Đức Piô XII biết Ngài sẽ bị hiểu lầm
VATICAN. Một linh mục biết rõ Đức Piô XII và được tiếp cận với “mọi mảnh giấy” trong văn khố lưu trữ của Vatican nói rằng ĐGH Pio XII tin rằng ngài đã hành động đúng trong vụ holocaust (tàn sát người Do Thái) dù biết mình sẽ bị nghi ngờ.
Cha Peter Gumpel, 90 tuổi, cựu giáo sư tại Đại học Gregorio ở Rome trong 25 năm, đồng thời làm tư vấn thần học và trợ tá cáo thỉnh viên cho Bộ Tuyên Thánh. Cá nhân linh mục này từng quen biết Đức Piô XII và đã gặp các giáo hoàng kể từ lúc đó ngoại trừ ĐGH Gioan Phaolô I.
Công việc khi Cha Gumpel được bổ nhiệm làm cố vấn thần học là “kiểm tra tất cả mọi thứ” liên quan đến Đức Piô XII và các nguyên nhân được quan tâm khác, cũng như trình bày những thông tin đó một cách “chính xác về mặt lịch sử và thần học cho Bộ Tuyên Thánh trước khi họ bắt đầu thảo luận”, cha nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn hôm 17-9.
Nguyên nhân tuyên thánh cho Đức Piô XII đã được giám sát bởi Cha Gumpel, người chịu trách nhiệm nghiên cứu cần thiết để chứng minh nhân đức anh hùng của vị Giáo hoàng quá cố. “Tôi đã được quyền tiếp cận tuyệt đối mọi mảnh giấy trong Văn khố Lưu trữ của Vatican”, ngài nói, “giai đoạn thời Đức Piô XII vẫn chưa cho phép các học giả tiếp cận, nhưng với tư cách là một thẩm phán điều tra có trách nhiệm, tôi đã nhìn thấy tất cả mọi thứ”. Vị linh mục nói thêm rằng ngài đã nghiên cứu “khoảng 100.000 trang” tài liệu và thư từ trong đời sống của Đức cố Giáo hoàng.
Trong cuộc nghiên cứu, Cha Gumpel xác nhận là đã có một số người phản đối quá trình hành động của Đức Giáo hoàng trong cuộc đàn áp của Đức Quốc xã thời Thế chiến II vào những năm 1940, và chính Đức Piô XII cũng biết điều đó.
Lúc đó, Đức cố Giáo hoàng đã phải đối mặt với những chỉ trích, và trong những thập kỷ tiếp theo, ngài bị coi là im lặng hoặc không hành động khi đối mặt với vụ tàn sát. Tuy nhiên, người ta tin rằng Đức cố Giáo hoàng đã giúp đỡ các nạn nhân một cách bí mật để không kích động, làm gia tăng việc đàn áp của Đức quốc xã.
“Ngài biết một số biện pháp của ngài đã không làm hài lòng mọi người”, Cha Gumpel lưu ý, và “có lúc ngài đã nói: ‘Tôi biết những gì tôi làm sẽ không được lòng tất cả mọi người, nhưng tôi sẽ làm điều đó bởi vì lương tâm tôi cảm thấy rằng đây là nhiệm vụ của tôi khi làm điều đó’.”
“Vì vậy, ngài biết rằng sẽ có sự phản đối. Đó là một thái độ mà bất kỳ người nào có trách nhiệm cao hơn phải gánh chịu.”
Cha Gumpel nhớ lại một số suy nghĩ trong thời gian chiến tranh là Giáo Hội phải công khai chống lại cuộc tàn sát, nhưng nhấn mạnh rằng việc này “là hoàn toàn vô tác dụng. Bất cứ lúc nào và bất cứ ai thực hiện một cuộc biểu tình công khai sẽ làm tình hình thêm trầm trọng”.
“Nếu bạn tìm thấy các tài liệu từ Toà Giám mục Ba Lan suốt trong thời kỳ chiếm đóng của người Đức tại Ba Lan”, linh mục nói, phải nhận thức rõ rằng “đừng nói ra, nó không giúp bạn bất cứ điều gì, nó chỉ làm cho mọi thứ thêm tồi tệ”.
“Điều tương tự cũng xảy ra trong các phong trào kháng chiến của Đức chống lại Hitler. Người ta nói rằng “vì lợi ích thiên đàng, đừng nói ra bất cứ điều gì, bởi vì nó sẽ làm cho tình hình, chính sách khủng bố còn tồi tệ hơn nữa”.
“Đức Piô XII”, cha nhấn mạnh, “biết rằng điều này trong tương lai sẽ bị hiểu lầm”.
“Những người không có trách nhiệm trong chính phủ, những người chưa bao giờ gặp tình huống như thế này, sẽ không hiểu được nó”, Cha Gumpel nói, trích lời một luật sư người Do Thái tên là Kempner, người bảo vệ Đức Giáo hoàng Piô XII khi nói rằng “điều duy nhất phải làm là giúp mọi người trong vòng bí mật càng nhiều càng tốt”.
Một khía cạnh khác của Đức Piô XII mà Cha Gumpel tin là “rất xa lạ đối với mọi người”, đó là con tim mục vụ của Đức cố Giáo hoàng. “Ngài đã luôn xuất hiện như một nhà ngoại giao”, Cha Gumpel nói, nhắc lại năng khiếu tự nhiên và sự phục vụ của Đức cố Giáo hoàng trong lĩnh vực này.
Vị linh mục giải thích rằng Đức Piô XII từng là một sinh viên thông minh và từng được một giám chức cấp cao của Quốc vụ khanh thay mặt Đức Giáo hoàng xin ngài vào ngành ngoại giao của Toà Thánh. Tuy nhiên, “ngài muốn trở thành một linh mục giáo xứ”, Cha Gumpel lưu ý, nhấn mạnh rằng Đức Giáo hoàng Piô XII chủ yếu luôn quan tâm đến việc chăm sóc các linh hồn. Ngài “không muốn trở thành một nhà ngoại giao”, nhưng ngài đã làm như vậy vì vâng phục.
Trong các vụ việc, dưới sự giám sát của Cha Gumpel, đạt đến việc kết thúc quá trình được tuyên thánh, nghĩa là người đó đã được chấp thuận phong chân phước, gồm có Mẹ Katherine Drexel, Cha Casey, Đức Hồng y John Henry Newman và Đức Piô XII.
Hùng Nguyễn/ CNA/EWTN News 26-09-2013