Phỏng vấn Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo
Kính thưa quý vị độc giả nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng tôi có một cuộc phỏng vấn Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, Ngài vừa được giao trọng trách Chủ Tịch Ủy Ban Loan báo Tin Mừng.
Nữ tu M. Minh Du: Con xin kính chào Đức Cha. Đại diện cho độc giả của VietCatholic, con xin chúc mừng Đức Cha vừa được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trao cho trọng trách Chủ tịch Ủy ban Loan Báo Tin Mừng. Xin Thiên Chúa luôn chúc lành và đồng hành cùng Đức Cha trong 3 năm tới.
Xin Đức Cha cho chúng con biết cảm tưởng khi được Hội đồng Giám mục tin tưởng và trao trách vụ này?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Khi được trao phó nhiệm vụ này, tôi vui vì được các Đức Cha tín nhiệm, nhưng lo lắng nhiều hơn, vì đây là một trách nhiệm nặng nề. Tôi mới nhận nhiệm vụ phụ tá giáo phận Hưng Hóa, một giáo phận rộng lớn, công việc mục vụ đã bộn bề rồi, nay thêm nhiệm vụ này, liệu tôi có chu toàn không ? Nhưng tin tưởng vào sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa, tôi an tâm và sẽ cố gắng, như câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Nữ tu M. Minh Du: Với tình hình Giáo Hội Việt Nam hiện nay, Đức Cha thấy sứ vụ rao giảng Tin Mừng có những thuận lợi và khó khăn gì ?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Trong mọi vấn đề và ở mọi thời, vẫn luôn có thuận lợi và khó khăn, sứ vụ loan báo Tin Mừng hiện nay cũng thế. Tôi thấy những thuận lợi này: Hội Thánh khắp nơi đang hưởng ứng lệnh lên đường của Đức Thánh Cha Phanxicô: ra đi, đến với mọi người. Các thành phần dân Chúa ở Việt Nam đã ý thức hơn về sứ vụ này, để không chỉ lo giữ đạo cho riêng mình nữa. Tiếp đến, thời đại mới với những phương tiện mới giúp cho việc loan báo Tin Mừng thuận lợi hơn… Ngược lại, những khó khăn cũng nhiều: sự dửng dưng với tôn giáo cùng khuynh hướng hưởng thụ vật chất ngày càng gia tăng, nếp giữ đạo theo thói quen và hình thức (lễ hội hoành tráng) vẫn còn nhiều. Vốn liếng giáo lý ít ỏi khiến nhiều kitô hữu ngại ngùng, và mặc cảm thiểu số làm cho việc mạnh dạn loan báo Tin Mừng (mà sứ điệp truyền giáo năm nay mời gọi) bị hạn chế. Thêm vào đó, xem ra nhiệt huyết giới thiệu Chúa cho anh chị em đồng bào vẫn còn yếu ớt nơi rất nhiều người kitô hữu.
Nữ tu M. Minh Du: Như vậy, với những gì vừa kể trên Hội Đồng Giám Mục có đường hướng gì trong ba năm tới cho công cuộc truyền giáo?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Trong Thư Chung 2013 vừa ban hành, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra đường hướng chủ đạo trong ba năm tới (2014-2016) là “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, tức là dùng Tin Mừng mà làm cho đời sống gia đình, giáo xứ và xã hội tốt đẹp hơn (cf số 2), như muối ướp đời, men ướp bột, ánh sáng chiếu tỏa. Thư Chung cũng đề ra những hành động cụ thể để Phúc Âm hóa gia đình trong năm 2014 (x. số 6), đồng thời kêu gọi chú tâm đến những đối tượng cần được sự nâng đỡ mục vụ (x. số 7). Thực hiện được vậy, chắc chắn công cuộc Tân Phúc Âm hóa đạt hiệu quả. Bức Thư Chung này là một lời động viên Giáo Hội tại Việt Nam ý thức và nhiệt tâm thi hành sứ vụ truyền giáo cho đồng bào, khởi đi từ gia đình, giáo xứ và giáo phận. Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ gắn liền với bản chất của Giáo Hội, không ai được thoái thác và không lúc nào được ngưng nghỉ !
