Chân dung người mục tử lý tưởng theo ĐTC Phanxicô

26-11-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Chân dung người mục tử lý tưởng theo ĐTC Phanxicô by

Sau hơn 8 tháng trong cương vị Giáo hoàng, qua các bài giảng, bài giáo lý, các buổi nói chuyện, và đặc biệt là qua lối sống và tinh thần phục vụ đầy yêu mến của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phác hoạ khá rõ nét chân dung của một vị mục tử lý tưởng.

Trước hết, người mục tử lý tưởng theo ĐTC Phanxicô phải là người gần gũi với đàn chiên của mình. Các ngài không sống tách biệt với người khác, không được xem mình là người “quản trị” quà tặng ân sủng Thiên Chúa. Tinh thần gần gũi và sẻ chia luôn đồng hành với sự thanh bần như Đức Thánh Cha đã giải thích cho các chủng sinh và tập sinh vào ngày 6 tháng 7: “Cha nói cho các con biết, cha thực sự buồn khi thấy một linh mục hay một nữ tu sở hữu một chiếc xe hơi hiệu mới nhất… Cha nghĩ rằng xe hơi cũng cần thiết vì nó giúp công việc được tiến triển nhanh hơn nhiều, và cũng để đến nơi cần đến… nhưng nên chọn một chiếc xe khiêm nhường thôi. Và nếu các con thích một chiếc xe đẹp, thì hãy nghĩ đến những trẻ em đang phải chết đói.”

Trong lời khuyến dụ dành cho các giáo sĩ Giáo phận Assisi trong cuộc thăm viếng ngày 4-10 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã xin các linh mục hãy nhớ rõ không những tên của những người giáo dân trong giáo xứ, mà còn cả các con thú cưng của họ nữa. Đây chính là con đường giúp người mục tử gần gũi với đàn chiên của mình. Sự gần gũi này là hết sức cần thiết, vì chỉ khi gần gũi với người tín hữu, người mục tử mới có thể trao ban cho họ hương thơm của Đức Giêsu. Hơn nữa, để có thể trao ban thứ hương thơm ấy, các ngài phải để hương thơm của Đức Ki-tô thấm đượm nơi chính bản thân mình.

“Chính đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận; và thay vì làm những mục tử ở giữa đoàn chiên của mình, thì hãy làm những người thả lưới gom người. Đức Thánh Cha đã nói điều này trong bài giảng vào ngày 28-3 trong Thánh Lễ Dầu, ngài thêm: “Dân chúng cám ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã đưa vào lời cầu nguyện của mình những thực tại đời sống thường ngày của họ, những đau khổ và niềm vui, những lo âu và hy vọng. Và khi họ cảm thấy hương thơm của Đức Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, đến với họ qua chúng ta, họ được khích lệ để ký thác cho chúng ta tất cả những gì họ ước muốn dâng lên Thiên Chúa: “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con có vấn đề này…”, “Xin chúc lành cho con”, “Xin cầu nguyện cho con”, đó là dấu hiệu cho thấy dầu xức đã đạt tới gấu chiếc áo choàng, bởi lẽ nó đã biến thành lời cầu khẩn, lời khẩn cầu của Dân Thiên Chúa.”

Kế đến, một vị linh mục là một người ở trong tình yêu, và các ngài phải luôn nhắc nhớ các tín hữu về tình yêu đầu tiên ấy, tình yêu của Đức Giêsu. Đặc tính chính yếu của một vị linh mục trong tình yêu chính khả năng quay về mối tình đầu ngang qua những kỷ niệm. Một Giáo hội đánh mất ký ức là một Giáo hội mang tính máy móc, Giáo hội ấy không còn sức sống. Các linh mục phải là người công bố về lòng thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta.

Là một khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa, các linh mục trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa thông qua Bí tích Hoà Giải. Trong bài giáo lý thứ tư ngày 20-11 vừa qua, ĐTC cho chúng ta thấy chân dung của một cha giải tội. “Linh mục chính là khí cụ để tha thứ tội lỗi. Sự tha thứ của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta nơi Giáo Hội, và được thông chuyển cho chúng ta thông qua thừa tác vụ của một người anh em chúng ta. Các linh mục, cũng là một con người như chúng ta, các ngài cũng cần sự thương xót, để trở nên một khí cụ đích thực của lòng thương xót, trao ban cho chúng ta tình yêu vô hạn của Chúa Cha. Các linh mục cũng phải xưng tội, các giám mục cũng vậy: Tất cả chúng ta là tội nhân. Đức Thánh Cha cũng xưng tội 15 ngày một lần, bởi vì Đức Thánh Cha cũng là một tội nhân!”

“Công việc phục vụ của các linh mục trong sứ vụ này, phát xuất từ Thiên Chúa, để tha thứ tội lỗi, là một việc rất tế nhị, là một việc phục vụ rất tế nhị, và nó hệ tại ở việc trái tim của họ có bình an hay không; khi trái tim của vị linh mục bình an, họ không đối xử tệ với các tín hữu, nhưng với lòng nhân từ, yêu thương và thương xót; họ biết gieo vào trái tim của các tín hữu niềm hi vọng, và trên hết, họ hiểu rằng, anh chị em của mình đến tòa giải tội là để tìm kiếm sự tha thứ và họ làm điều đó như biết bao nhiêu người đã đến với Chúa Giêsu để được chữa lành. Vị linh mục không có tinh thần ấy thì tốt hơn không nên ban Bí tích Hoà Giải, cho đến khi vị linh mục ấy biết sửa mình. Mọi tín hữu đều có quyền tìm các vị linh mục, những người phục vụ ơn tha thứ của Thiên Chúa.”

Mặc dầu linh mục là người sống độc thân, nhưng các ngài phải là những người cha. Khao khát làm cha của một người nam là một khao khát sâu thẳm nơi mỗi người, Đức thánh Cha giải thích về điều này trong thánh lễ tại nhà nguyện Marta vào ngày 26 tháng 6: “Khi một người đàn ông không có khao khát này, có gì đó thiếu nơi người đàn ông này”. Linh mục cần cảm nghiệm được niềm vui của tình phụ tử để cảm nhận được sự viên mãn và trưởng thành, kể cả trong đời sống độc thân. Tình phụ tử hệ tại ở việc trao ban sự sống cho người khác. Đối với người mục tử, điều đó có nghĩa là trở thành một người cha thiêng liêng, người trao ban sự sống thiêng liêng. Ngoài ra, người cha là người biết bảo vệ con cái mình khỏi những nguy hiểm và trao cho con cái mình những điều tốt đẹp nhất. Như vậy, mọi linh mục cần phải xin ân sủng này: đó là trở thành người cha đích thực. 

Trong cương vị Giám mục, người mục tử của Chúa cần thể hiện rõ nét hơn những đặc tính trên. Trong sứ điệp gửi cho các tham dự viên tại hội nghị Tân Phúc Âm hoá ở châu Mỹ được tổ chức ở Mexico, ĐTC mô tả vị Giám mục là một người mục tử biết tất cả con chiên của mình, từng người một. Với tình yêu và sự kiên nhẫn, ngài hướng dẫn họ và ở bên cạnh họ, điều này sẽ minh chứng cho tình mẫu tử của Giáo hội và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thái độ của người mục tử đích thực thì không phải là thái độ của viên chức hay công nhân, chủ yếu tập trung vào kỷ luật, quy tắc hay các bộ máy tổ chức. Thái độ ấy sẽ khiến vị giám mục rời xa đàn chiên, không có khả năng giúp đỡ anh chị em mình gặp gỡ Chúa Kitô.

“Dân Thiên Chúa muốn vị Giám  mục thay mặt Thiên Chúa trông nom mình, đặc biệt quan tâm đến việc giúp họ hiệp nhất và thăng tiến niềm hy vọng trong trái tim họ. Do đó, Giám mục cũng cần biết huấn luyện người linh mục có khả năng gần gũi và gặp gỡ. Họ phải là những người biết thắp lên ngọn lửa trong trái tim con người, cùng đồng hành với họ và đi vào cuộc đối thoại trong niềm hy vọng cũng như trong nỗi sợ.”

Để trở thành một người mục tử nhân lành, các linh mục và giám mục phải tránh xa bệnh tìm địa vị cao và bệnh duy giáo sĩ. Thật vậy, trong lời nhắn nhủ với các Giám mục tại Mỹ Châu, ĐTC Phanxicô cảnh giác các Giám mục về chứng bệnh tìm địa vị cao: “Chúng ta là những người mục tử chứ không phải là những người có tâm lý ông hoàng, những người tham vọng, những người kết hôn với Giáo hội này trong khi chờ đợi một giáo hội khác xinh đẹp hơn, giàu có hơn. Đừng rơi vào cái bẫy của bệnh tìm địa vị cao! Nó là một chứng ung thư!… Tôi nài xin anh em, xin hãy ở lại giữa những người con của anh em. Hãy tránh xa tiếng xấu khi trở thành “những vị Giám mục phi trường” (airport bishops)! Một tai hại khác của Giáo hội đi kèm với bệnh tìm địa vị cao chính là bệnh duy giáo sĩ. Cũng trong sứ điệp trên, ĐTC Phanxicô nói: “Cám dỗ duy giáo sĩ thực sự làm hại Giáo hội rất nhiều. Chứng bệnh đặc thù của một Giáo hội khép kín là tự tham chiếu vào chính mình; là nhìn vào mình, tự hài lòng với chính mình.”

Tóm lại, người mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phanxicô là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm như sự tự do trước mặt Chúa, cũng như sự khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ của cuộc sống. Là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của một Giáo Hội, chứ không đợi chờ một Giáo Hội khác. Là những người có khả năng thức tỉnh trên đoàn chiên đã được giao phó, và săn sóc tất cả những gì duy trì đoàn chiên hiệp nhất: canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa nó, nhưng nhất là, làm cho niềm hy vọng lớn lên: ước gì các Mục Tử ấy có mặt trời và ánh sáng trong tim. Là những người có khả năng nâng đỡ các bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Và có ba chỗ của Giám Mục ở với dân mình: hoặc là ở đàng trước để chỉ đường, hay ở giữa để duy trì đoàn chiên hiệp nhất và trung lập hóa các tán loạn, hoặc ở đàng sau để tránh cho ai đó ở lại đàng sau, nhưng cũng một cách nền tảng, để cho chính đoàn chiên đánh hơi, hầu tìm ra các con đường mới.”

Nguyễn Minh Triệu, SJ, RadioVaticana 25.11.2013

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW