Bài giảng Chúa Nhật III Phục Sinh năm B
BÀI 1: TỪ NGỜ VỰC ĐẾN VỮNG TIN
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy rõ một điều: sự kiện Chúa Giêsu sống lại ban đầu đều bị các môn đệ khước từ, tức là các ông không tin. Nhân chứng đầu tiên của Đấng Phục Sinh là bà Maria Mađalêna. Với tâm lý của người phụ nữ, rất thích là người đầu tiên loan báo một tin sốt dẻo, bà đã vội chạy đi báo tin cho các môn đệ. Theo Thánh Luca, khi đón nhận tin này, nhóm Mười Một cho đó là chuyện vớ vẩn (x. Lc 24,11). Cả hai môn đệ trên đường đi Emmaus cũng cùng chung một ý nghĩ (x. Lc 14,13-35). Kể cả khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các ông, các ông vẫn chưa tin, lại còn tưởng là ma (x. Lc 24,37). Điển hình là trường hợp Tôma, ông thách thức chỉ khi nào được thọc tay vào cạnh sườn Chúa và xỏ ngón tay vào lỗ đinh thì mới tin. Chúa Giêsu đã hiện đến để đáp lại thách thức của Tôma (x. Ga 20, 26-27).
Sự cứng lòng của các môn đệ trước sự kiện Phục Sinh là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, kinh nghiệm cuộc sống cho thấy chẳng có ai đã chết mà sống lại. Đàng khác, các ông đang sợ hãi và bị ám ảnh bởi biến cố thập giá. Trước sự đắc thắng của các kỳ mục Do Thái, các ông thấy cần phải dè dặt, cho nên đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (x. Ga 20,19). Sự kiện các ông ngờ vực trước lời báo tin của mấy người phụ nữ cũng cho thấy sự cẩn trọng của những người có trách nhiệm. Đây là điều sau này chúng ta gọi là sự khôn ngoan của các vị lãnh đạo Giáo Hội trước những quyết định quan trọng có liên quan đến chân lý Đức Tin.
Nếu lúc ban đầu, các ông nghi ngờ sự kiện Phục Sinh, thì sau này, các ông lại sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho sự kiện ấy. Chúng ta có thể phân biệt hai giai đoạn: giai đoạn trước và sau gặp Đấng Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ với Đấng Sống Lại đã tiếp sức cho các môn đệ. Từ những người sợ hãi nhút nhát đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, các ông trở nên những chứng nhân can đảm, sẵn sàng loan báo Chúa đã sống lại, và còn hân hoan vì được xứng đáng chịu đau khổ vì Chúa (x. Cv 5,41). Sau này, tất cả các tông đồ đã chấp nhận hy sinh mạng sống để làm chứng về điều họ đã được xem thấy. Điều họ xem thấy là gì? Là Đấng đã từ cõi chết sống lại.
“Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào các ngôn sứ!” (Ga 20,25). “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Chính Thầy đây!” (Lc 24,38-39). Đó là những lời quở trách thái độ chậm tin của các tông đồ. Hai mươi thế kỷ đã qua, sứ điệp Phục Sinh vẫn đang tiếp tục loan báo cho nhân loại. Đó là sứ điệp của niềm hy vọng, giữa một thế giới đầy bi quan tăm tối. Có thể ngay trong các cộng đoàn tín hữu, vẫn còn nhiều người chưa thực sự xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh. Có thể những anh chị em lương dân chưa nhận ra Đấng Phục Sinh, bởi vì những cộng đoàn Đức Tin chưa phản ánh được sự hiện diện của Người. Làm sao người tin Chúa có thể chứng minh Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện, khi đời sống của họ vẫn còn đầy tội lỗi, ghen ghét, hận thù và chia rẽ? Làm sao họ có thể tin vào Đức Giêsu phục sinh, khi những người tin Chúa lại không thực hiện giáo huấn của Người?
“Chính anh em là những nhân chứng về những điều này”. Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao cho các ông sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa. Các ông đã nhiệt thành chu toàn sứ mạng ấy và nhờ vậy, Tin Mừng đã được loan truyền khắp thế giới.
Ý tưởng “chuộc tội”, “đền bù tội lỗi”, “ơn tha tội” rải rác trong cả ba bài đọc của Phụng vụ hôm nay. Trong niềm vui hân hoan của lễ Phục Sinh, nhiều người đặt câu hỏi: “Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu có tác động và liên hệ gì đến chúng ta?” Thánh Gioan tông đồ đã trả lời: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (Bài đọc II). Như thế đã rõ, lễ Phục Sinh không nhằm kỷ niệm một sự kiện đã qua, nhưng để giúp con người lãnh ơn tha tội, và nhờ đó, họ được cứu rỗi. Thập giá Đức Kitô và sự phục sinh của Người là cội nguồn ơn cứu độ.
“Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để người xóa tội anh em” (Bài đọc I). Lời kêu gọi của thánh Phêrô trong bài giảng ở cửa Đền thờ Giêrusalem đã khẳng định Đức Giêsu là Đấng có quyền tha tội. Trong Người, Thiên Chúa đã thiết lập một kỷ nguyên mới. Cây thập giá chính là cờ hiệu của kỷ nguyên ấy. Đó là kỷ nguyên của tình yêu thương, khởi đi từ sự tự hiến chính thân mình của Đức Giêsu.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2: ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VÀ DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LỜI CHÚA
Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng một câu “dở dang”, đòi phải trở lại những câu ở phần trên thì mới hiểu được toàn bộ câu chuyện. Bài Tin Mừng bắt đầu như sau: “Hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.
Đối với những người hiểu biết Kinh Thánh, họ sẽ biết ngay phần trên của câu chuyện là gì và hai ông này là ai. Nhưng có thể có người không biết rõ câu chuyện ở phần trên và hai ông này là ai, vì thế chúng ta phải nói rõ thế này: đây là hai môn đệ đã gặp Chúa trên đường trở về Em-mau mà thánh sử Luca đã ghi lại (24,13-35). Ngài còn nói rõ một trong hai ông tên là Cơ-lê-ô-pát. Sau khi được Chúa đồng hành và giải thích Kinh Thánh, được Chúa đồng bàn và bẻ bánh để rồi nhận ra Chúa, các ông đã vội vã trở lại Giê-ru-sa-lem để gặp Nhóm Mười Một (phần này được suy ngắm ở năm A theo chu kỳ năm phụng vụ). Khi đã gặp họ, “hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”. Đây chính là phần đầu dẫn vào bài Tin Mừng hôm nay.
Thánh sử Luca kể tiếp: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”. Và rồi ta sẽ thấy sự kiên trì của Đấng Phục sinh khi Người cố gắng củng cố niềm tin cho các tông đồ, môn đệ. Các ông “hoảng hốt” và “ngờ vực”, Chúa Phục sinh phải cho các ông xem chân tay mình. Các ông vẫn “còn chưa tin”, Người phải “cầm lấy và ăn trước mặt các ông”. Xem ra chưa đủ, Chúa lại phải nhắc tới Kinh Thánh, rồi còn “mở trí cho các ông hiểu”. Không biết như thế đã đủ cho các ông chưa, thánh sử Luca sau đó nói đến việc hứa ban Thánh Thần: “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (24,49).
Khi kể lại tất cả các sự kiện trên, thánh sử Luca dường như muốn nói cho chúng ta hay rằng: biến cố phục sinh ngay từ đâu không phải là một điều dễ tin, dễ chấp nhận. Đó là một sự kiện hết sức mới mẻ, vượt mọi dự tính, suy đoán và hiểu biết của con người. Và để có được một niềm xác tín vào Đấng Phục sinh, đòi hỏi hết mọi người tín hữu phải sẵn lòng để Chúa Phục sinh kiên trì dạy dỗ và giải thích cho mình. Có hai môi trường và hoàn cảnh thuận lợi cho việc Chúa Phục sinh hiện diện và dạy dỗ chúng ta, đó là đời sống cộng đoàn và Lời Chúa. Hai môn đệ đã được gặp Chúa dọc đường, các ông lại được gặp Chúa lần nữa khi trở về với Nhóm Mười Một. Lòng các ông đã chẳng “bừng cháy lên” khi được Chúa nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho đó sao! Nhất là khi các ông được Chúa “mở trí” cho để am hiểu Kinh Thánh.
Với cuốn Tông Đồ Công Vụ, người ta hiểu thánh sử Luca là một vị thánh sử rất lưu tâm tới đời sống cộng đoàn. Tông Đồ Công Vụ là cuốn sách ghi lại sinh hoạt của Giáo hội tiên khởi, một cộng đoàn gương mẫu cho đời sống của tất cả những ai tin vào Đấng Phục sinh. Khi ghi lại sự kiện Đấng Phục sinh “đến” và kiên trì giáo huấn và củng cố niềm tin cho các tông đồ, môn đệ, ngài cũng muốn kể lại kinh nghiệm ngay từ thuở đầu của Giáo hội. Đó là một Giáo hội có tính cách cộng đoàn và sống Lời Chúa. Chỉ khi nào chúng ta ở trong bầu khí của cộng đoàn Giáo hội, chỉ khi nào chúng ta siêng năng lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, niềm xác tín của chúng ta vào Đấng Phục sinh mới chắc chắn và vững vàng. Sự xa rời cộng đoàn, sự trễ nải trong việc lắng nghe Lời Chúa là những lý do làm cho đời sống đức tin của chúng ta sa sút và yếu kém.
Bài Tin Mừng hôm nay như một lời nhắc nhở chúng ta tự kiểm điểm lại đời sống đức tin của mình. Đức tin của chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng gì và trong môi trường nào?
Chúng ta có để Đấng Phục sinh tiếp tục kiên trì đến với chúng ta, dạy dỗ chúng ta không, nhất là mỗi khi chúng con họp nhau tham dự “lễ bẻ bánh” và cùng nhau chia sẻ Lời Chúa. Amen.
Lm. Giuse Dương Hữu Tình
Nguồn: gphaiphong.org