Khánh nhật Truyền giáo: Sứ mạng thông truyền đức tin

20-10-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Khánh nhật Truyền giáo: Sứ mạng thông truyền đức tin by

SỨ MẠNG THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN

Có thể nói sứ mạng truyền giáo luôn là nỗi ưu tư hàng đầu của Giáo Hội mọi thời. Tuy nhiên, ngày nay vấn đề truyền giáo còn mang tính phổ quát hơn, rộng khắp hơn, ngay cả ở các quốc gia Âu Châu, một thời vốn là thành trì của Kitô giáo. Các diễn đàn về truyền giáo cũng liên tục được tổ chức, gần đây là “Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hóa”, (tại Vatican từ ngày 07 đến ngày 28-10-2012), và mới đây, nhân dịp gần kết thúc Năm Đức Tin, là “Hội nghị tái truyền giảng Tin Mừng ở Philippines”, (từ ngày 16 đến ngày 18-10-2013). Trong các sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, các từ ngữ như “truyền giáo”, “tái truyền giáo”, “rao giảng Tin Mừng”, Phúc Âm hoá”, “Tân Phúc Âm hoá” cũng thường xuyên được lặp đi lặp lại. 

Khi nói đến việc truyền giáo, nhiều người cho rằng đó là việc của những người có ơn gọi riêng, hay là của những người rảnh rỗi, chứ không phải là việc của mình. Tuy nhiên, nếu hiểu truyền giáo một cách nôm na là thông truyền đức tin, là chia sẻ đức tin cho người khác thì đó chẳng phải là việc xa xỉ hay là việc của riêng ai mà là việc của chính mình nữa. Nhưng trước hết đức tin được nói ở đây là gì?

1. Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban 

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ Điệp Truyền Giáo (SĐTG) năm nay đã khẳng định: “Đức tin là một hồng ân quý giá từ Thiên Chúa, Đấng mở tâm trí chúng ta để chúng ta có thể biết và yêu mến Ngài. Ngài muốn liên hệ với chúng ta để chúng ta được thông phần vào sự sống của chính Ngài và làm cho cuộc đời chúng ta được ý nghĩa hơn, tốt lành hơn và đẹp đẽ hơn”(số 1). 

Ta lãnh nhận hồng ân cao quý này qua trung gian Mẹ Giáo Hội từ ngày ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, được nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể. Trong số gần 7 tỉ người trên thế giới, ta được đứng vào hàng ngũ 2,5 tỉ người vinh phúc được biết Tin Mừng Chúa Kitô. Trong số gần 90 triệu người Việt Nam, ta được thuộc về 6 triệu người hạnh phúc được biết Chúa Kitô. Và trong số 7 ngàn dân trong địa bàn phường Hàm Tiến này, ta được thuộc về nhóm 700 người diễm phúc được thuộc về Đức Giêsu. Vậy ta có ý thức về hồng ân này để luôn biết dâng lời tạ ơn Chúa hay không? Đồng thời ta có ý thức sứ mạng thông truyền đức tin, chia sẻ đức tin cho người khác không? 

2. Nhận lãnh thì phải trao ban

Chia sẻ, trao ban là một bổn phận, không phải là việc tuỳ nghi, thích hay không thích. Vì đức công bằng đòi buộc. Hơn nữa, một đức tin không biết trao ban, không biết chia sẻ là đức tin ích kỷ, đức tin “ao tù”, và những người mang “đức tin ao tù” sẽ trở thành những “Kitô hữu cô lập, cằn cỗi và ốm yếu” (x. SĐTG, số 1). Vậy trao ban cho ai? 

Trước hết là cho những người chưa có đức tin, chính xác là các anh chị em lương dân, đối tượng mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “vùng ngoại vi”, ngoài tầm phủ sóng. Có “vùng ngoại vi” cấp quốc gia, cấp tỉnh thành, cấp quận huyện, cấp phường xã, và cả cấp khu phố của mình nữa. Việc truyền thông đức tin, hay truyền thông Tin Mừng cho họ được gọi là “Phúc Âm hoá” hay là “Tin Mừng hoá”.

Thứ đến là trao ban cho những người đức tin còn non yếu hay đã mất đức tin. Đối tượng này ở ngay trong chính xứ đạo mình, thậm chí ngay trong chính gia đình, gia tộc mình. Đây là sứ mạng tái truyền giáo hay tân Phúc Âm hoá mà ngày nay Giáo Hội hết sức quan tâm. Hãy thử xem xét lại trong gia đình mình, trong gia tộc mình có ai đang thuộc “vùng ngoại vi” không, tức là đang yếu kém về đức tin, thậm chí là đã mất đức tin để có chương trình tân Phúc Âm hoá cho họ.

3. Muốn trao ban có hiệu quả thì phải làm gì?

Thư chung HĐGM Việt Nam 2013 đã đưa ra kế hoạch mục vụ cho năm 2014, đó là “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”. Trong thư có đoạn viết: “Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình” (số 5). 

Ngày nay, đâu đâu người ta cũng thấy ăng-ten của các nhà đài, nhà mạng: đài truyền thanh, truyền hình; mạng viễn thông liên lạc (Mobil, Vina, Viettel…), rồi mạng internet, mạng 3G, 4G. Nhờ các ăng-ten phủ sóng khắp nơi mà người ta có thể liên lạc, giao tiếp với nhau và với thế giới chung quanh một cách dễ dàng và tiện lợi. 

Mỗi gia đình Công Giáo hãy là một ăng-ten phát sóng, không phải là cho những thông tin tào lao thiên địa, cũng không phải là cho những thông tin xấu xa tội lỗi, mà là cho Tin Mừng, cho Đạo thánh Chúa. Nhưng muốn có ăng-ten phát sóng nhanh nhạy thì phải không ngừng cải tiến và nâng cấp. Nâng cấp bằng cách nào?

Trước hết là bằng cách củng cố tình thân với Chúa. Theo gợi ý của Đức Thánh Cha trong Sứ Điệp Truyền Giáo đầu tay của ngài, muốn truyền thông đức tin, muốn trao ban đức tin hiệu quả thì trước hết phải: “củng cố tình bằng hữu của chúng ta với Chúa và cuộc hành trình của chúng ta như một Hội Thánh đang loan báo Tin Mừng với lòng can đảm” (SĐTG số 1). Nói khác đi, việc “củng cố tình bằng hữu của chúng ta với Chúa” chính là yếu tố nền tảng nhất để truyền thông Tin Mừng cho người khác.

Năm Đức Tin sắp kết thúc, nhưng đời sống đức tin thì không kết thúc. Đức tin vẫn là một hành trình dài với nhiều thử thách cam go. Hành trình ấy phải không ngừng được “nâng cấp” nhờ mối thâm giao với Chúa qua đời sống kinh nguyện. Ai không nỗ lực duy trì mối tương quan thân tình với Chúa, tức là không cầu nguyện, sẽ đối mặt với nguy cơ suy yếu về đức tin, thậm chí là mất đức tin. Và một khi đức tin đã suy yếu thì làm sao củng cố đức tin cho người khác được; một khi mất đức tin rồi thì làm sao có thể truyền thông đức tin cho người khác được, vì “người ta không thể cho điều mình không có”. 

Sau nữa là bằng nỗ lực sống đức tin mạnh mẽ. Sẵn sàng nói về Chúa, về đạo khi có cơ hội. Về khía cạnh này ta phải khiêm tốn học lấy gương của các anh em Tin Lành. Các anh em Tin Lành có thể nói về Chúa, nói về Tin Mừng mọi nơi mọi lúc cho bất cứ ai mà họ gặp gỡ. Họ nói không mệt mỏi. Dù người ta có nghe hay không, họ vẫn cứ nói. Có được niềm say mê như thế chắc hẳn họ phải xác tín mạnh mẽ lắm về Đức tin và cảm nghiệm sâu xa lắm về đời sống thuộc linh của mình. Một khi có đức tin mạnh mẽ, có đời sống thuộc linh sâu xa thì họ sẽ được thúc đẩy truyền thông đức tin, truyền thông về Chúa cho người khác một cách say sưa.

Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không phải là người tìm nếp sống an phận trong những cử hành Phụng vụ và những thực hành luân lý thường ngày, mà là người dấn thân thực sự trong việc đem Tin Mừng yêu thương cho những người chung quanh. Điều này đòi hỏi người Kitô hữu phải có tinh thần bác ái, phục vụ và hy sinh. Một linh mục già rất đáng kính kể lại câu chuyện này: 

Ở Hàn Quốc đã có lúc có cuộc gia nhập Đạo một cách ồ ạt và tập thể, đến nỗi người Công Giáo không biết phải làm thế nào để giúp những người mới trở lại. Họ đành phải nói với những anh chị em tân tòng rằng: "Anh chị em cứ nhìn chúng tôi sống thế nào thì anh chị em bắt chước mà sống như thế." 

Người Công Giáo Hàn Quốc nói được như vậy quả là tuyệt vời! Vì không gì bằng gương sáng của một đời sống đức tin lành thánh, yêu thương, bác ái cụ thể mà người tân tòng cảm nhận được qua tiếp xúc cá nhân với anh chị em cựu tòng!

Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết ý thức sứ mạng thông truyền đức tin, truyền thông Tin Mừng cho anh chị em mình. Và xin cho chúng ta cũng biết xác tín rằng để hoàn thành sứ mạng ấy một cách hiệu quả, nhất thiết phải gia tăng tình thân với Chúa, tình mến đối với tha nhân mỗi ngày. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long (19/10/2013)

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW