm chứng cho sự hiện diện cứu rỗi của Người trước muôn dân, vì trong tình yêu vô bờ của Người, Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi, không ai bị sa mất. Qua lễ hy sinh đầy yêu thương trên thánh giá, Chúa Giêsu mở lối cho mọi người nam nữ nhận biết Thiên Chúa và bước vào hiệp thông yêu đương với Người. Người thiết lập một cộng đồng môn đệ để đem sứ điệp Tin Mừng đến tận cùng thế giới và vươn tới mọi người nam nữ thuộc mọi thời và mọi nơi. Ta hãy biến ước muốn của Thiên Chúa thành ước muốn của chính chúng ta!

Các bạn thân mến, các con hãy mở mắt và nhìn khắp chung quanh các con. Có biết bao người trẻ không còn nhìn thấy bất cứ ý nghĩa nào trong đời mình nữa. Các con hãy ra đi! Chúa Kitô cũng đang cần các con. Các con hãy để tình yêu của Người nắm lấy và kéo theo. Các con hãy phục vụ tình yêu bao la này, để tình yêu ấy với tới mọi người, nhất là những người “ở tận đàng xa kia”. Có những người ở xa về địa dư, nhưng có những người ở xa vì lối sống của họ chẳng còn chỗ nào dành cho Chúa cả. Có những người chưa đích thân tiếp nhận Tin Mừng, trong khi đó, có những người đã nhận được nó rồi, nhưng lại sống như thể Chúa chẳng bao giời hiện hữu cả. Ta hãy mở lòng ra với mọi người. Ta hãy bước vào đối thoại một cách đơn thành và tôn trọng. Nếu cuộc đối thoại này tiếp diễn trong tình bằng hữu đích thực, nó nhất định mang hoa trái. “Muôn dân” mà chúng ta được mời vuơn tới không phải chỉ là các nước khác trên thế giới. Chúng cũng là các phạm vi khác nhau của đời sống ta, như gia đình, cộng đoàn, noi học hành và làm việc, nhóm bằng hữu và những nơi ta sống những giờ rảnh rỗi. Việc hân hoan công bố Tin Mừng là nhằm tất cả các phạm vi của đời sống ta, không trừ phạm vi nào. 

Cha muốn nhấn mạnh tới hai phạm vi trong đó, việc dấn thân truyền giáo của các con càng trở nên cần thiết hơn. Các người trẻ yêu quí, phạm vi đầu tiên là lãnh vực truyền thông xã hội, nhất là thế giới liên mạng. Như cha từng nhắc ở một dịp khác: “Tôi yêu cầu anh chị em đem các giá trị mà anh chị em vốn dùng làm căn bản xây dựng đời sống vào nền văn hóa của môi trường truyền thông và kỹ thuật thông tin mới mẻ này. Đặc biệt, các người trẻ, những người hầu như tự phát gắn bó với các phương tiện truyền thông mới, có nhiệm vụ nhận trách nhiệm phúc âm hóa ‘lục địa kỹ thuật số’ này” (Thông Điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 43, 24 tháng 5, 2009). Hãy học cách sử dụng các phương tiện này một cách khôn ngoan. Nên ý thức được các nguy hiềm ẩn tàng của chúng, nhất là nguy cơ nghiện ngập, lẫn lộn thế giới thực với thế giới ảo, và thay thế các tiếp xúc và đối thoại trực tiếp và có tính bản thân bằng các giao tiếp trên liên mạng. 

Phạm vi thứ hai là phạm vi du lịch và di dân. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người trẻ đi du lịch, khi thì vì học hành và làm việc, khi thì để vui chơi. Cha cũng nghĩ tới các thời điểm di dân liên hệ đến cả hàng triệu người, thường rất trẻ. Họ tới các vùng hay quốc gia khác vì các lý do tài chánh hay xã hội. Cả ở đây, ta cũng tìm thấy dịp may đầy quan phòng để chia sẻ Tin Mừng. Các người trẻ thân mến, các con đừng sợ làm chứng cho đức tin của mình trong những khung cảnh như thế. Thật là một hồng phúc cho những người được các con gặp gỡ khi các con thông truyền cho họ niềm vui được gặp Chúa Kitô. 

5. Làm họ thành môn đệ! 

Cha nghĩ có lúc các con thấy khó có thể mời gọi người cùng thời cảm nhận đức tin. Các con từng thấy nhiều người trẻ, nhất là ở một thời điểm nào đó trong hành trình đời người, tuy muốn biết Chúa Kitô và sống các giá trị của Tin Mừng, nhưng lại cảm thấy không thỏa đáng và thiếu khả năng. Ta có thể làm gì được? Trước nhất, sự gần gũi và chứng tá của các con tự chúng sẽ là phương thế Thiên Chúa dùng để đánh động tâm hồn họ. Công bố Chúa Kitô không phải chỉ là chuyện nói năng, nhưng còn là điều gì đó có liên quan tới trọn đời sống ta và được diễn dịch thành dấu chỉ yêu thương. Chính tình yêu mà Chúa Kitô đổ vào tâm hồn ta làm ta thành các nhà rao giang Tin Mừng. Thành thử, tình yêu của ta phải mỗi ngày mỗi trở nên giống tình yêu của chính Chúa Kitô hơn. Như người Samaritanô nhân hậu, ta nên luôn sẵn sàng lưu tâm tới những người ta gặp gỡ, lắng nghe, hiểu biết và giúp đỡ. Bằng cách đó, ta mới có thể dẫn những người đang tìm kiếm chân lý và ý nghĩa trong đời tới nhà Chúa là Giáo Hội, nơi có hy vọng và cứu rỗi (xem Lc 10:29-37). Các bạn thân mến, đừng bao giờ quên rằng hành vi yêu thương đầu tiên mà các con có thể làm được cho người khác là chia sẻ nguồn hy vọng của chúng ta. Nếu ta không cho họ Thiên Chúa, là ta cho họ quá ít đấy! Chúa Giêsu truyền dạy các Tông Đồ rằng: “Hãy ra đi và làm muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20). Phương thế chính để “làm muôn dân thành môn đệ” là qua Phép Rửa và giáo lý. Nghĩa là dẫn những người được ta phúc âm hóa tới chỗ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống, trước hết trong lời Người nói và trong các bí tích. Nhờ cách này, họ sẽ tin vào Người, tiến tới chỗ biết Thiên Chúa và sống trong ơn thánh của Người. Cha muốn mỗi người các con tự hỏi mình: Có bao giờ tôi can đảm đề xuất Phép Rửa cho những người trẻ chưa lãnh nhận nó chưa? Có bao giờ tôi mời ai lên đường làm cuộc hành trình khám phá đức tin Kitô Giáo chưa? Các bạn thân mến, đừng sợ gợi ý để những người cùng trang cùng lứa như các con gặp gỡ Chúa Kitô. Các con hãy xin Chúa Thánh Thần giúp các con. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho các con cách biết và yêu mến Chúa Kitô trọn vẹn hơn, và có óc sáng tạo trong việc truyền bá Tin Mừng. 

6. Vững mạnh trong Đức Tin 

Khi đối diện với các khó khăn trong sứ mệnh phúc âm hóa, có thể các con bị cám dỗ muốn nói rằng: “Ôi lạy Chúa, con đâu biết ăn nói ra sao, vì con chỉ là một thằng nhãi”. Nhưng Chúa bảo: “Đừng nói ‘con chỉ là một thằng nhãi’; vì con sẽ tới với mọi người Ta sai con tới” (Jer 1:6-7). Khi thấy mình thiếu thỏa đáng, thiếu khả năng và yếu đuối trong việc công bố và làm chứng cho đức tin, các con đừng sợ. Phúc âm hóa không phải là sáng kiến của riêng ta, và nó không tùy thuộc tài cán của riêng ta. Nó là lời đáp trả một cách trung thành và vâng phục đối với lời mời gọi của Thiên Chúa và do đó, nó không dựa vào sức mạnh của ta mà vào sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô biết điều này nhờ kinh nghiệm của chính ngài: “Nhưng chúng ta có được kho báu này trong chiếc hộp đất, để chứng tỏ rằng quyền năng siêu việt thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về ta” (2 Cor 4:7).

Vì lý do trên, phúc âm hóa phát sinh từ cầu nguyện và được nâng đỡ nhờ cầu nguyện. Trước hết, ta phải nói với Thiên Chúa để có khả năng nói về Người. Trong cầu nguyện, ta phó thác những người ta được sai tới cho Chúa, xin Người đụng tới trái tim họ. Ta xin Chúa Thánh Thần biến ta thành khí cụ của Người để cứu rỗi họ. Ta xin Chúa Kitô đặt lời lẽ Người vào môi miệng ta và biến ta thành dấu chỉ tình yêu của Người. Một cách tổng quát hơn, ta cầu cho việc truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, như chính Chúa Giêsu đã minh nhiên dạy ta: “Bởi thế, hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ gặt tới vụ gặt của Người” (Mt 9:38). Các con hãy tìm nơi Thánh Thể giếng khơi của đời sống đức tin và chứng tá Kitô Giáo, thường xuyên tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật và bất cứ lúc nào trong tuần khi các con có thể. Hãy thường xuyên tới gần bí tích Hòa Giải. Đó là một gặp gỡ rất đặc biệt với lòng từ nhân của Thiên Chúa trong đó, Người chào đón ta, tha thứ cho ta và đổi mới tâm hồn ta trong đức ái. Hãy cố gắng lãnh nhận bí tích Thêm Sức nếu các con chưa lãnh nhận, và chuẩn bị lãnh nhận bí tích này cách cẩn thận và đầy cam kết. Giống Phép Thánh Thề, Phép Thêm Sức là bí tích sai đi, vì nó đem lại cho ta sức mạnh và tình yêu của Chúa Thánh Thần để tuyên xưng đức tin cách không sợ hãi. Cha cũng khuyến khích các con thực hành việc thờ lạy Thánh Thể. Thì giờ dành cho việc lắng nghe và chuyện vãn với Chúa Giêsu ngự trong Phép Cực Thánh trở nên nguồn cho hứng khởi truyền giáo mới. 

Nếu các con đi theo con đường này, chính Chúa Kitô sẽ ban cho các con khả năng hoàn toàn trung thành với lời của Người và làm chứng cho Người một cách trung thành và can đảm. Đôi khi, các con được mời gọi làm chứng cho dạ kiên trung của mình, nhất là lúc lời Chúa bị bác bỏ hay chống đối. Trong một số khu vực trên thế giới, một số các con đau khổ vì không thể làm chứng công khai cho đức tin của các con vào Chúa Kitô do việc thiếu tự do tôn giáo. Một số đã phải trả giá bằng chính mạng sống mình cho việc thuộc về Giáo Hội. Cha xin các con vững mạnh trong đức tin, tin tưởng rằng Chúa Kitô luôn ở bên các con trong mọi thử thách. Người cũng từng nói với các con rằng: “Phúc thay cho các con khi người sỉ vả và bách hại các con và vu khống đủ loại sấu xa chống lại các con vì danh Ta. Hãy hân hoan và vui mừng, vì phần thưởng của các con rất lớn ở trên trời”(Mt 5:11-12).

7. Với toàn thể Giáo Hội

Người trẻ thân mến, nếu các con muốn vững mạnh trong việc tuyên xưng đức tin Kitô Giáo tại bất cứ nơi nào các con được sai tới, các con cần có Giáo Hội. Không ai một mình có thể làm chứng cho Tin Mừng. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi để cùng truyền giáo với nhau. Người nói với các ngài ở số nhiều khi bảo rằng “các con hãy làm muôn dân thành môn đệ”. Việc làm chứng của ta luôn luôn được đưa ra trong tư cách thành viên của cộng đồng Kitô Giáo, và sứ vụ của chúng ta chỉ có hiệu quả nhờ hiệp thông sống động trong Giáo Hội. Chính nhờ sự hợp nhất và tình yêu của chúng ta đối với nhau mà người khác nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô (xem Ga 13:35). Cha đội ơn Chúa vì công trình phúc âm hóa tuyệt diệu do các cộng đồng Kitô Giáo, các giáo xứ và phong trào trong Giáo Hội thực hiện. Hoa trái của việc phúc âm hóa này thuộc về toàn thể Giáo Hội. Như chính Chúa Giêsu từng phán: “Người gieo kẻ gặt” (Ga 4:37). 

Ở đây, Cha không thể không bày tỏ lòng biết ơn đối với công phúc lớn lao của các nhà truyền giáo, những người hiến cả đời mình cho việc công bố Tin Mừng tới tận cùng thế giới. Cha cũng cám ơn Chúa vì các linh mục và các vị tu trì, những người hiến trọn đời mình để Chúa Giêsu Kitô được công bố và yêu thương. Ở đây, cha muốn khuyến khích các người trẻ được Chúa kêu mời dấn thân một cách phấn khởi cho các ơn gọi này: “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20:35). Với những người bỏ mọi sự theo Người, Chúa Giêsu hứa ban cho gấp trăm và ngoài ra còn cả sự sống đời đời nữa (xem Mt 19:29). 

Cha cũng cảm tạ vì tất cả các giáo dân nam nữ đã cố gắng hết sức sống cuộc sống hằng ngày của họ như một cuộc truyền giáo, tại bất cứ nơi nào họ hiện diện, tại nhà hay tại nơi làm việc, để Chúa Kitô được yêu mến và phụng sự và để Nước Thiên Chúa lớn mạnh. Cha đặc biệt nghĩ tới tất cả những ai đang làm việc trong lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, chính trị và tài chánh, và trong nhiều lãnh vực khác của hình thức tông đồ giáo dân. Chúa Kitô cần sự dấn thân và làm chứng của các con. Đừng để việc gì, bất kể là khó khăn hay thiếu hiều biết, làm nản lòng các con, không để các con đem Tin Mừng của Chúa Kitô đến bất cứ nơi nào có sự hiện diện của các con. Mỗi người các con là một mẩu quí giá trong bức tranh ghép vĩ đại của phúc âm hóa. 

8. “Lạy Chúa, con đây!”

Cuối cùng, người trẻ thân mến, Cha muốn yêu cầu tất cả các con lắng nghe trong sâu thẳm tâm hồn lời Chúa Giêsu kêu gọi các con công bố Tin Mừng của Người. Như bức tượng vĩ đại Chúa Kitô Cứu Chuộc tại Rio de Janeiro đã chứng tỏ, trái tim Người luôn mở rộng yêu thương đối với mọi người và mỗi người, và đôi tay rộng mở của Người như muốn vươn tới tất cả. Chính các con hãy là trái tim và đôi tay của Chúa Giêsu! Hãy ra đi và làm chứng cho tình yêu của Người! Hãy là thế hệ các nhà truyền giáo mới, được thúc đẩy bởi tình yêu và sự cởi mở đối với mọi người! Hãy theo gương các nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội như Thánh Phanxicô Xavier và rất nhiều vị khác.

Lúc kết thúc Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid, cha có chúc lành cho một số các bạn trẻ của nhiều lục địa khác nhau đang sắp sửa lên đường đi truyền giáo. Họ đại diện tất cả những bạn trẻ nào đang mô phỏng lời tiên tri Isaia mà thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con đây. Xin hãy sai con đi!” (Is 6:8). Giáo Hội tin tưởng nơi các con và Giáo Hội cám ơn các con vì niềm vui và nghị lực do các con đóng góp.

Các con hãy đại lượng sử dụng các tài năng của mình đẻ phục vụ việc công bố Tin Mừng! Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần được ban cho những ai biết mở lòng mình ra cho việc công bố này. Và các con đừng sợ: Chúa Giêsu, Cứu Chúa của thế giới, luôn ở với chúng ta hàng ngày cho tới tận cùng thời gian (xem Mt 28:20).

Lời mời gọi này, lời mời gọi cha ngỏ với giới trẻ toàn thế giới, có một vang dội đặc biệt đối với các con, hỡi các người trẻ quí yêu của Châu Mỹ La Tinh! Trong Hội Nghị Toàn Thể lần thứ năm của các giám mục Châu Mỹ La Tinh tại Aparecida năm 2007, các giám mục đã phát động cuộc “truyền giáo lục địa”. Người trẻ tạo thành nhóm dân đông nhất của Nam Mỹ và họ là tài nguyên quan trọng và quí giá của Giáo Hội và của xã hội. Các con hãy lên tuyến đầu của các nhà truyền giáo! Giờ đây khi Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang trở về với Châu Mỹ La Tinh, cha yêu cầu các con, các người trẻ của lục địa, hãy thông truyền niềm phấn khởi đức tin của các con cho người cùng thời đến từ mọi châu lục! 

Xin Đức Mẹ, Sao sáng của Tân Phúc Âm Hóa, Đấng mà chúng ta cũng kêu cầu dưới các danh hiệu Đức Mẹ Aparecida và Đức Mẹ Guadalupe, đồng hành với mỗi người các con trong sứ vụ làm chứng cho tình yêu Chúa của các con. Với tình âu yếm đặc biệt, cha ban phép lành Tông Tòa cho tất cả các con. 

Vũ Văn An (16/05/2013)

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW