Noi gương Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện
Cầu nguyện là việc làm rất cần thiết trong đời sống của người Kitô hữu. Cầu nguyện giống như hơi thở và là phương dược thần linh cho đời sống tinh thần của chúng ta. Để có đời sống cầu nguyện hữu hiệu, chúng ta cần noi gương Chúa Giêsu.
1. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta tin tưởng vào lời cầu nguyện.
Đọc sách Tin Mừng, chúng ta dễ dàng nhận thấy Chúa Giê-su tin tưởng vào lời cầu nguyện. Bởi vì lời cầu nguyện có một sức mạnh và rất hiệu nghiệm. Vì thế, trước khi làm bất cứ việc gì, Ngài luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Chính vì tin tưởng vào lời cầu nguyện nên Chúa Giê-su đã từng dạy các tông đồ: ‘Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.’ (Mt 21, 22). Ngoài ra, theo Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giê-su cũng muốn nhấn mạnh đến hiệu quả của việc cầu nguyện vì Thiên Chúa là Cha của chúng ta: ‘Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cữ gõ cửa thì sẽ mở cho… Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Lc 11, 9-13) Hơn nữa, Chúa Giê-su mạnh dạng hứa ban cho những ai nhân danh Ngài và kêu xin thì Chúa Giê-su sẽ ban cho để Chúa Cha được tôn vinh: ‘Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.’ (Ga 14, 13-14)
2. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta tìm nơi thanh vắng cầu nguyện.
Tìm nơi yên tĩnh cầu nguyện là việc làm thường xuyên của Chúa Giê-su. Theo tác giả Tin Mừng, Chúa Giê-su là mẫu gương cầu nguyện sống động cho từng người chúng ta, bởi vì: ‘Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.’ (Mc 1, 35). Cũng vậy, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, Chúa Giê-su đi lên núi để cầu nguyện (Mt 14, 23). Tại sao Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện? Theo Thánh Kinh, núi là nơi Thiên Chúa xuất hiện và để ta kết hợp mật thiết với Ngài, như Chúa hiện ra với Mô-sê trong trên núi Sinai và Chúa cũng hiện ra với Elia trên núi Horeb. Ngoài ra, Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện để tránh những cám dỗ của trần gian. Thật vậy, theo Tin Mừng thánh Luca, vào giây phút đau khổ nhất Chúa Giê-su không bao giờ quên cầu nguyện: Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: ‘Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.’ (Lc 22, 39-40) Ngoài ra, theo Tin Mừng Mattheu, Chúa Giê-su dạy các Tông Đồ khi cầu nguyện hãy vào phòng kín để tránh khoe khoang: ‘khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.’ (Mt 6, 5-6)
3. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta cùng cầu nguyện với cộng đoàn.
Chúa Giê-su thường tìm những nơi yên tĩnh để cầu nguyện, nhưng Ngài cũng đề cao việc cầu nguyện chung với cộng đoàn. Thật vậy, theo Tin Mừng Mattheu chương 18 câu 19 Chúa Giê-su nói: ‘Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.’ (Mt 18, 19-20). Ngoài ra, Chúa Giê-su rất quan tâm đến đền thờ và Ngài đã giận dữ đến nỗi rút giây lưng làm roi để đuổi những ai phá hoại nơi cầu nguyện chung: ‘Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!’ (Mc 11, 17).
4. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta cầu nguyện trước bữa ăn.
Thật là thú vị, trước khi chết và sau khi phục sinh Chúa Giê-su đều quan tâm đến việc thánh hóa các bữa ăn. Theo tường thuật của bốn sách Tin Mừng, Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn. Trước khi phân phát của ăn cho dân chúng, Chúa Giê-su dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Cha: ‘Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.’ (Mt 14, 19b). Cũng vậy, theo tường thuật của Tin Mừng Luca, Chúa Giê-su đồng hành với hai môn đệ trên đường về Emmau, khi đồng bàn ăn với họ, trước khi bẻ bánh và trao cho các ông Chúa Giê-su dâng lời chúc tụng. (Lc 24, 13-35)
5. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta cầu nguyện trước những việc làm quan trọng.
Chúa Giê-su là Chúa vậy mà trước những quyết định quan trọng, Ngài luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Những việc càng quan trọng, Chúa Giê-su cầu nguyện nhiều hơn như việc chọn mười hai Tông Đồ: ‘Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa…’ (Lc, 6, 12-16).
Tại sao Chúa Giê-su cầu nguyện suốt đêm? Ngài cầu nguyện như vậy để chiến thắng những cạm bẩy của kẻ thù ma quỷ. Ngài cầu nguyện suốt đêm để tăng thêm sức mạnh hầu giúp Ngài đi hết con đường thập giá mà Ngài phải đi qua. Ngoài ra, Ngài cần đến nguồn trợ lực và sự hướng dẫn từ Thiên Chúa Cha để dìu dắt các Tông Đồ, tiếp nối sứ vụ của Ngài để chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa ở trần gian.
Trên đây là tấm gương sáng của Chúa Giêsu dạy chúng ta chuyên cần cầu nguyện. Nhìn lại thực tại của mỗi người, nhiều khi chúng ta có đầy thiện chí nhưng cảm thấy cầu nguyện là việc khó khăn nhàm chán. Nhiều khi chúng ta có những kinh nghiệm cầu nguyện thật sốt sắng, đầy cảm hứng trong các nhóm cầu nguyện, các đoàn thể, đặc biệt trong các cuộc tĩnh tâm, nhưng đôi khi trở về nhà ngọn lửa ấy cứ lụi dần. Ước gì mỗi người, mỗi gia đình trong giáo xứ của chúng ta noi gương Chúa Giê-su luôn cầu nguyện trước bữa ăn, cầu nguyện vào mỗi sáng tối (đọc kinh hôm, kinh mai), cầu nguyện cùng với cộng đoàn giáo xứ (tham dự thánh lễ, chầu thánh thể và các việc làm đạo đức…) và nhất là cầu nguyện trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Nếu họ đạo, cộng đoàn, gia đình cùng quyết tâm noi gương Chúa Giê-su thì đời sống của chúng ta là một chuỗi ngày cầu nguyện giống như Chúa Giê-su để làm sáng danh Chúa Cha, thánh hóa bản thân, đồng thời để cứu rỗi các linh hồn. Xin Chúa chúc lành cho từng người, từng gia đình và cho cả cộng đoàn, họ đạo chúng ta, nhất là trong năm Đức Tin này.
Sóc Trăng ngày 29/08/2013
Lm. Pr Nguyễn Thanh Hà