Suy tư tháng các linh hồn: Ý nghĩa của sự chết
Quyền lực của sự chết thì vô hình. Nó biến đi, rồi lại xuất hiện. Lúc ẩn lúc hiện, nó luôn theo đuổi và đồng hành với con người trong mọi bước đường: lúc quá đói, lúc quá no, lúc đau ốm bệnh hoạn, lúc khỏe mạnh, và ở trong gia đình, ở trên các trục giao thông, ở các bệnh viện, ở trên rừng, ở dưới biển. Khắp nơi đều ẩn hiện bóng dáng sự chết. Người ta có thể nói rằng sự sống và sự chết là những thành phần gắn liền với cuộc đời con người, cả hai chỉ tách biệt nhau bằng một khoảng cách mỏnh manh đường dao cắt. Và dầu muốn hay không, con người cũng phải đối mặt với sự chết vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống của mình; không ai có thể chạy thoát được sự chết.
Điều đó cũng muốn nói rằng, sự chết đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời con người. Vâng, sự đào thải và bào mòn của vật chất là định luật tự nhiên cho ta thấy rằng cái gì được bắt đầu thì đương nhiên cũng sẽ chấm tận, đã ra đi thì sẽ có ngày trở lại, đã được sinh ra thì cũng sẽ có ngày phải chết. Các vật dụng trong đời thường trước kia chưa có, nay có và một ngày nào đó chúng sẽ không còn hiện hữu nữa; nước biển bốc hơi lên trời làm mây bay khắp mọi phương hướng, và khi khí trời thuận tiện thì biến thành mưa tắm mát cỏ cây hoa lá trên rừng xanh và trong các đồng nội hay róc rách trong các khe suối, rồi cuối cùng một ngày nào đó cũng sẽ chảy lại ra biển cả; và các sinh vật được sinh ra và rồi sẽ chết dưới bất cứ hình thức nào đó, chứ không có gì tồn tại vĩnh viễn trong cuộc đời này cả. Còn con người thì ngoài thân xác hay chết, còn có linh hồn thiêng liêng bất tử, nên sau khi thể xác chết đi và tan vào lòng đất mẹ, thì linh hồn thiêng liêng bất tử sẽ trở về với Tạo Hóa, Đấng đã tạo dựng nên nó cũng như muôn loài khác.
Đó là định luật cố hữu của thiên nhiên, xưa nay vẫn vậy. Nhưng trong cái định luật tự nhiên “sinh-tử” ấy của mọi tạo vật, người ta lại nhận ra một diễn tiến tất nhiên đi kèm theo, đó là sự “bào mòn” hay sự “đào thải”, tùy theo đối tượng để gọi. Ví dụ một sự vật thì từ khi có cho đến khi biến khỏi mặt đất này, nó phải trải qua giai đoạn bị bào mòn một cách tiệm tiến bởi thời tiết, khí hậu hay sự sử dụng của con người. Còn các sinh vật như con người chẳng hạn, thì từ khi được sinh ra cho đến lúc chết, cũng phải trải qua một quá trình bị đào thải một cách tiệm tiến, tức các tế bào sẽ bị chết hay bị đào thải tuần tự, cũng như sự sinh hoạt hay sự vận động của các cơ quan trong con người sẽ bị thoái hóa từ từ, mãi cho tới một giới hạn nào đó thì chấm dứt hẳn. Và sự chấm dứt hẳn ấy được gọi là sự chết.
Nhưng sự đào thải hay sự thoái hóa ấy của các tế bào cũng như của các cơ năng trong con người được diễn biến qua những hiện tượng cụ thể trên cơ thể mà người ta gọi là sự đau ốm, bệnh tật. Và xin nhắc lại là những hiện tượng trong quá trình đào thải hay thoái hóa ấy là một định luật tự nhiên, tức một định luật đã được Tạo Hóa thiết đặt cho mọi vật chất, nên không thể thay đổi được. Một khi xác tín được một cách rõ ràng định luật tự nhiên ấy như là ý Tạo Hóa, người ta sẽ cảm thấy bớt đau khổ, bớt căng thẳng và sống thanh thản hơn khi các thứ bệnh tật này nọ xảy đến cho mình. Vâng, “quân tử úy thiên mệnh”, người hiền đức thì biết phụng mệnh trời, biết vâng theo ý Chúa. Và đây chính là nhân sinh quan Kitô giáo.
Vậy, điều quyết định ở đây là con người có ý thức đầy đủ và sống một cuộc sống tương xứng với định luật ấy hay không; hay nói cách khác, con người có được một sự xác tín và một cuộc sống Kitô giáo hay không! Đây là quan điểm đã được triết gia Công Giáo Robert Spaemann và nhà thần học Tin Lành Bernd Wannenwetsch, đồng tác giả của tác phẩm “Guter schneller Tod – Von der Kunst, menschenwürdig zu sterben” (Cái chết lành nhanh chóng – dưới phương diện nghệ thuật là chết xứng với nhân phẩm), đã trình bày tuy ngắn gọn nhưng rất rõ ràng. Hai tác giả đã thành công trong việc trình bày cái nhìn Kitô giáo sâu sắc về cuộc sống hiện tại và đồng thời chứng minh cho thấy rằng đối với con người nếu cuộc sống cũng như cái chết mà thiếu vắng niềm tin Kitô giáo thì thật là một sự trống rỗng và mất mát không gì có thể bù đắp được.
Thực ra, theo sự trình bày của hai tác giả thì việc chống lại sự hợp thức hóa hành động muốn gây ra cái chết cho một người nào đó là điều đương nhiên, vì sự sống con người phải được đặt lên trên tất cả và vì chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng duy nhất mới có toàn quyền trên sự sống và sự chết của con người mà thôi.
Hai tác giả muốn bàn về “những lý do biện minh cho tính chất hợp lý của sự cấm cản việc trợ tử và sự đứng vững của nó.” Nhưng tại sao sự đòi hỏi việc thực hành trợ tử mỗi ngày mỗi tăng thêm?
Ngày nay, hầu như tất cả các bệnh viện to nhỏ trên khắp thế giới đều được trang bị các máy móc giúp bệnh nhân hô hấp khi khả năng tự nhiên của cơ thể họ bất lực, tức hô hấp nhân tạo; nói cách khác, máy móc là phương tiện cần thiết giúp con người kéo dài thêm được sự sống của mình trong một thời gian nhất định nào đó. Nhưng điều đó cũng muốn nói rằng, kỹ thuật đóng vai chủ động trong cuộc sống con người: chỉ bật hay tắt một cái nút điện là sự sống con người được tiếp tục hay bị chấm dứt. Theo quy định cũ của các thầy thuốc là phải kéo dài sự sống người bệnh bao lâu có thể, thì nay đã trở thành vấn đề của kỹ thuật máy móc, nhưng những dụng cụ hay phương tiện này lại thường vượt quá phạm vi “phương tiện” của chúng, để nắm giữ vai chủ động của Tạo Hóa.
Tiếp đến, yếu tố mang tính cách quyết định thứ hai là não trạng lấy sự hưởng thụ (Hedonismus) làm mục đích cuộc sống của xã hội ngày nay. Tất cả mọi giá trị cao quý đối với cuộc sống không còn được khám phá trong chính bản thể của con người nữa, ngược lại, con người tự giảm thiểu giá trị của mình và coi mình là một chủ thể chỉ tìm thụ hưởng an vui thoải mái. Điều đó muốn nói rằng người ta phải tránh, vâng, phải loại trừ sự đau khổ ra khỏi cuộc sống bằng mọi giá. Và ở đâu người ta không xóa bỏ được sự đau khổ bằng một cách nào khác, thì phải loại trừ chính chủ thể chịu đau khổ. Đó là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng đầy ngụy biện của thời đại với danh xưng hấp dẫn “trợ tử” hay tự kết liễu đời mình để tránh đau khổ: tự tử hay tự quyên sinh.
Nhưng người ta đừng quên rằng cuộc sống con người không phải tự nhiên mà có hay tự con người tạo ra cho mình – vì tự bản chất của nó vật chất không thể tự hữu được – nhưng là được Tạo Hóa sáng tạo nên và mang trên mình hình ảnh của Người. Bởi vậy, cuộc sống của mỗi người chứa đựng một phẩm giá linh thiêng cao cả trong chính mình, mà không một ai có quyền xúc phạm hay lấy đi được. Và cũng bởi vậy, là một điều thiếu sót, nếu chúng ta chỉ đánh giá cuộc sống theo tiêu chuẩn là liệu nó có thể bị loại trừ hay không, hai tác giả phát biểu: “Cũng như đối với chính cuộc sống, chúng ta thường coi nhẹ ý nghĩa cuộc sống, và vì thế chúng ta cũng không thể nhận thức được một cách đầy đủ về nó trong bất cứ khoảnh khắc nào của sự sống.” Do đó, người ta không thể dựa theo bất cứ lý do nào để biện minh cho sự trợ tử hay sự tự tử. Quy ước của sự “chết lành”, tức cái chết xảy ra đúng với sự an bài của Tạo Hóa càn khôn, không thể chấp nhận những người tự cho mình có toàn quyền trên sự chết của mình được.
Theo hai tác giả thì phán quyết cuối cùng về cuộc sống con người chỉ một mình Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Trong tác phẩm “Die Abschaffung der Menschen” (Sự loại bỏ con người) của ông, Clive Staples Lewis, giáo sư văn chương người bắc Ái Nhĩ Lan, đã chứng nhận rằng: “Sự diễn tiến mà nếu người ta không ngăn cản nó, thì nó sẽ tiêu diệt con người, đó là sự diễn tiến xảy ra bất khả lường trước được nơi những người cộng sản, nơi những người dân chủ cũng như nơi những người quân phiệt.” Không chỉ ở xã hội Thụy Sĩ và Hòa Lan người ta không thấy ghê sợ rùng mình trước những sự “giết người hợp pháp”, nhưng ở nhiều nước khác trên thế giới người ta còn cho việc “giết người hợp pháp” là một điều cần thiết, chẳng hạn ở những nước còn có luật xử tử các tội nhân. Nhưng theo nguyên tắc tự nhiên mà Tạo Hóa đã thiết định “ngươi không được giết người” thì không bao giờ có cái gọi là “giết người hợp pháp” cả. Tất cả mọi hành động giết người dù dưới bất cứ hình thức hay danh nghĩa nào – trợ tử, tự tử, phá thai, bỏ đói, xử tử, v.v… – đều bất hợp pháp trước Tòa Thiên Chúa tối cao, đều bị cấm chỉ nghiêm ngặt, ngoại trừ sự tự vệ chính đáng và cần thiết. Con người chỉ có quyền gìn giữ và thăng tiến sự sống, chứ không có quyền hủy diệt hay làm tổn hại. Lý do đơn giản là con người không thể tự tạo ra được sự sống, thì con người cũng không có quyền loại bỏ hay hủy diệt nó.
Trong trường hợp các thánh Tử Đạo, những Kitô hữu đã can trường chẳng thà chết chứ không từ bỏ đức tin Kitô giáo của mình, sự chết không hề là kẻ chiến thắng, ngược lại là kẻ thất bại. Vì thế, các thánh Tử Đạo là “hạt mầm khai sinh sức sống của Giáo Hội.” Vị tử đạo chân chính luôn tôn trọng và bảo toàn sự sống của mình, chứ không bao giờ đi tìm kiếm cho mình sự chết. Nhưng nếu khi hoàn cảnh đòi hỏi phải làm chứng nhân cho đức tin Kitô giáo, thì người Kitô hữu không từ nan trước bất cứ thử thách đau khổ nào, kể cả sự chết. Anh xác tín một cách sâu xa lời dạy của Đức Kitô: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,25). Vì thế, các vị Tử đạo là những chứng nhân anh hùng, là những gương mẫu chói lọi cho mọi tín hữu noi theo.
Nhưng ngày nay, người ta lại thường quan niệm về gương mẫu có tính cách một chiều. Theo họ, để được gọi là gương mẫu khi nó có thể giúp cho người ta phát huy được con người cụ thể của họ. Trong cuộc sống có nhiều gương mẫu hay nhiều biện pháp có thể soi đường chỉ lối cho con người. Dĩ nhiên, biện pháp ở đây không có tính cách quy phạm, nghĩa là nó vẽ ra cho ta những đường hướng phải theo hay những mẫu mực phải làm, mà là giúp cho ta có thể so sánh và cân bằng được những điều kiện khả dĩ của ta với chính những thực tại cụ thể của ta.
Những người hoàn toàn đồng ý với hành động tự tử, thì xác tín rằng hành động tự tử nói lên sự tự do của con người. Nói cách khác, con người sống hay chết không bị lệ thuộc ai cả. Mỗi người có toàn quyền được tự do quyết định trên sự sống chết của mình. Nhưng đó là một quan niệm hoàn toàn chủ quan, một chiều và vô lý. Vì con người đâu tự tạo ra cho mình sự sống, nhưng là đã được nhận lãnh. Vậy, nếu đã được nhận lãnh thì con người đâu có quyền gì trên sự sống chết của mình cũng như của các đồng loại khác! Tiếp đến, theo quan điểm này thì sự chết trở thành một ý niệm của sự vô nghĩa, nó phải biến đi và một câu hỏi phi lý được đặt ra: “Phải chăng chết là một điều tệ hại?”
Spaemann và Wannenwetsch nhìn thấy một nguyên nhân nghịch lý trong việc đòi hỏi hành động giết người không bị trừng trị. Con người tự cho mình là chủ thể hoàn toàn tự quyết trên chính sự sống chết của mình, và rồi nhìn nhận những người khác có ngôi vị và có nhân phẩm như mình, nghĩa là cũng có đầy đủ quyền tự quyết. Dĩ nhiên, ở đây “ngôi vị” không có nghĩa là “một người nào đó” với những phẩm chất và đặc điểm riêng biệt cụ thể và rõ ràng, như: sự ý thức, sự trải nghiệm, sự hoài cổ hay ký ức, tình yêu hay sở thích, v.v… “Ngôi vị” ở đây mang tính cách trừu tượng; hay nói cách khác, là biểu tượng quy tụ và cụ thể hóa các phẩm chất và các đặc điểm ấy lại thành cá thể duy nhất mà thôi. Theo nghĩa này, các trẻ sơ sinh, các người tàn tật về trí não và những người trong giấc ngủ say đều không phải là những “ngôi vị”, hay ít là những “ngôi vị” không trọn vẹn. Nhưng sự nhận định về ngôi vị con người như thế là hoàn toàn phiến diện. Nếu một người đã không ý thức được ngôi vị là gì, thì tất nhiên cũng không thể phán quyết gì về sự sống và sự chết được.
Khi một người tự tiện hành động theo ý riêng chứ không theo một nguyên tắc luân lý hay lệnh truyền nào, thì cũng tương tự như thể tự cho rằng mình được quyền “ăn trái cấm” từ “cây biết lành biết dữ” trong cuộc sống và sau đó cứ tiếp tục sống theo sự suy nghĩ riêng của mình. Đó là một dấu chỉ cho thấy “một người như thế không đủ khả năng sống theo một cuộc sống gắn kết với Thiên Chúa, nguồn mạch mọi nhận thức và mọi sự sống.” Việc kỹ thuật hóa sự chết để làm tăng phẩm chất sự sống theo phương thức những người vô thần và duy vật, thì kết quả sự diễn tiến sẽ hoàn toàn khác, chứ không mang lại kết quả tự nhiên của một sự tiến bộ bình thường; hay nói cách khác, đó là một hành động thất bại, tức không phải là một phương tiện chống lại sự chết, nhưng là một hình thức càng làm cho chính sự chết lan rộng thêm, và đồng thời làm cho sự sống cũng như sự chết của con người mất hết ý nghĩa trọng đại của chúng.
Dĩ nhiên, một quan điểm chân chính về sự chết chỉ khả dĩ trong một môi trường sống Kitô giáo mà thôi. Đối với tư tưởng một người bị tục hóa thì quan điểm đó là một điều xa lạ, không thể hiểu được. Nhà thần học Tin Lành Bonhoeffer, một nạn nhân của chế độ Đức Quốc Xã, cũng đã có chung cùng một quan điểm về sự chết như thế khi ông phát biểu “Totsein heißt Lebenmüssen” – Chết có nghĩa là phải sống. Theo nghĩa này, sự chết được suy tư trong những điều kiện của sự thất bại (tức sự sa ngã). Ở đây người ta thấy quan điểm của Bonhoeffer về sự chết trùng hợp với “văn hóa sự chết” của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Theo Bonhoeffer, thì trong trường hợp sa ngã với một mình “conditio humana” là hoàn toàn bất khả, không có lối thoát, mặc dù con người phải tiếp tục sống theo các khả năng riêng của mình: “Anh ta thực hiện điều đó (tức sống theo giới luật), chính khi anh ta sống từ sự bất ổn nội tâm của mình, chính khi anh ta sống với sự thiện hảo của mình từ cái bất hảo và với cái bất hảo của mình từ cái thiện hảo.(…) Anh ta sống trong cái vòng tròn ấy, anh ta sống từ chính bản thân mình, anh ta hoàn toàn một mình; nhưng anh ta không thể làm được như vậy, bởi vì anh ta không còn sống nữa, trong cuộc sống này anh ta là kẻ đã chết.” (Daniel Steffen Schwarz: Das Sünsencerständnis Bohoeffers und Luthers, trang 46).
Ngày nay, sự chết và kỹ thuật học cùng sát cánh bên nhau, bởi vì kỹ thuật học chính là “kỹ thuật giữ vai trò chủ động.” Nhưng vai trò chủ động này chỉ có tính cách hão huyền. Theo tinh thần Kinh Thánh thì các máy móc được sử dụng trong y khoa chỉ là một phương tiện kỹ thuật trong việc điều trị ở phạm vi “dominium terrae”, ở phạm vi chủ động trên trái đất mà thôi. Điều đó muốn nói rằng mục đích của y khoa là chỉ nhằm tới sự sống, nhằm kéo dài sự sống bằng mọi giá, chứ y khoa không đủ khả năng để đề cập tới viễn tượng siêu nhiên, tới sự sống lại của con người. Hơn nữa, nếu máy móc giữ vai trò chủ động trong mọi điều trị bệnh tật, thì sự trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân chỉ còn là điều thứ yếu.
Nói tóm lại, trong một xã hội vô thần, duy vật và bị tục hóa một cách trầm trọng như xã hội nhân loại ngày nay, quan niệm con người về sự sống và cái chết hoàn toàn vượt ra ngoài quan niệm truyền thống. Cuộc sống được quan niệm như một chuỗi các hưởng thụ. Vì thế, một khi sự hưởng thụ mất hết điều kiện và phương tiện để tồn tại, thì cuộc sống cũng không còn lý do để tồn tại nữa. Nói cách khác, theo họ thì một cuộc sống bất hạnh thì không đáng tồn tại, cần phải chấm dứt. Và đó là lý do khiến người ta có sáng kiến bày ra cái gọi là “trợ tử” và đồng thời cũng khiến người ta dễ dàng coi thường và hủy diệt mạng sống của chính mình.
Điều đó muốn nói rằng chết là hậu quả tất yếu của một cuộc sống bất hạnh, tức một cuộc sống không còn điều kiện để hưởng thụ. Nhưng một quan niệm về cuộc sống và sự chết như thế là quá phiến diện, thiển cận và đã thu hẹp ý nghĩa cuộc sống con người lại trong phạm vi vật chất: sự thụ hưởng!
Trên thực tế, cuộc sống con người có một giá trị nội tại đầy thiêng liêng và cao quý, chứ không chỉ giới hạn trong các giá trị vật chất mà thôi, nhưng còn vươn tới các giá trị tinh thần và siêu nhiên nữa, vì con người không chỉ có thể xác hay chết mà còn có linh hồn thiêng liêng bất tử nữa. Vâng, con người được Thiên Chúa dựng nên không chỉ để hưởng thụ, nhưng còn có những sứ mệnh thiêng liêng cao quý mà Người đã giao phó cho mỗi người để chu toàn, khi Người dựng nên họ.
Đó là những bổn phận đối với Thiên Chúa, đối với xã hội đồng loại và đối với chính mình. Và tất cả được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu anh chị em đồng loại như chính mình.” Cuộc sống là một hồng ân hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa ban cho con người để bảo toàn, thăng tiến và hoàn thiện nó, chứ không phải để sử dụng nó một cách tùy tiện theo ý riêng mình được. Chỉ một mình Người là Đấng Tạo Hóa toàn năng mới có toàn quyền quyết định trên sự sống và sự chết của con người mà thôi.
Xác tín một cách sâu xa được triết lý sống của cuộc đời như thế, nhà côn trùng học thời danh người Pháp Jean Henry Fabre đã chí lý phát biểu: “Cuộc sống con người không phải là một sự khoái lạc, cũng không phải là một cực hình, nhưng là một bổn phận mà ta phải tận lực chu toàn cho tới khi Thiên Chúa cho ta được nghỉ ngơi.” Và Blaise Pascal, một nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp khác còn bổ túc thêm bằng lời nguyện đậm tinh thần Kitô giáo sâu sắc của ông: “Lạy Chúa, con không xin Chúa sự sống, con cũng không xin Chúa sự chết. Con không xin Chúa sự sung sướng, con cũng không xin Chúa sự đau khổ. Con chỉ xin Chúa cho con biết nhận ra và thực thi ý Chúa trong mọi sự. Amen”.
Lm. Nguyễn Hữu Thy
Nguồn: gphaiphong.org