Bài giảng Chúa nhật 22 Thường niên B
Giữa biết bao trào lưu đang lôi cuốn con người ngả theo những hình thức đạo đức bề ngoài, xin Chúa cho chúng ta một Đức tin tinh tuyền, để luôn hướng về Chúa, một lòng bền vững tin yêu và thuộc trọn về Ngài.
BÀI 1: ĐỨC TIN TINH TUYỀN
Vài năm trở lại đây, cuộc sống kinh tế có phần cải thiện và những quy định khắt khe về tôn giáo cũng đã được tháo cởi, nhờ đó các cộng đoàn tín hữu có nhiều biến chuyển trong những thực hành đạo đức. Tuy vậy, tại một số nơi, điều được chú trọng hơn lại là những gì sầm uất bề ngoài. Những đội trống, đội kim nhạc, những hội đoàn đồng phục… càng ngày càng nhiều như trăm hoa đua nở, nhưng chiều sâu nội tâm và tình bác ái nội bộ lại bị coi nhẹ. Không ai phủ nhận giá trị của các hội đoàn nêu trên, vì những hội đoàn này là biểu tượng và bằng chứng cho đời sống Đức tin. Tuy vậy, nếu chỉ chú trọng đến bề nổi mà quên đời sống nội tâm thì lại là coi nhẹ điều chính mà chú tâm đến những điều phụ.
Chúa Giêsu đã gay gắt lên án các kinh sư và những người biệt phái. Kinh sư và biệt phái là những người học hành uyên thâm, họ có uy tín trong các cộng đoàn Do Thái, và có vị trí quan trọng trong các buổi hội họp. Chính những “bậc vị vọng” ấy đang bị Chúa kết án nặng nề. Người mượn lời ngôn sứ Isaia để lên án họ là những “kẻ đạo đức giả”. Họ lạm dụng khái niệm thánh thiêng và trần tục, và đã tự đặt ra rất nhiều quy định rườm rà và tỉ mỉ. Những quy định này, thay vì giúp cho con người nên thánh, lại đặt trên vai họ những gánh nặng không kham nổi. Những công việc bình thường hằng ngày như rửa tay, rửa chén, rửa bát, họ đã biến thành những nghi thức tôn giáo để kết tội người dân. Họ coi thường những điều răn của Chúa để quá chú trọng đến những tập tục do chính họ đặt ra. Chúa Giêsu đã phê phán quan niệm ấy, và mời gọi họ chú trọng đến nhân vị, tức là chính con người. Bởi lẽ, những quy định, luật lệ được thiết lập là phục vụ con người và giúp họ hướng thượng và nên trọn lành.
Với lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã đảo ngược quan niệm “thanh sạch và ô uế” của người đương thời. Trong khi những người này chủ trương những gì ở ngoài sẽ gây ô uế cho con người, Chúa Giêsu lại khẳng định, chính bên trong con người là nguồn gốc của sự ô uế và tội lỗi. Quả vậy, con người là nguyên nhân của biết bao tội lỗi từ khởi đầu của lịch sử cho đến ngày nay. Những tham vọng, ích kỷ và mưu mô từ bên trong con người đã gây nên biết bao đau khổ cho bản thân và cho những người xung quanh. Cuộc sống thường ngày của chúng ta đã chứng minh điều khẳng định của Chúa.
Khi phê phán những biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu mời gọi những ai nghe Người hãy đổi mới quan niệm của mình về việc thờ phượng, để có thể tôn thờ Chúa với tâm hồn ngay thẳng và với thiện chí sống tình bác ái với những người xung quanh. Một thứ thờ phượng môi mép giả hình sẽ biến người ta thành những con rối. Của lễ Chúa muốn, đó chính là tấm lòng chân thành và yêu mến dành cho Chúa, với thiện chí quyết tâm đổi mới cuộc đời.
Biết bao lần chúng ta tham dự các nghi thức phụng vụ mà tâm hồn chúng ta xa Chúa. Có nhiều khi chúng ta giống như những người kinh sư và người biệt phái, chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài mà coi nhẹ tâm tình cầu nguyện, là điều cốt lõi để làm thành việc tôn thờ đích thực. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời được gieo vào lòng chúng ta… Hãy đem Lời ấy ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Bài đọc II). Đối với thánh nhân, lòng đạo đức thật phải sinh ra hoa trái là lòng bác ái và dấn thân phục vụ người nghèo, giúp họ tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã ban Lề Luật qua ông Môisen. Ngài ban Lề Luật để giúp họ nên thánh. Đây là niềm tự hào của dân tộc Do Thái, là dân riêng Chúa đã chọn. Ông Môisen kêu gọi người Do Thái hãy nhìn lại sự ưu ái của Chúa trong lịch sử, nhất là trong hành trình sa mạc để tiến về Đất hứa. Các dân xung quanh phải ghen tị, vì Chúa luôn ở với dân Ngài và hướng dẫn họ, nhờ đó, dân tộc Do Thái trở thành một “dân tộc vĩ đại, khôn ngoan và thông minh”. Các kinh sư và biệt phái đã chất lên vai người dân những gánh nặng của luật lệ, trong khi Chúa đã truyền qua ông Môisen: “Đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em”. Ngài cũng hứa ban hạnh phúc cho những ai chuyên tâm thực thi các thánh chỉ của Ngài. Chúa Giêsu đã đến trần gian để kiện toàn Lề Luật Cựu ước, và Người đã ban “giới răn mới” là đức yêu thương. Đây là giới răn quan trọng và cần thiết đối với mỗi tín hữu, vì “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Giữa biết bao trào lưu đang lôi cuốn con người ngả theo những hình thức đạo đức bề ngoài, xin Chúa cho chúng ta một Đức tin tinh tuyền, để luôn hướng về Chúa, một lòng bền vững tin yêu và thuộc trọn về Ngài.
“Có đức tin là ký vào một tờ giấy trắng và để cho Thiên Chúa muốn viết gì vào đó tuỳ Ngài” (Thánh Augustinô).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2: ĐÀO LUYỆN NHÂN TÂM
It-ra-en là dân Chúa chọn và ban lề luật để sống trong tình thân mật với Giavê Thiên Chúa, trở nên dân tộc vĩ đại, thông minh và khôn ngoan. Tuy nhiên, như Mô-sê nói: dân “Không đuợc thêm bớt điều gì”, nhưng phải “giữ và đem ra thực hành”. Thế nhưng có lẽ các Kinh sư và người Pha-ri-sêu đã cắt nghĩa và giải thích LỀ LUẬT của Thiên Chúa, giúp Dân Chúa dễ hiểu và thực hành. Nhưng qua thế hệ này đến thế hệ khác những phần giải thích và cắt nghĩa càng ngày càng chồng chất trở thành gánh nặng trên vai dân. Hơn thế nữa, vì phần giải thích ngày càng rườm rà nên cũng càng ngày càng xa với tinh thần của LỀ LUẬT, xa vời với cả Thiên Chúa là Đấng ban lề luật nữa. Dẫn đến chủ trương cho rằng người ta chỉ cần tuân giữ lề luật (đã bị chuyện giải thích và cắt nghĩa bóp méo đi) là đủ, chẳng biết Giavê Thiên Chúa là ai và thực ra Ngài muốn gì nữa. Vì vậy các ông kinh sư và Pha-ri-sêu “khôn ngoan” theo kiểu người đời đã coi trọng những việc bề ngoài và phụ thuộc còn những điều chính yếu làcông bình – lòng nhân – và thành tín thì không quan tâm.
Nhân việc họ trách các môn đệ Chúa không rửa tay trước khi ăn, Chúa đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” Để nhắc nhở họ, rồi trước mặt họ Chúa đã đào luyện NHÂN TÂM cho dân chúng.
Chúa dạy rằng: “Không có cái gì bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.”
Quả vậy, ở bất kỳ môi trường sống nào trên trần gian này cũng có những người tốt và những người chưa tốt và cả những người xấu nữa. Người Việt nam ta vẫn nói: “cha mẹ sinh con trời sinh tính” để khẳng định một thực tế là dù con cùng cha mẹ trong một gia đình vẫn có người tốt, người xấu. Như thế có nghĩa là cho dù những điều từ ngoài vào trong con người giống nhau, nhưng được mỗi người “xử lý” ở trong tâm trí mình cách khác nhau mà trở nên tốt hay xấu. Lại trong tâm trí của cùng một con người “xử lý” cùng một thông tin, một sự kiện nhưng đến từ hai người khác nhau thì cũng trở thành tốt xấu khác nhau nữa, vì “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông” đấy thôi.
Thực ra việc nhơ uế hay tinh sạch ở đây không thuộc về phương diện thể lý – bề ngoài, nhưng thuộc về bên trong tâm hồn con người. Cụ Nguyễn Du cũng nói trong Truyện Kiều thế này : “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ý nghĩa và giá trị của tất cả mọi việc con người làm dù lớn dù nhỏ đều tùy thuộc ở cái tâm trong lòng con người.
Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người em tuy đã hoang đàng nhưng khi trở về gặp được lòng nhân hậu của cha, anh đã biết thế nào là hạnh phúc trong “mái nhà của cha”. Vì thế đời anh sẽ tươi nở như hoa trong tình thương của cha. Còn người anh chưa một lần đi hoang, không trái lời cha, nhưng lòng anh lại xa cha vời vợi. Những việc anh làm không xuất phát từ trong tâm hồn yêu mến và cõi lòng hạnh phúc vì được ở với cha, mà xuất phát từ lòng tham và vụ lợi. Vì vậy anh chỉ thấy phải làm việc vì bổn phận và trách nhiệm để xứng đáng với gia tài của cha, chứ có bao giờ anh cần biết đến ”nỗi lòng cha”. Vì vậy, tuy vẫn luôn vất vả với công việc của nhà cha nhưng lòng anh chưa bao giờ gần cha. Thật khốn khổ cho anh, tuy vất vả cả đời mà khi nhắm mắt xuôi tay thì tất cả những gì anh có được chỉ là đống gia tài vật chất phải để lại cho người khác mà thôi. Tất đều vì cái tâm của anh cả thôi, có thể anh không ác tâm, nhưng cái tâm của anh cứ hoài trống rỗng.
Như vậy, Lời Chúa Giêsu dạy chúng ta ngày hôm nay khi đi theo Chúa qua những việc làm cụ thể như: hàng ngày đọc kinh, tham dự thánh lễ, tham gia những công việc của Giáo hội, cũng như những việc bác ái và đạo đức khác… chúng ta có thực sự theo Chúa với con tim tràn đầy tình thương của Chúa? Có thực sự yêu mến Chúa và chia sẻ nỗi niềm của Chúa với anh chị em mình? Hay chúng ta chỉ làm những việc đó với đầu óc tính toán và vụ lợi (kể cả là để được lên thiên đàng) và con tim trống rỗng, nhiều khi còn đầy ích kỷ hẹp hòi, tham lam, ghen ghét và hận thù nữa? Do vậy chúng ta cần phải lắng nghe, gẫm suy và thực hành Lời Chúa để đào luyện tâm hồn mình, rồi cần rước Mình Thánh Chúa để sự sống đích thực, sự sống đời đời trong chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, mới xứng đáng là môn đệ Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục
Nguồn: gphaiphong.org