Chúa Nhật XXV Thường Niên – C- (22.09.2013)
Am 8,4-7; Tv 113; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13
Lm. Jude Siciliano, O.P.
THẾ NÀO LÀ “CON CÁI SỰ SÁNG” ?
Kính thưa quý vị,
“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?” Thế quý vị có muốn làm nạn nhân của câu hỏi buộc tội đó hay không? Quý vị chỉ biết rằng những gì đang xảy đến không phải là: “Quý vị đã làm những điều phi thường trong đời mình, và giờ đây tôi muốn trao cho quý vị một phần thưởng lớn lao.” Chẳng có cơ hội đó đâu!
Dụ ngôn ngày hôm nay có những yếu tố khó hiểu đối với chúng ta là những thính giả thời hiện đại. Theo quan điểm mới đây của các ủy viên quản trị Phố Wall được gởi đến nhà tù dành cho những nhà đầu tư gian lận thì đặt ra nghi vấn rằng, tại sao người quản lý lại không bị bắt giữ ngay khi tội của ông ta bị phát hiện? Sự im lặng của ông quản lý đã tiết lộ rằng ông có tội. Ông biết được tình thế khó khăn sau khi mình thôi chức vụ: ông phải làm nghề gì đây khi bị sa thải vì bất lương? Ăn mày ư? Cuốc đất sao? Ông không làm được những việc đó. Ông hoang mang và suy nghĩ về việc một quản lý tài sản phải bị sa thải mà không một chút hy vọng được trợ cấp.
Các nhà chú giải bất đồng về cách hiểu dụ ngôn này. Theo đó, bối cảnh được đặt ra trong dụ ngôn này là gì? “Dụ ngôn thất lạc và tìm thấy” của tuần trước là câu trả lời mà Đức Giêsu đã đưa ra cho những người Pharisêu và các kinh sư, vì họ đã phàn nàn về việc Đức Giêsu thường giao du với những người tội lỗi. Nhưng dụ ngôn ngày hôm nay dường như không có một bối cảnh nào nhằm gợi mở ý tưởng như thế. Vì vậy, những câu hỏi khác lại được nêu lên. Tại sao ông chủ lại khen ngợi người quản lý bất lương? Người đưa ra lời khen ngợi đó liệu có phải là ông chủ của tài sản hay không? Hoặc ông chủ ở đây chính là Đức Giêsu chăng?
Một vài bối cảnh giúp chúng ta hiểu được dụ ngôn này. Theo phong tục đương thời, người giàu có là một ông chủ thường xuyên vắng mặt nơi đồn điền, và ông có một người quản lý để trông coi những công việc thường ngày nơi đó. Vì thế, người quản lý có thể hành xử dưới danh nghĩa của ông chủ. Chiếu theo truyền thống này, người quản lý có thể lấy tài sản của chủ mình mà cho người khác vay mượn, nhờ chức vụ của mình mà người quản lý được thêm vào phần huê hồng khi đứng ra cho người khác vay. Người quản lý sẽ giữ phận vụ của mình, còn quyền đứng đầu thuộc về ông chủ. Vì thế, chính phận vụ của mình mà người quản lý bị thất sủng do những con nợ vay mượn tài sản.
Như chúng ta nghe dụ ngôn được kể, nếu có điều gì đó xảy ra như chúng ta mong đợi, thì người quản lý bị phơi bày điều bất chính sẽ chịu đau khổ với hình phạt thích đáng. Nhưng đó không phải là cách thức mà những dụ ngôn nhắm tới. Các dụ ngôn đôi khi làm chúng ta rối rắm lên. Theo đó, trong các dụ ngôn, có những điều không diễn ra theo cách thức chúng ta nghĩ. Và vì thế, khi nghe dụ ngôn này, chúng ta có những câu hỏi đặt ra.
Làm sao Đức Giêsu có thể đưa ra cách ứng xử không hợp lý như thế đối với các môn đệ của Người? Thật vậy, nếu người quản lý bị sa thải chức vụ mà biết lo liệu tương lai của mình một khi ông chủ cho thôi việc, thì quả thật đó là một kế hoạch khôn khéo. Đức Giêsu không khen ngợi sự gian lận của ông quản lý, nhưng Người khen ngợi tính sắc sảo của ông. Người quản lý phù hợp với hình ảnh được mô tả mà Đức Giêsu gọi là “con cái của thế gian.” Họ biết cách định liệu một tình thế và nhanh chống hành động sao cho thuận tiện thuộc về mình.
Thách đố mà Đức Giêsu đưa ra là ám chỉ chúng ta, những người mang danh “con cái sự sáng.” Ông quản lý đã dùng sự khéo léo của mình và những nguồn của cải vật chất để cứu nguy cho chính mình. Trước đó, ông có thể bị buộc tội là đã phung phí tài sản của chủ mình, nhưng bây giờ, chúng ta có thể ngưỡng mộ tài biến báo của ông. Chúng ta cần tài năng của ông để định liệu tình thế của mình trong thế giới chúng ta đang sống; chúng ta cũng cần tài năng của ông để quyết định của cải vật chất cá nhân và rồi ứng xử sao cho phù hợp. Người quản lý này không phải tốn nhiều thời gian để bắt tay vào hành động. Có những điều phải thực hiện ngay và do đó, ông ta luôn bận rộn. Qua dụ ngôn kinh ngạc này, phải chăng Đức Giêsu đang thử thách chúng ta là “con cái sự sáng”, liệu chúng ta có biết sáng kiến, biết xoay xở và biết hành động nhanh chóng nhờ vào ánh sáng hay không?
Tôi nhận thấy rằng nếu người giảng thuyết không chờ đợi đến phút cuối khi bắt đầu chuẩn bị bài giảng, nhưng lại chọn một tiến trình sáng tạo bằng cách dành thời gian cầu nguyện, suy tư và thinh lặng, thì có điều gì đó sẽ xảy đến “hoàn toàn bất ngờ”, tựa như một ân sủng cho người giảng thuyết vậy. Đó là những gì đã xảy ra với bài đọc ngày hôm nay. Tôi lấy một ví dụ cho “con cái sự sáng,” có người đã biểu lộ những phẩm chất mà Đức Giêsu khen ngợi nơi người quản lý, đó là hành động và suy nghĩ nhanh chóng, vì thế người ta đã sử dụng những phẩm chất này để làm điều thiện. Đó chính là người thuộc “con cái sự sáng.” Khi nghe chương trình Truyền Thanh Công Chúng (Public Radio), mục “Nhân Loại” (Humankind), tôi mới biết được mình đang chờ đợi điều gì.
Cô Kathleen De Chiara sống ở thành phố Summit, thuộc bang New Jersey, đây là một ngoại ô khá giả cách 20 dặm về phía Tây của Thành phố New York. Chồng cô ta làm chủ một cơ sở kinh doanh. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, chị của cô ta là một nữ tu truyền giáo ở Bangladesh, đã kể cho cô nghe về điều kiện thiếu thốn lương thực ở đó. Cô ta và người chồng đã quyết định năm đó không trao quà Giáng Sinh cho nhau nữa, nhưng đã gởi tiền cho chị mình. Kế đó, cô Kathleen đã tham gia chương trình cứu trợ thế giới. Cô Kathleen đã nói rằng “Nhưng khi tôi nhìn xuống chân tôi, nơi tôi đang đứng, và tôi bắt đầu thấy những khó khăn của tất cả những người đói khổ xung quanh tôi.” Những thống kê đưa ra số liệu rất ảm đạm, đó là: 50 triệu người dân Mỹ sống trong “những gia đình bấp bênh về lương thực,” nhiều người thuộc diện lao động nghèo. 17 triệu trẻ em Mỹ thiếu lương thực.
Cô Kathleen đã nghe cha xứ mình giảng về việc kiêng thịt hai lần trong tuần và dâng tặng tiền tiết kiệm cho người đói khổ. Khi đó cô ta mới hỏi ngài xem thử mình có được phép quyên góp lương thực tại cửa nhà thờ vào những buổi lễ ngày Chúa Nhật hay không. Lúc đó cha xứ trả lời đồng ý, và ngài hỏi lại cô ta thế con xin lương thực cho ai. Cô ta mới trả lời: “Con không biết, nhưng con sẽ hình dung ra được.” Tất nhiên cô ta biết mình sẽ xin lương thực cho ai rồi, vì cô ta là con cái của sự sáng, khôn ngoan và dám nghĩ dám làm.
Cô Kathleen Di Chiara nhìn thấy những người đói khổ và nói: “Tôi có thể làm được một điều gì đó.” Người đứng đầu của mục “Nhân loại” trên đài phát thanh công chúng là David Freudberg đã mô tả những thành tích của Kathleen như sau: “Với tấm lòng vì cộng đồng xã hội, người phụ nữ thật quả cảm này có thể thay đổi cả thế giới.” Cách mô tả của người đứng đầu chương trình về cô Kathleen là “một phụ nữ quả cảm.” Điều đó thật chí lý. Nhưng trong những thuật ngữ của Tin mừng ngày hôm nay, Đức Giêsu gọi cô ta là “con cái sự sáng.”
Vậy vì điều gì mà Đức Giêsu gọi chúng ta là “con cái sự sáng”?
Không như người quản lý trong Tin mừng được khen ngợi vì khôn ngoan, người kinh doanh thiếu đạo đức lại chịu một bản án nặng nề trong sách của ngôn sứ Amos. Trong khi họ thực hành việc tuân giữ ngày Sabbath thì họ làm những việc đó thiếu kiên nhẫn, vì khi xong việc tuân giữ, họ lại thực hiện những việc kinh doanh lừa dối của mình. Họ lừa gạt người nghèo, vì người nghèo tin tưởng những thương gia này trong việc cân đo đong đếm và thu mua những sản phẩm không đáng giá của mình. Người nghèo dễ bị đẩy đến tình trạng đói, nên họ sẽ sử dụng đến phương thế là tự bán mình làm nô lệ. Thử hỏi, Thiên Chúa sẽ đứng về bên nào? Tất nhiên, Người sẽ đứng về phía người nghèo.
Thật vậy, chẳng có điều gì sai trái nơi những thương gia khi họ tạo ra lợi nhuận từ việc kinh doanh của mình, nhưng họ thiếu xót vì đã không làm chỗ dựa cho người nghèo. Chúng ta có quyền làm việc để đảm bảo cuộc sống được yên ổn và tạo nên thịnh vượng cho gia đình mình. Nhưng với tư cách là “con cái sự sáng,” chúng ta phải tự chất vấn chính mình: tôi thực sự cần bao nhiêu, tài sản của tôi làm lợi ra nhiều hơn bằng cách nào và những gì tôi đang có, thậm chí phần ít ỏi thôi, liệu tôi có lấy của ai hay không?
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp