Diễn nguyện và Thánh lễ Giới Trẻ tại nghĩa trang Giáo xứ Kẻ Sặt

18-11-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Diễn nguyện và Thánh lễ Giới Trẻ tại nghĩa trang Giáo xứ Kẻ Sặt by

KẺ SẶT – Trong tâm tình của đạo làm con, làm cháu là phải hiếu kính và biết ơn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục, không chỉ khi các ngài còn sống mà còn cả khi các ngài đã qua đời. Là người tín hữu Công Giáo, thì thi tâm tình hiếu thảo đó lại càng phải được thể hiện sâu sắc hơn đặc biệt là những điều Chúa truyền dạy. Vì thế, chiều ngày 16.11.2013, tại nghĩa trang giáo xứ Kẻ Sặt, đã diễn ra chương trình diễn nguyện và thánh lễ tạ ơn do giới trẻ giáo xứ phụ trách. (Xem hình ảnh)

Với chủ đề: “Nhớ Nguồn”, từng tiết mục diễn nguyện thể hiện đã lần lượt làm cho cộng đoàn tham dự như được ôn lại những ký ức tươi đẹp về ngày thơ bé, thuở còn mẹ còn cha, được cha mẹ vỗ về, lo lắng sớm hôm:

 “Mẹ nuôi ta, nhớ thương cha mẹ xót xa tấm lòng
Nuôi con cực khổ ẵm bồng, trời cao vời vợi khó mong đáp đền”

Thật vậy, cha mẹ như một bầu trời dịu ngọt, mà chúng ta đã được bơi lội trong đó một cách thoả thích. Mẹ thì như dòng suối ngọt ngào, là kho tàng vô tận. Còn Cha là kỳ quan vĩ đại, là món quà vô giá mà cuộc đời đã ban tặng cho ta. Chính thế mà tình cha nghĩa mẹ đã được ví như những khúc hát, những lời ru, và những câu ca dao hết sức ngọt ngào:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Tháng mười một, tháng vu lan của người công giáo. Tháng cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất và còn sống. Gợi nhắc cho chúng ta hướng về đấng sinh thành, nhớ về công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Người mà suốt cuộc đời, lúc nào cũng thương, cũng chờ đợi mong những đứa con thân yêu, dù có muôn trùng xa cách trở về. Đồng thời, cũng gợi nhắc mỗi người chúng ta về bổn phận của đạo làm con, và làm người trong cuộc sống.

Đã có một nhà thơ trẻ đã từng ngậm ngùi tâm sự: “thêm một người quả đất sẽ chật hơn, nhưng thiếu cha vắng mẹ, thế giới sẽ đầy nước mắt”. Bởi suối nguồn yêu thương bất tận chỉ bắt nguồn từ trái tim bao dung của người cha, người mẹ. Sự rung cảm ngọt ngào từ sâu thẳm đã được khơi lên từ tấm lòng chịu thương, chịu khó của mẹ, của cha.

“Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”

Cả cuộc đời của mẹ là con. Mãi mãi trong mắt mẹ, sâu thẳm trong trái tim mẹ, con là một đứa trẻ vụng về mà mẹ phải chăm lo. Con còn nhỏ, mẹ lo con đau yếu. Con lớn lên, mẹ lo con vấp ngã trên trường đời. Đến lúc con lập gia đình, mẹ tự nguyện làm mẹ già để chăm sóc những đứa cháu, cho con được thong dong, chăm lo cuộc sống của riêng mình.

Rồi đến một ngày, con tìm kiếm mẹ trong khoảng không của im lặng, con chợt nhận ra… con đã xa mẹ. Trong giấc mơ chập chờn, con nhìn thấy mẹ. Con muốn gửi ngàn cánh hoa đến mẹ yêu… nhưng có lẽ không kịp nữa rồi…

Thương cha gánh nặng cuộc đời. Để con khôn lớn rạng ngời tương lai.
Thương cha những ngón tay chai. Áo cha sớt chỉ sờn vai bạc màu.
Thương cha chịu khổ chịu đau. Chỉ mong con nhỏ mau mau thành người.

Có lẽ ít người con nào, đã không từng một lần được ngồi trên vai cha. Tay nắm tóc, chân nhún nhảy, miệng cười khanh khách. Sự hy sinh của cha thầm lặng mà sâu. Có ai ngờ đâu, bao nhiêu thứ cha phải hy sinh, dành lại cho con những điều tốt đẹp nhất, mà mãi sau này con mới hiểu.

Nhìn được cha là ánh sáng tưng bừng, hương ấm áp của mặt trời mọc.
Nhìn được mẹ là trăng vàng dịu ngọt, hiền hoà thay cho trăm cánh thêm sinh.

Đi khắp thề gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển đông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi ta khôn lớn.
Mang cả tấm thân gầy, cha che chở cho con.

Dòng đời mãi êm đềm trôi theo thời gian. Thấm thoát con chợt nhận ra mình đã lớn. Mới ngày nào con còn được bú mớm, được nâng niu vỗ về, được ngủ say trên chiếc võng trưa trong vòng tay yêu thương cùng những lời ru ngọt ngào của mẹ. Con biết rằng ngày đó không chỉ riêng con, mà tất cả những đứa trẻ khác khi được nghe lời ru của mẹ, đều chỉ biết tròn xoe đôi mắt ngây ngô, ngó nhìn vạn vật xung quanh và đòi cho bằng được tất cả những gì chúng con muốn.

Lớn thêm một chút, đến tuổi được cắp sách đến trường. Dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn, nhưng mẹ cha vẫn cố gắng lo cho con được bằng bạn bằng bè. Mẹ đã phải dậy sớm hơn khi vạn vật còn đang tĩnh mịch, những gánh hàng trĩu nặng đã theo mẹ đến đường xa. Để từ đó mẹ chở ước mơ của con bằng đôi bàn tay thêm chai sạn, bằng đôi mắt của mẹ ngày một mờ đi, bằng tấm lưng gầy ngày thêm oằn nặng, bằng đôi chân run rẩy nhưng vẫn bước để dìu dắt con đi.

Còn cha, con cảm nhận được tình thương, không nồng nàn dịu ngọt như mẹ, nhưng con biết tình thương ấy luôn song hành cùng tình mẹ. Cha gồng mình làm điểm tựa cho con, tiếp sức cho con thêm niềm tin, ý chí và nghị lực để con vững chãi bước vào đời.

Và cứ thế con vẫn lớn lên bằng tình yêu thương và sự chở che của cha của mẹ. Mái tóc con ngày một óng ả, đôi mắt con ngày một tinh anh, nhìn đời háo hức. Đôi chân con đã biết rong ruổi tha phương, và không còn muốn quanh quẩn trong vòng tay của cha mẹ. Ngoài kia, một vòng tay lớn hơn đang chờ đón con với những xa hoa, với những yêu thương mà con ngỡ tưởng là hạnh phúc. Con ngụp lặn, chìm đắm và mải mê theo những thú vui tạm bợ. Rồi đến một ngày, giữa trường đời con trượt chân vấp ngã, chợt nhớ về những ngày bình yên bên mẹ, bên cha. Con muốn tìm lại chút dư âm của ngày xưa ấy, muốn được nghe lại lời cha khuyên bảo thuở nào, muốn được nằm trên chiếc võng đong đưa, và thèm được nghe câu hát ru của mẹ thời thơ bé. Nhưng còn đâu bao năm tháng ấy, bởi thời gian đã phủ lên màu tàn úa: “Bóng mẹ gầy, cha còm cõi, vì ai?”

Con cất tiếng gọi cha ơi, nhưng cha con đâu? Con cất tiếng gọi mẹ, nhưng sao không thấy mẹ trả lời. Lặng người, con chợt nhận thấy mình bơ vơ giữa dòng đời: “lúc còn mẹ, con còn tất cả. Mẹ vội đi, tất cả cũng đi. Mẹ ơi con chẳng còn gì. Bơ vơ đến đỗi khi đi lúc về.”

Cha ơi, mẹ ơi. Hôm nay, chúng con về đây. Xin cho con được quỳ trước cha, trước mẹ  để nói lên lời tri ân và tạ tội. Con đã quá vô tình mà quên lãng đi tình cha, quên ơn thâm sâu của mẹ. Trong giây phút linh thiêng này, để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, chúng con:

Dâng một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ.
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương.
Dù bao năm dù có hoá vô thường.
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất.

Quả thật là hạnh phúc cho những ai đang còn cha, còn mẹ trên đời. Vì khi ấy nghĩa là ta còn có một vùng trời bình yên. Xin hãy thận trọng điều đó. Vì giờ khắc này đây, hãy cài lên ngực áo một đoá hồng màu đỏ thắm: màu của sự yêu thương, màu của bao vất vả và gian lao mà hai đấng sinh thành đã chắt chiu cho ta trưởng thành qua bao năm tháng. Màu ấy như một điều nhắc nhở ta phải nhớ về cội, về nguồn, về những công ơn to lớn của mẹ cha mà ta phải phụng dưỡng đền đáp. Màu hồng nhớ, màu hồng thương, màu hồng đã gói trọn bao vấn vương bởi những lo lắng, tảo tần suốt một đời cho ta, và vì ta tất cả. Xin bạn hãy giữ gìn và nâng niu, đừng bao giờ làm phai nhạt. Hãy yêu thương và lo lắng cho người.

Còn nếu bạn bất hạnh vì đã mất mẹ, mất cha. Xin hãy lặng lẽ cài lên ngực áo của mình đoá hoa buồn trắng tinh khôi. Bạn hãy cài hoa và hãy hướng nguyện về cha mẹ mình bằng tất cả những gì linh thiêng và cao cả nhất.

“Bạn hãy tặng một bông hồng cho người còn sống, còn hơn một lẵng bông khi người đã khuất”. Câu thành ngữ trên như lời nhắn gửi đến mỗi người chúng ta hãy luôn trân trọng những gì mình đang có. Hãy yêu thương, quan tâm, chia sẻ, ủi an và hãy sống xứng đáng, thảo kính với cha mẹ khi các ngài còn sống. Bởi khi bạn còn nhỏ, cha mẹ đã mất hàng giờ để dạy bạn dùng thìa khi ăn, dạy bạn mặc quần áo, buộc dây giày, cài khuy áo, tắm cho bạn mỗi khi bạn bẩn, dạy bạn chải đầu… và dạy cho bạn những giá trị nhân văn. Và tới một ngày, khi cha mẹ già đi, chậm chạp hơn, đãng trí hơn, thì xin bạn đừng chán nản cha mẹ. Mỗi khi họ quên cài khuy áo, quên buộc dây giày, làm rơi vãi thức ăn, đôi tay run mỗi khi chải đầu, thì làm ơn đừng vội vàng la mắng. Bởi lúc đó là lúc bạn đang lớn, còn cha mẹ thì đã già, và chỉ mong bạn bên cạnh, kiên nhẫn, bao dung, đền đáp, để trái tim họ cảm thấy ấm áp. Và nếu một ngày nào đó cha mẹ không còn đứng vững, thì bạn hãy cầm tay họ, dìu theo từng nhịp bước đi của họ, như là họ đã từng dạy bạn đi lúc nhỏ.

Xin hãy luôn ở bên cha mẹ, như là việc họ luôn bên cạnh bạn khi xưa, chịu đựng vì bạn, lo lắng cho bạn và sống vì bạn.

Chúng con xin cám ơn cha, xin cám ơn mẹ đã sinh ra chúng con, dưỡng dục và dạy dỗ chúng con nên người. Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con có một gia đình êm ấm hạnh phúc. Nguyện xin Chúa ban nhiều ơn xuống trên cha mẹ chúng con và cho chúng con luôn sống xứng đáng và hiếu thảo để đền đáp công ơn mẹ cha. Amen.

Sau phần diễn nguyện. Cộng đoàn cùng hiệp dâng thánh lễ, để cầu nguyện cho cha mẹ, cho những người còn sống cũng như những người đã qua đời.

Nguồn: Giới Trẻ Giáo Xứ Kẻ Sặt

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW