Lễ dâng Đức Maria vào Đền Thánh

19-09-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Lễ dâng Đức Maria vào Đền Thánh by

Sau khi tìm hiểu lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, hôm nay chúng ta tìm hiểu lễ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh.

Ngoài việc cử hành một giai thoại trong cuộc đời của Đức Maria, lễ nhớ Dâng Đức Trinh Nữ Maria vào Đền Thờ Giêrusalem ngày 21 tháng 11 cũng muốn cử hành tất cả thời gian từ khi Đức Maria sinh ra cho tới khi đính hôn với thánh Giuse và biến cố Truyền Tin. Khi cử hành lễ này, Giáo Hội có ý soi sáng, trong mức độ có thể, sự thinh lặng ghi đậm giai đoạn đầu trong cuộc sống của Đức Maria. Để làm điều này cần phải sử dụng tài liệu mạo thư Phúc Âm thánh Giacôbê, hay tác phẩm ”Phúc Âm như đã được mạc khải cho tôi” của bà Maria Valtorta, gồm 10 cuốn, đã được đưa lên trang mạng tongdomucvusuckhoe.net. Việc sử dụng các nguồn tài liệu mạo thư hữu ích, vì chúng chiếu sáng trên các khác biệt hiện hữu giữa các truyền thống khác nhau trong Giáo Hội liên quan tới giai thoại này và việc phò hay chống đối với lễ này trong qúa khứ, nhất là bên Tây Phương. Trong khi trong Giáo Hội Latinh lễ này chỉ giản lược thành lễ nhớ, trong Giáo Hội Đông Phương lễ lại chiếm một chỗ quan trọng lớn hơn đối với hai lễ liên quan tới thời thơ ấu của Đức Maria, nghĩa là lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ Sinh Nhật Đức Mẹ.

Đối với Giáo Hội Bisantin, lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thờ là thành phần của chu kỳ 12 lễ lớn trong năm phụng vụ, gọi là ”Dodecaorton” và cho tới nay vẫn được coi là lễ buộc. Theo các sách phụng vụ khác nhau của Giáo Hội Bisantin, lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thờ được gọi là lễ ”Eisodos” xuất hành hay lễ ”Vào Đền Thờ của Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa”, và được anh em Hy lạp coi là lễ bậc nhì, và anh em Slaves coi là lễ bậc nhất. Việc cử hành kéo dài 6 ngày và được chia ra như sau: ngày 20 tháng 11 là ngày “proeortía” áp lễ hay ngày canh thức; từ 22 tới 25 tháng 11 là các ngày ”meteortía” hay sau lễ; ngày cuối cùng là ”apódosis” ngày lễ kết thúc. Việc giảm từ 8 ngày xuống còn 4 ngày là do thời gian chay tịnh chuẩn bị lễ Giáng Sinh, bắt đầu ngày 15 tháng 11.

Tầm quan trọng của ngày lễ bên Đông Phương cũng còn được nêu bật bởi các văn bản của lễ nữa. Lễ gồm 3 bài đọc cựu ước trong Kinh Chiều, một văn bản Phúc Âm ban sáng, và dĩ nhiên là có thánh thư và tin mừng và rất nhiều thánh thi giữa các loại: stichirà, Idiomeli, canoni vv… tổng cộng có tới 220 đoạn tất cả. Ngoài ra lễ còn khơi dậy nhiều sáng tác văn chương: Thư viện thánh bút hy lạp ghi nhận không dưới 40 bài giảng thuộc thời các giáo phụ và thời Bisantin, và khoảng một nửa cho đến nay vẫn chưa được in ấn. Tất cả những điều kể trên cho chúng ta một ý niệm liên quan tới tính cách bình dân của ngày lễ, và nó tiếp tục được Giáo Hội Bisantin cử hành với cùng tính cách ấy.

Sau cùng cần ghi nhận rằng ngày lễ cũng hiện diện trong các lịch phụng vụ của các Giáo Hội Đông Phương khác, trừ Giáo Hội Nestorio hay Siro đông phương. Nhưng trong khi ngày lễ có các bài đọc đầy đủ và phong phú trong Giáo Hội Siro tây phương hay Giacobít, thì trong Giáo Hội Armeni xem ra ngày lễ mới được đưa vào sau này, và chỉ được nhắc đến trong lịch phụng vụ. Giáo Hội Maronít cũng cử hành lễ trong cùng ngày 21 tháng 11, nhưng quy chiếu lễ ”Chung của Đức Trinh Nữ Rất Thánh”, chứ không có văn bản riêng. Đối với Giáo Hội Copte Ai Cập lễ rất được đề cao, được nhắc tới trong mọi sách phụng vụ, nhưng ngày mừng lễ ngày thứ 3 Kiakh, tương đương với ngày 12 tháng 12 của lịch Gregoriano, và 29 tháng 11 của lich Giuliano. Cả trong Giáo Hội Abissina ngày lễ cũng chiếm địa vị quan trọng gọi là lễ “Baâta” hay ”Đi vào” và được mừng ngày mùng 3 Tahsas, tương đương với ngày 29 tháng 11. Sự khác biệt ngày mừng lễ là vì các lịch phụng vụ đặc biệt của các Giáo Hội Abissina và Copte.

Sau đây là lịch sử ngày lễ. Lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh nảy sinh bên Đông Phương, rồi mãi sau này mới lan sang Tây Phương. Bên Đông Phương ngày lễ bắt nguồn từ Giêrusalem, kỷ niệm biến cố tại chính các nơi thánh nguồn gốc. Tài liệu đến với chúng ta không cho phép làm sáng tỏ thời gian khởi đầu của ngày lễ. Tài liệu thứ nhất được biết tới quy chiếu về việc dâng kính một nhà thờ, do hoàng đế Giustiniano (527-565) cho xây ngày 22 tháng 11 năm 543 gần Đền Thờ. Sử gia Procopio của hoàng đế đã để lại một miêu tả chi tiết nhà thờ và các vất vả mà các nhà kiến trúc phải gánh chịu trong việc định vị trí cho nhà thờ. Các đào bới khảo cổ đã cho phép xác định chiều kích ngôi nhà thờ dài 85 mét rộng 65 mét, với nhà trọ cho khách, các phòng ốc khác và khu vực này đã là một trong các xây cất đáng kính nể nhất thời Bisantin tại Palestina. Nhưng năm 614 nhà thờ bị người Hồi phá hủy, và một phần lớn chất liệu được dùng để xây các đền thờ hồi giáo trên chỗ của Đền Thờ Giêrusalem xưa kia đã bị phá hủy như còn thấy ngày nay.

Sử gia Procopio kể lại như sau: “Tại Giêrusalem hoàng đế Giustiniano thánh hiến cho Đức Trinh Nữ một đền thánh chưa từng có, mà những người địa phương gọi là ”Nhà Thờ Mới”. Từ mới dùng để phân biệt nhà thờ này với nhà thờ đã có trước kia, nằm ở phía đối diện gần Hồ Bếtdatha kính nhớ sinh nhật Đức Maria trong nhà của thánh nữ Anna, thân mẫu Người. Nơi chốn xem ra không phải là tình cờ, bởi vì nhà thờ được xây trên vài nơi thuộc đền thờ, nơi người ta cho rằng Đức Maria đã sống giữa thời gian dâng mình vào Đền Thánh và lễ nghi đính hôn sau đó với ông Giuse.

Sau ngày thánh hiến Nhà Thờ Mới lễ này xem ra đã duy trì trong một thời gian tính cách địa phương hạn chế, và có nguy cơ bị lãng quên, sau khi đền thờ bị người Hồi phá hủy. Đây là lý do giải thích tại sao sách Kanonario

Georgiano thường phản ánh trung thực các thói quen địa phương tại Giêrusalem hồi thế kỷ thứ VII lại không nhắc gì tới lễ, và tại sao thánh Gioan Damasceno qua đời năm 749 lại đã không giảng bài náo về lễ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thờ, mà chỉ hạn chế nhắc tới giai thoại sinh nhật Đức Maria trong một bài giảng (PG 96,672) và trong bài giảng thứ nhất về biến cố Đức Mẹ ngủ (PG 96,708). Nó cũng cắt nghĩa tại sao thánh Giáo Hoàng Sergio I (687-701) đã khiến cho các lễ Thanh Tẩy, Truyền Tin, Ngủ và Sinh Nhật của Đức Mẹ được cử hành một cách trong thể hơn, mà đã lại không làm như thế với lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thờ.

