Ánh Sáng Đức Tin sẽ chiếu soi thế giới
Chủ đề ánh sáng nổi bật trong thông điệp đầu tiên của Giáo Hội được viết bởi “bốn bàn tay”. Lumen Fidei, hay Ánh Sáng Đức Tin, là thông điệp đầu tiên do Đức GH Phanxicô ban hành.
Công bố ngày 5 tháng 7, Thông Điệp dựa vào công trình soạn thảo của Đức GH Bênêđíctô XVI trước khi ngài từ nhiệm. Nó cho thấy tính liên tục sâu sắc giữa vị giáo hoàng tiền nhiệm và vị giáo hoàng đương nhiệm. Người ta tự hỏi, tại sao ánh sáng lại quan trọng đối với cả hai vị giáo hoàng đến thế?
Triều đại của Đức Bênêđíctô XVI hoàn toàn nhằm chứng minh rằng ta không thể bằng lòng với những tia sáng nhỏ hơn của lý trí, mà phải cố gắng vươn tới ánh sáng lớn hơn của đức tin. Triều đại của Đức Phanxicô nhằm đem ánh sáng đó tới những khu vực ngoại biên của thế giới.
Trong buổi triều yết chung ngày 12 tháng 6, Đức Phanxicô cho hay “vào một đêm tối trời, tại một vận động trường, thí dụ Vận Động Trường Thế Vận tại Rôma hay Vận Động Trường San Lorenzo tại Buenos Aires, nếu có ai đó bật cây đèn của họ lên, bạn cũng khó mà thấy nó, nhưng nếu 70,000 khán giả khác cùng bật ngọn đèn riêng của họ lên, thì cả vận động trường sẽ bừng sáng”.
Bật đèn riêng của họ lên, trên thực tế, có nghĩa là quay trở về với Thiên Chúa. Đây chính là mục tiêu hàng đầu của triều giáo hoàng Bênêđíctô XVI. Một trong các gốc rễ của mục tiêu này xuất phát từ cuộc viếng thăm Specola Vaticana của Đức HY Joseph Ratzinger vào năm 1994. Specola, hay Đài Thiên Văn Vatican, là viện nghiên cứu và giáo dục thiên văn được Tòa Thánh tài trợ và do Dòng Tên điều khiển.
Trong nhiều thế kỷ, các Cha Dòng Tên từng thay phiên nhau leo lên kính hiển vi của Đài Thiên Văn đặt tại Castelgandolfo này, và từ vọng nhìn quan trọng ấy, các ngài đã nhìn vào bầu trời, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của các tầng trời bao la trước mặt.
Nay, Đài Thiên Văn Vatican tại Castelgandolfo chỉ còn là một viện bảo tàng. Dù các dụng cụ của nó vẫn còn dùng được, nhưng ánh sáng của Rôma và của cả Âu Châu chói lọi đến độ, trên thực tế, nó hết khả năng quan sát được các vì sao. Thành thử, một đài thiên văn khác đã được xây tại Mount Graham, Arizona.
Đức HY Joseph Ratzinger, người sau này lên ngôi giáo hoàng lấy hiệu là Bênêđíctô XVI, bị lôi cuốn bởi Specola Vaticana đến độ lên tiếng về nó trong một bài giảng lễ Vọng Giáng Sinh năm 1994 ở Berchtesgaden. Trong bài giảng này, ngài so sánh việc quan sát bầu trời với việc đi tìm Thiên Chúa, như một thứ ẩn dụ. Rồi ngài kết luận: “ánh sáng của con người, ánh sáng mà ta sản xuất ra, đang che khuất ánh sáng bầu trời. Ánh sáng của ta đang che khuất các vì sao của Thiên Chúa. Chuyện này gần như một ẩn dụ: bị vướng víu bởi quá nhiều việc do mình tạo ra, ta chỉ thoáng nhận ra các dấu vết công trình Sáng Tạo của Thiên Chúa, và chính công trình Sáng Tạo”.
Và đó chính là chủ điểm trong thông điệp đầu tiên của Đức Phanxicô, do Đức Bênêđíctô XVI phác thảo. Trong văn kiện này, Đức Phanxicô viết rằng “Như thế, nhu cầu khẩn thiết là nhận ra một lần nữa rằng đức tin là ánh sáng, vì một khi ngọn lửa đức tin tàn lụi, mọi ánh sáng khác đều bắt đầu mờ đi. Ánh sáng đức tin là ánh sáng độc đáo, vì nó có khả năng chiếu sáng mọi khía cạnh của đời người. Thứ ánh sáng mạnh như thế không thể nào phát xuất từ chúng ta mà là từ một nguồn nguyên thủy hơn”.
Nguồn đó chính là Chúa Giêsu Kitô, vì “từ khi Chúa Kitô sống lại và kéo ta vượt qua sự chết, đức tin cũng là thứ ánh sáng phát xuất từ tương lai và mở ra trước mắt ta những chân trời bao la để hướng dẫn ta vượt quá bản ngã cô lập của mình mà hướng tới cái bao la của hiệp thông”.
Tiếp nối thông điệp và lời lẽ của vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô đẩy mạnh hơn nữa chương trình đầy tham vọng của Đức Bênêđíctô XVI trong việc đưa Giáo Hội trở lại với Thiên Chúa. Làm thế nào thực hiện được chương trình này trong một Giáo Hội đang kinh qua cơn mất máu vì bệnh duy nghề nghiệp và có lẽ đang quá kính sợ truyền thông? Làm thế nào thực hiện được nó mà không tầm thường hóa phụng vụ và những dịp long trọng?
Theo gương Thánh Bênêđíctô trong tu viện kín, Đức Bênêđíctô XVI nhằm tạo ra một nền văn minh mới, sử dụng các bài nói của mình làm những viên đá xây ngôi nhà thờ chính tòa, bằng cách ít chú ý tới cử chỉ và hành động, nhưng tập chú vào thần học và các suy nghĩ sâu sắc hơn.
Nay, lúc ngôi nhà thờ chính tòa của học lý đã xây xong, Đức Phanxicô có thể từ ban công chính của nó chiếu ánh sáng đức tin ra khắp thế giới. Trong buổi triều yết chung ngày 12 tháng Sáu, ngài nói rằng “Hãy để đời sống ta cùng trở nên một ánh sáng của Chúa Kitô; ta hãy cùng nhau đem ánh sáng Tin Mừng đến cho toàn bộ thực tại”.
Tóm lại, chương trình đầy tham vọng của Đức Phanxicô, một chương trình dựa trên chương trình của vị tiền nhiệm, là đây: công bố ánh sáng đức tin, và để ánh sáng ấy chiếu sáng thế gian.
Ánh Sáng Đức Tin biến đổi đời ta
Muốn công bố ánh sáng đức tin, Đức Phanxicô dạy ta phải để tình yêu Chúa Kitô biến đổi và canh tân đời ta. Chỉ có thế, ta mới thông truyền đức tin của ta cho thế giới.
Ngài viết rằng “Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi ta và mạc khải tình yêu của Người cho ta, một tình yêu đi trước ta và ta có thể dựa vào đó một cách an tâm để xây dựng đời ta”.
Ngài viết thêm: “khi để tình yêu này biến đổi, ta sẽ nhận được một tầm nhìn tươi mới, những con mắt mới ; ta sẽ hiểu ra rằng nó chứa đựng lời hứa vĩ đại về một thành tựu, và viễn ảnh tương lai sẽ mở rộng trước mắt ta”.
Khuynh hướng hiện đại coi đức tin như một ảo tưởng lỗi thời, đi ngược lại sự thật của lý trí. Nhưng thực ra, đức tin không tách ta ra khỏi thực tại, trái lại nó giúp ta nắm được ý nghĩa sâu sắc nhất của thực tại, giúp ta thấy rằng Thiên Chúa hết sức yêu thương thế gian và không ngừng điều hướng nó về với Người.
Không như sự thật của khoa học và kỹ thuật, sự thật của đức tin luôn được nối kết với tình yêu. Đức Phanxicô viết: “Không có tình yêu, sự thật trở nên lạnh lùng, vô ngã và áp chế đối với cuộc sống hàng ngày của người ta… Tình yêu và sự thật không thể tách rời nhau”. Ngài cho rằng đức tin sẽ biến đổi trọn con người ta, nếu ta chịu cởi mở đón nhận tình yêu.
Thế giới hiện đại coi tình yêu không liên hệ gì tới sự thật. Nhưng thực ra, “tình yêu là một cảm nghiệm về sự thật”, một cảm nghiệm giúp ta “thấy thực tại một cách mới mẻ, trong hợp nhất với người mình yêu”.
Đối với Đức Phanxicô, bao lâu đặt cơ sở trên sự thật, tình yêu mới đứng vững với thời gian, mới vượt lên trên những thời khắc mau qua và cứng cáp đủ để chịu đựng cuộc hành trình chung. Không tự cột mình vào sự thật, tình yêu thành mồi cho những xúc cảm phù du và không chịu nổi thử thách của thời gian.
Ánh sáng tình yêu của riêng đức tin có thể soi sáng cho các vấn nạn của thời ta về sự thật, vì theo Đức Giáo Hoàng, thế giới hiện đại chỉ chuộng sự thật chủ quan, coi sự thật khách quan như một đe dọa. Ngài nhấn mạnh rằng sự thật khách quan thực ra là sự thật của tình yêu, một sự thật được biểu lộ qua cuộc gặp gỡ bản vị với Đấng Khác và với những người khác; nó được giải thoát khỏi giam cầm cá thể và trở thành thành phần của thiện ích chung. Và vì là sự thật của tình yêu, nó không bị cưỡng đặt bằng vũ lực, do đó, nó không làm tê liệt cá nhân.
Đức Phanxicô, vì thế, nhấn mạnh tới chiều kích cộng đồng của đức tin. Dù cho rằng bất cứ cá nhân nào bước vào hành trình làm việc thiện cho người khác đều đã tiến gần tới Thiên Chúa, ngài vẫn quả quyết: ta “không thể tự mình tin được. Đức tin không phải chỉ là quyết định cá thể diễn ra trong thẳm sâu trái tim tín hữu, mà cũng không phải là mối liên hệ tư riêng”. Tự bản chất, đức tin “mở ra cái ‘chúng tôi’ của Giáo Hội; nó luôn luôn có chỗ đứng bên trong sự hiệp thông của Giáo Hội”. Theo ngài, chúng ta chỉ có thể nói ‘tôi tin’ vì ta là thành phần của một hiệp thông lớn hơn, chỉ vì ta cũng nói ‘chúng tôi tin’.
Lý do đơn giản: nó là tặng phẩm của truyền thừa tông đồ vốn là truyền thừa bảo vệ và bản đảm sự hợp nhất của đức tin, một đức tin được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ nọ, một truyền thừa được củng cố bằng cầu nguyện, tuyên xưng đức tin, thực hành Mười Giới Răn và các bí tích.
Trong chiều hướng ấy, ngài nhấn mạnh tới vai trò của gia đình như là khung cảnh chủ yếu để phát triển đức tin, dĩ nhiên phải là gia đình xây dựng trên hôn nhân hiểu như “sự kết hợp bền vững giữa một người đàn ông và một người đàn bà”. Đức tin cũng là một thiện ích chung cho xã hội. Nó không chỉ chiếu sáng bên trong Giáo Hội, cũng không chỉ để xây dựng vương quốc đời sau, mà còn giúp ta xây dựng xã hội để xã hội cùng tiến về một tương lai hy vọng.
Vì đức tin có thể phục vụ công lý và hòa bình, nó hợp nhất mọi người nam nữ, giúp họ tôn trọng thiên nhiên, nơi họ nhìn ra bàn tay Thiên Chúa, đem lại cho họ ánh sáng và hy vọng cho các khổ đau của họ. Người không giúp ta giải thích mọi điều liên quan tới nỗi đau của ta, nhưng Người luôn đồng hành với ta để chia sẻ và soi sáng.
Cũng từ tầm nhìn cộng đồng này, Đức Phanxicô cho rằng đức tin không được luẩn quẩn ở bên trong, mà nhất thiết phải ra ngoài, dấn thân cho việc phúc âm hóa. Vì Đức Tin không phải là việc tư riêng, một ý niệm hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa hay một ý kiến bản thân, nó phát sinh từ việc lắng nghe nhằm được nói lại bằng lời, bằng công bố. Càng công bố cho người khác, đức tin càng canh tân và biến đổi đời ta.
Vũ Văn An