Cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô (2)

25-09-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô (2) by

  >> Cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô (1)
  >> Cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô (3)

Tháng 8 vừa qua, Linh Mục Antonio Spadaro, Dòng Tên, chủ bút tạp chí La Civiltà Cattolica của Dòng này tại Ý, đã tiến hành cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Casa Santa Marta, nơi cư ngụ hiện nay ngài.

Khuôn mẫu Peter Faber, ‘vị linh mục cải cách’

Cha Sparado tự hỏi liệu có nhân vật nào trong hàng ngũ tu sĩ Dòng Tên, từ buổi đầu của Dòng cho tới nay, đã ảnh hưởng trên ngài một cách riêng chăng, nên cha đã hỏi ngài những người đó là ai và tại sao. Ngài bắt đầu bằng việc nhắc tới Thánh Inhã thành Loyola [đấng sáng lập Dòng Tên] và Thánh Phanxicô Xaviê, nhưng sau đó, đã tập chú vào một nhân vật rất ít được công chúng biết đến, đó là Peter Faber (1506-46), quê ở Savoy. Ngài là một trong các bạn đồng hành đầu tiên của Thánh Inhã, đúng ra là người bạn đầu hết, người mà Thánh Inhã từng chung phòng lúc cả hai còn là sinh viên tại Đại Học Paris. Người chung phòng thứ ba mới là Phanxicô Xaviê. Đức Piô IX phong chân phúc cho Faber ngày 5 tháng Chín, năm 1872 và án phong thánh cho ngài vẫn còn để ngỏ. 

Đức Giáo Hoàng trưng dẫn việc xuất bản các tác phẩm của Faber, việc mà ngài trao cho hai học giả Dòng Tên là Miguel A. Fiorito và Jaime H. Amadeo lo biên tập và xuất bản lúc còn là giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina. Ấn bản ngài rất ưa thích là ấn bản Michel de Certeau. Cha Sparado hỏi Đức Phanxicô lý do tại sao ngài có ấn tượng như thế về Faber. 

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Ngài đối thoại với mọi người, cả những người xa xôi nhất và cả những thù địch của mình; lòng đạo của ngài thật đơn sơ, có lẽ hơi chút ngây thơ, con người của ngài sẵn sàng ngay tức khắc, ngài biện phân thận trong trong nội tâm, ngài thực là một con người có khả năng đưa ra các quyết định lớn và mạnh nhưng cũng có khả năng hiền hậu và yêu thương”.

Michel de Certeau vốn coi Faber đơn thuần như “vị linh mục cải cách”; đối vị linh mục này, kinh nghiệm nội tâm, phát biểu tín lý và cải cách cơ cấu không thể tách biệt khỏi nhau. Sau đó, Đức Giáo Hoàng mới tiếp tục các suy nghĩ của ngài về gương mặt thực sự của đấng sáng lập Dòng Tên. 

Ngài nói: “Thánh Inhã là một nhà huyền học, không phải là một nhà khổ tu. Tôi rất khó chịu khi nghe người ta bảo Linh Thao chỉ ‘Inhã’ nhờ được thực hiện trong im lặng. Thực ra, Linh Thao cũng vẫn hoàn toàn Inhã ngay trong cuộc sống hàng ngày và chẳng cần im lặng chút nào. Lối giải thích Linh Thao nào nhấn mạnh tới khổ hạnh, tới im lặng và đền tội đều là lối giải thích méo mó, có lúc khá phổ biến trong Dòng Tên, nhất là Dòng Tên Tây Ban Nha. Tôi thì tôi gần gũi hơn với phong trào huyền học, tức phong trào của Louis Lallement và Jean-Joseph Surin. Và Faber cũng là một nhà huyền học.”

Kinh nghiệm cai quản trong Giáo Hội

Loại kinh nghiệm cai quản nào trong Giáo Hội, lúc còn làm bề trên rồi bề trên giám tỉnh Dòng Tên, đã giúp đào luyện Cha Bergoglio một cách trọn vẹn? Phong cách cai quản của Dòng Tên hệ ở việc bề trên phải đưa ra quyết định, sau khi đã tham khảo rộng rãi các cố vấn chính thức của mình. Bởi thế, Cha Sparado hỏi Đức Thánh Cha: “Đức Thánh Cha có nghĩ rằng kinh nghiệm cai quản của ngài trong quá khứ có thể giúp ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ hay không?”. Nghĩ một hồi, Đức Phanxicô trả lời:

“Thành thực mà nói, trong kinh nghiệm làm bề trên Dòng của mình, tôi không luôn luôn hành xử kiểu đó, nghĩa là không luôn luôn thực hiện việc tham khảo cần thiết. Và đó là điều không tốt. Phong cách cai quản của tôi trong tư cách tu sĩ Dòng Tên, ngay từ đầu, đã mắc nhiều lầm lỗi. Đó là thời điểm khá khó khăn đối với Dòng: trọn cả một thế hệ Dòng Tên đã biến mất. Vì tình thế này, tôi trở thành giám tỉnh lúc còn rất trẻ. Lúc ấy tôi mới 36 tuổi đầu. Quả là khùng. Tôi phải đương đầu với nhiều tình huống khó khăn, trong đó phải đưa ra các quyết định chớp nhoáng và tự một mình mình. Đúng thế, nhưng tôi phải thêm điều này: khi ủy thác cho ai điều gì, tôi hoàn toàn tin tưởng người ấy. Người ấy phải mắc một lầm lỗi thực sự lớn lao mới khiến tôi quở trách họ. Nhưng dù như thế, cuối cùng người ta cũng chán nản với lối độc quyền. 

“Điều chắc, tôi không bao giờ giống như ‘Quan Âm’ nhưng tôi chưa bao giờ là người cánh hữu. Chính cái lối độc quyền đưa ra quyết định của tôi đã tạo ra đủ thứ nan đề. 

"Lối độc quyền và chớp nhoáng đưa ra quyết định đã dẫn tôi tới nhiều nan đề trầm trọng và bị kết án là siêu bảo thủ. Tôi sống vào lúc có cuộc khủng hoảng lớn trong nội bộ khi tôi ở Cordova. Điều chắc, tôi không bao giờ giống như ‘Quan Âm’[tạm dịch Blessed Imelda, kiểu nói của người Argentina, chỉ người cái gì cũng tốt, goody-goody], nhưng tôi cũng không bao giờ là người cánh hữu cả. Chính cái lối độc quyền đưa ra quyết định đã tạo ra đủ thứ nan đề.

“Tôi nói những điều này từ kinh nghiệm sống của tôi và vì tôi muốn làm sáng tỏ điều gì gây nguy hiểm. Với thời gian, tôi học được nhiều điều. Chúa đã giúp tôi lớn lên trong sự hiểu biết việc cai quản nhờ các lầm lẫn và tội lỗi của tôi. Nhờ thế, lúc làm Tổng Giám Mục Buenos Aires, tôi đều họp với 6 giám mục phụ tá mỗi hai tuần một lần và nhiều lần khác với hội đồng linh mục. Họ hỏi nhiều câu hỏi và chúng tôi thả dàn tranh luận. Điều này giúp tôi rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định tốt nhất. Nhưng nay, tôi nghe một số người cho tôi hay: ‘Đừng tham khảo nhiều quá, cứ tự mình quyết định đi’. Nhưng thay vào đó, tôi tin rằng tham khảo là điều hết sức quan trọng. 

“Tôi không muốn tham khảo cho có lệ, nhưng là tham khảo thực sự” 

“Các cơ mật viện (Hồng Y), các thượng hội đồng (giám mục), chẳng hạn, đều là những chỗ quan yếu để thực hiện việc tham khảo thực sự và tích cực này. Tuy nhiên, ta phải đem lại cho nó một hình thức cứng rắn hơn. Tôi không muốn tham khảo cho có lệ, nhưng là tham khảo thực sự. Nhóm tham vấn gồm 8 Hồng Y, tức nhóm tham vấn ‘từ bên ngoài’ này, không phải chỉ do quyết định của riêng tôi, mà là kết quả do ý muốn của các Hồng Y, được phát biểu trong các phiên họp toàn thể trước mật nghị bầu giáo hoàng. Và tôi muốn được thấy đây là tham khảo thực sự, chứ không phải tham khảo cho có nghi thức”. 