Giáo Hội tại Costantinopoli đã cử hành lễ này khi nào? Romano il Melode sống tại Costantinopoli vào thời hoàng đế Giustiniano, cử hành biến cố dâng Đức Maria vào Đền Thánh cùng với ngày sinh trong một thánh thi gồm 11 phiên khúc. Sự kiện này chứng minh cho thấy biến cố dâng Đức Maria vào Đền Thờ đã được cử hành cùng với lễ Sinh Nhật của Người, được coi là biến cố quan trọng hơn. Việc xác nhận rõ ràng đầu tiên của ngày lễ riêng này đến từ thánh Germano, thượng phụ thành Costantinopoli trong các năm 715- 730, với ít nhất hai bài giảng (PG 98,291-320). Năm 1170 khi chú giải tác phẩm Nomocanone của Fozio và quy chiếu Simeone Metafrasta, Teodoro Balsamone là người đã xác nhận sự nghiêm chỉnh của tin tức này, đồng ý thiết lập rằng theo truyền thống lễ

Dâng Đức Maria vào Đền Thờ đã được thành lâp tại Costantinopoli năm 730.

Từ đó xem ra lễ đã được phổ biến một cách nhanh chóng. Nó được nhắc tới trong Lịch palestino-georgiano thuộc thế kỷ thứ X. Các tượng ảnh thánh đặc biệt của vùng Tiểu Á, nhất là tại Capadocia, chứng minh cho thấy lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh được mừng kính trong vùng ngay từ thế kỷ thứ IX. Lễ cũng hiện diện trong tác phẩm Monologio của Basilio II và trong nhiều sách bài đọc khác. Năm 1166 Hiến chế của Manuele I Comeno chỉ định lễ thuộc lễ bậc nhất (PG 133,756). Sau này Giorgio Codino ( 1450), kể nó trong số các lễ phải được cử hành một cách trọng thể (PG 157, 25-122).

Liên quan tới các bài giảng về lễ chúng ta có một nền văn chương thuyết giảng phong phú. Có thể tìm thấy chúng trong bút tích của các giáo phụ như Gregorio Nisseno ( 394), Gregorio Nazianzeno ( 390), Giovanni Crisostomo ( 407), Epifanio (+ 403) vv… Nhưng ngoài chuyện chắc chắn là không trung thực, các bút tích này hạn chế trong việc nhắc tới giai thoại dâng Đức Maria vào Đền Thờ, nhưng không nói tới lễ mừng. Các tài liệu copte được gán cho Cirillo thành Giêrusalem và Demetrio thành Antiokia, cũng thế. Tài liệu đích thực đầu tiên bắt nguồn từ thánh Germano thành Costantinopoli như đã nói trên đây. Ít nhất có ba bài giáng được gán cho Andrea đảo Creta (+ 740). Sau đây là các vị đã cử hành lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh hồi thế kỷ thứ IX: Tarasio, Thượng phụ thành Costantinopoli (+ 806; PG 98,1481-1500), Basilio thành Filippi, và Giorgio thành Nicomedia là người đã để lại ít nhất ba bài giảng lễ (PG 100,1401-1456) và có lẽ đã tổ chức các bài đọc của ngày lễ.

Vào thế kỷ thứ X người ta thấy có các bài giảng của Pietro thành Argo, Leone VI Người Khôn Ngoan (PG 107,129-144). Trong thế kỷ XI có các vị khác như Michele Psellos (+ 1079), Giacomo Moncao (PG 127,600-633) và Teofilatto di Ocrida (Pg 126,129-144). Trong thế kỷ XII có một bài giảng của Teodoro Prodromo (PG 133,1177-1178), một bai giảng và hai bài giáo lý của Neofito Il Recluso (1134-1220). Trong thế kỷ XIV có nhiều bài giảng của Giovanni Gabras (+ 1330), Gregorio Palamas (+ 1359), Antonio thành Larissa (+ 1360), Niceforo Tổng Giám Mục Rodi (+ 1370), Isidoro Glabas Tổng Giám Mục Tessalonica (PG 139,40-72). Cũng không thiếu các bài giảng sau biến cố thành Costantinopoli sụp dổ, còn thêm rất nhiều bài giảng khác của tác giả hy lạp, nga và của những vị khác thuộc các Giáo Hội hy lạp hay các Giáo Hội khác.

Mẹ Maria 378

Linh Tiến Khải

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW