Bài giảng Chúa nhật 21 Thường niên B
Có thể vào những lúc đen tối của cuộc đời, Chúa hỏi chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”. Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phêrô: “Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.
BÀI 1: CHỌN LỰA VÀ TRUNG THÀNH
Thánh Thể là mối dây liên kết các tín hữu và là biểu tượng của tình hiệp thông trong Giáo Hội. Tuy vậy, trong lịch sử, do sự ích kỷ của con người, nên đã có những ý kiến bất đồng về Thánh Thể và làm cho Bí tích này trở nên một trong những nguyên nhân gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các Kitô hữu. Phải chăng vấn đề bất đồng ý kiến này đã có từ thời ban đầu do việc có những người khước từ giáo huấn của Chúa Giêsu về Bánh hằng sống? Trong thực tế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu nơi Bí tích này.
Đoạn Tin Mừng được đọc trong thánh lễ hôm nay là phần kết thúc cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh hằng sống. Chúa Giêsu đã khởi đi từ nhu cầu ăn uống để nuôi thân xác, rồi dần dần dẫn vào mầu nhiệm cao siêu là Bí tích Thánh Thể, tức là Thịt và Máu Người. Xem ra kết thúc cuộc đối thoại này không khả quan. Bởi lẽ, trước những lời tuyên bố của Chúa Giêsu, một số người thấy chói tai và dần dần bỏ đi. Phần lớn những người này đến với Chúa với ước mong được nhận lãnh bánh nuôi sống thể xác, giống như phép lạ ngoạn mục Người mới làm cách đó vài ngày. Ở đây, Chúa lại nói về một thứ bánh thiêng liêng. Ai lãnh nhận Bánh này sẽ được sự sống đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau. Khá nhiều người bỏ đi vì họ coi những điều Chúa Giêsu đang nói là ảo tưởng, phi thực tế. Niềm tin vào Bánh hằng sống cũng vấp phải phản ứng của chính một số môn đệ. Thánh Gioan đã viết một cách buồn bã: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Họ đã ra đi trong thất vọng, vì hình ảnh của họ vốn có về Đấng Thiên sai hoàn toàn khác biệt với sứ mạng và giáo huấn thực sự của Chúa Giêsu. Khi đối diện với những thử thách gian truân, người tín hữu được mời gọi bày tỏ lòng trung thành với Người. Lòng trung thành cần phải có để đón nhận những chân lý cao siêu mặc dù chưa lý giải thỏa đáng.
Thánh Phêrô,vị Tông đồ trưởng, đã chứng tỏ lòng trung thành ấy, trong bối cảnh có nhiều người bỏ đi. Người ta thường nói ở đời “phù thịnh chứ không ai phù suy”. Phêrô là một người can đảm. Ông đã “phù suy” khi tuyên thệ theo Chúa vào lúc dường như mọi người đã bỏ Người. Ông đã tìm được sự chọn lựa tốt nhất cho đời mình. Theo Chúa là lý tưởng và là sự sống còn của ông, như lời ông nói: “Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Có lẽ ông cũng đã đắn đo cân nhắc xem theo Chúa thì được những gì và mất những gì, như có lần ông đã đặt câu hỏi với Thầy mình. Giờ đây, Phêrô như một người từng trải kinh nghiệm chắc chắn trong cuộc đời, Ông khẳng khái tuyên xưng Đức tin vào Chúa, dù mọi người rút lui. Sau này, chúng ta còn được nghe lời tuyên bố của Phêrô trong bữa tiêc ly: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng!” (Lc 22,34). Lời tuyên bố này về sau không được tuân giữ, do việc Phêrô chối thày mình ba lần, nhưng không vì thế mà làm giảm lòng nhiệt thành, hăng say và tâm huyết của vị Tông đồ trưởng.
Đời sống Kitô hữu là một lựa chọn. Chúng ta chọn Chúa là lý tưởng của đời sống chúng ta. Do biết bao cám dỗ trong cuộc bon chen vì cơm áo gạo tiền, có những lúc chúng ta quên mất sự lựa chọn ấy. Bài đọc I kể với chúng ta, sau khi vào Đất hứa, ông Giôsuê đã tập hợp dân Do Thái ở một nơi gọi là Sikhem để cùng nhau nhìn lại hành trình sa mạc kéo dài 40 năm. Trong hành trình này, người Do Thái gặp nhiều gian nan thử thách. Có nhiều người phạm lỗi với Chúa do kiêu ngạo, ích kỷ và phạm các giới răn. Họ còn thờ lạy thần linh của các dân ngoại. Tại Sikhem, ông Giôsuê kêu gọi một cuộc thanh tẩy toàn dân, để dứt bỏ quá khứ, bước sang một trang sử mới. Vị thủ lãnh mời gọi dân hãy chọn lựa Chúa và sống theo giới luật Ngài đã truyền ban cho các bậc tổ tiên. Lời tuyên xưng của dân chúng thật mạnh mẽ quyết liệt, thể hiện sự gắn bó trung thành với Đấng đã cứu họ khỏi Ai Cập và dẫn đưa họ vào Đất hứa.
Trong suốt 5 Chúa nhật vừa qua, Phụng vụ giúp chúng ta suy tư về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thê ở nhiều khía cạnh khác nhau, và mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ Thánh Thể, chúng ta tìm được sức mạnh để dấn thân. Mẹ Têrêsa đã viết:“Một số người hỏi: ‘Các sơ tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ?’. – Niềm vui chúng tôi có được là nhờ Thánh Thể mà chúng tôi nhận lãnh hằng ngày”. Nhờ Thánh Thể, chúng ta kiên định trong Đức tin vào Chúa và làm cho Đức tin ấy mỗi ngày một tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay.
Có thể vào những lúc đen tối của cuộc đời, Chúa hỏi chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”. Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phêrô: “Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2: THẦN KHÍ VÀ SỰ SỐNG
Trong đời sống của con người ngay khi còn sống trên dương gian này luôn có 3 cấp độ của sự sống: sự sống của thân xác được nuôn dưỡng bởi cơm áo gạo tiền; sự sống của tinh thần được nuôi dưỡng bởi tình yêu, văn hóa, nghệ thuật… và sự sống của linh hồn – sự sống đời đời được nuôn dưỡng bởi LỜI và THẦN KHÍ, cũng có nghĩa là bởi Lời Chúa và Thánh Thể. Tuy nhiên, cơm áo gạo tiền là lương thực không thể thiếu cho thân xác ai cũng đều biết nếu thiếu là chết đói. Thế nhưng Tình yêu, văn hóa và nghệ thuật… cần cho sự sống tinh thần thì thường chúng ta ít biết hơn, ít đến mức tưởng rằng thiếu cũng chẳng sao. Còn lương thực nuôi dưỡng sự sống đời đời thì chúng ta lại càng ít biết hơn. Ít đến mức Giáo hội dạy rằng: tôi trọng là tội làm cho chết phần linh hồn, nhưng nhiều người sống trong tình trạng tôi trọng mà vẫn thấy mình “sống nhăn răng” ra đấy thôi, có chết chóc gì đâu. Chỉ có các thánh cũng như những người thật sự đạo đức và thánh thiện – nghĩa là những người thực sự đã có kinh nghiệm biết sự sống đời đời một cách sống động và cụ thể như biết về sự sống của thân xác, thì mới thấy cần lương thực nuôi dưỡng sự sống đời đời như thế nào.
Chính vì thế, Đức Giêsu đã rất cẩn thận, nhẫn nại trong phương pháp giáo dục tiệm tiến về “BÁNH HẰNG SỐNG” – từ việc Ngài rao giảng về sự sống đời đời, rồi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê, Ngài lại mời gọi đi bước cao hơn – không dừng lại ở việc kiếm tìm cơm áo gạo tiền, nhưng là kiếm tình lương thực thường tồn mang lại sự sống đời đời… đó là tin vào Ngài – Đấng được Cha sai đến. Rồi cứ thế Ngài dẫn càng ngày càng cao, cuối cùng là đón nhận chính máu thịt Ngài – nghĩa là chính bản thân Ngài, là gắn bó với Ngài, là dấn thân theo Ngài, là sống với Ngài, là chia sẻ tình yêu và sự hy sinh cùng Ngài.
Chắc chắn từng bước như thế đã có những người bỏ cuộc dần dần… khi đến đỉnh cao, đòi hỏi sự chọn lựa dứt khoát là gắn bó cuộc đời, gắn bó máu thịt với Ngài, thì dân chúng hầu như bỏ hết, các môn đệ cũng rút lui quá nhiều, chỉ còn lại nhóm mười hai và có lẽ một số bà đạo đức nữa. Trong hoàn cảnh đó chắc chắn Chúa bị cám dỗ giảm thiểu sự đòi hỏi… chấp nhận sự nửa với của người theo Chúa… Nhưng không. Không thể thế được, nên Ngài đã quay sang hỏi những người còn lại: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Mặc dù Chúa đã giải thích lời Ngài nói là Thần Khí và là sự sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Nhưng có lẽ các ông cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Tuy nhiên Thánh Phêrô đã tuyên tín “thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Thật tuyệt vời, một lần nữa thánh Phêrô của chúng ta thật tuyệt vời, tuyệt vời như ở Xêxarê Philipphê ấy. Thực ra sự tuyệt vời này không phải bởi Phêrô – không phải bởi xác thịt, mà là bởi Thần Khí Chúa Cha, như Chúa vừa mới nói xong: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”.
Thực ra thì Phêrô nói mà chẳng hiểu về ý nghĩa của lời mình nói lắm đâu, nhưng cái tuyệt vời của Phêrô là nói từ trong trái tim, nói từ trong đáy lòng, nói với tất cả tình yêu dù rất bé nhỏ trong tim nhân loại của mình, nói với tất cả lòng mến và sự khao khát được gắn bó và dấn thân theo Thầy, dù chưa biết rõ là sẽ đến đâu và hiểm nguy thế nào, miễn là được theo thầy. Đó mới là tình yêu đích thực dù mới chỉ lả tình yêu nhân loại mà thôi (phải đến sau khi Chúa Phục sinh ban Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa Phêrô mới được canh tân và đổi mới cũng như trở nên mạnh mẽ trong Thần Khí của Thiên Chúa).
Chúng ta có thể thấy Phêrô cũng nói như thế trong bữa Tiệc ly, khi Thầy bảo : “nếu không để Thầy rửa chân cho thì không được chung phần với thầy”, thế là đã cuống lên, vì sợ phải xa Thầy, nên Thánh nhân đã thốt ra rằng: “không những rửa chân mà cả tay và đầu nữa”. Chân thật vô cùng, cảm động vô cùng… Đến đây chúng ta phải thốt lên rằng: Phêrô thật có phúc, vì đã yêu mến và gắn bó với Thầy cách chân thành nên luôn được Cha mạc khải và lôi kéo.
Adam ngươi đang ở đâu? Đó là câu Chúa hỏi Adam về mối tương quan của ông với Chúa thế nào rồi. Còn là tương quan nghĩa thiết nữa hay không?
Suy niệm bài Tin mừng này, mỗi người cũng thấy Chúa đang hỏi chúng ta như vậy. Chúng ta Đang đặt Chúa ở đâu trong cuộc đời mình. Có bỏ Chúa sang một bên? Hay Chúa là tất cả cho đời kitô hữu của mình trong mọi cảnh huống của cuộc sống, nghĩa là sẵn sàng gắn bó máu thịt với Chúa, chứ không chỉ “khi vui thì vỗ tay vào” mà thôi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục