Bài giảng Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm B
BÀI 1: DI CHÚC YÊU THƯƠNG
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có rất nhiều chuyện kể về những người cha mẹ hay những bậc tôn sư, trước khi nhắm mắt, muốn dặn dò con cái bằng những hình ảnh, những lời khuyên để mong họ hòa thuận, thành đạt. Những lời di chúc ấy luôn là tâm huyết của người sắp đi xa, gói trọn tình thương yêu trìu mến. Con cái ở lại, nhờ thực hiện những lời khuyên ấy, mà cảm thấy như cha mẹ vẫn hiện diện bên mình để yêu thương và phù trợ.
Những lời của Chúa Giêsu được đọc trong phụng vụ hôm nay là lời di chúc dành cho các môn đệ và cho tất cả những Kitô hữu. Đây là tâm tình thày trò trước lúc Chúa bước vào cuộc khổ nạn. Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thày”, “Anh em hãy yêu thương nhau”. “Ở lại trong tình thương của Chúa” và “Yêu thương nhau” là hai mặt của một tấm huân chương, là hai vấn đề liên kết có tính “lô-gíc” hướng chúng ta về Đấng cao cả và về phía tha nhân.
Trong xã hội hiện đại này, xem ra người ta lãng quên cả hai khía cạnh của lời di chúc đó. Một đàng, lời giáo huấn của Chúa ít được đón nhận và thực hành. Đàng khác, sự dửng dưng vô cảm đối với tha nhân càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Dựa trên những thông tin về bạo lực được đăng trên các trang tin điện tử, có người đã nhận định, người Việt mình bây giờ càng ngày càng hiếu chiến và thích đánh nhau. Giữa cảnh đất nước thanh bình mà huynh đệ tương tàn, làng xóm đổ máu. Trong 6 ngày nghỉ lễ dịp 30-4-2015 vừa qua, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có 300 ca đánh nhau phải nhập viện (x. Vnexpress ngày 3-5-2015). Còn nhớ trong dịp tết Ất Mùi trước đó, có trên 6000 ca đánh nhau bị thương, theo con số thống kê từ các bệnh viện. Rồi phải kể đến bạo lực trong gia đình, tại trường học, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm. Lãng quên Thiên Chúa và coi thường tha nhân là cội rễ sinh ra mọi tội lỗi. Đức yêu thương mà Chúa Giêsu rao giảng hơn hai ngàn năm nay là chìa khóa của hạnh phúc, nhưng nhiều người đã khước từ.
Một khi chuyên tâm thực hiện lời dạy yêu thương của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ trở thành “bạn hữu” của Người. “Anh em là bạn hữu của Thày, nếu anh em thực hành những điều Thày truyền dạy”. Thật là một vinh dự lạ lùng! Chúng ta là con người còn đầy yếu đuối và tội lỗi, lại có thể trở nên bạn hữu của Đấng Cứu thế. Quả vậy, một khi thực thi những giới răn của Người, nhất là giới răn yêu thương, thì chúng ta sẽ luôn có Chúa là người đồng hành, là người chia vui sẻ buồn, là người tâm huyết, gần gũi và thân tình. Khái niệm Chúa Giêsu là “bạn hữu” giúp chúng ta đi vào sự kết hợp bền chặt thâm sâu với Người, nhờ đó, chúng ta có sự bình an và niềm vui nội tâm, là nền tảng định hướng cho mọi suy tư và hành động trong cuộc sống hằng ngày.
Để lại cho các môn đệ lời dặn yêu thương, Đức Giêsu cũng đã ban cho Giáo Hội và thế giới Đấng chính là Tình Yêu Thiên Chúa, tức là Chúa Thánh Thần. Thánh Phêrô đã ngỡ ngàng khi thấy Chúa Thánh Thần cũng ngự xuống nơi những người chưa chịu phép Rửa. Chúa Thánh Thần là quà tặng Chúa ban cho cả thế giới, để canh tân vũ trụ và đổi mới lòng con người. Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, làm cho vương quốc công chính sớm được thực hiện nơi trần gian. Những ai đón nhận Chúa Thánh Thần thì được Ngài soi sáng và dạy dỗ. Sự trường tồn và phát triển lớn mạnh của Giáo Hội trước bao sóng gió trần gian, là bằng chứng về hoạt động mạnh mẽ của Ngôi Ba Thiên Chúa (Bài đọc I).
Yêu thương là sáng kiến đến từ Thiên Chúa, vì chính Ngài đã yêu chúng ta trước (Bài đọc II). Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm gương cho chúng ta về đức yêu thương. Người đã hiến mạng sống mình trên thập giá vì yêu thương nhân loại và để đền tội cho chúng ta. Người tín hữu được Chúa sai vào lòng cuộc đời sống và loan truyền tình yêu thương cho tha nhân, đồng thời làm chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống. Vâng, Chúa đã chọn và đang cắt cử chúng ta vào cuộc sống xã hội còn đầy những khó khăn phức tạp, để hát lên niềm vui của Tin Mừng và để làm chứng Chúa đã phục sinh.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2: HUYỀN NHIỆM TÌNH YÊU VÔ BỜ VÀ PHONG NHIÊU CỦA THIÊN CHÚA
Có thể nói kể từ Chúa nhật Chúa chiên lành (Chúa nhật thứ bốn) cho đến Chúa nhật cuối cùng của Mùa Phục Sinh, tức Chúa nhật thứ bẩy, các bài Tin Mừng gắn kết với nhau theo một ý tưởng xuyên suốt. Hai Chúa nhật trước, Chúa Giêsu dùng hình ảnh để nói về tương quan giữa Người với các môn đệ (Mục tử- đoàn chiên, cây nho- cành nho), thì tới Chúa nhật này, bài Tin Mừng được suy ngắm chính là phần tiếp theo bài Tin Mừng của Chúa nhật trước, Chúa không dùng hình ảnh, ví dụ nữa mà nói một cách trực tiếp.
Xét theo văn mạch, những lời tâm tình ở đây mang một kiểu nói lập luận, kiểu tam đoạn luận. Chính vì thế, lời tâm tình dễ làm cho người nghe, người đọc cảm thấy đôi chút khó hiểu, nhưng chính cái khó hiểu ấy lại dẫn chúng ta có thể đi sâu hơn vào một huyền nhiệm vô cùng thâm sâu và cao quý. Đó là huyền nhiệm tình yêu vô bờ và phong nhiêu của Thiên Chúa. Kiểu nói lập luận bắt đầu bằng câu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. “Ở lại trong tình thương của Thầy” là gì nếu không phải là nối tiếp tình yêu thương của Chúa, các môn đệ phải tiếp tục yêu thương lẫn nhau. Điều này Chúa sẽ nói ngay sau đó. Một kiểu lập luận khác như sau: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”.
Huyền nhiệm vô cùng thâm sâu và cao quý ấy bắt đầu từ nơi Chúa Giêsu. Chính Người tỏ lộ cho các môn đệ biết sự thật về mình. Người là ai? Là Đấng luôn được Thiên Chúa Cha yêu mến và Người đã sẵn sàng ban lại tình yêu ấy cho các môn đệ. Giờ đây Chúa muốn rằng tình yêu thương ấy phải được tiếp nối nơi các môn đệ, cho nên Người mới đưa ra tôn chỉ cho các ông: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”. Tuân giữ các điều răn Chúa dạy chính là phương thế để tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục tuôn chảy nơi các môn đệ. Tại sao vậy? Bởi vì điều răn Chúa truyền dạy chính là một lời khuyên, một lời nhắc bảo: nếu làm như thế thì sẽ được như thế. Và: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Điều răn của Chúa cũng chính là mấu chốt của vấn đề. Để đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, con người không chỉ dừng lại ở những ước muốn và niềm khao khát, nhưng còn phải mở rộng lòng mình qua những hành động cụ thể, đó là yêu thương sự thực, yêu thương có đối tượng, yêu thương tha nhân thật lòng. Rõ ràng có một nguồn suối tình yêu rất phong nhiêu phát xuất từ cung lòng của Thiên Chúa Cha, tuôn chảy qua Chúa Giêsu và đến với các môn đệ; để từ các môn đệ, dòng suối tình yêu ấy lại tiếp tục chảy tới hết thảy anh chị em đồng loại và cứ chảy mãi bao lâu còn có con người sống trên mặt đất. Hễ có một người được sinh ra là có một cánh cửa đã được mở ra cho tình yêu của Thiên Chúa tuôn chảy vào. Chảy vào đó để rồi lại chờ dịp tiếp tục chảy vào một con người mới. Tình yêu của Thiên Chúa như một nguồn suối phong nhiêu vô tận chứ không thể trở thành một thứ ao tù. Chỉ khi nào chúng ta được hòa mình sống trong nguồn suối tình yêu vô tận ấy, chúng ta mới cảm thấy được niềm vui và hạnh phúc thực sự. Phải chăng vì thế mà Chúa đã thốt lên: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”.
Suy nghĩ về nguồn suối và ao tù, tôi liên tưởng tới mười một tông đồ đang ngồi lắng nghe từng lời tâm tình của Chúa với một sự xúc cảm sâu xa; tôi cũng nghĩ tới Giuđa, vị tông đồ đã đang tâm bỏ Thầy và anh em để ra đi trong đêm tối (Ga 14,30). Nơi tâm hồn con người, há chẳng phải đã có những dòng suối và ao tù đó sao? Mừng thay biết bao tâm hồn luôn mở rộng cánh cửa lòng mình cho tình yêu phong nhiêu vô tận của Thiên Chúa tuôn đổ vào và làm cho dòng chảy đó tiếp tục tuôn đổ trong tâm hồn anh chị em đồng loại. Đau đớn thay những tâm hồn chỉ biết mở lòng mình đón nhận nguồn suối tình yêu thần linh ấy, nhưng đã vội vàng đóng kín ngay đường ra, biến nguồn suối phong nhiêu vô tận kia trở thành ao tù hôi hám của lòng người.
Tôi là ai trong số những dòng người này?
Lm. Giuse Dương Hữu Tình
Nguồn: gphaiphong.org