Những người mơ về một Công đồng Vatican III
Leonardo Boff, cựu tu sĩ Dòng Phanxicô, người đại diện hàng đầu cho Phong trào Thần học Giải phóng – hoặc những gì còn sót lại của phong trào này – đơn giản chỉ là người mới nhất trong danh sách các cá nhân yêu cầu một Công đồng Vatican III sẽ được tiến hành.
Ông đưa ra yêu cầu này trong bài viết “Các loại quy định trong Công đồng Vatican II không còn thích hợp đầy đủ với thực tế hiện nay”, được đăng trên nhật báo Jornal do Brasil của Brazil, nhân kỷ niệm 50 năm Đức Gioan XXIII qua đời.
Theo Boff, cần có một Công đồng mới đại diện cho mọi thành phần Kitô giáo và nó phải “xác định cách thức chúng ta có thể làm việc cùng nhau để tạo ra nhận thức mới về sự tôn trọng, thờ phượng và bảo vệ tất cả các hệ sinh thái”.
Điều thú vị là, người ta đã nghĩ đến một Vatican III trong suốt 36 năm qua. Ý tưởng này dấy lên lần đầu tiên vào mùa hè năm 1977, tại một cuộc họp của các nhà thần học do tạp chí Concilium tổ chức tại Đại học Notre Dame của Hoa Kỳ.
Nhà thần học Thuỵ Sĩ Hans Küng, nhà thần học Hà Lan Edward Schillebeeckx và các nhà thần học người Ý Giuseppe Alberigo và Rosino Gibellini nằm trong số những người tham dự.
Cuộc gặp gỡ giữa các nhà thần học và các nhà thần học giải phóng đặt mục tiêu cho một Công đồng trong tương lai: rằng Giáo hoàng sẽ từ chức ở tuổi 75, rằng Thượng Hội đồng Giám mục sẽ không còn hoạt động như một ban cố vấn nhưng là một cơ chế thảo luận, rằng sự độc thân của linh mục sẽ được bãi bỏ và rằng phụ nữ sẽ được hưởng bình đẳng trong đời sống Giáo Hội, bao gồm quyền được thụ phong linh mục.
Nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng đề xuất này chỉ mới được đưa ra bây giờ và một lần nữa bởi những người cấp tiến, là những người có ý định đẩy mạnh cải cách.
Thật ngạc nhiên, trong khoảng đầu những năm 1990, một số giới bảo thủ trung thành với ĐTC Gioan Phaolô II đã đưa các ý tưởng ấy vào bàn hội nghị. Nhà sử học người Anh Paul Johnson đề nghị phải tổ chức một Công đồng mới, theo một bài báo đăng trong nguyệt san Catholic World Report của Mỹ.
Nhà triết học Ý Rocco Buttiglione một người bạn và cộng tác viên của Đức Gioan Phaolô II, nhắc lại ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn, trong đó ông đề cập đến việc chuẩn bị “tài liệu cho một Công đồng tuyệt vời khác”.
Một nhân vật thiết tha với ý tưởng này là Đức cha Kurt Krenn, một Giám mục người Áo cực kỳ bảo thủ. Trong những mục tiêu nhắm đến một Công đồng Vatican III tiềm năng, ước mơ được nuôi dưỡng bởi những người ủng hộ chính thống nhất của ĐTC Gioan Phaolô II là hoàn toàn trái ngược với những mô tả của Kung hồi năm 1977.
Mục đích là tổ chức một Công đồng phục hồi nhằm đặt những người cấp tiến và chống đối trở lại dòng chính và ngăn chặn những nỗ lực do một số hội đồng giám mục thực hiện nhằm có thêm tầm ảnh hưởng.
Về cơ bản, những người ủng hộ Vatican III tin rằng mặc dù nỗ lực của Đức Gioan Phaolô II nhằm đưa ra sự thay đổi, Giáo hội Công giáo vẫn còn phải trải qua một thời kỳ lỏng lẻo và hỗn độn về giáo lý. Nhưng nguyện vọng của những người hoà giải bảo thủ đã gặp phải phản ứng lạnh nhạt từ Vatican. Đức Hồng y Joseph Ratzinger gán cho ý tưởng đó là “hoàn toàn quá sớm”.
Vị Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin lúc đó và là Giáo hoàng sau này đã làm tiêu tan tất cả sự mong đợi trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện hồi năm 1992: “Tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp. Thật quá sớm để tổ chức một Công đồng Vatican III bởi vì nó luôn là một cam kết lớn trong đó đời sống Giáo Hội bình thường hằng ngày phải ngừng lại trong một thời gian. Và điều này không thể diễn ra quá thường xuyên. Khi Thánh Basil được mời tham gia Công đồng Constantinople, ngài nói: “Không, tôi sẽ không tham dự một công đồng khác, bởi vì tất cả những gì các đồng này làm là tạo ra sự lẫn lộn.”
Đức Hồng y Carlo Maria Martini (ngày 31-8 tới đây là lễ giỗ một năm của ngài) đã đề cập đến nó một lần nữa tại Thượng Hội đồng vào năm 1999, lần này là từ quan điểm của một nhà cải cách. Vị Tổng Giám mục của Milan đưa ra đề nghị này của ngài như là một “giấc mơ”, nói rằng ngài hy vọng “các giám mục có thể đến với nhau và tổ chức một cuộc thảo luận rộng rãi sẽ giúp giải quyết” một số các vấn đề về giáo lý và kỷ luật trong Giáo Hội. ĐHY Martini đề nghị “một cơ cấu bình đẳng hơn và có thẩm quyền” bao gồm “tất cả các giám mục”. Ngài hy vọng rằng “cảm giác của sự hiệp thông và tính giám mục đoàn đã được trải nghiệm từ những vị tiền nhiệm của họ trong Công đồng Vatican II” có thể được lặp lại.
Một cơ hội để đối phó với các vấn đề như thiếu linh mục, vị trí của phụ nữ trong Giáo Hội, các Bộ, vấn đề tình dục, kỷ luật hôn nhân, ân giải và quan hệ đại kết, với sự tự do hoàn toàn. Đề nghị của ĐHY Martini đã không được thực hiện, một phần là do một năm trước đó, khi Thượng Hội đồng được tổ chức vào tháng 2-1998, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng “mùa Hè của Công đồng Vatican II vẫn chưa đến”.
Đề nghị của Đức Hồng y Martini được đưa ra 6 năm trước khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được bầu làm giáo hoàng và trước khi có bài phát biểu của ngài với Giáo triều Rôma vào tháng 12-2005, khi Đức tân Giáo hoàng nói rằng việc giải thích chính xác Công đồng Vatican II là việc “cải cách qua sự liên tục” chứ không phải “phân chia”.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chỉ trích cách giải thích tự do vốn tuyên bố những điều nào đó đã nói trong Công đồng trong khi thực tế không phải như vậy. Nhưng ngài cũng hy vọng xoa dịu cách giải thích của những người thuộc nhóm của GM. Lefebvre về Công đồng nhằm hướng đến một sự hoá giải với Huynh đoàn Thánh Piô X.
Hùng Nguyễn, emty 21-08-2013/ Vatican Insider 20-08-2013