Suy nghĩ với Giáo Hội

Cha Sparado hỏi Đức Phanxicô: đối với ngài, ý nghĩa chính xác của thuật ngữ “suy nghĩ với Giáo Hội” là gì, một thuật ngữ từng được Thánh Inhã nói tới trong Linh Thao. Dùng một hình ảnh, Đức Phanxicô trả lời như sau:

“Hình ảnh về Giáo Hội mà tôi rất thích là hình ảnh dân thánh và trung thành của Thiên Chúa. Đây là định nghĩa mà tôi thường hay dùng, và rồi còn có hình ảnh khác trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II nữa (số 12). Thuộc về một dân tộc có giá trị mạnh về thần học. Trong lịch sử cứu rỗi, Thiên Chúa đã cứu rỗi một dân tộc. Sẽ không có căn tính nào đầy đủ nếu không thuộc về một dân tộc. Không ai được cứu thoát một mình, như một cá nhân đơn độc, nhưng Thiên Chúa lôi kéo ta vào cuộc tìm kiếm một hệ thống tương quan phức hợp diễn ra trong cộng đồng nhân bản. Chính Thiên Chúa cũng đã bước vào mối hiệp thông năng động của mạng lưới tương quan nhân bản này.

“Chính dân tộc tạo nên một chủ thể. Và Giáo Hội là dân tộc của Thiên Chúa trong cuộc hành trình xuyên qua lịch sử, với đủ mọi vui buồn của nó. Bởi thế, suy nghĩ với Giáo Hội là cách để tôi trở nên thành phần của dân tộc này. Và mọi tín hữu, xét như một toàn bộ, đều là vô ngộ trong các vấn đề thuộc đức tin, và dân Chúa biểu lộ tính vô ngộ này trong lúc tin (infallibilitas in credendo) qua cảm thức siêu nhiên nơi đức tin của một dân tộc đang cùng nhau tiến bước. Đó là điều mà ngày nay tôi hiểu việc ‘suy nghĩ với Giáo Hội’, điều vốn được Thánh Inhã nói tới. Khi cuộc đối thoại giữa dân với các giám mục và Đức Giáo Hoàng đi theo đường này và chân thực, thì nó được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Do đó, việc suy nghĩ với Giáo Hội này không phải chỉ liên quan tới các thần học gia mà thôi.

“Cho nên, ta không nên nghĩ rằng ‘suy nghĩ với Giáo Hội’ chỉ có nghĩa là suy nghĩ với phẩm trật của Giáo Hội”

“Với Đức Mẹ cũng thế: nếu muốn biết ngài là ai, cha nên hỏi các thần học gia; nếu muốn biết phải yêu mến ngài ra sao, cha nên hỏi dân chúng. Ngược lại, Đức Mẹ yêu mến Chúa Giêsu bằng trái tim người dân như ta đã đọc trong Kinh Magnificat. Cho nên, ta không nên nghĩ rằng ‘suy nghĩ với Giáo Hội’ chỉ có nghĩa là suy nghĩ với phẩm trật của Giáo Hội”. 

Dừng lại ít giây, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới điểm sau, để tránh hiểu lầm: “Và, dĩ nhiên, ta phải hết sức thận trọng để đừng nghĩ rằng tính vô ngộ của mọi tín hữu mà tôi nói tới, dưới ánh sáng Vatican II, là một hình thức của chủ nghĩa dân túy (populism). Không phải thế; nó là trải nghiệm của ‘mẹ thánh Giáo Hội phẩm trật’ như chính Thánh Inhã đã gọi thế, một Giáo Hội hiểu như dân Chúa, với mục tử và dân chúng với nhau”. 

