Bài 6: Mục đích đời sống Hôn Nhân – Gia Đình

02-05-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài 6: Mục đích đời sống Hôn Nhân – Gia Đình by

Nhìn vào thực tế có vẻ như ảm đạm của các gia đình hôm nay, qua con số ly dị mỗi ngày gia tăng, một số người đã nói một cách chua chát: “tình yêu như giấc mơ đẹp và hôn nhân là chiếc đồng hồ báo thức”. Hiện tượng tan vỡ hôn nhân phản ảnh sự khủng hoảng trong đời sống gia đình, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là nhiều người đã không còn tìm được ý nghĩa của đời gia đình, hay tai hại hơn, đánh mất mục đích của đời hôn nhân. Do đó, để củng cố và xây dựng gia đình thành một tổ ấm yêu thương, đôi bạn cần phải luôn xác lập lại mục đích của đời hôn nhân: Đó là cơ chế Thiên Chúa đã thiết lập để người nam và nữ tìm được sự tương trợ, giúp nhau hoàn thiện “hình ảnh Thiên Chúa” nơi mỗi người và để tình yêu tiếp tục được duy trì nơi con cái là hoa trái phong phú của tình yêu. Mục đích cao cả ấy của đời hôn nhân được củng cố và bồi đắp qua ân sủng của bí tích Thánh Thể.

1. Sự tương trợ không thể thay thế được

Kể lại cho chúng ta câu chuyện về đám cưới đầu tiên của nhân loại (St 2,18-24), sách Sáng Thế đã gợi lên sự thật phong phú về nguồn cội và tình yêu nơi con người bằng một hình ảnh dung dị nhưng thật độc đáo – đó là chiếc xương sườn của Adam. Nhiều người đã thắc mắc: “Tại sao Thiên Chúa không lấy một cái xương nào khác? Và có thật Ngài đã làm nên Eva từ xương sườn của Adam hay không?” Bằng lối diễn tả bình dân, theo nghĩa tượng trưng của dòng văn Yahvisme cổ xưa (thế kỷ IX trước CN), tác giả Kinh Thánh đã diễn tả thật xuất sắc một mạc khải cao siêu của Thiên Chúa:

Sườn”: tzelà (צלע) – theo quan niệm cận đông, vừa có nghĩa là cánh cung, vừa có nghĩa là toàn bộ sự sống. Toàn bộ sự sống của Adam cũng là toàn bộ sự sống của Eva. Đi tìm ý nghĩa của chiếc xương sườn Adam, người ta đọc thấy những dòng sau trong sách Talmud của các rabbi Dothái: “Yahweh đã không lấy xương đầu của Adam để tác tạo nên Eva, vì Thiên Chúa không  muốn người phụ nữ ngồi trên đầu người nam;  Ngài cũng không lấy xương gót chân đễ tạo nên người nữ, vì như thế người đàn ông sẽ đạp lên đầu đàn bà. Nhưng Thiên Chúa đã chọn  xương sườn là cái xương nằm giữa thân mình để con người biết tôn trọng nhau vì nam và nữ đều bình đẳng, ngang bằng nhau trước mặt Thiên Chúa. Ngài cũng chọn xương sườn vì muốn con người yêu thương nhau. Vì lẽ còn  chiếc xương nào trong cơ thể gần Trái Tim hơn là xương sườn [1]” Như thế đó, Đấng Tạo Hóa đã chọn xương sườn Adam để làm nên Eva, rồi đưa Eva đến với Adam, đặt Eva cạnh bên trái tim Adam.  Đó là hôn lễ đầu tiên của nhân loại. Adam và Eva là đôi uyên ương đầu tiên và người chủ hôn cho lễ cưới đầu tiên ấy – không ai khác hơn –chính là Yahweh Đức Chúa. Hôn nhân đầu tiên ấy thật tuyệt vời, vì diễn tả trọn vẹn sự hỗ tương vợ chồng dành cho nhau : Ađam, dù có cả một thế giới, nhưng vẫn cảm thấy “cô đơn” vì không tìm được cho mình “một trợ tá tương xứng” [2]. Nỗi cơ đơn ấy chỉ được lấp đầy Ađam khi gặp Eva, “một cuộc gặp gỡ một khuôn mặt, một con người, phản ảnh tình yêu Thiên Chúa và là “tài sản giá trị nhất, một người trợ giúp thích hợp nhất, và là một cột chống đỡ” theo ngôn ngữ của vị hiền triết trong Kinh Thánh (Cn 36, 24)” [3].

2. Con cái, hoa trái của một tình yêu phong nhiêu của đời gia đình

“Tình yêu bao giờ cũng đem lại sự sống” [4]. Giáo hội Công Giáo nhìn thấy việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài là triều thiên đem lại sự trọn hảo cho công việc của tay Ngài [5]. Khi tạo dựng con người có nam có nữ, và đặt để định chế hôn nhân, Thiên Chúa “mời gọi họ dự phần đặc biệt vào tình yêu cũng như quyền năng của Ngài là Đấng Tạo Hóa và là Cha, bằng việc cho họ được cộng tác cách tự do và có trách nhiệm để lưu truyền hồng ân sự sống cho con người” [6].

Chính vì thế, mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh [7]. Trong mục tiêu này, con cái là “kết quả và dấu chỉ của tình yêu vợ chồng, là lời chứng sống động cho việc trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa đôi bạn” [8]. Nói cách khác, tình yêu vợ chồng được thăng hoa và tổ ấm gia đình sẽ trở nên phong phú, khi đôi bạn đón nhận con cái là “hồng ân của Thiên Chúa”, và là hoa trái “xuất phát từ chính cốt lõi của việc trao ban cho nhau, là kết quả và sự hoàn tất của việc trao ban ấy” [9].

3. Bí tích Thánh Thể, kiểu mẫu và nguồn trợ lực cho đời hôn nhân

Bằng hôn ước đầu tiên nơi vườn Địa  Đàng, Thiên Chúa đã chúc phúc cho cộng đoàn đầu tiên của Ngài. Để từ đó, như Adam – Eva nơi vườn địa đàng xưa, qua giao ước yêu thương, vợ chồng không còn gọi nhau bằng tên như trước đây nữa, mà gọi nhau bằng một cái tên ‘chung đôi’, rất lạ mà cũng rất đỗi thân quen của văn hóa Việt Nam: “Mình ơi!”. Thật lạ, vì người này trở thành thân mình của người kia, người kia trở thành lẽ sống cho người này. Thật thân quen, vì một khi trở thành “thân mình” của nhau, nâng đỡ, chia sẻ cuộc sống cho nhau, họ trở thành dấu chỉ Tình Yêu Thiên Chúa.

Có một nhận xét thật chí lý: Vốn dĩ trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn, người đó trở thành kẻ yếu thế. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã chấp nhận trở thành kẻ yếu thế. Ngài chọn con đường tự hạ để đến với con người. Ngài chọn con đường tự hủy để nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Nơi thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa không chỉ ban tặng cho chúng ta dồi dào rượu bánh hay của ăn vật chất, mà còn là chính bản thân của Ngài, là cây nho thật, là Bánh hằng sống, là sự sống lại và là nguồn cội sự sống. Tấm Bánh được nhân lên, hóa ra nhiều không là tấm bánh được thu vào và cất giữ cho riêng mình, nhưng là Tấm Bánh được bẻ ra và trao tặng, cho dù chỉ được trao tặng từ bàn tay của một chú bé [10]. Cũng thế, Sự Sống sẽ được ươm gieo và sinh trái ngọt giữa lòng đời, khi con người biết sống liên đới yêu thương trong những sẻ chia huynh đệ, biết đến với nhau, sống cho nhau và đón nhận nhau như  những món quà sự sống [11]… Con Thiên Chúa đã được sinh ra, lớn lên và chung nhịp sống với cộng đồng nhân loại như món quà sự sống Chúa Cha ban tặng. Để từ đấy, nơi đâu có những nỗ lực giữ gìn và phát triển sự sống, nơi đó được Thiên Chúa chúc lành; nơi đâu có những kết ước yêu thương, khởi đầu sự sống, nơi đó tràn đầy ân lộc của Thiên Chúa. Thế cho nên, lời kết ước vợ chồng trở nên Thân Mình của nhau hướng về một giao ước yêu thương khác lớn hơn, âm vang lời tuyên phán trên bàn thờ trong Hy tế Thánh Thể: “Anh em cầm lấy mà ăn! Này là Mình Thầy!”. Tấm bánh được bẻ ra và trao tặng trở thành Thân Mình Thiên Chúa, Đấng đã yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết vì loài người chúng ta. Chính trong hy lễ của Giáo ước mới và vĩnh cửu mà đôi bạn kitô hữu tìm được “nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được khuôn đúc từ bên trong và được sinh động bền bỉ” [12].

Đó là lời mời gọi thiết tha của Thiên Chúa, nhưng cũng là một thách đố lớn cho gia đình trong thời đại hôm nay. Thời đại của khuynh hướng sống hưởng thụ, của cá nhân chủ nghĩa, của ích kỷ hẹp hòi. Thời đại mà nhiều người nhân danh công lý, phẩm hạnh, nhân danh sự sống để hủy diệt sự sống, tước đoạt quyền làm người của người khác, lắm khi đó chỉ là những sinh linh vô tội, chẳng bao giờ được diễm phúc chào đời.

Xin cho những người làm vợ, làm chồng không ngừng được thanh tẩy và đổi mới để sống thật tròn đầy cuộc sống của mình, trở nên những Tấm Bánh được bẻ ra, trao tặng và nhân lên thật nhiều như tấm lòng của Thiên Chúa. Sống cho nhau, sống vì nhau như thế là nên đồng hình đồng dạng với Đấng cứu độ chúng ta, nghĩa là chính mỗi người cũng được biến đổi để trở nên những món quà Chúa ban tặng cho người, cho đời, những món quà của sự sống.


[1] Perspicacia nello studio delle Scritture – 1998
[2] St 2, 20.
[3] ĐTC Phanxicô, Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, Amoris Laetitia, số 12.
[4] Ibid. số 165.
[5] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn “Về những bổn phận của gia đình kitô hữu”, Familiris Consortio, số 28.
[6] Ibid., số 28.
[7] x. Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 50.
[8] x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn “Về những bổn phận của gia đình kitô hữu”, Familiris Consortio, số 28
[9] x. ĐTC Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 11-12.
[10] Ga. 6,9
[11] x. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Amoris Laetitia, số 185.
[12] x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 57.

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW