Cuộc đời và sứ mạng Linh mục đứng trước thực tại tội lỗi
Kính thưa quý Cha thân mến,
Một lần nữa tôi lại có dịp được trao đổi đôi tâm tư với quí Cha là những người cộng tác và chia sẻ với tôi trách nhiệm mục tử trong giáo phận Xuân Lộc chúng ta. Đề tài của suy tư lần này là “Cuộc đời và sứ mệnh của Linh mục đứng trước thực tại tội lỗi”.
Lời mời gọi hối cải của Chúa và sứ mệnh của Giáo Hội
Trong hành trình cuộc đời, ai cũng có lúc phải đối diện với một thực tại làm nhức nhối tâm hồn: đó là tình trạng yếu đuối và tội lỗi. Thời đại nào cũng có hoàn cảnh tội lỗi và những con người tội lỗi, nhưng trong thế giới hôm nay, nhiều khi tội lỗi còn được nhiều người, nhiều phương tiện truyền thông quảng bá rộng rãi và rủ rê, khích lệ làm điều tội. Người ta cũng tìm cách ru ngủ lương tâm con người, biến tội lỗi thành đức tính. Thực tại tội lỗi trở thành một đám mây đen bao trùm môi trường sống, gây ra rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cá nhân và trong các liên hệ giữa các cá nhân và các nhóm người. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần phải làm vang lên lời mời gọi đầu tiên của Chúa Kitô khi Ngài bắt đầu cuộc đời công khai : “Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15).
Linh mục chúng ta là những người đầu tiên phải nhận lấy sứ vụ này của Giáo Hội và chúng ta có bổn phận phải nhắc nhở mọi thành phần Dân Chúa nhớ và cố gắng đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Các Kitô hữu được sinh ra cũng là những kẻ có tội như mọi ngươi, nhưng khác một điều là chân thành đón nhận lời mời gọi hối cải của Chúa Kitô : “Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”. Các Kitô hữu và ngay cả anh em linh mục chúng ta không phải đã là thánh khi được sinh ra, nhưng là những kẻ có tội, trông cậy vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, đang cố gắng thay đổi con người của mình để trở nên thánh. Đây là chứng tá đầu tiên các Kitô hữu và các cộng đoàn Kitô hữu phải dâng tặng cho thế giới. Dĩ nhiên, trong cộng đoàn các môn đệ của Chúa Kitô, anh em linh mục chúng ta phải là những người dẫn đầu trên hành trình hối cải này. Đó là chứng tá của những kẻ có tội đang vươn mình lên để nên thánh và mời gọi tất cả thế giới cùng đi vào hành trình đó để tìm lại được niềm vui và sức sống.
Sứ điệp kêu gọi hối cải có thể đi vào lòng người và có tính cách thuyết phục khi nó không phải là một lời kêu gọi suông, hay một lời trách móc, ta thán, nhưng là lời phát xuất từ lòng của một người đã vui mừng cảm nghiệm được ơn tha thứ và sự nâng đỡ của Chúa Kitô trước những yếu đuối và lỡ lầm của chính mính. Do đó, để kêu gọi hối cải, chính mình phải đi vào hành trình hối cải.
Thái độ trước những dịp tội
Người ta thường ghét bỏ tội lỗi nơi người khác và có khi còn chửi bới, rêu rao sai lầm của những người đó. Còn đối với tội lỗi của chính mình, người ta lại nhắm mắt làm ngơ, coi như không có gì, và còn tìm lý lẽ để chống chế và biện minh cho chính mình, hoặc sau khi đã cố gắng mà không được thì buông xuôi chạy theo sức quyển rũ của tội lỗi.
Trong bài giảng ngày 2 tháng 7 năm 2013, dựa vào các bài Sách Thánh theo phụng vụ (St 19,15-29 ; Mt 8,23-27), Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi phải “chạy trốn” và đó là can đảm trong sự yếu đuối. Đó chính là lời của Thiên sứ nói cho ông Lot và gia đình ông : “Hãy chạy trốn ngay. Ngươi không thể chống chọi được sức mạnh của núi lửa. Nó sẽ thiêu rụi ngươi”.
Dựa vào bài sách Sáng Thế (St 19,15-29), Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân tích ra hai thái độ. Thái độ thứ nhất là chần chừ. Đây là thái độ của ông Lot không chịu đi ngay. Dính bén với tội lỗi, không quyết định dứt khoát. Thái độ thứ hai là thái độ của bà vợ: quay lại nhìn ! Đây là thái độ tiếc nuối. Đã bỏ đi, nhưng lòng vẫn thèm khát. Có khác chi việc người ta ăn chay, kiêng thịt và lòng vẫn mơ ước, hay còn làm đồ giả cho đỡ thèm. Như vậy, người ta không những thèm khát mà còn nuôi dưỡng sự thèm khát trong lòng ! Đứng trước những quyến rũ và cạm bẫy của tội lỗi trong xã hội hôm nay, Đức Thánh Cha còn thêm vào yếu tố tò mò. Người ta tò mò, muốn thử, muốn biết. Nhưng một khi đã nhúng chân vào thì rút không ra !
Suy niệm bài sách Tin Mừng (Mt 8,23-27), Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra thêm hai thái độ nữa. Thái độ thứ ba là lo sợ. Các môn đệ chèo thuyền sang bên kia bờ biển hồ, có Chúa Giêsu trên thuyền. Bỗng nhiên, biển nổi sóng lớn, bao trùm cả con thuyền. Các môn đệ lo sợ, la hoảng ! Tội lỗi có một mãnh lực lớn lao, trong khi con người lại hết sức yếu đuối và mỏng dòn ! Do đó, người ta không chỉ phạm tội mà còn bất lực và xem ra không có khả năng không phạm tội ! Kinh nghiệm này, một phần nào, đã được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Roma : “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu : Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rom 7,15.19). Người ta lo sợ, buông xuôi và hết khả năng chiến đấu chống lại sức mạnh quyền rũ của tội lỗi. Thái độ thứ bốn là với lòng tin cậy, phó thác, kêu cầu Chúa : “Lạy Thầy, xin cứu chúng con ! Chúng con chết mất !”. Chúa chỉ nói một lời, biển yên lặng như tờ. Chỉ có sức mạnh thần linh của Chúa mới giữ chúng ta đứng vững và mới có khả năng kéo chúng ta ra khỏi sức quyển rũ của tội lỗi.
Tin tưởng chạy đến kêu cầu Chúa, nhưng lắm khi sóng vỗ con thuyền bập bềnh, mà xem ra Chúa vẫn ngủ. Chúa xem ra vẫn ngủ, nhưng có Chúa, con thuyền không chìm ! Cần phải trải qua kinh nghiệm của sự yếu đuối của mình mà không mất lòng tin tưởng vào lòng thương xót và sức mạnh của ơn thánh Chúa mới có được lòng xót thương và bao dung mà cảm thông với những con người đang gù lưng trước sức nặng của sự quyến rũ và mê hoặc của tội lỗi, đồng thời thông truyền cho họ niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa để vươn lên khỏi sức mạnh của sự tội.
Sứ mệnh tham dự chương trình cứu độ
Để cứu vớt nhân loại tội lỗi, Chúa Kitô đã xuống thế làm người, đã chia sẻ thân phận con người với mọi người, đã giảng dạy để soi sáng tâm trí, đã gần gũi, chữa lành các bệnh nhân, đã tỏ uy quyền xua đuổi qủy dữ… Tất cả là tốt và quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ. Sau cùng, Chúa Giêsu đã chấp nhận đau khổ trong Tuần Thương Khó với cái chết nhục nhã trên Thánh Giá.
Sứ mệnh tham dự thiên chức Linh mục của Chúa Kitô đòi một bước đắt giá mà thánh Phaolô gọi là sự điên rồ của tình yêu Thánh Giá. Chấp nhận chịu đau khổ để cứu vớt kẻ có tội. Khi hiện ra ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã nói với em bé Bernadette : “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc ở đời sau kia. Còn ở đời này, con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho các kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại không ?” Em bé Bernadette đã chấp nhận và sau đó, tất cả cuộc đời của em đã trải qua trong đau khổ của sự khinh thường và của cơn bệnh cho đến chết.
Kính thưa quí Cha,
Tôi xin cám ơn quí Cha đã lắng nghe đôi tâm tư phát xuất từ lòng tôi. Xin Chúa chúc lành cho quí Cha, xin Đức Mẹ che chở quí Cha và xin quí Cha cũng cầu nguyện cho tôi, cho Đức Cha Phụ tá và Đức Ông – Tổng Đại Diện.
Với lòng quí mến, xin kính chào quí Cha.
Đaminh Nguyễn Chu Trinh – Gm. Giáo phận Xuân Lộc
Trích: "Tĩnh tâm Linh mục Xuân Lộc tháng 09"