“Tôi thấy sự thánh thiện của dân Chúa, sự thánh thiện hàng ngày”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có một ‘giai cấp trung lưu thánh thiện’, mà tất cả chúng ta đều là thành phần, sự thánh thiện mà Malègue từng viết về”. Đức Giáo Hoàng có ý nói tới Joseph Malègue, một nhà văn Pháp (1876–1940), nhất là tới bộ sách ba cuốn còn dở dang của ông tựa là Những Hòn Đá Đen: Các Giai Cấp Trung Lưu Của Cứu Rỗi (Black Stones: The Middle Classes of Salvation).

Ngài nói tiếp: “Tôi thấy tính thánh thiện trong niềm kiên nhẫn của dân Chúa: người đàn bà nuôi dưỡng con cái, người đàn ông lao nhọc đem cơm bánh về cho gia đình, các linh mục bệnh hoạn, già nua tuy đầy thương tích nhưng vẫn nở nụ cười trên gương mặt vì được phục vụ Chúa, các nữ tu đang lao nhọc và sống trong thánh thiện ẩn dật. Đối với tôi, đó là sự thánh thiện chung. Tôi thường liên kết thánh thiện với kiên nhẫn: không chỉ kiên nhẫn hiểu như hypomoné [chữ trong Tân Ước Hy Lạp], tức làm chủ các biến cố và các hoàn cảnh trong đời, mà còn hiểu như kiên trì đi tới, ngày lại qua ngày. Đó là sự thánh thiện của Giáo Hội chiến đấu được Thánh Inhã nói tới. Đó là sự thánh thiện của cha mẹ tôi: bố tôi, má tôi, bà Rosa của tôi đã yêu thương tôi xiết bao. Trong cuốn sách nguyện của mình, tôi vẫn giữ chúc thư của bà Rosa tôi, và tôi thường đọc lại chúc thư ấy. Đối với tôi, nó giống như lời kinh cầu. Bà là bà thánh từng chịu nhiều đau khổ, cả thiêng liêng nữa, ấy thế nhưng vẫn can đảm tiến lên phía trước.

“Giáo Hội này, Giáo Hội mà ta nên suy nghĩ với, vốn là nhà của mọi người, không phải là ngôi nhà nguyện nhỏ bé chỉ chứa một nhóm người nhỏ gồm những người được tuyển chọn. Ta đừng thu gọn lòng của Giáo Hội hoàn vũ này thành một cái tổ để bảo vệ tính tầm thường của mình. Và Giáo Hội là Mẹ; Giáo Hội sẵn sàng sinh hoa trái. Phải như thế. Cha thấy đấy, khi biết được tác phong tiêu cực nơi các thừa tác viên của Giáo Hội hay nơi các tu sĩ nam nữ, điều đầu tiên nẩy ra trong tâm trí là ‘lại một chàng độc thân vô ích’ hay ‘lại một nàng gái già’. Họ không phải là những người cha hay những người mẹ theo nghĩa: họ không có khả năng đem lại sự sống thiêng liêng. Thay vào đó, khi đọc tiểu sử các nhà truyền giáo Salêdiêng tại Patagonia, chẳng hạn, tôi thấy tiểu sử ấy đầy sự sống viên mãn, đầy hoa đầy trái. 

“Một điển hình khác diễn ra mấy ngày gần đây thôi, một điển hình tôi thấy báo chí rất lưu ý tới: tức cú điện thoại tôi gọi cho một thanh niên từng viết thư cho tôi. Tôi gọi cho anh vì lá thư ấy đẹp lắm, đơn sơ lắm. Đối với tôi, người thanh niên này đúng là một hành vi đầy tính sinh sản. Tôi hiểu ra rằng anh là một thanh niên đang lớn lên, anh coi tôi như người cha, và lá thư đó kể một điều gì đó về đời anh cho người cha này. Người cha này không thể nói ‘tao bất cần’. Vì loại hoa trái này quá tốt đối với tôi”. 

Các Giáo Hội trẻ trung và các Giáo Hội cổ xưa

Tiếp tục chủ đề về Giáo Hội, Cha Sparado hỏi Đức Giáo Hoàng một câu dưới ánh sáng Ngày Giới Trẻ Thế Giới vừa qua. Biến cố vĩ đại này đã hướng chú ý vào giới trẻ, nhưng cũng làm ta chú ý tới “các lá phổi thiêng liêng” tức các Giáo Hội Công Giáo vừa được thành lập trong lịch sử gần đây. Cha hỏi: “Đức Thánh Cha hy vọng những gì cho Giáo Hội hoàn vũ từ các Giáo Hội này?” 

Đức Thánh Cha trả lời: “Các Giáo Hội Công Giáo trẻ trung, càng lớn lên, càng khai triển được một tổng hợp về đức tin, văn hóa và đời sống, và như thế là một tổng hợp khác với tổng hợp từng được các Giáo Hội cổ xưa khai triển. Đối với tôi, tương quan giữa các Giáo Hội Công Giáo cổ xưa và các Giáo Hội trẻ trung giống như tương quan giữa người trẻ và người già trong xã hội. Tất cả đều xây dựng tương lai, người trẻ xây dựng bằng sức lực của họ, người già xây dựng bằng khôn ngoan của mình. Dĩ nhiên, cha luôn gặp một số nguy cơ nào đó. Các Giáo Hội trẻ trung dễ cảm thấy mình tự mãn; các Giáo Hội cổ xưa dễ muốn áp đặt lên các Giáo Hội trẻ trung các mô thức văn hóa của mình. Nhưng ta đang xây dựng tương lai với nhau mà”. 

Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến

Khi tuyên bố từ chức, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói rằng thế giới hiện thời đang kinh qua nhiều thay đổi nhanh chóng và đang vật lộn với các vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin. Đức Bênêđíctô cho rằng muốn đương đầu với các vấn đề này, ta cần cả sức mạnh thể lý lẫn sức mạnh tinh thần. Bởi vậy, Cha Sparado hỏi Đức Phanxicô: “Trong thời buổi lịch sử này, Giáo Hội cần điều gì hơn cả? Chúng ta có cần cải tổ không? Đức Thánh Cha muốn những gì cho Giáo Hội trong những năm sắp tới? Đức Thánh Cha mơ ước loại Giáo Hội nào?”

Đức Phanxicô bắt đầu bằng việc tỏ lòng âu yếm lớn lao và tôn kính mênh mông đối với vị tiền nhiệm: “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã làm một hành vi thánh thiện, cao cả, và khiêm nhường. Ngài là người của Thiên Chúa.

“Điều Giáo Hội ngày nay cần hơn cả là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu; Giáo Hội cần sự gần gũi, cận kề. Tôi coi Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh”. 

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Tôi thấy rõ: điều Giáo Hội ngày nay cần hơn cả là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Giáo Hội cần sự gần gũi, cận kề. Tôi coi Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Quả vô ích khi hỏi người bị thương nặng có cao mỡ hay không hay độ đường trong máu là bao nhiêu! Cha phải chữa lành ngay vết thương của họ đã. Rồi mới nói tới những chuyện khác. Chữa lành các vết thương, chữa lành các vết thương… và cha phải bắt đầu từ đất đi lên.

“Giáo Hội đôi khi tự khóa mình vào những điều nhỏ nhặt, vào các qui định hẹp hòi. Điều quan trọng hơn cả là lời tuyên xưng đầu hết: Chúa Giêsu Kitô đã cứu rỗi cha. Và các thừa tác viên của Giáo Hội, trước nhất, phải là các thừa tác viên của lòng thương xót. Thí dụ, vị giải tội luôn có nguy cơ quá khắt khe hay quá lỏng lẻo. Cả hai thái độ ấy đều không phải là thương xót, vì chẳng thái độ nào thực sự chịu trách nhiệm đối với hối nhân. Người khắt khe rửa tay để nhường việc đó cho giới răn. Người lỏng lẻo rửa tay bằng cách bảo: ‘đây không phải là tội’ hay một điều gì đó tương tự như thế. Trong thừa tác mục vụ, ta phải đồng hành với người ta, và chữa lành các vết thương của họ. 

“Ta phải cư xử với dân Chúa ra sao? Tôi mơ một Giáo Hội làm mẹ và làm mục tử. Các thừa tác viên của Giáo Hội phải nhân hậu, biết thương xót, chịu trách nhiệm đối với dân và đồng hành với họ như người Samaria nhân hậu, người chịu rửa ráy, lau chùi và nâng người hàng xóm dậy. Đó là Tin Mừng tinh ròng. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi. Các cải tổ cơ cấu và tổ chức chỉ đứng hàng thứ hai, nghĩa là đến sau. Cải tổ đầu tiên phải là cải tổ thái độ. Các thừa tác viên của Tin Mừng phải là những người có khả năng sưởi ấm tâm hồn người ta, cùng bước trong đêm tối với họ, biết cách đối thoại và để mình rơi xuống đêm thâu của họ, xuống thẳm đen của họ mà không lạc lối. Dân Chúa muốn các mục tử, chứ không muốn các giáo sĩ hành xử như những người cạo giấy hay viên chức chính phủ. Cách riêng, các giám mục phải có khả năng hỗ trợ các chuyển vần của Thiên Chúa giữa dân chúng của họ một cách kiên nhẫn, để không một ai bị rơi rớt ở đàng sau. Nhưng họ cũng phải có khả năng đồng hành với đoàn chiên để họ “hửi ra” những nẻo đường mới. 

“Thay vì chỉ là một Giáo Hội biết chào đón và tiếp rước bằng cách để cửa mở, ta hãy cố gắng là một Giáo Hội biết tìm ra những con đường mới, có khả năng bước ra khỏi mình và đi tới những người không tham dự Thánh Lễ, tới những ai đã bỏ cuộc hay dửng dưng. Những người bỏ cuộc đôi khi làm thế vì những lý do mà nếu hiểu và lượng giá đúng, có thể dẫn họ trờ về. Nhưng điều này đòi nhiều mạnh dạn và can đảm”. 

Cha Sparado gợi ý với Đức Thánh Cha rằng có những Kitô hữu sống trong các tình huống không hợp qui đối với Giáo Hội hay trong các tình huống phức tạp biểu tượng cho các vết thương công khai. Như các cặp đã ly dị và tái hôn, các cặp đồng tính luyến ái và nhiều tình huống khó khăn khác. Ta có thể thực hành loại mục vụ nào trong các trường hợp này? Ta có thể sử dụng những loại phương tiện nào? 

Đức Giáo Hoàng cho hay: “Ta cần công bố Tin Mừng ở mọi ngõ ngách phố phường, rao giảng tin vui Nước Chúa và việc chữa lành, ngay trong lời giảng của ta, mọi loại bệnh tật và vết thương. Ở Buenos Aires, tôi hay nhận được những lá thư từ những người đồng tính luyến ái vốn là ‘những người bị thương về phương diện xã hội’ vì họ nói với tôi rằng họ cảm thấy như Giáo Hội luôn luôn kết án họ. Nhưng nào Giáo Hội có muốn làm việc đó. Trong chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro, tôi nói rằng nếu một người đồng tính có thiện chí và đi tìm Thiên Chúa, tôi không phải là người để kết án. Nói thế, tôi chỉ nói điều sách giáo lý vốn nói. Tôn giáo có quyền phát biểu ý kiến để phục vụ người ta, nhưng Thiên Chúa, trong lúc tạo dựng, đã cho ta được tự do: ta không thể can thiệp một cách thiêng liêng vào đời sống người khác. 

“Có người đã hỏi tôi một cách khiêu khích, xem tôi có chấp nhận việc đồng tính luyến ái không. Tôi trả lời bằng một câu hỏi khác: ‘xin cho tôi biết: khi thấy một người đồng tính, Thiên Chúa chấp nhận sự hiện hữu của họ một cách yêu thương hay bác bỏ và lên án người này?’ Ta phải luôn xét tới con người. Ở đây, ta bước vào mầu nhiệm của hữu thể nhân bản. Trong cuộc sống, Thiên Chúa luôn đồng hành với người ta, và ta cũng thế, ta phải đồng hành với họ, bắt đầu từ trạng huống của họ. Điều cần là đồng hành với họ trong xót thương. Khi điều này xẩy ra, Chúa Thánh Thần sẽ linh hứng để vị linh mục nói điều đúng. 

“Đây cũng là ơn phúc lớn lao của bí tích giải tội: lượng giá từng trường hợp và biện phân điều tốt nhất một người tìm kiếm Thiên Chúa và ơn thánh cần làm. Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn, nhưng là nơi dạ thương xót của Thiên Chúa khuyến khích ta sống tốt hơn. Tôi cũng đã xem sét tình huống của một phụ nữ, trong quá khứ, từng thất bại trong hôn nhân và còn phá thai nữa. Rồi người phụ nữ này tái hôn và nay rất hạnh phúc, có tới 5 đứa con. Vụ phá thai lúc trước đè nặng lên lương tâm chị và chị thành thực hối hận về việc đó. Chị muốn tiến về phía trước trong cuộc sống Kitô hữu của mình. Vị linh mục phải làm gì?

“Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên hệ tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Điều này không thể được. Tôi vốn không nói nhiều tới các điều này, và từng bị chỉ trích vì thế. Nhưng khi nói về những điều này, ta phải nói về chúng trong ngữ cảnh. Trong vấn đề này, giáo huấn của Giáo Hội đã quá rõ và tôi vốn là con cái Giáo Hội, nhưng ta không cần phải nói về các vấn đề này bất cứ lúc nào. 

“Giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội tất cả không có cùng một giá trị. Thừa tác mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh bởi việc thông truyền số đông các tín điều rời rạc (disjointed) để được áp đặt một cách khư khư”. 

“Giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội tất cả không có cùng một giá trị. Thừa tác mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh bởi việc thông truyền số đông các tín điều rời rạc (disjointed) để chúng được áp đặt một cách khư khư. Trong phong cách truyền giáo, việc công bố chỉ tập chú vào những điều cốt yếu, cần thiết: những điều phấn khích, lôi cuốn, những điều làm tâm hồn bừng cháy, như các môn đệ trên đường Emmau xưa. Ta phải tìm cho ra một quân bình mới; nếu không, ngay tòa nhà luân lý của Giáo Hội cũng sẽ tan rã như tòa nhà bằng quân bài, mất hết nét tươi mát và hương thơm của Tin Mừng. Đề xuất của Tin Mừng phải đơn giản hơn, sâu sắc hơn và tỏa sáng hơn. Chính từ lối đề xuất này, các hệ quả luân lý sẽ phát sinh ra. 

“Tôi nói điều trên trong khi cũng nghĩ tới việc rao giảng và nội dung rao giảng của ta. Một bài giảng lễ hay, một bài giảng thuyết đích thực, phải bắt đầu bằng việc công bố đầu hết, tức công bố ơn cứu rỗi. Không có điều gì vững chãi và chắc chắn hơn việc công bố này. Rồi cha còn phải đương đầu với giáo lý nữa. Sau đó, cha có thể rút tỉa các hệ quả luân lý. Nhưng việc công bố tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa phải đến trước các mệnh lệnh luân lý và tôn giáo. Ngày nay, hình như, đôi lúc, việc đảo lộn thứ tự này đang thắng thế. Bài giảng lễ là viên đá thử vàng để đo sự gần gũi của mục tử và khả năng gặp gỡ người ta của vị mục tử này, vì các vị giảng thuyết phải biết nhận ra trái tim của cộng đoàn mình và phải có khả năng nhìn ra nơi ước muốn được thấy Thiên Chúa sống động và nồng nhiệt nhất. Do đó, sứ điệp Tin Mừng không thể bị giản lược vào một số khía cạnh, dù có liên quan, nhưng tự chúng không cho thấy tâm điểm sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô”.

Vũ Văn An

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW