Bài giảng Chúa nhật 17 Thường niên – Năm B
“Lạy Chúa, xin hãy mở lòng con để biết cảm thông với anh chị em bất hạnh.
Xin hãy mở mắt con để biết nhìn nỗi khổ của tha nhân
Xin hãy mở tay con để biết sẻ chia không tính toán.
Và như thế, con đang cùng Chúa làm nên những phép lạ diệu kỳ. Amen
BÀI 1: PHÉP LẠ TỪ SỰ CHIA SẺ
Khi nói đến việc Chúa làm cho bánh hóa ra nhiều, chúng ta thường ít chú ý đến nhân vật một em bé trong số đoàn người đông đảo đi theo Chúa vào sa mạc. Chú bé ấy mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Xem ra chú bé là người biết lo xa nên đã mang theo mình lương thực đi đường, vì chú biết chặng đường mình đi sẽ rất xa. Thiên Chúa thường làm những điều kỳ diệu khởi đi từ những điều rất đơn giản bình thường. Đương nhiên Chúa có thể phán một lời thì có đủ số bánh cho năm ngàn người ăn no. Tuy vậy, trong trường hợp này, Chúa lại làm phép lạ khởi đi từ phần ăn đơn sơ của một cậu bé. Từ chất liệu giản đơn này, Chúa đã làm nên những điều vĩ đại.
Sự cộng tác của con người thật quan trọng để Thiên Chúa tỏ bày vinh quang và thực thi ơn cứu độ của Ngài. “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người" – Thánh Augustinô đã viết như thế. Phần ăn đi đường của chú bé đã trở nên sự cộng tác quý giá cho một phép lạ được thực hiện. Nghĩa cử sẻ chia của chú đã trở thành một lượng bánh khổng lồ nuôi sống một đám đông.
Đó cũng là ý nghĩa của sự kiện liên quan đến ngôn sứ Ê-li-sa. Khởi đi từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch người ta đến dâng cho ông, ông đã quảng đại phân phát cho những người đang đói khát. Lòng quảng đại của ông đã làm cho những tấm bánh ấy trở nên nguồn lương thực nuôi sống cả một vùng (Bài đọc I).
Cơn đói cơm bánh luôn triền miên ám ảnh con người. Đây cũng là lý do dẫn tới xung đột trong mọi lãnh vực. Chúa Giêsu trong hoang địa cũng đã bị cám dỗ về tham ăn uống. Ma quỷ xui Chúa hãy biến đá thành bánh để phá tan tinh thần chay tịnh nơi Người. Chúa không mắc bẫy ma quỷ. Người không chỉ nhằm đến cơn đói của bản thân, nhưng Người luôn khắc khoải trước cơn đói khát chân lý của cả nhân loại. Người đã đem cho con người lương thực thiêng liêng là Lời Hằng sống để qua đó họ tìm cho mình được sự sống vĩnh cửu.
Và như thế, trải qua mọi thời đại, Chúa Giê-su đang tiếp tục nuôi dưỡng con người qua Bí tích Thánh Thể. Mỗi ngày, trên bàn thánh, Chúa vẫn tiếp tục hiến dâng chính mình để trở nên của ăn của uống cho chúng ta. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”. Qua lệnh truyền đó, Chúa mời gọi chúng ta hãy đóng góp phần mình, có thể rất giản đơn như phần ăn của chú bé năm nào trong sa mạc, để giúp những người xung quanh qua cơn đói tình người, đói lương thực và đói chân lý. Chúa đang dùng bàn tay của mỗi tín hữu để phân phát cho những người xung quanh Bánh của Sự thật, của Tình thương và Liên đới. Đó chính là những “phép lạ” kỳ diệu mà Chúa thực hiện qua bàn tay con người, khi họ biết mở rộng trái tim để đến với anh chị em.
Một trong những sứ điệp quan trọng mà Bí tích Thánh Thể muốn thông truyền cho chúng ta, đó là tình liên đới hợp nhất. Thánh Phaolô lo lắng băn khoăn vì sự chia rẽ giữa các tín hữu trong cộng đoàn ở Êphêxô. Ngài đã giáo huấn họ một cách cụ thể, với cách so sánh cộng đoàn với một thân thể, chỉ có một Thần Khí duy nhất nối kết mọi chi thể để làm cho thân thể ấy được sống và hoạt động (Bài đọc II).
Ngày nay, hầu như ai đi dự lễ cùng đều rước lễ. Xem ra nhiều người không ý thức hoặc không biết những điều quy định của Giáo Hội, đó là những ai mắc tội trọng thì không đủ điều kiện để rước Mình Thánh Chúa. Những ai đang sống trong tình trạng bất xứng, tức là mắc tội trọng, mà cố tình rước lễ có thể mắc tội phạm thánh, vì Thiên Chúa là Đấng chí thánh, những ai muốn rước Ngài thì tâm hồn họ cần được thanh tẩy. Quả là một điều bất xứng, khi rước Chúa mà trong lòng còn đầy tội lỗi, thù ghét và đam mê. Thánh Augustinô nhắc lại lời Chúa: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta” và chú giải : “Thịt và Máu Chúa không làm cho Chúa trở nên chúng ta, mà là làm cho chúng ta trở nên mỗi ngày giống Chúa hơn”. Như vậy, việc năng lãnh nhận Mình Thánh Chúa sẽ giúp chúng ta biến đổi dần dần trong hành trình nên thánh.
“Lạy Chúa, xin hãy mở lòng con để biết cảm thông với anh chị em bất hạnh.
Xin hãy mở mắt con để biết nhìn nỗi khổ của tha nhân
Xin hãy mở tay con để biết sẻ chia không tính toán.
Và như thế, con đang cùng Chúa làm nên những phép lạ diệu kỳ. Amen
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2: THỂ HIỆN TÌNH THƯƠNG
Chắp lối lại những sự kiện từ bài Tin mừng Chúa nhật 15-16-17 thường niên Năm B, chúng ta có thể tóm tắt như sau: Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, các môn đệ trở về với Đức Giêsu mang theo rất nhiều người muốn gặp Đức Giêsu, Chúa chạnh lòng thương họ và vui mừng hân hoan vì nhận thấy Chúa Cha đang khơi lên trong lòng họ niềm khao khát Nước Thiên Chúa, thế là Chúa lại miệt mài rao giảng Nước Thiên Chúa cho họ đến mức quên cả giờ giấc, còn dân chúng nghe Chúa giảng quên cả ăn. Đến khi chiều buông, Chúa muốn cho dân được ăn no nê rồi mới tản đi. Cảm động vô cùng! Cảm tạ Thiên Chúa của Lòng xót thương.
Với đoàn Chiên bơ vơ, Chúa đã lấp đầy tâm hồn trống rỗng của dân bằng LỜI CHÚA. Họ nghe mà chan chứa niềm vui và hy vọng vì đã thấy qua Lời Ngài ánh sáng soi cho hiểu tại sao mình vất vả khổ đau, tại sao mình mâu thuẫn và dằn vặt trong lòng, đã hiểu được tại sao mình lại khát khao Đấng cứu độ “Trời cao hãy đổ sương xuống”. Thấy tâm hồn mình bừng sáng, và thấy con đường đi. Đã thấy như trong mơ mình được sờ đụng vào ơn cứu độ rồi. Ôi vui mừng biết bao!
Khi chiều buông, mọi người như bừng tỉnh và thấy bụng đói cồn cào. Lúc đó, Chúa hỏi thử Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Philipphê thật thà băn khoăn “Có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Vậy mà với năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé, Chúa đã cho mọi người có mặt đều ăn no nê – ăn bao nhiều tùy ý, không phân biệt, không giới hạn- Thiên Chúa luôn là vậy mà.
Chúng ta đã thấy phương pháp rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu cũng như cách mà Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót thật lạ lùng. Khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Ngài không cho mang gì ngoài đồ dùng cá nhân cần thiết và lòng tín thác vào CHA với quyền trừ quỷ. Đến lúc dân chúng đói bụng thì Ngài lại bảo: hãy cho họ ăn. Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con lấy gì mà cho họ ăn cơ chứ!
Giờ đây, tôi có thể nói được rằng: Thiên Chúa không bao giờ đòi bất kỳ ai điều gì vượt quá khả năng của họ, đồng thời cũng thú thật rằng: Thiên Chúa đã dẫn đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong đời phục vụ của mình.
Ví dụ cụ thể: Lớp tình thương tại Nhà Thờ Chính Tòa Hải Phòng đã hoạt động được hơn mười năm, rất nhiều em đã biết đọc biết viết… nhiều em qua lớp tình thương (cấp I) rồi lại được nhập học vào cấp II trường chính quy, nhờ thế mà cuộc đời các em có tương lai hơn. Nhưng khởi đầu lớp tình thương này, tôi không có tiền, không có nhân sự – thú thật là có mỗi tấm lòng thương trẻ, rồi với hai bạn trẻ (Thủy và Mười) trình độ văn hóa – cấp II, thế mà chúng tôi dám thành lập cái gọi là “Lớp học tình thương”. Vậy mà dần dần có những người cộng tác, người này dẫn đưa người kia đến, rồi Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cử các cô giáo đến cộng tác, thế là các em có tương lai (ngạc nhiên chưa). Đến nay vẫn tiếp tục như vậy, tuy tôi đã rời Nhà Thờ chính Tòa gần 8 năm. Tạ ơn Chúa, cám ơn rất nhiều và rất chân thành những tấm lòng… Rồi có những người vẫn nói với tôi: con cám ơn cha vì nếu không có cha thì gia đình con không biết còn khổ đến thế nào. Xét lại thì thấy mình chỉ có mỗi tấm lòng, còn lại là do những cố gắng của họ và những tấm lòng của người khác và vì “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Đứng trước những cảnh đói nghèo và khổ đau của đồng loại, những người có tấm lòng luôn thấy quặn đau và muốn làm thật nhiều, nhưng có lẽ vì muốn làm thật nhiều nhưng khả năng của mình lại chẳng có bao nhiêu, nên nghĩ rằng “như muối bỏ biển” và chẳng dám làm gì.
Nhưng suy niệm và chia sẻ này, hy vọng có thể giúp một ai đó nhận ra rằng không thể làm hết những gì mình muốn đâu, nhưng hãy cứ mạnh dạn bắt đầu làm điều mình thấy được thôi thúc trong khả năng của mình, với tấm lòng của mình và lòng tín thác vào CHA TOÀN NĂNG đầy lòng xót thương, vì Thiên Chúa của Abraham có biệt danh là THIÊN CHÚA SẼ LIỆU mà. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục
Nguồn: gphaiphong.org