Tái truyền giảng Tin mừng theo Đức Thánh Cha Phanxicô
VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao giá trị ưu tiên của việc làm chứng tá, đi gặp gỡ tha nhân và đề ra dự án mục vụ qui trọng tâm vào điều thiết yếu, trong cuộc cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.
Trên đây là 3 điểm chính được ngài trình bày trong buổi tiếp kiến sáng 14-10-2013, dành 50 HY, GM, LM và giáo dân tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Đức TGM chủ tịch Rino Fisichella.
Về điểm thứ nhất, ĐTC nhận định rằng ”thời nay người ta thường thấy thái độ dửng dưng đối với đức tin mà họ cho là không còn quan trọng trong đời sống con người. Tái truyền giảng Tin Mừng, hay cũng gọi là tân Phúc Âm Hóa, có nghĩa là thức tỉnh nơi tâm trí con người thời nay đời sống đức tin. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng điều quan trọng là các tín hữu Kitô chúng ta chứng tỏ mình sống đức tin một cách cụ thể, qua tình thương, sự hòa thuận, vui tươi, đau khổ, vì chứng tá ấy gợi lên những câu hỏi như vào thời kỳ đầu của Giáo Hội: tại sao họ sống như thế? điều gì thúc đẩy họ? Đó là những câu hỏi dẫn tới trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng là làm chứng về đức tin và đức mến. Điều chúng ta cần làm, nhất là ngày nay, đó là trở nên những chứng nhân đáng tin cậy bằng cuộc sống và bằng lời nói, làm cho Tin Mừng trở nên hữu hình, khơi dậy sự thu hút đối với Chúa Giêsu Kitô, và vẻ đẹp của Thiên Chúa.”
ĐTC cũng nhắc nhở các tín hữu Kitô cần cởi bỏ những gì là vô ích và tai hại, những thứ an ninh trần tục làm cho Giáo Hội trở nên nặng nề. Các Kitô hữu cũng cần làm cho lòng từ bi và sự dịu dàng của Thiên Chúa trở nên hữu hình.
Về điểm thứ hai, ĐTC nhấn mạnh sự cần thiết phải đi gặp tha nhân. Tái truyền giảng Tin Mừng là một phong trào được đổi mới, đi tới những người đã xa lìa đức tin và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. ..
Ngài nói: ”Không ai bị loại trừ khỏi niềm hy vọng sự sống và khỏi tình thương của Thiên Chúa. Giáo Hội được sai đi để khơi dậy khắp nơi niềm hy vọng ấy, nhất là tại những nơi niềm hy vọng này bị bóp nghẹt vì hoàn cảnh sống khó khăn và nhiều khi vô nhân đạo.”
Yếu tố sau cùng là cần có một sự án mục vụ gợi lại những điều thiết yếu, nghĩa là qui trọng tâm vào Chúa Giêsu. ĐTC nhấn mạnh rằng: ”xả thân vào bao nhiêu việc phụ thuộc và thừa thãi là điều vô ích, cần phải qui trọng tâm vào thực tại cơ bản là gặp gỡ Chúa Kitô, với lòng từ bi, tình thương của Chúa, và yêu thương anh chị em mình như chính Chúa đã yêu thương chúng ta…”
”Chúng ta có thể tự hỏi: đâu là công việc mục vụ trong giáo phận và giáo xứ của chúng ta? Nó có là điều điều thiết yếu trở nên hữu hình hay không? Những kinh nghiệm và đặc tính khác nhau có đồng hành trong sự hòa hợp mà Chúa Thánh Linh ban hay không? Hay là việc mục vụ của chúng ta bị phân tán, rời rạc, và rốt cục mỗi người tự lo cho mình?
G. Trần Đức Anh OP, Radio Vaticana 14.10.2013/ SD 14-10-2013