Nữ tu M. Minh Du: Thưa Đức Cha, dựa vào ba điểm Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ ngày 19.5.2013, theo đó, “để công cuộc loan báo Tin mừng đạt kết quả, mỗi Kitô hữu cần phải xác định niềm tin vào Chúa Giêsu, đặt Ngài ở vị trí trung tâm đời mình, gắn bó với Ngài bằng mối thân tình cá nhân qua việc cầu nguyện rồi làm chứng cho Ngài bằng đời sống Kitô hữu tốt lành, bằng sự gặp gỡ anh em lương dân, giới thiệu Chúa Giêsu cho họ”. Từ đây Giáo Hội Việt Nam sẽ khai triển ba điểm này thế nào ?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Theo Thư Chung nói trên, cụ thể trong năm 2014 sắp tới, mỗi người tín hữu cố gắng Phúc Âm hóa gia đình mình, làm cho gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện, yêu thương, phục vụ sự sống thể lý (tôn trọng sự sống) và tinh thần (giáo dục con cái nên người và nên con Chúa). Nói cách khác, là đặt Chúa Giêsu ở trung tâm cuộc sống cá nhân và gia đình, gắn bó với Ngài bằng cầu nguyện. Tiếp đến, gia đình được mời gọi tham gia vào công cuộc Phúc Âm hóa bằng cuộc sống gương mẫu, bác ái, phục vụ. Sau cùng, Thư Chung khuyến khích: “khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác” (số 6). Thực hành như thế chính là triển khai ba ý tưởng then chốt (Giêsu – Cầu nguyện – Làm chứng) được Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong cuộc tiếp kiến các thành viên của các hiệp hội giáo dân vào ngày 19.5.2013 tại Rôma (xem: Căn tính truyền giáo của Hội Thánh trong kinh nghiệm của sứ vụ Jarai. Cha Trần Sĩ Tín. Nguồn: VRNs 11.10.2013). Hội đồng Giám mục sẽ khai triển hai năm tiếp theo (2015, 2016) sau.
Nữ tu M. Minh Du: Việt Nam chúng ta hiện này dân số đã hơn 80 triệu người, trong số đó những người Công Giáo chỉ chiếm 7%, Tin Lành 2%, như thế còn hơn 81% dân số vẫn chưa biết Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Vậy chúng ta sẽ bắt đầu truyền giáo thế nào và bắt đầu từ đâu ạ ?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Theo tôi, có hai điểm để bắt đầu: Trước hết, tái truyền giáo cho anh chị em tín hữu. Thật vậy, rất nhiều tín hữu chỉ mới có niềm tin kế thừa từ cha mẹ cách hời hợt, mong manh chứ chưa mạnh mẽ. Vốn liếng hiểu biết về Chúa còn ít ỏi. Chỉ cần một “cú hích” là họ có thể đánh mất đức tin. Nhiều người vẫn chưa thật sự “sống” đức tin. Nên cần phải Tân Phúc Âm hóa chính những tín hữu trước đã. Để được vậy, toàn thể Hội Thánh, nhất là hàng giáo phẩm và giáo sĩ cần phải “hoán cải mục vụ”, tức là xem xét lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ (Thư Chung 2013, số 4). Thứ đến, loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa. Phải thừa nhận rằng nhiều đồng bào ta không biết gì về Chúa, hoặc biết lệch lạc. Điều đó một phần do lỗi của chính chúng ta đã không sống đúng, hoặc thờ ơ, chẳng giới thiệu Chúa cho đồng bào. Loan báo Tin Mừng, đúng nghĩa, là giới thiệu Chúa cho anh chị em. Nhận ra Chúa rồi, chắc chắn họ sẽ tin yêu Chúa thôi, không thể khác được. Phương cách hữu hiệu nhất để truyền giáo là làm chứng bằng đời sống. Đại hội FABC lần thứ 7 vào năm 2000 đã minh định: “Phương thế Phúc Âm hóa hữu hiệu nhất đã và vẫn luôn luôn là chứng tá đời sống”. Thư Chung 2013 cũng nhắn nhủ: “Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình Công Giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng” (số 6). Phương cách thứ hai, là việc đồng hành, tiếp xúc cá nhân. Hiện nay, chúng ta vẫn quen áp dụng cách đại trà, tập thể, khiến cá nhân cảm thấy như bị mất hút, không được quan tâm chăm sóc đúng mức. Chưa kể việc săn sóc mục vụ cho người tân tòng bị bỏ qua một bên.
Nữ tu M. Minh Du: Thưa Đức Cha, cách đây vài năm, Giáo Hội Hàn Quốc có chương trình truyền giáo bằng cách cứ một người Công Giáo hay một gia đình Công Giáo sẽ “ dẫn” về một người hay một gia đình. Mục tiêu của họ là đến năm 2020 số lượng Công Giáo đạt 20% (hiện nay là 10,3%; http://conggiao.info/news/810/19060), chúng ta sẽ có những việc làm cụ thể tương tự không ạ?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Giáo Hội Hàn Quốc có nhiều sáng kiến đáng ca ngợi trong công cuộc Loan báo Tin Mừng, chúng ta cần khiêm tốn học hỏi và bắt chước. Cha Võ Văn Ánh, quản xứ Tân Định, kể rằng ngài cùng các linh mục trong hạt làm một cuộc tham quan học hỏi về truyền giáo tại Giáo Hội Hàn Quốc. Trở về, ngài thực hiện kế hoạch như sau: huấn luyện mỗi giáo dân thành một giáo lý viên, sẵn sàng loan báo Tin Mừng và giúp khai tâm kitô giáo tại gia theo phương thức: một giáo lý viên cho một người dự tòng. Đây cũng là cách giáo dân thi hành sứ vụ ngôn sứ. Mỗi người dự tòng được giao phó cho một gia đình Công Giáo cùng cầu nguyện, đồng hành, nâng đỡ trên đường tìm về với Thiên Chúa, kéo dài cả sau khi người này đã gia nhập Giáo Hội. Thật tuyệt vời ! Sắp tới, chúng tôi sẽ gặp gỡ các vị phụ trách ủy ban loan báo Tin Mừng giáo phận và các hội dòng truyền giáo, đồng thời nối kết với các Ủy ban Giám mục có liên hệ với công cuộc này như Ủy ban Gia Đình, Giáo Dục, Giáo lý Đức Tin, Truyền thông Xã hội, Giáo dân, Mục vụ Giới Trẻ, Di dân…, để bàn bạc kế hoạch cùng chung tay Tân Phúc Âm hóa, đáp ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt nam.
Nữ tu M. Minh Du: Theo Đức Cha, tại Việt Nam, những Giáo phận nào được coi là cần quan tâm đến sứ vụ truyền giáo nhất hiện nay ?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Mọi giáo phận, không trừ giáo phận nào ! Dù có ít hay nhiều tín hữu, dù vật lực dồi dào hay thiếu thốn, dù hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi, mỗi giáo phận phải động viên toàn lực cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa vốn khẩn thiết và càng khẩn thiết hơn trong thời đại này. Thánh Phaolô khuyên nhủ Timôthê: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác…, hãy khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ… Hãy làm công việc của người loan báo Tin Mừng” (2Tm 4, 2.5). Chúng ta mong ước mỗi người, gia đình, giáo xứ, giáo phận là những hạt lúa sẽ sản sinh ra 30, 60, 100 hạt lúa khác cho Chúa (cf. Mt 13,8).
Nữ tu M. Minh Du: Với thời đại Internet hiện nay, chúng ta có những dự định gì cho Châu lục mới (gọi theo Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI) trong công cuộc truyền giáo không ạ ?
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Các Đức Thánh Cha gần đây đều khuyến khích vận dụng các phương tiện truyền thông, kỹ thuật hiện đại như Internet, các mạng xã hội như Twitter, Facebook…, để góp phần vào sứ mạng Loan báo Tin Mừng. Trước đây, Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã lên kế hoạch mở một trang web riêng cho lãnh vực này. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện, và mong mọi thành phần dân Chúa góp phần cộng tác. Mở rộng tầm nhìn, chúng ta còn phải nghĩ xa tới việc góp phần loan báo Tin Mừng cho các quốc gia khác, như chính Chúa đã truyền: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân”. Thật đáng khen khi một số Hội Dòng trong nước đã cử những thừa sai đến nhiều quốc gia bạn rồi.
Nữ tu M. Minh Du: Con xin thay mặt độc giả VietCatholic chân thành cảm ơn Đức Cha về những chia sẻ quý báu này. Xin Thiên Chúa chúc lành và thêm sức cho Đức Cha nhiều trong công việc và sứ vụ mới. Xin Đức Cha có đôi lời nhắn gửi cho chúng con ạ.
Đức Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long: Nhân ngày Truyền Giáo năm nay (20.10.2013), tôi xin gửi đến cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam lời chào thăm và mời gọi lên đường, ra đi loan báo Tin Mừng. Đứng trước việc Tân Phúc Âm hóa cho thời nay, chúng ta hãy hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam: canh tân lòng nhiệt thành, phương pháp và cách diễn tả. Canh tân mối tương quan giữa mình với Chúa Giêsu Kitô; canh tân những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại; canh tân cách diễn tả phù hợp để người thời đại có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc Âm (cf. Thư Chung 2013, số 4).
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du, VCN 20.10.2013